Bãi cỏ hoang bừng nắng - Trần Đức Tiến

07.03.2017

Bãi cỏ hoang bừng nắng - Trần Đức Tiến

Từ xa xưa, chó luôn là loài vật thân thiết, gần gũi với con người. Hiếm có con vật nuôi nào vừa khôn ngoan, vừa trung thành và tình cảm như cậu Vàng, cô Vện hay thằng Cún... Có lẽ vì thế mà trong số những tác phẩm văn chương viết về loài vật nói chung, những tác phẩm có con chó là nhân vật chính thường để lại ấn tượng khó quên trong lòng người đọc. “Con Bim trắng tai đen”, “Cún bụi đời”, “Chó xanh lông xù”, hay “Con chó xấu xí”… là vài ba ví dụ ngẫu nhiên nhưng cũng khá tiêu biểu (của văn học nước ngoài đã dịch ra tiếng Việt và văn học trong nước) chứng minh cho nhận xét trên.

Trước một đề tài quen thuộc đã từng có nhiều thành công như vậy, Bùi Tự Lực hẳn phải biết rõ những thử thách đang chờ anh ở phía trước, trước khi quyết định đặt bút viết tập truyện vừa “Chó hoang”. Nhưng rất may, dường như anh đã “quên” mất điều đó, quên là mình đang viết văn. Người đọc không hề cảm thấy một chút áp lực nào chi phối hành văn của tác giả. Anh kể chuyện, giống như bất kỳ ông khách nào trong cái quán cà phê “Ban Mai” ở góc ngã tư phố Nguyễn Thị Thập - Ngô Đức Kế, sau ngụm cà phê đầu tiên, sực nhớ ra và kể cho mấy ông bạn ngồi cùng bàn nghe câu chuyện xảy ra trong cái khu phố nhỏ của mình - câu chuyện về con chó hoang mới xuất hiện ở cái bãi đất trống bên kia đường:

“Một con chó cái gầy nhom... Dáng đi của nó chậm rãi, cụp đuôi, cúi đầu... Hình như nó đang tìm một cái gì đó bị đánh rơi. Đôi mắt buồn, lại có cái nhìn xéo lấm la lấm lét sợ sệt và luôn luôn giữ một khoảng cách xa chừng mươi thước với con người”.

Con chó - nhân vật chính trong cuốn sách của Bùi Tự Lực hiện ra với bộ dạng rất “hoàn cảnh” như vậy. Mà đúng là hoàn cảnh của nó đáng thương thật. Xuất thân từ một nòi chó quý, con My tuyệt đối trung thành với chủ, trở thành bạn thân của cậu bé mới lẫm chẫm biết đi là con chủ nhà. Một lần, vì cứu bạn thoát khỏi tai nạn giao thông, My lại bị chủ hiểu lầm là hại bạn, bị trận đòn thừa sống thiếu chết, cuối cùng, bị tàn nhẫn quẳng ra bãi rác. Khi tỉnh lại, My trở thành con Vằn, một cái tên mới với một thân phận mới - con chó hoang.

“Sự oan khiên đi liền với tai họa, giận hờn sản sinh ra tàn bạo, đòn trừng phạt phũ phàng là bạn đường của tội ác. Đó là cội nguồn đẩy con chó mỗi ngày một cách xa với con người... Một con vật chí nghĩa chí tình như con Vằn cũng không thoát được... Không biết liệu loài người văn minh có vô tình đặt chân lên tình người, chọc gậy khuấy sào đục ngầu ân nghĩa mà đẩy nhau ra xa?”.

Chương sách cảm động, bỗng nhiên trĩu nặng suy tư, được Bùi Tự Lực đặt vào nửa cuối cuốn sách, vừa giải thích thấu đáo những hành vi khác thường trước đó của con chó hoang, vừa chuẩn bị cho sự bùng nổ mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc của cái kết thúc có hậu thật hấp dẫn và phù hợp với tâm hồn trẻ thơ. Được cảm hóa bởi lòng nhân từ của ông bà giáo, con vật tinh ranh lọc lõi, tưởng như mãi mãi cự tuyệt con người ấy đã quay lại cứu mạng ông giáo, trong một hoàn cảnh ngặt nghèo mà cái sống và cái chết của ông chỉ cách nhau trong đường tơ kẽ tóc. Pha chiến đấu giữa con chó hoang với con rắn hổ mang chúa thật bất ngờ, ngoạn mục. Và cái hình ảnh ông giáo thảng thốt nghẹn ngào trước hành động dũng cảm của con vật giống như một lời tạ ơn, một lời xin lỗi, không chỉ cho riêng ông, mà cho cả sự vô tình vô cảm của những ai đó:

“Ông giáo quay lại ôm ngực thở dốc, nói đứt đoạn:

- Con Vằn nó... nó cứu tôi! Con Vằn đã cứu tôi các bác ạ! - Ông giáo lại ôm ngực. Tiếng ho như bị kìm nén không thoát ra được, khiến ông tức thở - Phải tìm bằng được để giữ nó lại. Nó đã về đây rồi thì nhất định không đi đâu xa... Bà con ơi! Hãy tìm giúp, tìm con Vằn cho tôi!...”.

 

Bùi Tự Lực đã từng có những sáng tác thành công cho thiếu nhi. Tập truyện “Nội tôi” của anh được giải thưởng của Nhà xuất bản Kim Đồng và tái bản nhiều lần. Ngoài ra anh còn có một số tác phẩm đáng chú ý khác cũng dành cho bạn đọc nhỏ tuổi: “Cái ống phốc và trái banh chuối”, “Trên những nẻo đường giao liên”...

Mặc dù dành khá nhiều trang viết về tấm lòng nhân hậu, sự tận tụy của ông bà giáo già, cũng như của mấy thành viên trẻ tuổi ở “Trạm cứu hộ chó mèo”, nhưng Bùi Tự Lực vẫn thành công hơn cả với hình tượng con Vằn. Một con chó nhà khôn ngoan bị người chủ ruồng bỏ đã biến thành chó hoang. Vằn “luôn luôn giữ một khoảng cách xa chừng mươi thước với con người”. Ngay cả khi quay lại thực hiện xong cái hành động đền ơn đáp nghĩa với ông giáo, Vằn lại biến mất. Vằn không giống với đồng loại đã từng xuất hiện trong nhiều tác phẩm của những nhà văn khác. Nét tính cách đặc sắc đó của con chó trong tác phẩm của Bùi Tự Lực giống như một lời cảnh báo đối với con người về lòng tự trọng của loài vật.

Văn Bùi Tự Lực giản dị, chân thực. Nói như nhà văn Thanh Quế, một người bạn, người đàn anh rất thân thiết của anh trong nghề cũng như ngoài đời: “chân thực, hoàn toàn chân thực... chỉ có những người trong cuộc mới kể được những câu chuyện giản dị mà xúc động đến thế”.

Chân thực hẳn nhiên là một phẩm chất quý của văn chương. Nhưng giá như Bùi Tự Lực đừng “chân thực” đến mức... thật thà quá! Cái “ngã tư Nguyễn Thị Thập - Ngô Đức Kế” ấy cần gì phải được lặp đi lặp lại không thiếu chữ nào đến năm, bảy lần? Cũng chả cần phải kể tên cụ thể “khu đô thị mới Tây Phú Lộc”, “đại lộ Lý Thái Tông”, “trường đại học Tổng hợp Hà Nội”... Và giá như ở một vài chỗ khác, khoa học đừng hồn nhiên “ngồi nhầm” chỗ của văn chương: con chó có “diễn biến tâm lý quá phức tạp”, “diễn biến tâm sinh lý khác thường”...

Bỏ qua mấy sơ suất lặt vặt hoàn toàn có thể khắc phục đó, “Chó hoang” chắc chắn còn để lại nhiều dư vị ấm áp trong lòng người đọc, như cách tác giả khép lại cuốn sách bằng hình ảnh: bãi cỏ hoang bừng nắng.

 

T.Đ.T

Bài viết khác cùng số

Liễu Chương Đài - Đỗ Nhựt ThưHoa rau muống - Lương Hoàng HạcHoa ngò điểm trắng Giêng - Hai - Nguyễn Thành GiangTản văn Nguyễn Văn HọcLễ hội thuyền ... giấy - Nguyễn Thị Bích NhànCuộc hội ngộ sau 44 năm với các chiến sĩ biệt động Lê Độ thành phố Đà Nẵng - Giang Nguyên TháiĐoàn Văn công giải phóng Trung Trung bộ trong những năm chiến tranh - Nguyễn Hữu TyNhớ trận đánh Trùm Giao – Đỗ Văn Đông (kể) Đình Hiệp (ghi)Nhớ lại những ngày giải phóng Đà Nẵng - Phạm Đức Nam* (kể) Thế Quang (ghi)Về một khoảng trời ký ức - Hoàng Hương ViệtĐà Nẵng - Tầm cao mới - Lê Minh QuốcRủ trăng về - Trần Văn HuyBản thảo tháng Giêng - Đỗ Thượng ThếMã Châu - Trần TuấnTrong cơn mưa Đà Nẵng - Văn Công HùngNhớ Hà Thân - Vỹ NguyễnChờ đợi mùa xuân chảy từ một ô cửa khác - Hoàng Thụy AnhMơ vườn lạnh - Đinh Thị Như ThúyLắng nghe tình yêu ban mai - Nguyễn Hải LýNgang lối rẽ - Thùy AnhThắp nắng - Thái Hòa“Những bước chân nhẹ trên những con đường cũ” - GS. TS. Huỳnh Như PhươngBảo tàng trong không gian sinh thái (Trường hợp Bảo tàng Đồng Đình, Đà Nẵng) - TS. Trần Thị Ánh NguyệtPhan Khôi - Bàn về thiên chức văn học của phụ nữ Việt Nam - Vân TrìnhBãi cỏ hoang bừng nắng - Trần Đức Tiến Nâng cao chất lượng cảm nhận không gian cảnh quan góp phần tạo nên bản sắc văn hóa cho đô thị Đà Nẵng - TS. KTS Tô Văn HùngTình yêu, niềm tự hào và sự hiểu biết về văn hóa dân tộc vô cùng cần thiết cho người biên đạo - nghệ sĩ múa Việt Nam - Lê Huân