Nhớ trận đánh Trùm Giao – Đỗ Văn Đông (kể) Đình Hiệp (ghi)
Tốt nghiệp Đại học tổng hợp tôi được tập trung về trường huấn luyện. Cầm trên tay tờ chứng minh ghi rõ: Số hiệu quân nhân: 1.993.886 chiến trường B1, B46, tôi đã sung sướng vì từ nay mình đã thành người lính. Những người con của miền Nam đều khao khát được trở về quê hương. Còn với tôi, tôi khao khát được vào một chiến trường ác liệt nhất, nóng bỏng nhất để thử thách, điều mong muốn ấy chỉ ấp ủ trong lòng, vì những người con của miền Bắc đã ra trận, đâu cũng là mặt trận, chẳng ai có lý do gì để chọn chiến trường.
Con tàu đưa chúng tôi vào Nam chầm chậm chuyển bánh rời ga Hàng Cỏ, không người thân, không lời đưa tiễn, chỉ có những người Hà Nội chờ qua đường đưa tay vẫy theo bóng con tàu.
Sau khi chúng tôi vung hết gói kẹo Hải Châu xuống ngã tư Khâm Thiên về phía những người đứng chờ tàu qua. Mấy chị sợ quá, lấy nón che mặt. Tôi tự nói với chính mình “Xin các chị đừng nghĩ chúng tôi là một đám kiêu binh. Rằng, đây là tình cảm của những đứa con sắp xa Hà Nội, xin được gửi lại chút ngọt bùi của tấm lòng thơm thảo cho người ở lại. Dù vẫn biết ở phía chân trời xa kia đạn bom, khổ đau, cay đắng đang chờ”.
Con tàu chở quân vào Nam chạy qua ngã tư Văn Điển, đồng đội tôi đã về chỗ ngồi, hát vang bài ca Trường Sơn. Tôi đứng nép vào khoảng trống giữa hai toa tàu, áp mặt nhìn qua cửa sổ, Hà Nội lui dần về phía sau, một Hà Nội đang cùng chúng tôi lao lên phía trước. Tôi như đang đứng trong khoảng không trọng lượng. Tôi bỗng giật mình khi anh Hoàng Hởi (người cùng đoàn) đi qua phía sau, vỗ nhẹ vai tôi, anh cười: Đã lại “mơ Hà Nội dáng Kiều thơm!”.
Từ bấy đến nay, gần một phần ba thế kỷ đã trôi qua, nhiều đêm ngồi bên bàn làm việc, tôi vẫn thấy thoáng đâu đây những người mẹ ở vùng đông Thăng Bình gồng gánh con nhỏ trên một chiếc thúng để chạy lên vùng núi Quế Sơn lánh càn sau ngày địch tái lấn chiếm. Những em bé bám trên lưng mẹ, quanh người được choàng một tấm áo rách. Suốt ngày đêm lúc nào cũng nghe tiếng bom rơi, đạn nổ, lúc thì nghe rộn lên như tiếng bắp rang, lúc thì thập thình như hàng chục cối giã gạo chày đôi. Từng phút, từng giây đều có sự hy sinh, chết chóc. Cái chết luôn rình rập ở trên đầu, đất không kịp khô nước mắt và máu người. Có những túp lều bị địch đốt cháy mười bảy lần trong một tháng, người dân nơi đây vẫn kiên trì trụ bám “một tấc không đi, một ly không rời”, quyết giữ vững cơ sở cách mạng.
Một đêm, khi về đã 3 giờ sáng, du kích mật đưa tôi đi phát động phong trào quần chúng nổi dậy ở vùng sâu. Bà mẹ Quảng Nam vẫn ngồi một mình bên ngọn đèn dầu mờ nghe ngóng, một tiếng nổ từ xa cũng làm mẹ giật mình thảng thốt. Khi biết chúng tôi trở về an toàn, mẹ vui mừng khôn xiết. Tôi nghe rất rõ câu nói của mẹ với người xã đội trưởng: “Tội nghiệp, thằng ấy, nó ở Hà Nội, chả có bà con, họ hàng ở đây sao mà nó thương dân mình dữ rứa”. Tôi vô cùng xúc động và xem đó như là một lời động viên, một phần thưởng cao quý của người mẹ Quảng Nam, đó cũng là lời nhắc nhở với những người con trên quê hương của mẹ, và hơn thế nữa mẹ muốn tỏ lòng biết ơn các bà mẹ miền Bắc đã sinh ra những người con đang chiến đấu, giải phóng quê hương của mẹ.
Cuối tháng 5 - 1974 tôi về tiểu đoàn 3, lúc đó tiểu đoàn vừa đánh trận ở Cấm Lớn, Trường Giảng. Với nhiệm vụ phái viên, tôi được bổ sung vào ban chỉ huy tiểu đoàn. Lúc đó tiểu đoàn 3 đóng quân ở Điện Xuân (nay là Điện Hồng). Trước khi về tiểu đoàn 3, tôi đã có vài lần làm việc, được tiếp xúc với Điện Bàn và thấy yêu quý mảnh đất này vì nhiều lẽ: Đây là mảnh đất ác liệt. Là vành đai áp sát thành phố Đà Nẵng, là vùng đất mùa nắng xác xơ bãi bói. Mùa mưa Gò Nổi hóa gò chìm. Con người nơi đây như thép như gang, được tôi luyện trong lửa đỏ và nước lạnh.
Ở tiểu đoàn 3 phần đông các chiến sĩ quê ở miền Bắc, ở nhiều tỉnh khác nhau, anh em sống với nhau như trong một gia đình, nhiều người đã chiến đấu trên đất này gần cả chục năm, họ xem Điện Bàn như là quê hương của chính mình, và người dân ở đây vẫn coi các anh như là con em của đất Điện Bàn.
Chiến dịch thu 1974 mở ra, để phối hợp hoạt động ở trọng điểm của bộ đội chủ lực ở Nông Sơn - Trung Phước và Thượng Đức, mặt trận 4 mở đợt hoạt động mạnh trên khắp chiến trường. Lấy vùng A - B Điện Bàn làm trọng điểm.
Tiểu Đoàn 3 nhận lệnh đánh cứ điểm ngã ba Trùm Giao (Điện Hồng ngày nay), ngã ba này có vị trí quan trọng nằm trên đường 100. Bộ đội địa phương của huyện từng đánh cứ điểm này vào mùa thu 1973 nhưng không thành. Một người bạn tôi đã mãi mãi nằm lại nơi này. Đó là anh Nguyễn Hồng (Quê ở Đội 7 Đại Đồng - Đức Long - Đức Thọ - Hà Tĩnh) bạn ở cùng phòng, cùng tổ 4, cùng lớp ở trường đại học, cùng vào trường huấn luyện, lên đường vào Nam cùng một ngày, cùng một hướng chiến trường.
Ngã ba Trùm Giao (hay còn gọi là ngã ba Cẩm Lý, thuộc địa phận xã Điện Hồng, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) là con đường nối liền 3 tỉnh/thành Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam. Nắm được điểm chốt yếu đó, địch đã chọn ngã ba Trùm Giao làm nơi đóng quân, chốt chặn sự lưu thông của quân giải phóng từ Bắc chi viện vào Nam và ngược lại.
Các đơn vị tham gia trận đánh này gồm có tiểu đoàn 3 bộ binh, một số đơn vị thuộc tiểu đoàn 76 Hải Đà (lực lượng quân đội Hải Phòng tiếp viện cho Đà Nẵng), trung đoàn pháo binh 575 yểm trợ kèm theo một lực lượng tiểu đoàn 1 tăng cường và bộ đội, chiến sĩ du kích địa phương Điện Bàn.
Sau nhiều đêm trinh sát, lắng nghe, chọn lọc, các nguồn tin của cơ sở, lên phương án tác chiến. 14 giờ ngày 19 tháng 7, ban chỉ huy tiểu đoàn có mặt tại sân chỉ huy để duyệt lại phương án lần cuối, báo cáo cấp trên và xin ý kiến trực tiếp của đồng chí Phan Hoan (Tư lệnh Mặt trận 4) đồng chí Lê Công Thạnh (Phó Chính trị Mặt trận đồng thời là Phó chính ủy). Mọi phương áp đều được vạch ra trên mặt đất.
Nhiệm vụ từng đồng chí trong ban chỉ huy được phân công rõ ràng, đồng chí Sang tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 3 làm chỉ huy trưởng, đồng chí An (chính trị viên trưởng) làm chỉ huy phó, đồng chí Bôi (Tiểu đoàn phó) trực tiếp chỉ huy mũi chủ công đánh lô cốt đầu cầu - mở cửa. Còn tôi chỉ huy phó 2, sau trận đánh sẽ không lên chiếm lĩnh trận địa mà phải quay về ngay trực chỉ huy sở, xử lý tình huống, tổ chức đưa quân đánh viện.
Theo ý kiến của cấp trên, đây sẽ là một trận đánh rất ác liệt nên không thể để quá nhiều nhà văn nhà báo trực tiếp tham gia dễ gây tổn thất cho đội ngũ tri thức của ta. Lệnh của chỉ huy là vậy nhưng biết làm sao, thật khó để ngăn cản nhiệt huyết của các nhà văn, nhà báo yêu quý mảnh đất Điện Bàn.
Chiều ngày 23 tháng 7, chúng tôi ăn cơm chiều sớm hơn mọi ngày. Bữa cơm của chỉ huy trận đánh có tươi hơn mọi ngày một chút, mọi người trò chuyện vui vẻ, chỉ cậu Văn (liên lạc tiểu đoàn) người con Điện Bàn thoáng buồn, tôi hỏi có chuyện gì, Văn không nói mà chỉ lẩm nhẩm trong miệng: “Đi đánh trận mà hậu cần lại dành cho chỉ huy hai con vịt, đã thế lại còn một nồi cơm cháy”. Tôi vỗ vai Văn: “Đừng lăn tăn làm gì cứ ăn no là đánh thắng”.
Vào lúc sáu giờ chiều ngày hôm đó, trên con đường cỏ vàng rực ánh nắng chiều giữa cánh đồng thơm mùi hương lúa, các cán bộ chiến sĩ bắt đầu cuộc hành quân hướng về ngã ba Trùm Giao với quyết tâm tiêu diệt toàn bộ lực lượng địch chốt chặn tại cứ điểm trọng yếu này.
Theo kế hoạch, quân ta lặng lẽ tiến sát vào gần với cứ điểm ngã ba Trùm Giao mà địch đang đồn trú, mai phục xung quanh và sẽ bất ngờ nổ súng vào lúc mười hai giờ đêm khiến địch bất ngờ không kịp trở tay. Xung quanh cứ điểm này được che chắn bằng những bức tường được xây bằng bao cát cao khoảng một mét rưỡi, chắc chắn và kiên cố. Ban chỉ huy đã họp bàn, lên kế hoạch kỹ lưỡng cho trận đánh và xác định đây là một trận đánh xung hỏa lực kết hợp.
Phối hợp triển khai với Tiểu đoàn 3 bộ binh trong trận đánh này là các chiến sĩ thuộc Tiểu đoàn 76 Hải Đà (lực lượng quân đội Hải Phòng tiếp viện cho Đà Nẵng) do đồng chí Toán người Nam Định làm tiểu đoàn trưởng và một đồng chí người Phú Yên là chính trị viên (tuổi ngoài 50). Điều đáng nói là các chiến sĩ thuộc lực lượng này phần lớn vừa tốt nghiệp phổ thông tại Hải Phòng, được huấn luyện trong một thời gian ngắn và bước vào chiến trường với sức trẻ, nhiệt huyết cùng nhiều cá tính mạnh mẽ, quyết liệt của những chàng thanh niên mới lớn. Một lần, tôi tiến tới bắt chuyện với họ, nghe thấy giọng Bắc quen thuộc họ vui mừng xúm lại trò chuyện, phấn khởi hẳn lên, từ đó cả tiểu đoàn có động lực hơn hăng say chiến đấu trên mảnh đất Điện Bàn khói lửa. Anh em mặc dù hơi nghịch ngợm, mỗi người một cá tính nhưng khi ra chiến đấu thì một lòng thủy chung, cả tiểu đoàn chiến đấu hăng say, ai ai cũng nóng lòng tiêu diệt địch, mong sớm giành lại độc lập, giải phóng quê hương.
Ngoài 3 tiểu đoàn trực tiếp tham chiến, còn có lực lượng bộ đội địa phương huyện Điện Bàn và lực lượng tải thương.
Mười một giờ đêm.
Các chiến sĩ đang trên đường hành quân. Tiếng dế vang vọng từ những đám cỏ phá cách sự tĩnh lặng của đêm tối.
Bỗng một tiếng nổ đanh thép vang rền.
Pháo sáng giăng kín chằng chịt trên bầu trời.
Đạn từ trong các lô cốt của địch bắn ra xối xả.
Từ trong các cứ điểm của địch, các toán lính chạy hỗn loạn.
Ánh sáng của pháo.
Tia chớp của đạn.
Cả đoàn quân giải phóng dừng lại, án binh bất động trên con đường hành quân, thận trọng ngắm những làn pháo chằng chéo kín bầu trời.
Mười hai giờ đêm.
Kế hoạch đánh cứ điểm ngã ba Trùm Giao vào lúc mười hai giờ đêm phải tạm thời hủy bỏ. Trước đó, một đơn vị cứu thương của ta đang trên đường tiến vào trận địa để sẵn sàng hỗ trợ cho các chiến sĩ thì vô tình dẫm phải mìn. Mìn phát nổ. Quân địch bắt đầu nghi ngờ về một trận tập kích, chúng bèn bắn pháo sáng chằng chịt lên trời và xả đạn vu vơ liên tiếp về các hướng.
Vị trí chỉ huy tiền phương của lực lượng quân giải phóng đã tiến gần cứ điểm, chỉ cách đồn địch khoảng 80 mét.
Một khoảng cách rất gần.
Quân ta vẫn án binh bất động.
Một giờ sáng ngày hôm sau.
Cảm giác bất an và sợ hãi khiến quân địch không ngớt bắn pháo sáng và xả đạn điên cuồng.
Những luồng sáng.
Những tia chớp bị nuốt trọn vào trong màn đêm.
Lúc đó, quân giải phóng đứng trước hai sự lựa chọn: Rút quân, hoãn trận đánh hoặc là tiếp tục án binh bất động đợi thời cơ thuận lợi xông lên quyết một trận sống mái với kẻ thù.
Khoảng cách giữa hai lực lượng đối lập đó đủ an toàn để những làn đạn từ trên đồi cao nã xuống bay vòng qua những cái đầu rơi về phía sau không gây ra bất cứ tổn thất nào cho quân ta.
Đó cũng là chiến lược mà ban chỉ huy đã bàn tính kỹ từ trước.
Hai giờ sáng.
Quân địch liên tục chiếu đèn pin rọi sáng về tứ phía.
Đạn bắn ra ngoài thưa dần.
Các chiến sĩ bộ đội vẫn lặng lẽ như những cái bóng dưới bức tường rêu.
Ban chỉ huy đã liên lạc xin ý kiến chỉ đạo của cấp trên. Đồng chí Phan Hoan (Tư lệnh Mặt trận) quyết định phương án tiếp tục án binh bất động, kiên nhẫn chờ thời cơ, lấy yếu tố bất ngờ chuyển từ thế bị động sang thế chủ động, xông lên đánh một trận quét sạch toàn cứ điểm.
Ba giờ sáng.
Quân địch đã bắt đầu nghĩ về một sự nhầm lẫn.
Tiếng đạn yếu dần.
Những ánh đèn dần phụt tắt.
Bầu trời yên tĩnh trở lại.
Bốn giờ sáng.
Tiếng súng đạn đã dừng hẳn.
Trong đồn, những cái bóng lô nhô uể oải vươn vai rồi lần lượt đổ xuống những tấm phản được làm bằng gỗ ghép.
Có lẽ chúng đã quá mỏi mệt sau hàng giờ ngồi chĩa súng bóp cò vào màn đêm một cách vô bổ.
Những làn đạn hoang phí.
Bốn giờ ba mươi sáng.
Khi những tiếng ngáy ngủ vừa kịp cất lên được vài lượt thì...
Những cái bóng lô nhô rời ra khỏi công sự.
Những cái bóng lặng lẽ, bình thản, không một chút vội vã tiến về phía ngã ba Trùm Giao.
Những cái bóng gọn gàng, nhẹ nhàng và kiên nhẫn.
Tiếng súng vang lên đanh thép. Nhưng lần này là tiếng súng của những chiến sĩ giải phóng dội về phía ngã ba Trùm Giao. Tiếng gào thét sợ hãi. Tiếng đồ vật văng vãi loạn xạ. Tiếng người đổ vật xuống nền đất. Và rồi tiếng súng
bắn trả.
Giữa ồn ào của trận đánh, các chiến sĩ phải ghé sát lại vào tai nhau, cố nói thật to mới có thể nghe rõ giọng nói của nhau, trong khi tiếng súng đang nổ rầm trời, tiếng vỏ đạn ríu rít bay ngang đầu họ, cả trận địa sôi sục, tình thế nóng lên như đang lửng lơ trên một vòi núi lửa.
Đại đội 1 (mũi chủ công) do đồng chí Bôi dẫn đầu áp sát hàng rào, mở toang cửa cho các chiến sĩ giải phóng tiến vào cứ điểm. Cùng lúc đó, bọn địch trong đồn bắt đầu bắn trả. Một số đồng chí chiến sĩ giải phóng đã ngã xuống trước làn đạn của quân thù, người trước ngã xuống người sau vẫn tiếp tục xông lên đánh phá cứ điểm. Địch vẫn điên cuồng bắn trả về phía quân giải phóng nhưng vẫn không thể ngăn cản được bước tiến của các chiến sĩ giải phóng.
Công sự chỉ huy của tôi chỉ rộng khoảng 4 tấc, chiều sâu cũng bằng ngần ấy. Tất cả đã vào vị trí chỉ còn chờ lệnh phát ra từ chỉ huy trưởng. Đồng chí Văn (mới tròn 21 tuổi) liên lạc của tiểu đoàn 3, nằm chắn ngang trên lưng tôi như một lá chắn đồng bảo vệ trước những làn đạn cày xới tung từng cụm đất. Tôi ngước lên bắt gặp ánh nhìn đầy nhiệt huyết và
niềm tin.
Người Điện Bàn có khí chất rất đặc biệt, bất kể ai dù bất kỳ ở đâu tới đang sống và chiến đấu trên mảnh đất này để bảo vệ quê hương thì những người dân Điện Bàn không tiếc tấm thân hy sinh
che chở.
Năm giờ sáng.
Trận đánh kết thúc.
Sau khi chiếm lĩnh toàn bộ cứ điểm, các chiến sĩ tiếp tục truy lùng những kẻ địch còn sót lại trong các lô cốt.
Quân ta đã tiêu diệt hoàn toàn tiểu đoàn của địch tại ngã ba Trùm Giao.
Khi các chiến sĩ còn chưa kịp có phút ngơi nghỉ sau trận đánh thần tốc
ấy thì...
Vào lúc năm giờ ba mươi phút, lực lượng cứu viện của địch đã kéo tới. Chúng cho máy bay lượn vòng trên bầu trời gầm rú và điên cuồng ném bom. Trước sự phản kháng mạnh mẽ của quân chi viện địch, quân ta quyết định rút lui. Lúc này có hai chiếc máy bay L19 và hai chiếc trực thăng quần đảo trên bầu trời Điện Hồng xả súng xuống mặt đất khi quân ta rút lui. Một loạt đạn pháo từ trận địa Bồ Bồ của địch cũng liên tục bắn sang cứ điểm ngã ba Trùm Giao hòng tiêu diệt các chiến sĩ giải phóng.
Sáu giờ sáng, trên đường rút lui, có gần chín mươi chiến sĩ của quân ta bị kẹt lại trên đường 100 (đi qua xã Điện Hồng). Lúc này trời đã sáng, quân ta không thể băng qua đường nên bị mắc kẹt lại, tình thế vô cùng căng thẳng.
Từ phía Vĩnh Điện, địch cho quân ráo riết lùng sục.
Nhân dân Điện Hồng đã nhanh trí tiến hành chiến tranh tâm lý, chặn các toán tuần tra của địch lại ở đầu đường và khuyên can rằng: “Các chú đừng có vào đây, đêm qua cộng sản vừa đánh một trận lớn chưa từng có ở vùng đất này và xong trận đánh thì cộng sản biến đâu mất không tăm hơi, không bóng dáng, không còn kịp nhìn thấy một ai, lúc này các chú vào đấy thì dễ bị phục kích, e rằng nguy hiểm lắm”. Nghe thấy vậy, khiến bọn địch hoang mang lo sợ, dè chừng không dám tiến vào sâu.
Kết thúc trận đánh ở ngã ba Trùm Giao, hơn hai mươi chiến sĩ đã hy sinh, cùng gần chín mươi chiến sĩ đang bị địch lùng sục ráo riết, trong đó có rất nhiều thương binh. Ban chỉ huy phân phát cho mỗi chiến sĩ hai đến ba quả lựu đạn, cung cấp đầy đủ súng đạn để sẵn sàng đánh một trận quyết tử, nếu bị địch càn vào. Nhưng nhân dân Điện Bàn đã nhanh trí dùng chiến tranh tâm lý để chặn đường tiến của địch bảo toàn lực lượng cho quân ta và tiếp tế thức ăn nước uống cho các chiến sĩ vững lòng, vượt qua tình cảnh khó khăn ấy. Sợ lộ cho nên nhân dân không dám nấu nướng, có cơm mang cơm, có khoai mang khoai cho bộ đội.
Ba khẩu đại bác của địch ở Ái Nghĩa đã quay nòng súng về vị trí của chỉ huy tiểu đoàn, trung đoàn 57 của quân đội Việt Nam Cộng Hòa tại Quân khu 1 từ Huế cũng đã trở vào để chi viện cho mặt trận Thượng Đức.
Theo kế hoạch, sau khi trận đánh kết thúc, dù chốt lại cứ điểm hay rút lui thì tôi vẫn phải về trực chỉ huy tiểu đoàn. Ở tiểu đoàn hiện chỉ có đồng chí Quý (Nguyên Tiểu đoàn trưởng) đang bị liệt một cánh tay đang ở tiểu đoàn chờ ngày ra Bắc.
Sau sáu giờ sáng, tôi quay về đến tiểu đoàn thì nhận được nhiều tin tình báo từ các nơi đổ dồn về nói về sự phản kháng của quân địch. Trong đó đáng lưu ý nhất là việc trung đoàn 57 của quân đội Việt Nam Cộng Hòa đã áp sát vào Điện Hồng. Trước tình thế đó, ở tiểu đoàn chỉ còn những người bị thương, đau ốm không trực tiếp tham gia trận đánh cứ điểm đêm qua. Thêm vào đó, chúng ta có một số chiến sĩ đã kịp trở về đơn vị. Tôi điện xuống các đại đội nắm số quân đang có mặt để chuẩn bị lực lượng chuẩn bị chống trả lại sự phản kháng của quân địch.
Sau một đêm không ngủ, sáng hôm đó tôi vẫn không tài nào chợp mắt nổi. Đồng chí Quý nói với tôi: “Anh đã thức suốt đêm qua, sáng nay anh để tôi đưa quân đi đánh địch”.
Mặc dù đang bị thương nhưng đồng chí Quý vẫn nhận một lực lượng nhỏ các chiến sĩ cùng với du kích địa phương tiếp tục lên phương án đánh địch. Đồng chí Quý dẫn quân ra phía đường 100 để chặn bước tiến của trung đoàn 57 địch, trong khi tôi được phân công ở lại trong cứ địa của ta để tập trung nắm mọi nguồn tin về tình hình địch và lên phương án chiến đấu, đồng thời kiểm tra lại toàn bộ số lương thực thực phẩm trong kho dự trữ, thứ nào ngon nhất, tốt nhất thì ưu tiên giành cho những chiến sĩ còn bị mắc kẹt lại ở trong chiến trận. Nhân dân Điện Hồng đã cùng lực lượng du kích hóa trang qua mặt địch để mang lương thực vào tiếp tế cho các chiến sĩ. Một số du kích đóng giả làm dân thường đi cày ruộng mang theo quang gánh trong đó có giấu lương thực mang ra cứu đói cho các chiến sĩ còn bị mắc kẹt lại ở bên kia đường. Nhân dân nấu cơm và mang hết đường sữa có sẵn ở trong nhà để tiếp tế.
Lúc đó đang là tháng 7, người nông dân phơi rơm rạ phủ kín 2 bên đường, tận dụng vào địa thế đó, đồng chí Quý đã dẫn quân ra cho các chiến sĩ phủ rơm kín lên người để phục kích địch. Đợi tới lúc trung đoàn 57 địch đi qua, các chiến sĩ đã bất ngờ nổ súng đánh vào đoàn xe hậu cần chở nhu yếu phẩm, cắt đứt sự tiếp tế của địch khiến cho toàn quân địch hỗn loạn. Trước sự tấn công dữ dội của quân giải phóng, địch không tài nào nắm rõ được tình thế nên đành phải rút lui về phòng thủ.
Đêm 24/7/1974, đồng chí Phan Hoan (Tư lệnh Mặt trận 4) đã cho một tiểu đội đến mở đường máu để cứu các chiến sĩ còn bị mắc kẹt lại an toàn rút về vị trí đóng quân của tiểu đoàn.
Sau mỗi lần đánh trận trở về, sau những mệt mỏi tôi vội vàng treo quần áo còn nhuốm đầy bụi đất lên giá treo để tranh thủ chợp mắt vài phút, khi tỉnh dậy thì thấy số quần áo bẩn ấy đã được ai đó mang đi giặt. Tò mò hỏi các đồng chí chiến sĩ vệ binh thì mọi người đều lắc đầu không biết. Điều đó tôi mãi ghi nhớ trong cuộc đời nhà binh của mình. Đến ngày hôm sau thì lại phát hiện ra số quần áo mất tích đó đã được giặt sạch sẽ và xếp lại cẩn thận nằm gọn trong balo của mình. Sự việc đó cứ liên tục diễn ra cho đến một hôm... sau khi từ đại đội trở về, vừa bước vào chỉ huy sở thì nhìn thấy có một cô gái (về sau được biết cô gái này ở tiểu đoàn thông tin, người Điện Bàn) đang cặm cụi gập quần áo cho mình, nhìn thấy tôi cô gái ấy bẽn lẽn đứng dậy ôm lấy bọc quần áo vừa gập tiến về phía tôi đặt vào tay tôi. Cô gái đang đứng trước mặt tôi, hai cặp mắt nhìn nhau, mắt cô gái rơm rớm lệ, cô nói: “Anh ơi, em làm thế này có tội chị em phụ nữ miền Bắc không anh?”, nói rồi cô gái bỏ chạy ra khỏi sở chỉ huy. Trong cái lúc ấy, lý trí và cảm xúc thay nhau lên tiếng, giữa lúc đó cái lý tưởng chiến đấu hết mình cho mảnh đất này, cho những con người ấy cứ dội về mạnh mẽ, khiến tôi không cho phép mình có bất cứ một sự vị kỷ cá nhân nào có thể ảnh hưởng không tốt, có thể đẽo gọt bớt đi cái lý tưởng chiến đấu trên mảnh đất đang từng ngày sục sôi.
Trước tình hình gay cấn, căng thẳng của chiến trận tôi cũng không có đủ thời gian để đi tìm lại cô gái và nói lời cảm ơn.
Những gì đã qua hãy để nó ngủ yên, nước trên dòng sông năm xưa vẫn cứ chảy, rả ríc mãi trong lòng. Cứ thế... cứ thế... trôi về phía trời xa.
Hai mươi tám năm sau cuộc chiến ấy, tôi cùng đồng chí tư lệnh Phan Hoan, đồng chí chính ủy Lê Công Thạnh cùng một số đồng chí trong trận đánh ngã ba Trùm Giao năm nào đã về gặp gỡ, giao lưu cùng nhân dân Điện Hồng. Khi biết tôi đã từng tham gia trận đánh năm ấy, một bà mẹ Điện Hồng nói trong rơm rớm nước mắt “Trong Ban Chỉ huy trận đánh có một người quê ở Hà Nội còn rất trẻ không biết bây giờ anh ấy còn hay không?”. Tôi mỉm cười và trả lời: “Tất cả người dân Điện Bàn vẫn còn đây, những người từng chiến đấu trên mảnh đất này vẫn còn đấy”.
Tất cả mọi thứ như vừa mới diễn ra. Hóa ra là thế, sau bao nhiêu năm chiến đấu trên mảnh đất ấy, sau bao tháng năm lập lại hòa bình, rời xa mảnh đất này, những con người ấy, những kỷ niệm ấy thì cái thứ tình còn đọng lại vẫn da diết cồn cào gợi lên những hồi ức đẹp đẽ về những năm tháng chiến đấu không mỏi mệt trên mảnh đất anh hùng.
Đ.V.Đ - Đ.H