Chủ tịch Hồ Chí Minh với điện ảnh cách mạng Việt Nam

21.03.2016

Chủ tịch Hồ Chí Minh với điện ảnh cách mạng Việt Nam

Ngày 15/3/1953, tại khu Đồi Cọ thuộc xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 147/SL đặt Phòng Điện nhiếp ảnh trong Nha tuyên truyền và văn nghệ thành “Doanh nghiệp quốc gia chiếu bóng và chụp ảnh Việt Nam” - tiền thân của Điện ảnh cách mạng Việt Nam. Từ đó, ngành Điện ảnh cách mạng Việt Nam chính thức ra đời và từng bước phát triển, đến nay Điện ảnh Việt Nam cũng đã tròn 63 tuổi.

Trên hành trình bôn ba khắp năm Châu để tìm đường cứu nước, vào những năm hai mươi của thế kỷ XX, Bác Hồ đã được tiếp cận với nền điện ảnh thế giới. Bác đã hiểu rất sâu sắc vai trò và sự tác động mạnh mẽ, trực tiếp, sâu rộng và phổ cập của loại hình nghệ thuật điện ảnh. Bên cạnh tư duy mẫn tiệp, sự nhìn xa trông rộng của một nhà chiến lược văn hóa kiệt xuất, Bác còn là “bạn đồng nghiệp” rất thân thiết và gần gũi đối với các nghệ sĩ điện ảnh Việt Nam ngay từ những bước đi chập chững đầu tiên.

Vào năm 1921, trên một tờ báo ở Thủ đô Paris (nước Pháp) đã đăng  thông tin quảng cáo: “Ảnh chân dung nghệ thuật (Portraits d’art) với mọi loại hình từ 20 phrăng trở lên, có khung từ 40 phrăng. Nguyễn Ái Quốc nhà số 9 ngõ Compoint, Paris quận 17. Đối với các tỉnh và thuộc địa: Khách hàng chịu tiền đóng gói và cước gửi bưu điện. Hoặc bạn muốn giữ kỷ niệm sinh động về người thân và bạn bè mình, các bạn hãy cho phóng đại ảnh tại nhà Nguyễn Ái Quốc số 9, ngõ Compoint, Paris quận 17. Ảnh chân dung tốt, khung ảnh đẹp, từ 45 phrăng trở lên”. Một thời gian sau Nguyễn Ái Quốc chuyển về số 3 Patriarches quận 5. Trong báo cáo của viên mật thám Pháp Désiré chuyên theo dõi Nguyễn Ái Quốc với sở Mật thám: “Từ ngày dọn nhà đến nay, Nguyễn Ái Quốc đến ở số 3 chợ Patriarches quận 5 (Marché des Patriarches) Nguyễn Ái Quốc vẫn tiếp tục trở lại ngõ Compoint mỗi ngày mấy giờ để làm việc ở cửa hiệu sửa ảnh của ông Lê-nô. Thỉnh thoảng ông này trao việc cho Nguyễn Ái Quốc làm ở nhà. Ngoài mấy giờ làm việc, lương không đủ sống, Nguyễn Ái quốc còn vẽ trên những cái chụp đèn và phóng ảnh, sửa ảnh cho khách hàng gửi tới theo lời quảng cáo trên các báo”.

Những năm sống và hoạt động tại Pháp, công chúng Paris từng biết tên tác giả Nguyễn Ái Quốc với nhiều bài báo đăng trên các báo như Báo Nhân đạo, Điện tín quốc tế, Công chúng…nay phát hiện thêm sở trường mới của Nguyễn Ái Quốc đó là nghệ thuật nhiếp ảnh. Vào thập kỷ đầu của thế kỷ XX, công nghệ và kỹ thuật chụp ảnh chưa phát triển mạnh mẽ như bây giờ, khách chụp ảnh chủ yếu là giới thượng lưu, đòi hỏi rất cao về tay nghề của người chụp ảnh, chính vì vậy việc làm ra một bức ảnh đẹp, hài lòng khách hàng vô cùng vất vả. Có thể nói, việc tự khẳng định tay nghề của Bác Hồ giữa thời điểm đó tại Thủ đô Paris (quê hương của nhiếp ảnh) quả là hiếm có.

Để đẩy mạnh công tác tuyên truyền và vận động cách mạng ở các nước thuộc địa, đầu năm 1922, Nguyễn Ái Quốc và Ban Thường vụ Hội Liên hiệp thuộc địa đã quyết định lập ra “Hội hợp tác Người cùng khổ” và bàn bạc cho việc xuất bản tờ báo “Người cùng khổ” (Le Paria) là cơ quan ngôn luận của Hội. Ngày 01/4/1922, số báo đầu tiên của “Người cùng khổ” ra mắt bạn đọc, Nguyễn Ái Quốc trở thành nòng cốt của tờ báo: Vừa là biên tập, vừa là phóng viên nhiếp ảnh kiêm quản lý, phát hành. Báo được in 3 thứ tiếng: Pháp, Ả Rập và Trung Quốc. Tên báo viết bằng tiếng Pháp ở giữa, bằng chữ Ả Rập ở bên trái, còn ở bên phải thì viết bằng chữ Hán. Đầu tiên báo lấy tiêu đề “Diễn đàn của các dân tộc thuộc địa”, sau đổi là “Diễn đàn của vô sản thuộc địa”, rồi sau lại đổi là “Cơ quan của nhân dân bị áp bức các thuộc địa”. Từ tháng 4-1922 đến tháng 4-1926, báo hoạt động được 4 năm, ra được tất cả 38 số, xuất bản mỗi kỳ khoảng trên dưới 5.000 bản. Có thể nói, đây là lần đầu tiên nhân dân nhiều nước thuộc địa khác nhau có một tổ chức và một tiếng nói đấu tranh chung.

Nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày thành lập báo Đời Sống  Thợ Thuyền (La vie l’ouvrier) của Tổng Liên đoàn Lao động Pháp (1909-1979) trong số báo kỷ niệm có đoạn viết: “Trong những năm 1920, một thanh niên di cư người Đông Dương, kiếm sống bằng nghề in phóng ảnh ở phố chợ Patriarches đã làm nhiều người phải chú ý về những lời tố cáo đanh thép chống chủ nghĩa thực dân. Tại hội nghị Tua, chính nhà văn Paulvayan Cuturie đã phải ngạc nhiên về lời tố cáo trên và đồng chí viết trên báo L’Humannité: Đây là lời tố cáo chính xác tuyệt vời nói lên nỗi thống khổ của một dân tộc 20 triệu người bị chà đạp, tra tấn, giam cầm bởi chủ nghĩa tư bản Pháp với sự đồng lõa của chủ nghĩa tư bản thuộc địa. Hôm nay, các bạn đọc của báo Đời Sống Thợ Thuyền đã gặp lại người thanh niên này trên các trang báo. Anh ký tên:  Nguyễn Ái Quốc. Và chắc các bạn đã hiểu rõ người đó là ai rồi. Đó không phải ai xa lạ mà là đồng chí Hồ Chí Minh.”. Như vậy, bảy năm sống và hoạt động ở Pháp, là bảy năm Bác Hồ gắn liền với nhiếp ảnh, Bác Hồ làm thợ ảnh để hoạt động cách mạng, từ bản yêu sách tại Hội nghị Véc-xây, đến các tác phẩm “Lên án chủ nghĩa thực dân”, “Bản án chế độ thực dân Pháp” và một phần kinh phí cho những số đầu của tờ báo “Người cùng khổ” đều được in bằng tiền thu được từ nghề ảnh. Báo chí, sách và truyền đơn Nguyễn Ái Quốc gửi về nước cũng là tiền công làm ảnh.

Từ người thợ ảnh, sau này là Chủ tịch Nước, Bác Hồ kính yêu luôn ưu ái và dành những tình cảm, sự quan tâm, ân cần đến những nghệ sĩ nhiếp ảnh. Ngày 20/10/1946, sau hơn bốn tháng rời xa Tổ quốc sang Pháp “làm thượng khách”, Bác đã trở về trên chiến hạm Daymôngđuêcvin cập cảng Hải Phòng.Bác dành nhiều phần “quà” cho điện ảnh. Bác nói: “Có bột sẽ gột nên hồ”. Phần “quà” đó là hai bộ phim do Kiều bào Võ Quý Huân và Mai Trung Thứ quay: Phái đoàn Phạm Văn Đồng tại Hội nghị Phôngtennơblô và Sức sống 25.000 kiều bào tại Pháp cùng bộ máy chiếu lưu động 16 ly Pallné và Débrie, bộ máy ghi tiếng vào đĩa mềm hiện đại. Hai bộ phim này đã được Ban Điện ảnh Nhiếp ảnh đem chiếu lưu động suốt miền Bắc và miền Trung. 

Khi còn hoạt động cách mạng tại Chiến khu Việt Bắc, với những kinh nghiệm đã được dày công đúc rút từ những năm tháng sống và hoạt động cách mạng tại Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần ân cần hướng dẫn nhà nhiếp ảnh Đinh Đăng Định kỹ thuật chấm một bức ảnh sao cho đẹp, chỉ cách vẽ bố cục một bức ảnh sao cho tự nhiên, có hồn để anh em phóng viên thể hiện sinh động đề tài “Kháng chiến kiến quốc” trong tác phẩm báo chí và ảnh nghệ thuật.

Một lần vào năm 1950, anh Hồng Nghi và anh Phan Nghiêm được cử đến quay phim tại cuộc họp mặt trận Liên Việt ở Chiến khu Việt Bắc. Loay hoay mãi vì máy bị hỏng, phim tắt không chạy. Cảm thông với các anh em quay phim lúng túng đến toát mồ hôi mà vẫn chưa xong. Trong khi chờ đợi, Bác liền quay sang nói với đại biểu mặt trận “Có ai muốn nghe tôi nói chuyện cho vui không”. Mọi người đồng loạt “vâng” và Bác cười bảo “Tôi ngẫm nghĩ, đời tôi có ba cái bị động: Một là anh thợ cắt tóc bắt phải nghiêng đầu, cúi hoặc ngẩng cao; hai là anh chụp ảnh cũng bắt tôi làm như thế, ba là đố ai biết?”. Cả hội nghị yên lặng, chẳng ai đáp mà chỉ cười… chờ Bác giải thích. Bác nói tiếp: “Ba là bị động vì nhân dân”. Chính nhờ câu chuyện vui đó của Bác đã giúp anh Phan Nghiêm bình tĩnh chữa được máy chiếu. Năm 1963 nhà quay phim Khương Mễ được phân công vào Phủ Chủ tịch để quay Bác tiếp một phóng viên truyền hình nước ngoài. Nhiệm vụ quay phim lần này là có thu thanh đồng bộ. Do sự lo lắng vì phải bảo đảm chất lượng hình ảnh và âm thanh nên cường độ lao động quá căng thẳng. Hơn nữa, mùa hè miền Bắc rất nóng bức, mồ hôi thấm ướt đẫm áo của anh Khương Mễ. Đang ngồi tiếp khách, Bác quay vào trong nhà gọi anh cần vụ bảo “Chú lấy chiếc khăn lông cho chú quay phim lau mồ hôi”. Quả thật chiếc khăn lông của Bác mới đủ hút hết mồ hôi vã ra trên thân người quay phim. Khách ra về, Khương Mễ liền nảy ra ý muốn quay thêm vài cảnh về Bác nhưng lại đắn đo vì sợ làm mất thời gian của Bác (cũng sợ đề nghị của mình không được chấp thuận). Anh Vũ Kỹ đã xin phép Bác và Bác nhìn Khương Mễ cười “Bác đóng phim cho chú quay, vậy chú có bồi dưỡng cho Bác không?”. Quá vui mừng vì không ngờ Bác lại “chiều” mình đến mức như thế. Trở lại phòng khách, Bác ngồi xuống ghế nói “Nào, Bác cháu ta làm việc”.



Chủ tịch Hồ Chí Minh với các Đạo diễn, Quay phim, Diễn viên... tại Xưởng phim Hà Nội- Hãng phim truyện VN năm 1963. Ảnh internet

Không chỉ hiểu người, hiểu nghề sâu sắc, Bác còn rất mực quan tâm và thông cảm với những khó khăn về vật chất, kỹ thuật khi làm việc của anh chị em làm nghề nhiếp ảnh, Bác đã ân cần động viên các nghệ sĩ phải có tinh thần vượt khó khăn gian khổ để hoàn thành nhiệm vụ. Tại Hội nghị thành lập mặt trận Liên Việt (tháng 3-1951), trong hoàn cảnh kháng chiến, máy móc cũ kỹ kém phẩm chất, đèn chụp không có, nơi họp lại ở trong nhà giữa rừng rậm Việt Bắc thiếu ánh sáng, nhiệm vụ đặt nặng lên bộ phận điện ảnh, nhiếp ảnh phục vụ hội nghị. Anh em lo lắng, bàn đi bàn lại, cuối cùng đi đến kết luận là chỉ còn cách dỡ một phần mái phía trên chỗ Đoàn Chủ tịch ngồi. Và bất ngờ là khi anh em xin phép Bác, không cần hỏi thêm chi tiết, Bác thấy rõ ngay những khó khăn về nghề nghiệp của anh em và Bác đồng ý cho dỡ hẳn một phần mái nhà.



Hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh xem một tiểu phẩm của Diễn viên Điện ảnh Khóa I tại Xưởng phim Hà Nội (sau này là Hãng phim truyện Việt Nam) năm 1961.Ảnh internet

Năm 1960, Bác tới thăm xưởng kỹ thuật in phim khi đó còn là cơ sở duy nhất của cả nước. Bác thăm các nơi dựng phim, in phim, tráng phim, thu thanh, các bộ phận đều thiếu thốn mọi bề. Bác động viên anh chị em điện ảnh: Bây giờ nước ta còn nghèo, cho nên cơ sở vật chất của điện ảnh còn thiếu thốn là lẽ đương nhiên. Nhưng nhân dân ta rất giỏi, nghèo nàn mà vẫn làm nên sự nghiệp. Các cô các chú đã cố gắng từ trước tới nay, bây giờ cố khắc phục khó khăn, đề cao tinh thần trách nhiệm, tự lực cánh sinh và sử dụng tốt những máy móc của anh em giúp ta để đạt những tiến bộ mới. Sự quan tâm, động viên, thấu hiểu, tạo điều kiện và những tình cảm ân cần sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh dành cho các nghệ sĩ điện ảnh đã trở thành một động lực mạnh mẽ giúp các nhà đạo diễn, quay phim gạo cội như Hồng Sến, Bùi Đình Hạc, Hồng Nghị, Phạm Kỳ Nam, Nguyễn Đăng Bảy…làm nên các bộ phim tài liệu đã đi vào lịch sử điện ảnh nước nhà như: Bộ phim truyện Việt Nam đầu tiên “Chung một dòng sông” đã ra đời và gây tiếng vang lớn. Sau thành công của phim “Chung một dòng sông” là một loạt phim về đề tài cách mạng, về kháng chiến chống thực dân như:“Chim vành khuyên”, “Chị Tư  Hậu”, “Kim Đồng”, “Lửa trung tuyến”…; trong lĩnh vực phim tài liệu và phim hoạt hình cũng có nhiều phim xuất sắc như: “Nước về Bắc Hưng Hải”, “Cây tre Việt Nam”, “Anh Nguyễn Văn Trỗi sống mãi”. Chỉ trong 5-6 năm, điện ảnh Việt Nam đã có thể sản xuất các thể loại phim, có những tác phẩm trở thành kinh điển và đi vào lịch sử điện ảnh dân tộc.



Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn các Diễn viên Khóa I đang luyện tập tại Xưởng phim Hà Nội (Hãng phim truyện Việt Nam sau này) năm 1961.Ảnh internet

Tại Đại hội Văn nghệ toàn quốc lần thứ III (tháng 12-1962), Bác đã nhắc nhở văn nghệ sĩ rằng, tự do của văn nghệ gắn liền với tự do của Tổ quốc, đồng thời Bác còn nhấn mạnh: “Văn hoá nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”. Câu nói giản dị của Bác đã kim chỉ nam, phương châm hoạt động và lý tưởng phấn đấu của giới nghệ sĩ nói chung và các nghệ sĩ điện ảnh nói riêng. Với các diễn viên, Bác dặn dò: “Các cô các chú phải đoàn kết thương yêu nhau, phải năng tập thể dục cho khỏe mạnh”, Bác cũng đã căn dặn nghệ sĩ Trà Giang khi chị là đại biểu ít tuổi nhất dự Đại hội Văn nghệ toàn quốc lần thứ III (tháng 12-1962): “Trẻ có thành tích thì cháu càng phải chăm học và nhất là phải hết sức khiêm tốn”. Với các đạo diễn thì Bác nhắc nhở: “Phim của các chú tốt, có nhiều phim hay. Nhưng có phim còn nhanh, đồng bào xem không hiểu. Làm phim cho đồng bào xem mà đồng bào chưa hiểu, chưa thấy bổ ích thì không thể gọi là tốt và hay”. Với cán bộ thuyết minh phim, Bác khuyên: “Các chú cần nói cho rõ ràng, dễ hiểu. Nếu chỗ nào phim nhanh quá, đồng bào chưa nắm được thì có thể chiếu lại đoạn ấy cho đồng bào xem”. Với giới nhiếp ảnh, khi Bác Hồ đến xem triển lãm và trò chuyện với các nhà nhiếp ảnh ngày 12/9/1962, Bác đã nhắc các nhà nhiếp ảnh phải khiêm tốn, học hỏi lẫn nhau, đưa nghệ thuật nhiếp ảnh phục vụ nhân dân, chống chủ nghĩa hình thức. Sau khi chụp ảnh lưu niệm với các tác giả , trong không khí đầm ấm, Bác kể cho anh chị em nghe về thời gian Bác làm ảnh ở Pháp. Người đã ghi vào sổ vàng nhiếp ảnh  dòng chữ “các cô các chú phải cố gắng hơn nữa, tiến bộ nhiều hơn nữa”…


Nghệ sĩ nhân dân Trà Giang chụp cùng Bác Hồ tại Đại hội văn nghệ toàn quốc lần thứ 3 năm 1962. Ảnh internet

Thực hiện những lời nhắc nhở ân cần, giản dị của Người, vào những năm 1965, khi đế quốc Mỹ tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng không quân và đưa quân xâm lược miền Nam. Cả nước tiến hành cuộc chiến tranh trường kỳ gian khổ, miền Bắc vừa xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa chống chiến tranh phá hoại, miền Nam tiến hành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân. Trong giai đoạn chiến tranh ác liệt, vô vàn những khó khăn gian khổ nhưng cũng không thể làm phai nhạt lý tưởng và sức sáng tạo cho nghệ thuật các nghệ sĩ điện ảnh Việt Nam. Với sức sáng tạo và hoạt động nghệ thuật nghiêm túc, không ngừng nghỉ, thời kỳ này điện ảnh Việt Nam đã cho ra đời nhiều bộ phim truyện xuất sắc phục vụ đắc lực cho công tác tuyên truyền trên “mặt trận văn hóa nghệ thuật”: “Nổi gió”, “Đường về quê mẹ”, “Chuyện vợ chồng anh Lộc”, “Vĩ tuyến 17, ngày và đêm”…, phim tài liệu thời sự gồm: “Đầu sóng ngọn gió”, “Những người dân quê tôi”, “Lũy thép Vĩnh Linh”…, phim hoạt hình có: “Con khỉ lạc loài”, “Chuyện ông Gióng”, “Khăm phạ-nàng Ngà”… Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975, các văn nghệ sĩ ngành điện ảnh ở miền Bắc đã được biên chế thành những người lính xung kích bám sát các đoàn quân, cánh quân tiến vào giải phóng Sài Gòn và đã thực hiện được nhiều bộ phim có giá trị như: “Thành phố lúc rạng đông”, “Đường tới thành phố”, “Những bước chân thắng lợi”, “Sài Gòn Tháng 5 năm 1975”. Trong 15 năm (từ 1960-1975) gần 300 cán bộ, nghệ sĩ điện ảnh đã hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc; hai người được phong Anh hùng Lao động. Đất nước thống nhất, văn nghệ sĩ điện ảnh hai miền bắt tay xây dựng nền điện ảnh mới, thành lập nhiều hãng sản xuất phim, và đã có những bộ phim: “Cánh đồng hoang”, “Sao Tháng Tám”, “Bao giờ cho đến Tháng Mười”, “Mối tình đầu” và xuyên suốt chiều dài xây dựng đất nước, điện ảnh đã có bước nhảy vọt.

Ngày 19-6-2006, Quốc hội Khóa XII đã thông qua Luật Điện ảnh, đây là cơ sở pháp lý quan trọng nhất tạo điều kiện cho điện ảnh phát triển trong thời kỳ mới. Cũng chính nhờ vậy, rất nhiều sản phẩm điện ảnh Việt Nam đã được ra đời, cạnh tranh và rất đa dạng, giá trị nghệ thuật được nâng cao đáng kể, nhiều phim đoạt được giải thưởng Quốc gia, quốc tế.

63 năm đã trôi qua kể từ ngày Bác Hồ ký Sắc lệnh thành lập Doanh nghiệp Quốc gia chiếu bóng và chụp ảnh Việt Nam, ngành Điện ảnh Việt Nam đã ra đời, ngày càng phát triển trên mỗi bước đi lên của đất nước và mạnh mẽ hội nhập với nền điện ảnh thế giới, đến nay điện ảnh nước nhà đã và đang phát triển, dần khẳng định mình với sự ra đời của rất nhiều tác phẩm có giá trị nghệ thuật. Đó là những sản phẩm, là những “đứa con tinh thần” được chắt chiu từ những hy sinh, tâm huyết, tuổi trẻ, sáng tạo, cố gắng không ngừng nghỉ của các nghệ sĩ. Thực hiện lời dạy của Bác: “Văn hoá nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”, các nghệ sĩ điện ảnh sẽ tiếp tục là một trong các lực lượng xung kích trên mặt trận tư tưởng văn hóa của Đảng, luôn làm tròn nhiệm vụ phục vụ đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân, tuyên truyền đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước./.

Huyền Trang (Tổng hợp)
(bqllang.gov.vn)