Phim điện ảnh Việt Nam có tụt hậu?
Bao giờ cho đến tháng Mười không chỉ là một bộ phim thành công và kinh điển của điện ảnh Việt Nam những năm đầu thập niên 1980, mà còn là 1 trong 18 bộ phim châu Á xuất sắc nhất mọi thời đại do CNN bình chọn.
Căn cứ vào đâu để đánh giá một nền điện ảnh phát triển hay tụt hậu? Vào sự nở rộ về số lượng phim ra đời hàng năm? Sự tiên tiến về công nghệ, kỹ thuật, phương tiện sản xuất phim? Sự gia tăng các trung tâm đào tạo nghệ sĩ và sự bành trướng các hãng sản xuất? ... Những điều này đương nhiên đúng. Đó đều là những dấu hiệu tốt đẹp của sự phát triển. Nhưng chưa đủ, mà trên hết, trước nhất, quan trọng số một vẫn phải là chất lượng nghệ thuật, giá trị tư tưởng và thẩm mỹ của các tác phẩm. Công chúng xem phim không để ý tới bất cứ điều gì ngoài điều duy nhất: Phim có hay, có giá trị, có lôi cuốn, hấp dẫn không? Xem xong, họ ấn tượng ra sao về những nội dung đặt ra trong phim?
Nhưng để minh định giá trị một bộ phim, một nền điện ảnh thì căn cứ vào đâu? Vào dư luận nhận xét trong giới chuyên môn, giới lý luận phê bình chuyên nghiệp? Vào ý kiến khen, chê của công chúng - đối tượng mà mọi tác phẩm nghệ thuật hướng tới? Hay là vào sự nhìn nhận, phẩm bình của lãnh đạo - những người có trách nhiệm nuôi dưỡng và quản lý nền điện ảnh? Tất cả đều là cần, là đúng. Nhưng chưa đủ.
Trong giới cùng làm nghề thì dễ nảy sinh tâm lý đố kỵ, không dễ ghi nhận nhau. Căn cứ vào các nhà phê bình thì liệu có thực sự khách quan khi rất nhiều mối quan hệ cá nhân đan dệt không thể không ảnh hưởng đến ngòi bút thẩm định? Còn các nhà lãnh đạo? Họ có trách nhiệm nhưng không phải ai cũng am tường, chuyên sâu về nghệ thuật, về điện ảnh và rất có thể họ nắn sự nhìn nhận theo những chuẩn mực chưa tiếp cận được với chân lý của nghệ thuật. Và công chúng? Yếu tố này thường là khá chính xác nhưng không phải họ luôn được xem đầy đủ mọi tác phẩm điện ảnh. Họ yêu thích điện ảnh và không phải là không có con mắt thẩm định hồn nhiên, vô tư. Nhưng rất nhiều phim mới họ đã không thể xem vì trên ti-vi thường rất ít khi giới thiệu phim điện ảnh mới ra đời. Vậy thì còn một “kênh” đánh giá nữa, tương đối chính xác, nghiêm túc với những đòi hỏi cao, đó là các giải thưởng tại các Liên hoan phim quốc tế. Một phim dự liên hoan trong nước có thể từ biên kịch, đạo diễn, quay phim đến diễn viên chính đều đoạt giải cao. Nhưng mang ra thế giới, người ta lãng quên. Chiếu ít người xem, không gây chú ý cho ban giám khảo thì liệu có thể yên tâm về giá trị thực sự của bộ phim? Không phải ngẫu nhiên ông cha ta có những câu tục ngữ “Trong nhà nhất mẹ, nhì con” và “Con hát, mẹ khen hay”. Thế giới đánh giá bộ phim chỉ có một căn cứ duy nhất: Phim có hay không, giá trị đến đâu? Ngoài ra, không để ý đến bất cứ điều gì khác. Và họ cũng không thể biết đến những yếu tố: Kinh phí eo hẹp, kiểm duyệt ngặt nghèo, thời gian làm phim gấp rút, gặp khó khăn trong khâu tìm diễn viên... Đó là chuyện nội bộ của mỗi nền điện ảnh. Cũng không có chuyện chiếu cố, ưu tiên gì. Liên hoan phim quốc tế là nơi bình đẳng, văn minh. Ở đó không có đất để sự kém cỏi, bất cập về năng lực thẩm định, để sự khuất tất, biển lận về quan hệ ngự trị. Không có chuyện “chạy” giải như vẫn từng xảy ra ở nước ta. Toàn những tên tuổi tầm cỡ sáng chói, đầy sức thuyết phục về tài năng ngồi trong ban giám khảo, chứ không có việc “cơ cấu”, “mặt trận”. Vậy nên phim nào được giải thì đích thị là có giá trị và ngược lại.
Nhìn lại nền điện ảnh nước ta, không thể không buồn trước thực trạng... “phú quý giật lùi”. Nhiều nghệ sĩ tâm huyết với nghề luôn chép miệng, thở dài “bao giờ cho đến ... ngày xưa”. Quả đúng như vậy. Chúng ta có một thời có thể nói là hoàng kim. Đó là những năm 60-70-80 của thế kỷ trước với sự ra đời hàng loạt các bộ phim gây ấn tượng mạnh cho công chúng. Cho đến hôm nay, người ta vẫn không thể quên những Con chim vành khuyên, Vợ chồng A Phủ, Chị Tư Hậu, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Đến hẹn lại lên, Em bé Hà Nội, Cánh đồng hoang, Mùa gió chướng, Mối tình đầu, Huyền thoại mẹ, Bao giờ cho đến tháng10, Thương nhớ đồng quê... Nhiều phim trong số kể trên đã đoạt được những giải thưởng danh giá tại các liên hoan phim quốc tế mà mở đầu là Con chim vành khuyên của đạo diễn Nguyễn Văn Thông đã giành giải đặc biệt tại Karlovy Vary (Tiệp Khắc). Tiếp theo là giải thưởng của Hội đồng hòa bình thế giới tại Liên hoan phim Moscow năm 1972 dành cho phim Vĩ tuyến 17 - ngày và đêm của đạo diễn Hải Ninh. Tiếp đó, phim Cánh đồng hoang của đạo diễn Nguyễn Hồng Sến đoạt Huy chương vàng tại Liên hoan phim quốc tế 1981. Và phim Bao giờ cho đến tháng 10 của đạo diễn Đặng Nhật Minh đã lọt vào top 18 bộ phim châu Á xuất sắc nhất mọi thời đại do kênh CNN của Mỹ bình chọn.
Những phim như thế nào sẽ được lọt vào mắt xanh của những nhà bình chọn thế giới? Đó là phải có tư tưởng đạt được giá trị vĩnh hằng, trong đó tính nhân văn cao cả phải thấm đẫm trong từng thước phim. Dù nói đến bất cứ khía cạnh nào của cuộc sống, bối cảnh nào của xã hội, thời điểm nào của lịch sử, phim phải đạt được tính nhân loại. Con chim vành khuyên và Cánh đồng hoang đều có bối cảnh chiến tranh, lại ở những địa điểm rất cụ thể trên đất nước Việt Nam với những con người, sự việc cụ thể nhưng những “con mắt xanh” nước ngoài đã thấy được đó là hai bài thơ trong điện ảnh, dạt dào chủ nghĩa nhân văn, tình người cao cả, có thể khiến mọi trái tim trên hành tinh của mọi màu da, sắc tộc đều dễ dàng thẩm thấu, đồng cảm.
Thập niên đầu tiên của thế kỷ XXI, điện ảnh của ta vẫn còn gặt hái tiếp một số thành tựu với những giải quốc tế đáng kể. Đó là Sống trong sợ hãi của Bùi Thạc Chuyên giành danh hiệu phim xuất sắc ở hạng mục “Tài năng trẻ châu Á” tại LHP quốc tế ở Thượng Hải (Trung Quốc) lần thứ 9. Trăng nơi đáy giếng của Nguyễn Vinh Sơn đoạt giải nữ diễn viên xuất sắc dành cho Hồng Ánh tại LHP quốc tế Dubai. Bi! Đừng sợ của đạo diễn Phan Đăng Di đoạt giải biên kịch xuất sắc nhất của các nhà phê bình đánh giá tại LHP Cannes lần thứ 63. Tuy nhiên, một vài kết quả giải thưởng ở trên là quá ít ỏi khi số lượng phim truyện hàng năm của ta ra đời ngày càng nhiều. Ngoài các hãng phim của nhà nước, việc xã hội hóa trong lĩnh vực điện ảnh với sự xuất hiện hàng loạt các hãng phim tư nhân đã thúc đẩy số đầu phim ra đời là đáng kể. Nhưng điều này đã không đi liền với chất lượng. Phim của Việt Nam vẫn luôn ở vùng trũng, lép vế trong khu vực. Trên bản đồ điện ảnh thế giới, phim của ta lại càng lu mờ, không có địa chỉ, không được bè bạn biết đến. Tại các liên hoan phim nổi tiếng, có uy tín nhất thể giới như Oscar hay Cannes, phim Việt Nam khó bén mảng, có tới cũng chỉ là “chầu rìa”, ở châu Á đã không được giới chuyên môn quốc tế để mắt.
Nhìn sang các nước bạn, Trung Quốc chẳng những chỉ nổi tiếng ở châu Á mà còn là một cường quốc điện ảnh thế giới. Cứ xuất hiện ở các liên hoan phim lớn của quốc tế là phim của họ lập tức được đón nhận và tán thưởng. Rất đáng suy nghĩ là điện ảnh Campuchia. Nước bạn này “dưới cơ” chúng ta về mọi phương diện. Nền điện ảnh của họ lại càng non trẻ, không thể so với ta. Vậy mà bộ phim The Mising Picture (Bức ảnh thất lạc) của đạo diễn Rithy Panh đã được vinh danh bằng một giải thưởng ở hạng mục Uncertainregard là giải quan trọng thứ hai sau Cành cọ vàng. Singpore và Thái Lan đều là những nước có nhiều phim đoạt các giải thưởng ở nhiều kỳ LHP Cannes. Đó đều là các giải chính thức danh giá.
Chính những người trong ngành điện ảnh cũng đã tự nhìn nhận và đánh giá hiện trạng điện ảnh nước ta là đang tụt hậu, biểu hiện ở hai phương diện: Đoạt giải thưởng quốc tế và phim xuất ngoại quá ít ỏi, thưa thớt. Trong khi phim nghệ thuật không mấy khả quan như vậy thì phim thị trường lại có phần lấn át, dẫn đến tình trạng chỉ tìm mọi cách chạy theo lợi nhuận đến mức thái quá như sự ra đời của các phim Bụi đời Chợ Lớn và Mỹ nhân kế. Vì bạo lực được diễn tả quá say sưa để hút khách nên Bụi đời Chợ Lớn vẫn bị đình chỉ phát hành, dẫu đã chỉnh sửa lại. Còn Mỹ nhân kế thì đã thu hút được một đội ngũ “chân dài” đóng phim chỉ cốt để thỏa mãn đám mày râu háo sắc.
Một thực tế khiến nhiều người không khỏi suy nghĩ là hôm nay, mọi yếu tố, điều kiện để làm phim hơn hẳn trước nhưng chất lượng nghệ thuật, ảnh hưởng của tác phẩm ra nước ngoài thì lại tụt hậu. Vì sao vây? Phải chăng tài năng sáng tạo không thiếu nhưng chưa được kích thích đúng mức? Phải chăng tiền của đổ ra không ít nhưng không được rót đúng địa chỉ? Phải chăng ở sự kiểm duyệt quá khe khắt, chưa “thoáng” của những người kiểm duyệt? Đâu là nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng của điện ảnh Việt Nam hôm nay? Câu trả lời trước hết phải thuộc về những nhà quản lý ngành điện ảnh - những người thay mặt Nhà nước nắm giữ và quyết định số phận bộ môn nghệ thuật này.
(arttimes.vn)