Nhiếp ảnh gia mê cứu hộ khỉ Sơn Trà
Thấy chúng đau, không đành lòng!
Để đến nay, anh chị nhớ rõ từng đàn, từng cá thể. Cứ lên thăm mà thấy vắng con nào là người này nhắc người kia tìm, hết sáng đến chiều. Rồi đến lúc chính những con khỉ bị thương cũng tìm chị An, anh Hưng để “mách”, để được quan tâm như những người bạn, người thân trong gia đình.
Vài năm trở lại đây, chùa Linh Ứng - Sơn Trà (Đà Nẵng) bỗng nhiên “nổi danh” với sự xuất hiện của những đàn khỉ vàng thường xuyên tìm đến kiếm ăn. Tuy nhiên, thay vì lấy đó làm tự hào hay tìm cách bảo vệ đàn khỉ, một số người lại tỏ ra khó chịu, thậm chí là đặt bẫy săn bắn chúng. Trong khi đó, du khách lại vô tư cho khỉ ăn khiến chúng kéo về càng nhiều, càng hỗn loạn.
Chị An chia sẻ: “Số lượng khỉ bị thương, bị tai nạn cũng tăng lên. Con bị cụt chân, con cụt tay, có con bị thương khắp mình mẩy”. Vậy nhưng, du khách vui đùa với đàn khỉ rồi cũng rời đi, kẻ muốn đặt bẫy săn hay đuổi đánh càng hả hê khi mấy con khỉ bị thương. Còn với chị An, kết thân với đàn khỉ hơn 2 năm dù chỉ với mục đích để chụp ảnh nhưng thấy chúng đau, vết thương cứ rỉ máu, chị không đành lòng.
“Mới đầu, tôi chẳng biết tìm ai để giúp đỡ, gõ cửa từ đơn vị du lịch, nhà chùa đến các trung tâm bảo tồn đều bị từ chối vì không thuộc trách nhiệm của họ. Dò dẫm hồi lâu mới biết phải gọi cho kiểm lâm để được bắt con khỉ bị thương, phải lập biên bản… thì mới mang nó đi chữa được, mà không phải lúc nào họ cũng rảnh để có mặt với mình” - chị An cho biết.
Mong sẽ có nhiều người ý thức bảo vệ đàn khỉ
Tay ngang đi làm cứu hộ, gặp nhiều khó khăn là vậy nhưng một lần rồi hai lần, chị An cùng anh Hưng quyết định lập hẳn nhóm tình nguyện cứu hộ và bảo vệ động vật doang dã tại Sơn Trà. Và rồi, những con khỉ bị thương dần hồi phục, rồi quấn quít với chị An, anh Bình.
“Có con bị mất một bên đầu nhưng đã được chữa khỏi. Hôm được tái thả về với đàn, mẹ nó như biết nên đứng đợi, dang tay đón nó, xúc động lắm. Và nay nó cũng có người yêu rồi đấy!” - anh Hưng kể về những con khỉ như thể một người bạn.
Tiếp lời, chị An mở điện thoại tìm hình ảnh vừa nói: “Em xem bố con nó chơi với nhau này. Về Đà Nẵng vài tháng nhưng anh Hưng ở với khỉ còn nhiều hơn với vợ đấy”.
Còn với “bố” Hưng, cứ nhắc đến đàn khỉ, anh lại cười: “Chúng tình cảm, hiền lành, đáng yêu lắm. Nhìn cách chúng chăm sóc nhau không khác gì con người nên tôi nghĩ chúng cũng có quyền được tôn trọng, được sống bình yên”.
Giờ đây, số điện thoại của chị Bình trở thành địa chỉ của tiếp nhận thông tin khỉ hoặc động vật bị thương tại Sơn Trà. Mỗi ngày, không sáng thì chiều, anh Hưng, chị An lại chia nhau chạy lòng vòng lên chùa Linh Ứng và những nơi thường có khỉ bị thương, vừa để thăm nom, vừa để trông chừng xem hôm nay có vắng con nào không, có con nào bị thương, có mẹ khỉ nào mới sinh.
Chính vì vậy, mỗi khi thấy anh chị đến, chỉ cần nghe thấy tiếng xe máy từ xa, đàn khỉ liền kéo nhau xuống, tập trung đứng đợi với màn chào mừng bằng cách hết con này đến con khác bá vai, đu lên tay lên người, số khác thì tinh nghịch móc túi áo đến khi trời tối mới chịu về rừng. Điều mà theo anh Hưng, chị An thì đó là cách đàn khỉ thể hiện tình cảm và sự tin tưởng với những người bạn khác loài. Để rồi, sự quan tâm của đôi bên dành cho nhau cứ lớn dần mà không dứt ra được.
Vậy nhưng, tình trạng khỉ bị thương ngày càng nhiều, ý thức người dân từ việc cho khỉ ăn, ứng xử thế nào với khỉ cho phù hợp vẫn chưa được nâng cao. “Chúng tôi mong những bức ảnh về đàn khỉ khi khoẻ mạnh hay cả lúc bị thương sẽ đánh động được người dân, sẽ có nhiều người ý thức bảo vệ đàn khỉ, để cả người và khỉ cùng chung sống hoà thuận với nhau ở Sơn Trà. Dù hành trình này sẽ rất dài nhưng trước mắt, cứu được bé khỉ nào chúng tôi sẽ hết lòng” - anh Hưng tâm sự.
(laodong.vn)