Phan Ngọc Minh & những ngọn nến phục sinh

12.09.2020
Lê Huỳnh Lâm, Bảo Thanh
Họa sĩ Phan Ngọc Minh sinh năm 1954, tại Gò Nổi (Điện Bàn, Quảng Nam). Tốt nghiệp Đại học Nghệ thuật TP. HCM. Các cuộc triển lãm tranh của Phan Ngọc Minh: Ký ức phố xưa tại Đà Nẵng (1994); Nhật ký Mỹ Sơn tại Mỹ Sơn (1998 - Quảng Nam); Phan Ngọc Minh và Champa tại Pháp (2000): Mỹ Sơn - Hội An và những kỷ niệm Paris tại Pháp (2004); Triển lãm tranh tại hội những người Việt tại Paris-Pháp (2005); Việt Nam/Kerry và Minh tại Ireland (2007). Anh tham dự khóa sáng tác, làm việc trao đổi giao lưu học tập với các nghệ sĩ quốc tế tại Mỹ với tư cách là họa sĩ được giải thưởng hạng nhất của Hiệp hội Họa sĩ châu Á (Freeman Foundation Asian Artists’ Fellowship Winners 2010/2011). Giải thưởng là một phần học bổng ngắn hạn dành cho các nghệ sĩ châu Á như: Nhật Bản, Hồng Kông, Indonesia, Thái Lan, Singapore, Hàn Quốc... cùng các nghệ sĩ Mỹ trong thời gian 8 tuần (từ 3/7 - 29/8/2011).

Phan Ngọc Minh & những ngọn nến phục sinh

Sự phục sinh theo quan niệm khoa học chỉ là sự di truyền giống nòi đời đời như ảnh tượng từ thế hệ này sang thế hệ khác. Nhưng còn một sự di truyền vượt lên trên cơ chế sinh học, đó chính là di truyền tư tưởng. Và tư tưởng sẽ mãi còn giá trị và phát huy nếu điều đó là chân thiện mỹ, là con đường tiến bộ của loài người và ngược lại thì sẽ bị đào thải theo phép loại suy.

Cũng vậy, hội họa luôn hướng đến bầu trời của mỹ học, mỹ học ngoài dị biệt do văn hóa của mỗi vùng miền, thì yếu tố tương đồng luôn chiếm một tỉ lệ lớn hơn.

Tôi nói những điều này để góp đôi lời về sự trầm tư trong sáng tạo của họa sĩ Phan Ngọc Minh. Thông thường, người ta thường nhìn lịch sử như bất động không thể đổi thay, cũng vậy với di tích di sản của lịch sử để lại cũng được nhìn bằng sự bất động thuộc về quá khứ. Nhưng với Phan Ngọc Minh, màu sắc có thể xem như một công cụ, anh đã thổi vào di sản, sự vật bằng cả hồn cốt của một nghệ sĩ qua những nét vẽ tinh tế, với gam màu phiêu lãng để tạo cho người xem một cảm nhận khác lạ hoàn toàn về di sản. Không phải như trùng tu phục chế một cách vô hồn mà vấn đề là cho sự vật trong di sản sống lại theo tinh thần như nó đã vốn có.

Từ những suy tư và chiêm nghiệm trong cuộc sống, họa sĩ Phan Ngọc Minh như nhập vào thế giới của di sản, màu xám tro trong tranh của anh được điểm xuyết những đốm lửa nhỏ làm sống lại quá khứ của một thời vàng son.

Những bức tranh màu lục già như lớp rêu phong phủ lên gạch đá dẫn đưa người xem bước vào thế giới của miền ký ức xa xăm.

Bỏ qua màu sắc để khám phá serial tranh bút sắt của Phan Ngọc Minh, người xem ngỡ ngàng như đứng trước những hình ảnh văn hóa của làng quê xứ Huế, như cây đa bến nước, đình làng, cổng tam quan, cửa Ngăn, cầu ngói Thanh Toàn, những con đò ven sông, phố cổ Bao Vinh…

Với di sản Chăm, anh đã có cả bộ ký họa chuyên về các biểu tượng văn hóa của xứ sở qua các vị thần và những vùng đất như: Một góc Mỹ Sơn, Vũ nữ Trà Kiệu, Thần Shiva, Đạo sĩ Bà la môn, Đan sảnh Brahma,…

Ngoài ra anh còn vẽ một loạt chân dung của các nhà văn hóa, những nghệ nhân, văn nghệ sĩ và bạn bè như: nghệ nhân hát bội La Cháu ở Huế, nghệ nhân Nguyễn Thị Cẩm làng gốm Thanh Hà, Hội An,...

Còn nhớ cuộc triển lãm tốc hành (chỉ hai ngày) ở Gác Trịnh của họa sĩ Đinh Cường và Phan Ngọc Minh vào mùa đông năm 2013, trong cái không gian nhỏ chưa đến 15 mét vuông, nhưng không gian trong mỗi bức tranh lại vượt khỏi biên giới của một quốc gia để đến với người thưởng ngoạn quốc tế.

Trong màu chiều ẩn mật, tôi nhìn tranh Phan Ngọc Minh với niềm hưng cảm khó tả, bất chợt trong thế giới sắc màu lung linh huyền ảo đó, như ánh lên những ngọn nến phục sinh. Điều mà họa sĩ Phan Ngọc Minh đã nói: “Khi vẽ, tôi phục sinh cùng di sản”.

 LÊ HUỲNH LÂM

  

Tình người trong con mắt họa sĩ Phan Ngọc Minh

 

   

Họa sĩ Phan Ngọc Minh trầm ngâm trước tác phẩm  ''Tự Họa với Shiva'' (Ảnh : Lê Hải)

 Triển lãm tranh của Phan Ngọc Minh, tại Galerie Dung Bùi ở Paris vào tháng ba năm 2004, tuy khiêm tốn nhưng để lại nhiều lưu luyến trong tâm tưởng khách xem tranh. Có lẽ thành công nhất trong lần trở lại này với Paris, là loạt tranh ký họa bút sắt mà hoạ sĩ thực hiện ở Hội An, ở Mỹ Sơn, và trong những ngày anh say sưa khám phá nước Pháp vào năm 2000.

''Ông già bán chí mà phủ'', rồi ''Bà già bán quạt'', ''Người đạp xích lô'' hay ''Nghệ sĩ đánh trống dạo trong métro Paris'', các bức tranh này thể hiện trọn vẹn cái nhìn đầy tình nghiã của họa sĩ đối với những thân phận anh chứng kiến. Ở đây lay động một mối cảm xúc tinh tế, vương vấn, bùi ngùi, khơi gợi ký ức. Nhân vật tranh ký họa, như ông già bán chí mà phù hay người già đạp xích lô, thân quen với chúng ta như những bài ca đồng dao thời thơ ấu.

 

Ký họa ''Bà Già Bán Quạt'' tại Hội An (Nguồn : Bộ Sưu tập TD - Paris)

Trong cách thể hiện của họa sĩ, cái nhìn chăm chăm của nhân vật còn có khả năng thúc giục người xem phải tự vấn, bởi lẽ họ là biểu tượng của cả một dòng đời đang lặng lẽ quá vãng, họ là hiện thân của những mảnh vỡ thời gian mà hoạ sĩ bất chợt nỗ lực ghi lại.

Phan Ngọc Minh từng nói ''hạnh phúc và bất hạnh là một, không khác''. Cho nên trong bề sâu nội tâm của loạt tranh ký họa, Phan Ngọc Minh dưòng như truy tìm ý nghiã của thời gian, của quy luật bài trừ, sẽ đẩy lùi những con người và việc làm của họ vào dĩ vãng.

Những người già mà nghệ sĩ gặp gỡ, tiếp xúc ở Hội An, để lại cho chúng ta những tiếc nuối, xót xa khi nhận thức rằng họ mất đi thì cả một mảng đời cũng bị xoá sổ, cả một khối ký ức của Hội An cũng không còn nữa. Bởi vậy mà quả tim đầy hệ lụy của ngưòi nghệ sĩ đã thúc giục Phan Ngọc Minh ghi lại dưới chân cụ già bán chí mà phù ba chiếc lá rơi rụng tình cờ, tượng trưng cho sự hữu hạn của đời người.

Đươc hỏi trong tình huống nào mà anh đã sáng tác bức ký họa này, Phan Ngọc Minh cho biết anh phải tốn nhiều ngày tháng quan sát mới tìm được cách thể hiện theo ý muốn chân dung người già bán chí mà phù :

''Mặc dầu tôi vẽ Hội An trước khi vẽ về Champa - tôi đã vẽ về Hội An cách đây đã gần  20 năm rồi - tôi cũng rất muốn vẽ cụ già này, nhưng mà thú thật tôi vẽ không nổi. Nhưng vào năm 2002, tôi về thăm lại Hội An và ở đó một tháng. Thế là tôi vẽ được một số bức ký họa trong đó có bức người già bán chí mà phù, và tôi rất thú vị, rất sung sướng, bởi vì tôi đã hoàn thành được nguyện vọng là làm bộ sưu tập về phố cổ Hội An.

Có thể nói thêm là cái người bán chí mà phù này hay lắm : cụ năm nay gần 90 rồi, nhưng mà cụ ngày ngày vẫn đi bán vậy. Cụ rất năng nổ, và vui vẻ khi gặp những người khách. Chính hình ảnh cụ ngồi ở một gốc phố đã tạo cho Hội An thêm cái hồn phố rất sinh động. Có những con người gắn bó với cái nghề của họ, yêu nghề của họ. Mà chính hình ảnh những con người đó ở trên phố cổ làm cho nơi đó có hồn.''

Một bức ký họa khác gây xúc động không kém cho người xem là tranh "Bà già bán quạt ở Hội An". Chị Đôn Thư, người am hiểu hội họa, đã nhận xét như sau tại phòng tranh Phan Ngọc Minh :

''Tôi thích bức ký họa này là vì nó thể hiện cái vai trò của một bà già, nghiã là có thể vì hoàn cảnh kinh tế eo hẹp hay gì đó, nên muốn tự túc, không muốn ỷ lại vào con cái, nên đan quạt, rồi tự mình mang đi bán. Hoàn cảnh cụ rất eo hẹp, thể hiện qua cái nón.

Phan Ngọc Minh vẽ chi tiết rất tỉ mỉ, từ cái quai nón, cho đến đôi dép. Cây gậy bà ấy chống cũng rất đặc biệt. Về bố cục tranh thì thật là tuyệt vời, vì chỉ qua vài nét rất sơ sài thì hoạ sĩ đã lột tả được cái viả hè ở Hội An như thế nào''.

 

Ký ức Champa

 

Bên cạnh loạt tranh về Hội An và Mỹ Sơn, Galerie Dung Bùi còn trưng bày nhiều bức ký họa mà Phan Ngọc Minh đã hoàn thành ngay tại Pháp. Ở loạt tranh này nổi bật là bức ''Người nghệ sĩ đánh trống dạo trong metro''. Hoạ sĩ kể lại câu chuyện thú vị về chàng nghệ sĩ đánh trống hào phóng này như sau :

''Vào năm 2000 tôi đi triễn lãm tại Paris, rồi Rouen (vùng Normandie), sau đó tôi xuống Toulouse, đến bảo tàng Georges-Labit. Ở đấy tôi vẽ được nhóm tượng Champa. Ngoài ra, tôi còn về ngoại ô Paris. Người nghệ sĩ đánh trống dạo dưới métro rất hay.

Tôi có một cái kỷ niệm với ông ta, là khi tôi vừa xong bức vẽ là ông ta thôi không đánh trống mặc dầu những người khách qua lại cho tiền rất nhiều. Sau đó ông ta mời tôi đi vào một cái bar uống bia. Một cái ly bia tại Paris khi đó là khoảng 25 francs, cái giá đó nếu mà tôi uống thì phải rất cân nhắc... Ông ta mời tôi uống hết cốc này đến cốc khác... Đó là những kỷ niệm rất là thú vị.

 

Một góc làng ở vùng Bretagne - Pháp (Nguồn : Bộ Sưu tập TD - Paris)

 

 Ngoài ra tôi cũng vẽ một chiều ở Công viên Champ de Mars, vẽ về những người bạn của tôi. Họ để lại nơi tôi rất nhiều kỷ niệm, và cũng chính nhờ những kỷ niệm đó mà tôi đã thực hiện được nhiều bức vẽ trong thởi gian 4 năm sau khi rời Paris. Cái kết quả như anh thấy hôm nay là có những tác phẩm Mỹ Sơn, Hội An và Kỷ niệm Paris.''

Nếu các bức tranh ký họa đen trắng thúc đẩy chúng ta mặc niệm, thì loạt tranh sơn dầu của Phan Ngọc Minh, đặc biệt là các bức kỷ niệm Paris, bộc lộ khả năng hạnh phúc và thương yêu.

Bức tranh sơn dầu 'Chị tôi', với những màu sắc óng ả đậm đà, được Phan Ngọc Minh sáng tác để tôn vinh người phụ nữ Việt Nam trên đất Pháp mà anh rất cảm phục : đó là người chị, người vợ, thừa nghị lực lo toan việc nhà, nhưng cũng giàu tình tự dân tộc, tuy phải sống xa quê hương xứ sở. Anh thổ lộ tâm tình như sau :

'Trong cuộc triển lãm lần này, có một mảng tranh về những kỷ niệm Paris. Năm 2000 khi đến Paris, ngoài triển lãm ra, tôi cũng có tranh thủ đi vẽ ký họạ ở rất nhiều nơi, và cũng giao thiệp với những người bạn Pháp cũng như người Việt xa xứ.

Ngoài những bức vẽ như ''Một chiều ở Champ de Mars'', ''Paris em và tôi'', ''Nụ hôn màu đỏ''... còn thì có những bức tôi vẽ về người Việt như bức ''Paris, chị tôi''. Tôi muốn bày tỏ một cái tình cảm đối với người chị thân thiết cũng như tất cả những người chị, người Việt xa xứ nói chung.

Tôi thấy họ khác với người Tây phương ở chỗ là mặc dầu ở phưong trời xa như vậy, nhung mà họ vẫn sống với cách nhìn của một người vợ, một thành viên trong xã hội và ngoài ra thì rất chu đáo, rất cần mẫn, như một cái thân cò như vậy mà đau đáu. Chính yêu tố đó thể hiện người phụ nữ phương Đông, đau đáu về nỗi nhớ về quê hương mình.'

Phải chăng vì anh muốn thể hiện cái nỗi nhớ đó mà bức tranh có những màu sắc rất đậm đà, ấm áp ?

 "Điều đó rất khó nói, nhưng mà tôi muốn nói một điều là cái màu này, nó ấm, nó thể hiện một cái tình cảm và cũng là màu đầy ký ức.'

Thưởng thức tranh của Phan Ngọc Minh, người xem được cơ hội, qua cảm xúc thẩm mỹ, mở rộng tấm lòng, đón nhận những giá trị nhân bản chân thực mà hoạ sĩ chuyển tải. Đó là món quà tặng bất ngờ mà Phan Ngọc Minh gửi đến Paris.

 BẢO THẠCH

 

 Một số tác phẩm của họa sĩ Phan Ngọc Minh

Nghệ nhân hát bội La Cháu, Huế, ký họa bút sắt (2009)

 

Nghệ nhân gốm Thanh Hà, Hội An, ký họa bút sắt (1996)