Nhà điêu khắc Lê Công Dũng với đam mê nghệ thuật tượng chân dung
Tôi từng được xem tượng chân dung các nghệ sĩ nổi tiếng ông đã điêu khắc như nhạc sĩ Văn Cao, Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, thi sĩ Bùi Giáng, nhà phê bình văn học Đặng Tiến... Những bức tượng chân dung khá ấn tượng với tôi vì vẻ đẹp tự nhiên như nhân vật vừa bước ra từ đời thực. Phải là người ngưỡng mộ, yêu thích nhân vật lắm mới có thể sáng tác được những bức chân dung sống động và có hồn đến vậy. Tượng của Lê Công Dũng tập trung khai thác thần thái của các nghệ sĩ dưới mọi góc độ.
Một số tác phẩm của Nhà điêu khắc Lê Công Dũng
Ông tâm sự với tôi: Ông khởi nghiệp bằng nghề vẽ. Ban đầu là một phòng vẽ trên đường Lý Thái Tổ. Và rồi, có lẽ do cái duyên mà trời đất ban tặng, ông đến với điêu khắc, một môn nghệ thuật tạo hình, tồn tại trong không gian ba chiều. Có một lý do nữa để ông chọn đến với điêu khắc, đây là môn nghệ thuật mang tính xã hội cao, nó gắn liền với đời sống xã hội, phục vụ con người. Thông qua các tác phẩm của mình, ông mong muốn mang đến sự rung động, cảm xúc và tư tưởng cho công chúng yêu nghệ thuật thưởng thức.
Ngôn ngữ của điêu khắc cơ bản là mảng khối. Các tác phẩm của ông chứa đựng những suy tư và chiêm nghiệm về đời sống, phản ánh phần nào những diễn biến đa dạng, nhiều chiều của điêu khắc Việt Nam đương đại. Trong các tác phẩm của mình, ông luôn coi trọng việc thể hiện tâm hồn của nhân vật. Ông cũng rất tinh tế và bay bổng khi thể hiện những hình tượng, có thể thấy qua “Sự tích trầu cau” và “Sinh tồn”, hai tác phẩm điêu khắc trên đá được Hội Mỹ thuật Việt Nam tặng thưởng năm 2009 và 2011.
Cái hồn cốt của mỗi nhân vật trong tượng của Lê Công Dũng được thể hiện khá phong phú về bố cục và đường nét. “Thiếu nữ Ba Na” tác phẩm điêu khắc trên đá granit, được Hội Mỹ thuật thành phố Đà Nẵng tặng thưởng năm 2014 và những bức tượng mang yếu tố nghệ thuật khá phong phú với nhiều đề tài. “Biển đảo” và “Trống đồng”, hai tác phẩm phù điêu được Hội Mỹ thuật Việt Nam tặng thưởng năm 2012, 2013... Những tác phẩm điêu khắc của ông không chỉ nằm ở số lượng mà còn ở sự phong phú trong khuynh hướng sáng tạo và chất liệu sử dụng như đá, composite... Nó chứa đựng những suy tư và chiêm nghiệm về đời sống và con người.
Vẻ đẹp những tác phẩm điêu khắc của Lê Công Dũng nằm ở sự thâm trầm. Đặc biệt, ông có những thành công đáng kể khi đi sâu vào tượng chân dung. Từ thời La Mã cổ đại, tượng chân dung đã được xem như một tác phẩm nghệ thuật. Những bức tượng chân dung của ông luôn lôi cuốn người xem bởi vẻ đẹp chiều sâu toát ra từ thần thái của các nghệ sĩ, nó đẹp dưới mọi góc độ. Ở đó, ông dùng ngôn ngữ của hình - khối - bố cục - màu sắc - nét để thể hiện tác phẩm của mình, khiến người xem cảm nhận được cái hồn của nhân vật. Và đó cũng là tâm huyết của ông trong sáng tác tượng chân dung.
Với các nhà điêu khắc, cảm xúc không diễn đạt bằng ngôn từ, mà bằng những thao tác trên tác phẩm của mình. Họ gửi vào đó những cảm xúc và đam mê. Khi chuyển sang tạc tượng chân dung, một loại hình nghệ thuật đang khởi sắc, Lê Công Dũng càng có thêm nhiều cảm xúc sáng tạo mới lạ. Và sau một thời gian dài đam mê với nghề, ông đã khẳng định được tiếng nói riêng trong nghệ thuật tạo hình.
Trong dòng chảy của thời gian, những bức tranh có thể phai màu, riêng những bức tượng chân dung vẫn bền bỉ tồn tại ở dạng chất liệu, vật chất nó có, và giữ được cái hồn, đồng thời lưu giữ tấm lòng yêu thương của con người, nó tồn tại với thời gian. Khi con người có cái nhìn mới mẻ hơn về điêu khắc nói chung và tạc tượng nói riêng, tượng chân dung từ đó khởi sắc và phổ biến.
Trong sự nghiệp sáng tác, ông đã điêu khắc hơn 20 bức tượng và hàng chục bức phù điêu. Các tác phẩm đã được trưng bày tại các triển lãm mỹ thuật toàn quốc, triển lãm khu vực miền Trung và Tây Nguyên và các triển lãm khác do Hội Mỹ thuật thành phố Đà Nẵng tổ chức. Liên tục nhiều năm liền, từ năm 2009 đến 2016 ông có các tác phẩm tham dự triển lãm và được tặng thưởng. Phần lớn các tác phẩm được ông sáng tác từ những năm 2009 đến nay, mang dáng dấp và hơi thở của nghệ thuật điêu khắc Việt Nam đương đại. Ông đã để lại những thành tựu đáng trân trọng trong nghệ thuật điêu khắc của thành phố Đà Nẵng nói riêng và nghệ thuật điêu khắc của cả nước nói chung.
Trong khoảng sân nhỏ hẹp tại nhà riêng ở số 61 Nguyễn Huy Liệu, quận Cẩm Lệ, ông vẫn miệt mài sáng tác dù sức khỏe giảm sút sau lần tai nạn giao thông và bệnh tình sẵn có từ nhiều năm trước nhưng đến gần đây mới được phát hiện. Ông tâm sự: Các tác phẩm hầu hết được ông trực tiếp thao tác, từ khâu chế tác đến khâu hoàn thiện, nhưng thời gian sau này sức khỏe không cho phép, khiến ông vận động và đi lại khó khăn, bàn tay cầm máy cắt cũng không được lâu, nên phần thô của tác phẩm, ông để cho người cộng sự thực hiện, riêng khâu hoàn thiện, ông phải trực tiếp thao tác thì mới hài lòng cho tác phẩm ra đời.
Dù sức khỏe không cho phép ông làm việc nhiều như trước và thời gian gần đây ông dành cho luyện tập sức khỏe, nhưng niềm đam mê với nghề trong ông vẫn luôn cháy bỏng. Hiện tại ông vẫn thực hiện những bức tượng danh nhân cho các trường học.
Được tiếp cận với nghệ thuật điêu khắc từ rất sớm và được đào tạo bài bản, cộng với niềm đam mê có sẵn, Lê Công Dũng đã phát huy được tài năng của mình. Cùng với các đồng nghiệp, ông luôn miệt mài sáng tạo. Sự thầm lặng và kiên trì trong nghệ thuật đã cho ông những tác phẩm nghệ thuật đặc sắc, để từ đó ông luôn có mặt trong các giải thưởng mỹ thuật, điêu khắc nhiều năm liền. Ông đã để lại dấu ấn trong lịch sử điêu khắc Đà Nẵng với vai trò là một nghệ sĩ điêu khắc độc lập, một nghệ sĩ đam mê với nghề và không ngừng sáng tạo cho nghệ thuật.
(Tạp chí Non nước số 273)