Như cách ta trồng lại những cái cây

22.03.2022
Minh Phúc
Sự hồi phục đầy can trường ấy, đáng ngạc nhiên như chiếc chồi non háo hức đâm ra từ gốc cây cằn, đáng yêu như ai đó tìm cách trồng lại những cái cây, nhờ cây ghi dấu lại một hành trình.

Như cách ta trồng lại những cái cây

Trở lại văn phòng sau những tháng ngày cách ly dài dằng dặc, bạn kéo chiếc rèm che cửa kính cho ánh nắng tràn vào. Cảm giác muốn đón nắng giống như cái mầm cây nhớ lúc trời ấm để tách mình khỏi vỏ, cọ cựa sự sống ngủ yên trong hạt, rồi trồi lên mặt đất hít thở khí trời. Dịch bệnh, như cơn bão, đã tạm ngưng, và lục tục những âm thanh của sự sống.

 

Nhìn qua cửa sổ nắng, bạn thấy quán cà phê đối diện mới mở cửa lại, vẫn còn héo hon đón vài ba khách, nhưng trên cửa dán mấy chữ “Nghịch thủy hành chu”. Đi thuyền ngược nước - có lẽ là cách ông chủ quán cà phê muốn tỏ bày tinh thần kinh doanh trong giai đoạn này. Một cuộc đi thuyền ngược nước, chậm, khó, mệt, dễ làm nản chí, nhưng không đi tới thì mãi không biết được phía trước. Cuộc hồi sinh lặng lẽ, trong từng nhịp đóng và mở cửa, trong từng hơi xe, hơi người ngang qua phố.

Tiệm bán cơm bình dân kế bên đã đóng, cánh cửa sập xuống. Những tiệm ăn quán xá còn mất này làm bạn nhớ lớp lá vàng rụng trong sân quán Phú Chiêm - cái quán nổi tiếng từ lâu bán thức ăn kiểu người Quảng, giờ cũng đóng cửa, những mành tre sập xuống che khoảng sân trước. Giàn sử quân tử bò tràn lên mái, rủ hoa buồn rầu giữa lớp lớp lá rụng. Không một manh mối nào cho bạn thấy quán có thể mở cửa trở lại, một cuộc tàn lụi không thể ngăn được tiếng thở dài.

Anh Bảy bột chiên đã đẩy chiếc xe của mình trở lại nơi góc cột điện, đánh dấu sự hiện diện của mình bằng tiếng nổ bột lách tách lúc bỏ vào chảo dầu, đám khói ì xèo dậy mùi béo ngậy. Mấy bữa đầu, khách thưa thớt, hai người gác chiếc sạn lên chảo, chong mắt ra đường. Có ai dừng lại, là anh bật lên đảo nhanh những viên bột cho nóng giòn lại, chị vợ tíu tít chuẩn bị nước chấm. Cuộc làm ăn rón rén khôn tả.

 

 Mon men theo nhịp phố nhịp phường bắt đầu có hơi hướm sinh động, chị Thắm đẩy chiếc tủ kính trong có mấy chai nước ngọt trở lại góc quen sát trước một nhà in. Chai lọ nảy xốc va vào nhau leng keng. Chị kéo tấm bạt phủ chiếc tủ, giũ bụi dứt khoát. Bóng chị lui cui trong nắng chiều xiên khoai. Người phụ nữ bao nhiêu năm sống nhờ lề đường lại hào hứng mở mấy bài tân cổ từ cái điện thoại cũ, phát qua chiếc loa nhỏ. Mấy bản nhạc luôn bị chêm vào đoạn quảng cáo, nghe vừa buồn cười vừa hồ hởi. Đưa ly nước cam vắt cho khách, nụ cười chị giấu trong lớp khẩu trang: “Tui mong từ đây tới Tết yên ổn làm ăn, nói chớ sợ thiệt, mắc dịch gì đâu mà xung quanh hết người này chết đến người kia chết”. Rồi chị ri rỉ hát theo “biên cương lá rơi Thu Hà em ơi…”.

Chiều nay, lúc ngó ra bâng quơ, thấy một chiếc cúp cũ kỹ quẹo vào hẻm nhỏ, người ngồi sau cắp một cái cây. Cây xanh cao cỡ một khoảng dang tay, lắc lư vẫy lá. Đó là hai ông bà cụ già có ngôi nhà nhỏ cùng chú chó nhỏ trong xóm. Cái cách họ ôm một cái cây về trồng ngay khi thành phố vừa qua cơn khủng hoảng, làm bạn thấy an ủi và được chữa lành.

Như cây sậy, gió bão quật cho ngã sấp, nhưng không dễ bẻ gãy được, là khí chất của chú bán hủ tiếu hẻm bên. Bữa sớm, chú châm bình trà, bày ra chiếc bàn nhựa, cái dáng đã bớt ủ rũ mà vẫn chưa mấy bình thường, hai chân co lên ghế. Bình trà gốm cũng cũ lắm rồi. Gánh hủ tiếu đã dẹp bởi nhà chú bốn người mất trong đợt dịch. Nỗi đau khói hương còn đọng lại trong từng nếp xếp trên trán, nhưng trong miếng trà thơm mùi lài, bay khói nhẹ mỏng tang ở khúc hẻm nhỏ sớm này, giữa những tường rào đã được mở tung, chú ngồi yên nhìn lũ sẻ bay lên đậu xuống. Ngày mai ngày kia, cái xe hủ tiếu sẽ sang lại cho ai đó cần, như chú nói. “Giờ đâu còn bả nữa đâu mà bán!”. Nhưng người đàn ông cô độc này sực nhớ ra mình cũng cần phải sống tiếp: “Chắc qua Tết tui sẽ đăng ký chạy xe Grab luôn”.

Xéo bên kia, cô Tư chuối nếp nướng nước cốt dừa mấy chục năm vang danh nơi hẻm nhỏ nói với qua, rằng chắc tháng sau mới bán lại. Tháng sau là qua Tết ta luôn rồi. Hàng xóm nói cô Tư vậy mà may, dính F0 mà trở về được. “Trở về chứ, dễ gì tui bỏ nghề”, tay chống nạnh ngang hông cười mỉm, hẳn đã nhớ cái hẻm cần có cái bếp than hồng, mùi chuối nếp chín thơm thì mới đủ bản sắc, để quyết định rằng chưa thể chết được.

Bản sắc và căn tính phố xá Sài Gòn là nơi những bình dân này đương đầu với nỗi đau, sự mất mát, gầy dựng lại bằng cung cách đơn thuần và thật thà nhất. Họ thảy ra những câu chuyện về đời mình, không một chút lẩn tránh, tự nhiên như thảy một viên đá khỏi ly cà phê. Viên đá tan đi, câu chuyện cũng mất, nhưng chẳng sao cả. Sống, là sự miệt mài và chăm chỉ, mỗi ngày.

Sự hồi phục đầy can trường ấy, đáng ngạc nhiên như chiếc chồi non háo hức đâm ra từ gốc cây cằn, đáng yêu như ai đó tìm cách trồng lại những cái cây, nhờ cây ghi dấu lại một hành trình.

(TTO)