Một người đi ngang cuộc đời
Y như các tình tiết đầy lãng mạn của những chuyến phà, đò qua sông, thường sẽ có một người con gái nào đó bước ra phía mũi, dựa vào một cái gờ chắn hay cái lan can (nếu có), ngó hướng mặt ra phía sông. Để gió thổi tung tóc, để những nỗi nhớ của những lần qua sông cũ ùn ùn trở về.
Nơi nào đó vẫn còn dề lục bình đang trôi, còn dòng nước ngầu đục chảy. Nơi bến bờ nào kia cũng le te thấp ánh đèn. Trong trí nhớ cũ, vẫn còn tiếng tạch tạch của ghe máy nổ, tiếng nước chẻ đôi nghe ràn rạt như mưa ở mũi ghe lướt nhanh, tiếng dằm khua lụp cụp mạn xuồng dạo nọ. Ai đó giặt áo bên bờ sông, trong cái hốt hoảng của buổi chiều coi vậy mà nhanh lắm.
Con người, dù có thế nào, vẫn ghi lại cảnh cũ, và mường tượng rằng mình thấy nó, hoặc luôn thấy nó trong những giấc mơ. Nó trở thành cái góc nhớ huyền bí và êm dịu nhất, để mỗi khi nhớ lại, không hẳn chỉ là nỗi buồn.
Như chiều nay cũng vậy, lúc xuống chiếc phà cũ kỹ này (hồi xưa nơi này chỉ có đò, từ hồi các chuyến phà ngưng chạy vì đã có cầu, thì một con phà tách về đây), chị đứng dựa vào thanh sắt chắn trước mũi. Bên kia sông là quê nội. Hồi nhỏ, lúc chỉ có con đò lướt trên sông bằng mái chèo, chị nhớ mình là cô nhỏ ngồi bên bờ đất bên này, lấy chiếc que vẽ chữ giết thời gian chờ đợi.
Đó thường là những chuyến qua thăm nội do được ba sai đi, mang cho nội khi thì con cá, khi miếng thịt, có lúc chỉ là chai dầu cù là hiệu con hổ mà ba được ai đó tặng, nghĩ nội sẽ cần hơn trong lúc trái gió trở trời.
Hồi đó nhiều lần cũng ấm ức trong bụng khi sang đò, vì cô nhỏ không dám cãi lệnh ba, phải đi bộ từ nhà đến bến đò gần hai cây số, qua đò xong, lại đi bộ lên nhà nội gần cây số nữa, chỉ để làm con chim bồ câu đưa thư cho ba và nội, rồi về.
Sau này mới hiểu, lòng thương yêu quý kính của ba dành cho nội, chị dù có ráng cũng không cách gì rộng được như vậy. Cũng có những chuyến, hờn giận do bị ba má rầy la vì một sai phạm nào đó vô lý, bèn bỏ nhà đi qua nội để méc, để nghe nội dỗ dành, đi trong nỗi tức giận nên quên đem theo tiền trả tiền đò, bèn xin túi nội. Cái túi áo vải nâu gài kim tây (kim băng) nhiều lần, bàn tay quệt miếng trầu đỏ ngang môi, bàn tay nắm tay đứa cháu, nói về đi con, ba má hết giận rồi.
Chỉ cách một bờ đò, mà bên quê nội như một nơi lạ lẫm hẳn. Mỗi lần thấy cô nhỏ đội cái nón vải, xách cái giỏ đệm lon ton đi, thể nào cũng có một người quen nào đó hỏi, rằng về nội hả con. Lại thấy y như mình là một người tha phương từ lâu quay về chốn cũ.
Giờ thành một người lớn hẳn hoi, và nội cũng không còn đợi ở bến bên kia, nên những chuyến sang đò luôn làm chị thấy tâm trạng chùng hẳn xuống. Không còn ai nhớ chị là ai, những người quen năm cũ, những nếp nhà cũ đã lật đật đổi khác hết, như người ta đổi một bàn tay. Nhưng nào đâu phải vậy, là do chị, lâu quá không về.
Đúng lúc tâm trạng võng xuống gần như chạm đáy chiếc phà, thì chị trông thấy anh. Dáng vẻ khắc khổ, nét mặt già đanh, khó mà nhận ra người bạn học thuở cấp ba đã từng rất vui vẻ và hóm hỉnh. Dù sao, rời trường cũng đã hăm mấy năm, họp lớp không mấy khi chị muốn về. Trong hăm mấy năm cuộc đời quăng quật, chính chị đôi khi còn không nhận ra mình nữa. Sợ bạn ngại, nên chị đánh tiếng trước: Ủa, có phải T. không? Một vài giây ngập ngừng, rồi người bạn cũ ừ nhẹ một tiếng, tưởng như tiếng đó vừa rớt ra, là lập tức tan hết trong sông. Rồi gượng thêm một câu: P. về nhà nội hay đi đâu?
Ừ, về nhà nội chớ đâu. Định hỏi bao nhiêu câu nữa, nhưng thấy cái vẻ thủ thế của bạn, cái tay vần vò tà áo nhàu, cái mặt cứ quay về hướng khác chớ không dám nhìn thẳng vào mặt chị, lại thôi.
Trao đổi vài câu cầm chừng thì phà đã chạm bến. Nhà bạn cũng ở bên này sông quê nội chị, mà ngược hướng chị đi. Nhà và bạn, ở mấy chục năm không đổi đi đâu khác. Nhưng cuộc đời bạn, chừng như đổi cả ngàn lần kiếp, trong những tan vỡ, những may rủi.
Đâu có ai biết được khi lớn lên, đối mặt với những tổn thương, hay đi qua những trắc trở gian nan ta còn lại điều gì. Nhưng bằng cách này hay cách nào khác, ta vẫn phải sống. Những cuộc hạnh ngộ trong đời nhau, dù sượt nhanh như cánh chim bay qua đầu rồi mất hút, cũng đủ tràn về thuở thiếu thời ta đã lãng quên. Thuở ấy, ai cũng trong veo và vui tươi lắm.
Nhiều khi, cách ta gặp lại một người, cũng giống như cách ta gấp một cuốn sách. Nhốt những mảnh đời ta biết phía bên trong.
(tuoitre.vn)