Nhà văn Vũ Tú Nam qua đời

10.09.2020

Nhà văn Vũ Tú Nam qua đời

Thông tin từ họa sĩ Vũ Huy, con trai nhà văn Vũ Tú Nam, cho biết nhà văn đã qua đời vào 10 giờ 15 phút ngày 9-9 tại Hà Nội, hưởng thọ 92 tuổi.

Nguyên tên khai sinh của ông là Vũ Tiến Nam, sinh năm 1929, tại thôn Lương Kiệt, xã Liên Minh, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Thân sinh của nhà văn Vũ Tú Nam là một nhà nho, 2 anh trai ông là nhà văn Vũ Ngọc Bình và nhà thơ Vũ Cao. Cha ông mê tuồng, chèo, mỗi lần đi xem đều cho ông đi cùng, còn hai ông anh trai của ông thì ham mê đọc sách. Ông bảo rằng đi xem nhiều tuồng chèo với cha cho ông kinh nghiệm quan sát; đọc sách nhiều như 2 anh trai cho ông những hiểu biết và kinh nghiệm quý báu mỗi khi viết văn.


Lúc nhỏ, ông học Trường Tiểu học Pháp - Việt ở thị xã Hòa Bình, sau đó lên Hà Nội tiếp tục học bậc trung học. Năm 1947, ông nhập ngũ, làm Báo Chiến sĩ (Liên khu IV). Năm 1950, ông chuyển về công tác tại Báo Quân đội Nhân dân. Ông cũng là một trong những biên tập viên đầu tiên của Tạp chí Văn nghệ Quân đội năm 1957, cán bộ văn nghệ thuộc Cục Tuyên huấn Quân đội Nhân dân Việt Nam.


Nhà văn Tú Nam và vợ - nhà văn, nhà báo Thanh Hương - trong lần ra mắt cuốn sách "Hồi ức tình yêu". Ảnh: FACEBOOK HÀ ANH
Năm 1958, ông chuyển sang công tác tại Báo Văn học. Ông đảm nhận các vị trí: Thư ký tòa soạn Báo Văn học (nay là Văn Nghệ), Phó Tổng biên tập Báo Văn Nghệ, Giám đốc Nhà Xuất bản Tác phẩm Mới (nay là Nhà Xuất bản Hội Nhà văn). Ông cũng được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam các khóa I, II, III, IV, Tổng Thư ký Hội Nhà văn Việt Nam khóa IV.

Ông được bầu làm Đại biểu Quốc hội khóa IX. Ông nghỉ hưu năm 1994.

Trong sự nghiệp văn học, nhà văn Vũ Tú Nam để lại dấu ấn cho độc giả qua nhiều tác phẩm: "Bên đường 12" - giải Nhất văn xuôi Trại Văn nghệ Lam Sơn (Liên khu IV) năm 1950; "Quê hương" (1960); "Sống với thời gian hai chiều" (1983); "Mùa xuân, tiếng chim" (1985); "Tuyển tập Vũ Tú Nam I và II" (1997); "Hồi ức tình yêu" (viết cùng Thanh Hương, 2001). Ông cũng sáng tác 4 tập thơ, 28 tập truyện nhỏ cho thiếu nhi cùng 16 tập truyện tranh cho nhi đồng và dịch 8 cuốn sách. Truyện thiếu nhi nổi tiếng của ông mang tên "Văn Ngan tướng công" (phát hành năm 1963) được nhiều người đón nhận, được dịch sang tiếng Nga và xuất bản ở Liên Xô. Cũng từ tác phẩm này mà ông được mọi người đặt biệt danh "Văn Ngan tướng công". Ông được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2001.

 
Ông có 4 người cháu (2 cháu nội, 2 cháu ngoại) với những tên gọi thân quen ở nhà là Ly, Mi, Đốm, Chấm cũng là tên nhân vật trong các sáng tác của ông. Nhân vật Ly trong tác phẩm của ông chính là người mẫu Hà Anh (tên thật Vũ Nguyễn Hà Anh).

"Trẻ con nó biết nhiều thứ lắm chứ không hề đơn giản, ngờ nghệch như mình nghĩ. Chúng có đầu óc và có cách phán xét riêng rất sâu sắc và tinh tế. Nếu người lớn không trẻ con được như chúng thì không thể hiểu hết được. Vì vậy, tôi luôn phải tự "trẻ con hóa" để tiếp tục sáng tác cho trẻ thơ. Tôi thường chú ý và tin vào những điều tốt đẹp, điều thiện ở con người. Tôi quý sự trung thực và lòng nhân hậu, nhất là sự trung thực và lòng nhân hậu trong mỗi sáng tác dành cho trẻ thơ" - nhà văn Vũ Tú Nam từng tâm sự.

Chia sẻ về ông của mình, người mẫu Hà Anh nói: "Ông đã cho tôi một nền tảng tinh thần vô cùng đẹp đẽ và sâu đậm qua những mẩu chuyện mà ông kể và viết. Tôi và các em của tôi, tự hào vì được xuất hiện liên tục trong các tác phẩm của ông chứ không riêng gì "Hoa lá trong vườn". Đó là niềm hạnh phúc không phải ai cũng có được...".

"Lễ viếng nhà văn Vũ Tú Nam sẽ được tổ chức lúc 7 giờ 30 phút ngày 12-9 tại Nhà Tang lễ số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội. Linh cữu được an táng tại Nghĩa trang xã Liên Minh, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định.

Thùy Trang

(nlđ.com.vn)