Nhà văn Vũ Hạnh qua đời

15.08.2021
Hoàng Anh
Nhà văn Vũ Hạnh đã qua đời vào lúc 6 giờ ngày 15-8 do tai biến, hưởng thọ 96 tuổi, khép lại một đời văn – chiến sĩ, một biểu tượng đẹp của tinh thần văn hóa dân tộc.

Nhà văn Vũ Hạnh qua đời

Nhà văn Vũ Hạnh (sinh năm 1926) tên thật là Nguyễn Đức Dũng, sinh năm 1926 tại xã Bình Nguyên, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam, trong một gia đình nho học. Ông còn có các bút danh khác: Hoàng Thanh Kỳ, cô Phương Thảo, Minh Hữu, Nguyên Phủ, A.Pazzi.

Sau khi tốt nghiệp Tú tài (19 tuổi), ông tham gia Cách mạng… Sau đó, ông trải qua năm lần bị địch bắt (trải dài từ năm 1954 – 1975) và chịu sự tra tấn trong quá trình hoạt động cách mạng, ông vẫn bền bỉ đấu tranh bằng ngòi bút trên mặt trận tư tưởng văn hóa. Trong số văn nghệ sĩ thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Vũ Hạnh là một gương mặt nổi bật để lại cho sự nghiệp văn chương nước nhà nhiều tác phẩm có giá trị.

Nhà văn Vũ Hạnh là một cây bút có thể tung hoành trên nhiều địa hạt khác nhau như truyện ngắn, tiểu thuyết, tiểu luận, phê bình…và ở thể loại nào ông cũng thành công, có dấu ấn riêng. Nhắc đến ông, chắc hẳn bạn đọc sẽ nhớ đến tác phẩm vang bóng một thời như Bút máuĐọc lại truyện Kiều, Người Việt cao quý, Tìm hiểu văn nghệ, Người nhà trời, Tuyển tập Vũ Hạnh… qua ngòi bút sắc nét và tấm lòng yêu nước của một nhà văn đích thực. Chính xuất phát từ tư tưởng văn hóa dân tộc mà ngòi bút Vũ Hạnh mới càng tỏa sáng tinh thần văn hóa dân tộc. 

Nhà văn Vũ Hạnh cũng đã mượn cái tên A. Pazzi (một cái tên Ý không có thật) để viết về dân tộc mình qua quyển "Người Việt cao quý" lừng danh. Theo lời kể của ông, những năm 60 của thế kỷ trước, sau khi Mỹ đổ bộ vào Việt Nam, xã hội miền Nam nhanh chóng du nhập lối sống Mỹ, lối sống thực dụng. Điều tệ hại và nguy hiểm hơn là trong tâm lý, tình cảm một số người, đặc biệt trong giới văn nghệ có xu hướng vọng ngoại, lai căng, coi thường văn hóa truyền thống dân tộc, mặc cảm vì "giống da vàng nhược tiểu"... Vũ Hạnh nói ông viết cuốn sách này nhằm đề cao văn hóa dân tộc, con người Việt Nam. Với niềm tự hào trào ra ngòi bút, ông viết "Người Việt cao quý" chỉ hơn một tuần và sau đó được xuất bản ngay.

Một số tác phẩm của nhà văn Vũ Hạnh

Người nhà trời được nhà văn Vũ Hạnh sáng tác trong vòng ba năm trở lại đây. Trở về quá khứ 50 năm trước, ông được nghe kể lại có những tay anh chị và “thứ luật rừng” gây khiếp hãi cho thế lực xấu xa gây áp bức và bất công trong lòng dân khi luật pháp không can dự đến được. Nhà văn Vũ Hạnh đã lý giải chọn hình tượng “những tay anh chị” như sau: “Hiện tượng những tay ‘anh chị’ không phải thuộc riêng của đất nước nào. Bất kỳ ở đâu có sự áp bức, bất công và suy đồi về luật pháp thì sẽ nảy sinh những người tự nhận ‘thế thiên hành đạo’, những người tự động tạo ra một thứ luật rừng để mà xử lý theo sự công minh từ sự nhận thức của mình. Thời Pháp thuộc, xã hội miền Nam sản sinh nhiều tay anh chị là vì lẽ đó, và trong số này có cả những người trí thức đã từng xuất dương du học. Những anh, chị này, thời ấy, có đặc điểm riêng mang nặng sắc màu Việt Nam, và đó là điều chúng ta vẫn muốn tìm hiểu”.

Trong suốt cuộc đời cầm bút, dù ở lĩnh vực nào, nhà văn Vũ Hạnh cũng chứng tỏ được tầm vóc của một cây bút đa tài.

Vĩnh biệt nhà văn Vũ Hạnh, ông để lại một tấm gương về nhân cách sống, về tình yêu dành cho văn học với ý nghĩa cao đẹp nhất của người cầm bút.