Lòng ta như nắng, mắt như hoa

13.02.2023
Trần Huyền Trang
Muộn ngày, Lài rảo xe về qua hẻm nhỏ. Con hẻm nhỏ xíu và cụt ngủn như đường chỉ tay. Có đôi khi cô ước giá như nó dài ra thêm vài ba mét nữa. Chỉ một đoạn nữa thôi, nhưng cũng có thể giúp cô lấy lại thăng bằng trước khi chiếc cổng rào đóng sập sau lưng mình.

Lòng ta như nắng, mắt như hoa

Hôm nay chủ quán ăn có việc phải về quê đột xuất vì người nhà bệnh nặng. Lén nhìn đôi mắt của ông chủ, cô chỉ biết cầu nguyện cho người bệnh nhiều phước lành. Mùa này, trời lúc nào cũng ướp sẵn mớ hơi lạnh. Người trẻ khỏe hở ra cũng sổ mũi hắt hơi, người già càng chịu khắc nghiệt hơn. Nhiều hôm đi trên đường, ngang những hàng cây đang thay đám lá vàng ngoài phố, Lài khựng lại một nhịp. Thời khắc những chiếc lá buông bỏ hết để rũ mình về với đất, nhẹ thinh không đớn đau. Nhiều bạn trẻ nô nức chen nhau chụp ảnh với đám lá vàng rụng đầy thảm cỏ dưới những gốc cây. Lài chớp mắt, kéo ga mạnh hơn, lao đi, cố rũ hết những đốm màu vàng vọt rơi khỏi tâm trí mình. Vẻ đẹp từ trong nỗi buồn rầu héo úa đến cô độc của thiên nhiên, với Lài, chỉ nên để mắt mình chiêm bái từ xa. Cô không nỡ chạm vào, khuấy đảo nỗi cô độc của những cái cây khi đám lá rời bỏ mình.

Với ông chủ quán ăn nơi cô phụ việc cũng vậy. Những lời an ủi dù thành tâm nhất đôi khi trở nên thừa khi lòng họ đang duềnh lên những nỗi lo âu. Lài chỉ biết chu đáo làm hết việc của mình một cách cẩn thận. Khi những chiếc tô, dĩa đã được lau bóng loáng, đặt ngay ngắn trên kệ, quầy bếp, bồn rửa chén, sàn nhà đã được chà sạch sẽ, Lài mới chậm rãi về nhà. Những ngày sắp tới quán phải tạm đóng cửa. Công việc làm thêm của cô xem như gián đoạn. Cô chưa biết mình phải làm gì sau khi đã hết việc chính nhàn nhạt trên công ty. Cô ước mình có thể thong thả trở về, vứt bừa túi xách, quăng đại đôi giày, thả mình xuống nệm, nghe nhạc, xem phim, ăn bắp rang, hoặc làm bất cứ trò điên khùng nào như hồi chưa cưới. Nhưng cô sao có thể làm được như vậy. Khi chồng cô vẫn nằm im thinh một góc giường, khẽ nhếch môi biểu hiện niềm vui le lói đón vợ trở về. Thi thoảng, cô thấy mắt chồng rũ xuống, không rõ vì anh mệt, buồn ngủ hay vì điều gì khác.

Thường sau khi buông vài câu qua quýt để chồng tạm yên tâm về một ngày làm việc của mình vẫn trôi qua như bình thường, cô chỉ kịp kê chiếc gối rồi nằm xuống cạnh bên anh. Giấc ngủ đến nhanh nhưng lại khiến cô khá chật vật chắp vá lại lúc nửa đêm mỗi khi chồng cần cô giúp đỡ việc vệ sinh cá nhân. Dạo này mỗi sáng cô thường phải nhín ra gần mười phút cho việc tẩy xóa dấu vết thiếu ngủ ở hai bầu mắt. Hôm nào tiện tay vạch vài đường chân tóc, nhổ được vài sợi tóc trắng cũng khiến cô mất thêm vài phút bần thần nghĩ ngợi. Từ khi phát hiện những sợi trắng lún phún trên đỉnh đầu, rồi từ từ lấn cả lên những sợi tóc còn khỏe mạnh khác, cô đã phải cầu cạnh vào thứ màu nhuộm độc hại. Mái tóc cô trở nên bồng bềnh, quyến rũ hơn với gam màu hạt dẻ hợp thời. Rồi những sợi tóc tỏ ra hờn dỗi nhiều hơn. Ngày nào cũng có một nhúm tóc nằm lại trên gối. Chồng là người nhìn thấy sự giãy chết đó đầu tiên. Anh ú ớ gọi người giúp việc tìm cây nhíp gắp hết mớ tóc rúm ró xoắn vào nhau, nhét dưới đáy thùng rác. Sau đợt tai biến, mọi việc vệ sinh, di chuyển của chồng đều phụ thuộc vào Lài và người giúp việc. Cũng từ đó, những thứ là hiện thân của sự giãy chết đều khiến anh kinh hãi. Một nhúm tóc của vợ, một chiếc lá khô bay vào nhà, một chiếc đuôi vừa rụng của chú thằn lằn trên tường, xác muỗi, ruồi, gián, kiến… Tất cả những thứ đó không được phép ở trong tầm mắt anh quá năm giây. Người giúp việc thường xả hết những bực dọc về anh mỗi khi chạm mặt cô ở cổng. Chỉ đến khi cô bồi thêm xấp tiền đầy đặn vào kỳ lãnh lương, nụ cười mới giãn ra trên môi bà ấy. Cuộc sống mà! Ai cũng có lúc chẳng may. Những cơn điên cũng thường trỗi dậy vào những thời khắc đen đủi ấy, phải không cô? Là tôi lỡ lời. Cô thông cảm! Mai tôi đến sớm cho cô đỡ trông, cô hen!

Lài còn biết nói gì ngoài việc thở nhẹ. Khi bước chân vào nhà, đến thở cô cũng phải cẩn thận từng nhịp một. Và rồi, cô cũng buộc phải hòa nước mắt mình vào nước vòi sen khi tắm. Sự riêng tư nhất của cô có lẽ chỉ duy nhất lúc này.

***

- Anh à, hay mình nuôi một con mèo?

Chồng dường như đã đọc được ý nghĩ đó của cô từ lâu, chỉ nhếch mép, mắt vẫn chăm chăm vào điện thoại. Khoảng thời gian anh gắn mình trên giường sau cơn tai biến liệt nửa người, thế giới của anh thu gọn trong cái màn hình chữ nhật nhỏ bé đó. Những chiếc clip hài nhảm vô vị dù sao vẫn hơn tiếng quạt máy rè rè chán ngắt xoay qua xoay lại bên giường, đôi khi lại kêu lục khục vì khô dầu. Lài biết thứ anh mong chờ nhất là một cuộc gọi. Chiến hữu trên bàn nhậu của anh đâu rồi? Đối tác mà anh vẫn hay chiêu đãi rượu thịt ê hề mỗi cuối tuần đang ở đâu? Lài không biết chính xác liệu người từng trải qua cơn tai biến như anh có phải sẽ mất khả năng làm việc sau khi hồi phục hay không. Nhưng có vẻ như sếp lớn không mặn mà với việc sẽ cân nhắc để anh ngồi lại vị trí cũ. Như cái cách mà ông ta đã nói: "Thời gian phục hồi của cậu không phải ngày một, ngày hai. Công việc thì không thể chờ được. Cậu hiểu chứ?". Nói trắng ra là anh mất việc, ngay cả khi phục hồi 100%. Anh biết điều đó. Và chấp nhận điều đó. Khi mình chỉ còn nằm yên một chỗ, biết làm gì hơn.

- Em nghĩ tiếng mèo dễ chịu hơn tiếng trẻ con sao?

Anh thều thào. Anh lại như vậy nữa. Ai lại đi so sánh khập khiễng vậy chứ. Nhưng ngay cả những lúc anh nằm yên như thế này, anh vẫn có thể phàn nàn - về mọi thứ. Anh thật là quá quắt. Lài nhũn ra. Đến nước này mà anh còn cay nghiệt được với cô. Anh cần phải làm như vậy ư? Nhưng thôi, mọi thứ đều là lỗi của mình. Nghĩ vậy đi, cho nhẹ lòng!

Thay vì đôi co, Lài đang bận nhẩm tính xem đến nay đã là tuần thứ mấy. Việc tập vật lý trị liệu đã tiến triển rõ rệt. Từ một khuôn miệng méo xệch nói không tròn tiếng, mắt sụp, tay chân xuội lơ, nay anh đã nói trọn vẹn một câu dài, trí nhớ hồi phục hoàn toàn. Nhưng cũng từ đây, mọi ẩn ức bao lâu trì ách lại trong lòng người đàn ông ấy được khơi ra, rỉ rả từng chút một.

- Em… sao nay về trễ?

Lài thoáng giật mình. Lâu rồi, việc đi về giữa hai vợ chồng không còn là mối bận tâm của nhau. Chính xác hơn, không còn là mối bận tâm của Lài. Trước khi anh bệnh, có những cuộc gọi giật ngược lúc giữa đêm của anh tài xế Grap kêu cô ra mở cửa cho chồng. Cơn say có thể ru anh một giấc êm đềm đến sáng. Anh có thể quên hết mọi thứ, kể cả cô, và lỗi lầm của cô. Tốt chứ sao!

Bây giờ… nói sao nhỉ? Anh không biết hôm nay cô đã gặp một cơn chấn động. Cô như kẻ say, lừ đừ trong những ý nghĩ lạ lùng vo ve đầu óc. Sao lại có thể như vậy được? Ông chủ quán ăn, ông ấy chắc chắn cũng đang mụ mị như người đi trong một giấc mơ dài.

- Cô uống với tôi

một chút gì không?

- Tôi biết uống rượu nho, nhưng không nhiều đâu, ông chủ!

- Ừ, chắc cô sợ say?

Ông chủ nháy mắt nhìn Lài. Gần hai năm làm thêm chỗ quán ăn, đây là lần đầu tiên Lài được đích thân ông mời ăn uống nơi quán xá cùng ông. Những buổi quán đông, ông chủ cũng lăng xăng bưng bê y hệt một nhân viên cần mẫn. Vậy mà, ông gọi một tiếng là nhân viên một dạ hai thưa. Là bởi vì chưa bao giờ ông từ chối một lời đề nghị giúp đỡ nào. Hôm nay ba cậu nhân viên nhập viện, ba mươi triệu viện phí chứ mấy. Bữa nọ chị thu ngân gặp tai nạn, cũng là ông chủ lo hết. Người gây tai nạn là dân chạy xe ôm. Cái xe đã rách bươm. Một đám con nheo nhóc đợi cơm từng bữa ở nhà. Rồi bắt đền kiểu gì?... Sau dịch, kinh tế suy thoái, nếu không có cái tình với nhau, dễ gì cả chủ lẫn nhân viên còn trụ được đến bây giờ.

- Một người rồi cũng cần phải biết say đôi ba lần trong đời, Lài à! Nếu không, đau lắm ấy!

Lài không hình dung nổi lúc ông đối diện với sự thật từ người vợ ông hết mực cưng chiều, yêu thương ấy. Chưa bao giờ Lài nghĩ một người luôn nở nụ cười ấm áp trên môi như ông lại có thể mang một vết thương sâu hoắm trong lòng. Và cái cách ông quên nó đi.

Cái hôm mà ông tất tả đóng cửa quán rồi về quê là chỉ để kịp nghe người vợ nhắn nhủ những lời sau cùng.

Rằng đứa con trai mà ông đã ngỡ là con mình mười mấy năm nay thật ra nó là máu mủ của kẻ khác.

- Làm cha mười mấy năm, cô nghĩ tôi mù nên không nhận ra điều đó?

Lài choáng váng, kiểu như mình là người trong cuộc.

- Ông… sẽ tha thứ cho cô ấy, phải không?

Người mất rồi, tha thứ hay không đâu còn quan trọng nữa. Phút cuối cùng, cô ấy đã dũng cảm nói lên sự thật. Nó như một đòn chí mạng. Dù tôi đã cố nén sự thật đó xuống tận đáy lòng từ bao nhiêu năm nay. Vì yêu, cô ấy cố giấu bí mật khủng khiếp ấy. Rồi cũng vì yêu, cô ấy quyết định khui ra, như cố nạo hết cùi của một u nhọt nào đó.

Và cũng vì tôi khát một đứa con. Tạo hóa vốn công bằng. Người ta chối bỏ giọt máu của mình. Và rồi tạo hóa mang nó đến cho tôi - kẻ bất lực vì mãi không thể tự mình tạo tác nên một con người.

Đó có thể là cuộc gặp cuối cùng của ông và cô. Mặt bằng quán cũ đã được sang cho chủ mới. Ông huyên thuyên về những kế hoạch của hai cha con trong tương lai. Một chân trời nào đó xa xôi nhưng tươi sáng hơn. Lài bần thần, rụt rè hỏi:

- Có chắc là mọi thứ sẽ tươi sáng hơn không? Ý tôi là… ở nơi nào đó…

- Khi lòng cô có nắng, mọi thứ trước mắt cô đều tươi sáng hơn, đúng không?

Lài chỉ thấy khuôn mặt ông đựng một nỗi buồn không tả được. Nỗi buồn của người đàn ông, không lồ lộ như nỗi buồn của phụ nữ. Nó ẩn tàng đâu đó trong nụ cười méo mó, trong làn da rám nắng thỉnh thoảng run run theo những cái nhíu mày, thậm chí, nó ngủ kỹ trong ánh mắt vốn luôn nhìn lên bầu trời trong xanh. Thật kỳ lạ, mình có thể chắt cạn đời mình để yêu thương một ai đó, nhưng chỉ một cú phản bội thôi cũng đủ để đau điếng hết phần đời còn lại. Quên đi? Dễ gì!

Lài đã cố xả trôi hết mọi thứ luẩn quẩn trong đầu dưới những tia nước của vòi sen. Hóa ra bấy lâu nay khi cô cứ cặm cụi ngồi đó tô vẽ, trang hoàng, bồi đắp cho nỗi buồn của mình thêm phần lộng lẫy thì mọi thứ vẫn không thể khác đi. Ngày vẫn qua không cách gì giữ được. Chỉ có tuổi mình là ngày một hao mòn.

Lài lau mặt cho chồng. Khuôn mặt này đã từng đi vào giấc ngủ của cô hằng đêm. Nhưng rồi bỗng một đêm nào đó, cô thấy chỉ một mình nằm trên một chiếc giường trống không lạnh lẽo. Tuyệt nhiên không có anh bên cạnh. Cũng vài lần Lài tập quen với việc nửa đêm giật mình và trơ trọi trong căn phòng không tiếng đàn ông lẫn trẻ con. Đó là khi cô và chồng giao kèo sẽ tách riêng. Cô trong phòng ngủ và anh ngoài phòng khách. Ai không chịu được sẽ thua và ra khỏi căn nhà chán ngắt này. Lài luôn đinh ninh chỉ một, hai đêm chồng sẽ xách vali rời khỏi cô. Anh đi về phía có tiếng trẻ con. Đó là thứ mà mãi mãi Lài không thể cho anh được nữa sau sự cố sẩy thai nghiêm trọng của nhiều năm về trước. Lài đã từng nhiều lần nhẩm tính mình sẽ làm gì nếu đột nhiên một hôm nào đó anh đưa một đứa trẻ về nhà. Một đứa con nít mang khuôn mặt của anh, như một bản sao.

***

- Anh biết không, chiều nay em gặp người bán chậu hoa dạo. Rồi em mua được một ít.

- Em muốn trồng ở đâu?

- Hiên nhà mình đó thôi. Chỗ đó lúc nào cũng có nắng. Nắng đẹp.

***

- Em, khi nào hoa nở?

- Hoa nở rồi anh, đẹp lắm!

Lài đưa điện thoại cho chồng xem một bức ảnh hoa hướng dương đang độ rực rỡ nhất. Cô thấy khóe mắt chồng chuyển động. Chưa bao giờ cô thấy một người đàn ông thật sự xúc động trước một đóa hoa.

Chồng Lài vẫn giữ nguyên trạng thái xúc động đó cả khi Lài đã rời khỏi nhà. Bà giúp việc cũng kinh ngạc trước khuôn mặt đang mềm ra của anh. Anh biết chậu hoa Lài kể trong tưởng tượng.

Lài làm gì có đủ thời gian để chăm sóc một chậu cây, khi mà việc làm thêm ở quán mới đã vào guồng. Nhưng chỉ cần trong lòng Lài có nắng, thì trước mắt cô, đâu đâu cũng có thể nở hoa.

Anh hối hận với những gì mình đã thốt ra với cô hôm trước. Cái khao khát bản năng làm cha đôi lúc khiến lý trí anh lu mờ thật sự. Anh lờ mờ nhớ đến quãng thời gian mình không thắng được cái khao khát làm cha, lén lút phản bội Lài. Rồi người phụ nữ ấy nhanh chóng mất hút với tất cả những gì anh dành dụm để sửa sang lại căn nhà. Lài biết điều đó. Im thinh.

Anh nằm im đến khi nắng xuyên qua song cửa, tràn lên một bên mặt. Anh thử cử động những ngón tay tê dại bấy lâu, mừng rỡ khi nó dường như đã bắt được tín hiệu điều khiển của não bộ. Có lẽ trời đất đã lắng nghe lời nguyện cầu của anh hàng đêm, giữ lại mạng sống để anh chuộc những lỗi lầm.

Dù bà giúp việc lay gọi đôi ba lần, anh từ chối bữa ăn. Những dự định về một giàn hoa rực rỡ tự tay anh bắc cho Lài đã khiến bụng anh như vừa được thưởng một bữa ngon, đậm đà.

(TNO)