Người Đà Nẵng với vua Lê Thánh Tông

01.03.2021
Bùi Văn Tiếng
Vua Lê Thánh Tông lần đầu tiên đến Đà Nẵng hồi năm Tân Mão 1471 không phải bằng đường bộ mà bằng đường biển, đưa thuyền vào tận Vũng Thùng/ vịnh Đà Nẵng và làm bài thơ Hải Vân hải môn lữ thứ, trong đó có nhắc tới núi Hải Vân và vịnh Đà Nẵng - nhà vua gọi là vịnh Đồng Long:

Người Đà Nẵng với vua Lê Thánh Tông

 Hỗn nhất xa thư cộng bức viên/ Hải Vân hoành giới việt nam thiên/ Tam canh dạ tĩnh Đồng Long nguyệt/ Ngũ cổ phong thanh Lộ Hạc thuyền (Nguyễn Thiếu Dũng dịch: Giang sơn trọn bức dư đồ/ Hải Vân giang rộng mở cờ vượt nam/ Đồng Long vằng vặc trăng nằm/ Con thuyền Lộ Hạc canh năm dập dềnh). Có một số tài liệu chép nhan đề bài thơ này là Tư Dung hải môn lữ thứ - cửa biển Tư Dung nay thuộc huyện Phú Lộc tỉnh Thừa Thiên Huế cách Vũng Thùng khoảng hai chục cây số về phía bắc. Đương nhiên ngồi làm thơ trên chiến thuyền neo đậu ở cửa biển Tư Dung, chủ thể trữ tình vẫn có thể nhìn thấy và đưa vào thơ hình ảnh núi Hải Vân, rồi khi “đăng cao vọng viễn” cũng có thể trông thấy và đưa vào thơ hình ảnh vịnh Đồng Long đang thấp thoáng bóng thuyền Lộ Hạc. Tuy nhiên căn cứ vào thời gian nghệ thuật của bài thơ là một đêm khuya trăng sáng, có thể xác định rằng không gian nghệ thuật ở đây là Vũng Thùng yên tĩnh đến mức có thể nghe được tiếng trống vang lên từ thuyền buôn của nước Lộ Hạc...

 
Là địa phương được Tổ quốc giao quản lý quần đảo Hoàng Sa suốt sáu chục năm qua, Đà Nẵng luôn khắc cốt ghi tâm lời vua Lê Thánh Tông dặn dò các quan phụ trách biên cương - đứng đầu là Thái bảo Kiến Dương bá Lê Cảnh Huy - vào tháng 4 năm Quý Tỵ 1473 và đã được ghi lại trong sách Đại Việt sử ký toàn thư: “Một thước núi, một tấc sông của ta, lẽ nào lại nên vứt bỏ? Ngươi phải kiên quyết tranh biện, chớ cho họ lấn dần. Nếu họ không nghe, còn có thể sai sứ sang phương Bắc trình bày rõ điều ngay lẽ gian. Nếu ngươi dám đem một thước núi, một tấc đất của Thái tổ làm mồi cho giặc, thì tội phải tru di!”. Sinh thời, Cố Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu từng đến thăm Triển lãm các tư liệu liên quan đến chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa do Ủy ban nhân dân huyện Hoàng Sa tổ chức hồi tháng 2 năm 2013 tại Bảo tàng Đà Nẵng và đã ghi cảm tưởng của mình, trong đó có nhắc tới lời dặn nêu trên của vua Lê Thánh Tông: “Nhân dân Đà Nẵng cũng như nhân dân cả nước phải luôn luôn nhớ lời dặn trong Sắc dụ của vua Lê Thánh Tông năm 1473 (…) Lời vua dặn tuy từ năm 1473, đã hằng mấy trăm năm, con cháu ngày nay phải cùng nhau giữ gìn bằng được”.  


Không chỉ thể hiện quyết tâm chính trị hết sức đanh thép về việc bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc qua lời dặn quần thần đương thời cũng như hậu thế, vua Lê Thánh Tông còn là nguyên thủ đầu tiên của nước ta đưa hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa vào bản đồ - Hồng Đức bản đồ sách/ Bản đồ Hồng Đức, góp phần đáng kể và đáng nể vào cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo - trong đó có cuộc đấu tranh đòi lại quần đảo Hoàng Sa của Đà Nẵng đang bị Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm trái phép từ đầu năm 1974. Bản đồ Hồng Đức được xem là bộ bản đồ địa lý và hành chính sớm nhất còn lại đến nay do nhà nước quân chủ Việt Nam thực hiện. Tuy bộ bản đồ quốc gia được vẽ trên giấy một cách hoàn chỉnh và khoa học này được khởi động vào niên hiệu Quang Thuận thứ 8 (năm Đinh Hợi 1467) khi vua Lê Thánh Tông ra lệnh cho 12 thừa tuyên trong cả nước vẽ bản đồ từng thừa tuyên gửi về Bộ Hộ, nhưng do được hoàn tất và ban hành vào niên hiệu Hồng Đức thứ 21 (năm Canh Tuất 1490) nên được gọi là Bản đồ Hồng Đức.

 

Trong hành trình sưu tầm bản đồ chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở nước ngoài, vào năm 2013 nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế - Xã hội Đà Nẵng Trần Đức Anh Sơn đã tìm đến Đông Dương văn khố tại Tokyo và đã tiếp cận một trong những bản sao sớm nhất của Bản đồ Hồng Đức đang lưu trữ tại đây - theo đó phần sau của tập Bản đồ Hồng Đức ở Đông Dương văn khố còn có hai tập bản đồ khác được đóng kèm vào là tập bản đồ Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư do Đỗ Bá vẽ vào năm Bính Dần 1686, và tập bản đồ Giáp Ngọ niên bình nam đồ do Đoan Quận công Bùi Thế Đạt vẽ vào năm Giáp Ngọ 1774. Có thể nói hai tập bản đồ của thế kỷ XVII và thế kỷ XVIII, nhất là tập bản đồ của Đỗ Bá đã kế thừa những thông tin về Hoàng Sa trong Bản đồ Hồng Đức để vẽ và ghi chú về quần đảo Cát Vàng/ quần đảo Hoàng Sa. Năm 2013, người Đà Nẵng cũng đã đặt tên Đỗ Bá - với tư cách người vẽ bản đồ Hoàng Sa - cho một con đường có điểm đầu giao nhau với đường Trường Sa bên bờ Biển Đông.

 

Danh xưng Quảng Nam được vua Lê Thánh Tông đặt cho đạo thừa tuyên thứ mười ba sau khi cuộc nam chinh năm Tân Mão 1471 kết thúc thắng lợi, nhưng có thể thấy ý tưởng quảng-nam-mở-cõi sớm hiện lên trong câu thơ thứ hai của bài Hải Vân hải môn lữ thứ sáng tác trước khi kéo quân vào cửa Thi Nại và thành Trà Bàn: Hải Vân hoành giới việt nam thiên - nói cách khác một tư duy chính trị quan trọng đã được khơi nguồn từ một cảm hứng nghệ thuật mới mẻ của người đứng đầu nhà nước Đại Việt. Năm Giáp Thìn 1604, vịnh Đồng Long đang trực thuộc Thuận Hóa được Đoan Quận công Nguyễn Hoàng chuyển trực thuộc Quảng Nam như một cách để nâng cấp ý tưởng quảng-nam-mở-cõi năm Tân Mão 1471 của Lê Thánh Tông. Không phải ngẫu nhiên mà vào năm 1974 - bảy năm sau ngày thành lập trường trung học công lập dành riêng cho nữ sinh ở một địa điểm rất gần đường Nguyễn Hoàng và đường Lê Thánh Tôn, người Đà Nẵng đã đề nghị Bộ Văn hóa, Giáo dục và Thanh niên cho đổi tên từ Trường Nữ Trung học Đà Nẵng thành Trường Nữ Trung học Hồng Đức - niên hiệu thứ hai của vua Lê Thánh Tông; đồng thời chọn ngày 30 tháng giêng âm lịch hằng năm là húy nhật của nhà vua làm ngày truyền thống của nhà trường. Hiện nay ở Đà Nẵng cũng có một trường trung học cơ sở thành lập vào năm 1997 trên địa bàn phường Thuận Phước quận Hải Châu mang tên Lê Thánh Tôn.
 

Người Đà Nẵng vinh danh Lê Thánh Tông qua việc đặt tên đường từ rất sớm - vào năm 1958. Chính vì sớm nên người Đà Nẵng vẫn theo phương ngữ miền Nam mà viết tên đường này là Lê Thánh Tôn chứ không viết đúng là Lê Thánh Tông như các tên đường Lý Nhân Tông, Lý Thái Tông, Lý Thánh Tông, Trần Anh Tông, Trần Minh Tông, Trần Nhân Tông, Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông mới đặt sau này. Con đường không dài, chưa đến hai trăm mét nhưng cũng phù hợp khi mang tên Lê Thánh Tôn, bởi đường này có điểm đầu giao nhau với đường Lê Lợi - ông nội và cháu nội được cận kề, và trên đường có một trường trung học từng mang tên nhà thơ Nguyễn Công Trứ - tác giả hai câu thơ đầy khẩu khí: Đã mang tiếng ở trong trời đất/ Phải có danh gì với núi sông. Các thế hệ người Đà Nẵng học trung học trong các thập niên 50, 60, 70 của thế kỷ trước từng được học cả thơ Nguyễn Công Trứ lẫn thơ Lê Thánh Tông, chẳng hạn thơ khẩu khí như các bài Cái chổi, Người bù nhìn… hoặc thơ tình cảm như Đề miếu vợ nàng Trương - bài thơ giàu tính nhân văn đã được Lê Thánh Tông cho khắc trên bia đá trước miếu thờ bà Trương bên bờ Hoàng Giang thuộc làng Vũ Điện huyện Nam Xương (nay thuộc huyện Lý Nhân tỉnh Hà Nam) như một cách giải oan cho người thiếu phụ Nam Xương chiếc-bóng-trên-tường này…

B.V.T