Loay hoay với nhà hát online

16.10.2020
Thanh Hiệp
Khi ý tưởng thiết lập nhà hát online ra đời, nhiều nhà chuyên môn cho rằng đây là hướng đi đúng để cứu sân khấu trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, song cần phải có giải pháp đồng bộ.

Loay hoay với nhà hát online

Trước thực trạng nhiều sân khấu đối mặt khó khăn sau 2 đợt tắt đèn vì ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) đã giao Cục Nghệ thuật Biểu diễn xây dựng mô hình nhà hát online. Ý tưởng này dù ra đời sớm nhưng đến nay vẫn chưa được triển khai.


Chưa thể thích nghi

Tại nhiều quốc gia tiên tiến, mô hình nhà hát online đã và đang được vận hành. Có chương trình thu hút đến hàng triệu lượt khán giả truy cập theo kiểu thưởng thức trực tuyến. Thế nhưng, ở Việt Nam - cụ thể là TP HCM, nơi có nhiều đơn vị sân khấu xã hội hóa - nhà hát online vẫn là một khái niệm xa lạ.

NSND Trần Minh Ngọc cho rằng để vận hành mô hình nhà hát online, đòi hỏi các sân khấu phải trang bị máy móc kỹ thuật số và có chuyên gia giỏi về công nghệ cao. Trong khi đó, nguồn kinh phí của các sân khấu xã hội hóa phía Nam dành cho vở diễn đang gặp nhiều khó khăn, nói gì đến việc đầu tư kỹ thuật để biểu diễn trực tuyến.

NSND Trần Minh Ngọc dẫn chứng chỉ chuyện đơn giản là tường thuật trực tuyến vòng sơ tuyển cuộc thi "Tài năng diễn viên sân khấu cải lương Trần Hữu Trang năm 2020" ở TP Hà Nội và TP Cần Thơ, hình ảnh còn chập chờn, khó xem, âm thanh bị gián đoạn thì nói gì đến việc online toàn bộ vở diễn. Theo ông, cơ sở hạ tầng nhiều sân khấu kịch, cải lương tại TP HCM hiện chưa đáp ứng được các đòi hỏi của mô hình nhà hát online.

"Để thực hiện nhà hát online thì phải có hệ thống mạng và trang thiết bị tốt. Không thể làm theo kiểu đơn điệu, phá nát ánh sáng được bố cục của mỗi vở, hiệu quả truyền tải lại kém thì khán giả sẽ chuyển kênh ngay. Chưa kể, nếu không thu hút được quảng cáo, không đủ lượng truy cập thì coi như trắng tay" - đạo diễn bậc thầy của sân khấu TP HCM, NSND Trần Minh Ngọc, lo ngại.

Hiện nay, Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ TP HCM, Sân khấu Hoàng Thái Thanh, Sân khấu Sài Gòn Phẳng - Nhà hát Thế Giới Trẻ, Sân khấu Kịch Hồng Vân, Sân khấu Kịch Quốc Thảo, Sân khấu Minh Nhí, Sân khấu Hồng Hạc... đều có kênh YouTube. Tuy nhiên, các kênh này chỉ đưa lên những clip giới thiệu vở diễn mới, mỗi clip dài khoảng 3 phút. Nếu vận hành nhà hát online, dung lượng trọn vẹn một vở diễn khó được bảo đảm. Bên cạnh đó, các vở diễn đưa lên mạng được thực hiện như thế nào, nếu chất lượng âm thanh và hình ảnh không tốt thì sẽ làm sao... - chưa ai trả lời được.

Đề cập vấn đề này, NSND Hồng Vân - bà bầu của 2 sân khấu kịch ở Phú Nhuận và Chợ Lớn - nêu thực trạng: "Tôi có nhiều sản phẩm được ghi hình ở dạng DVD nhưng không thể đưa lên mạng để thu phí. Nếu muốn áp dụng nhà hát online thì phải có kế hoạch đầu tư mang tính hệ thống, phải chọn đầu tư nền tảng số kỹ lưỡng, nếu làm vội sẽ phản tác dụng. Chưa kể, nếu các sản phẩm kém doanh thu, uy tín của thương hiệu kịch sẽ bị ảnh hưởng".

Thực tế, một số đơn vị nghệ thuật ở phía Bắc đã thử nghiệm mô hình nhà hát online rất hiệu quả, qua các chương trình âm nhạc quy tụ nhiều nghệ sĩ nổi tiếng. Song, với sân khấu truyền thống như kịch nói, chèo, hát bội, cải lương..., nhiều nhà chuyên môn cho rằng mô hình này hiện chưa thể áp dụng.

Ngay cả với Yeah1, dù đã chính thức cho ra mắt nền tảng Streaming tại Việt Nam với tên gọi Celuv (phiên bản Beta), thì cũng chỉ mới áp dụng thử nghiệm cho âm nhạc. Dù vậy, theo ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Yeah1, mô hình này sẽ mở ra "lối thoát" cho ngành biểu diễn, trong đó có các sân khấu, trong bối cảnh dịch Covid-19 chưa biết khi nào mới được khống chế.

Với hầu hết các nghệ sĩ ở TP HCM, nhà hát online vẫn là mô hình xa lạ. Nhiều khán giả cũng chưa quen xem kịch, cải lương trực tuyến nên triển khai mô hình này bây giờ sẽ gặp nhiều điều bất cập.

Theo nghệ sĩ Minh Nhí, nhà hát online với anh chỉ là giải pháp tình thế hiện nay. Về lâu dài, muốn phát triển nhà hát online thì cần phải tính toán được nguồn thu nhập của nghệ sĩ. Không thể chèn vào buổi trực tuyến hình ảnh quảng bá bán hàng online hay nghệ sĩ giới thiệu sản phẩm kinh doanh, vì sẽ phá hết ý nghĩa vở diễn.

NSƯT Trịnh Kim Chi, Phó Chủ tịch Hội Sân khấu TP HCM, cho rằng một tác phẩm sân khấu được đầu tư công phu thì nghệ sĩ có thể biểu diễn nhiều suất. Song, nếu vận hành nhà hát online, tác phẩm ấy chỉ có thể biểu diễn một suất, sẽ ảnh hưởng lớn tới thu nhập và đời sống nghệ sĩ. Trong khi đó, theo nghệ sĩ Ái Như - Sân khấu Kịch Hoàng Thái Thanh - cần tính toán thật kỹ vì biểu diễn trực tuyến ảnh hưởng rất lớn đến cảm xúc trọn vẹn của nghệ sĩ và khán giả kịch, cải lương.

Cần thêm "điểm tựa"

Các sân khấu xã hội hóa phía Nam cũng như các đơn vị nghệ thuật tư nhân cho rằng rất cần Cục Nghệ thuật Biểu diễn tham mưu cho Bộ VH-TT-DL có kế hoạch phối hợp đồng bộ với những kênh truyền thông, tìm kiếm nguồn xã hội hóa, lựa chọn địa điểm thu phát, có phương án hỗ trợ kỹ thuật. Có thêm "điểm tựa" này thì nghệ sĩ mới yên tâm tham gia nhà hát online và đầu tư tác phẩm mới để đáp ứng nhu cầu khán giả xem trực tuyến khi chưa thể đến rạp.

"Cơ quan quản lý nhà nước cần có đơn vị trung gian đứng ra kết nối với doanh nghiệp để nhà mạng cùng sân khấu tạo ra sản phẩm trực tuyến theo đơn đặt hàng. Có như thế mới mang lại nguồn thu ổn định cho nghệ sĩ và sân khấu" - NSND Trần Minh Ngọc đề xuất.

(nld.com.vn)