Paywall và câu chuyện thu phí độc giả trực tuyến
Xu hướng của thế giới
Thực tế, mô hình thu phí báo chí không phải là mới. Ngay từ năm 1997, Wall Street Journal đã thử nghiệm hình thức kinh doanh thanh toán nội dung trực tuyến. Trong hơn 20 năm sau đó, hầu hết tất cả các phương tiện truyền thông chính thống trên thế giới đều đã thử mô hình thanh toán tin tức trực tuyến.
“Tin tức chất lượng cao không nên miễn phí. Mô hình kinh doanh báo chí chủ yếu dựa vào quảng cáo trong quá khứ đã chết”. Năm 2009, ông trùm ngành tin tức thế giới Murdoch viết trên Wall Street Journal. Dưới sự tiên phong của Wall Street Journal, hàng loạt các tờ báo lớn khác như The Times, The Sun, Bloomberg cũng đã bắt đầu mở dịch vụ thanh toán cho việc đọc trực tuyến.
Tháng 4-2012, New York Times giảm số lượng tin bài miễn phí xuống 10. Có 224.000 người trả tiền trong 3 tháng đầu tiên, và tính đến thời điểm hiện tại có khoảng 4 triệu thuê bao tính đến ngày 30-3-2020. Mức phí cho một tháng là từ 15 - 35 USD.
Financial Times trước đó cũng cho thực hiện thu phí đọc online và tính đến tháng 6-2012, tờ báo tài chính hàng đầu Anh quốc có 285.000 người trả phí. Financial Times hy vọng con số trả phí để đọc phiên bản điện tử sẽ còn cao hơn số người mua báo in vào năm 2013.
Hãng tin Reuters - một trong những hãng thông tấn lớn nhất thế giới chuyên cung cấp bài viết, hình ảnh, đồ họa và video cho các tờ báo, đài phát thanh, đài truyền hình, Internet và các phương tiện truyền thông khác - cũng lên kế hoạch thiết lập hệ thống Paywall. Theo đó, kể từ tháng 2-2020, hãng tin này sẽ áp dụng thu phí độc giả đối với tất cả các bài viết thuộc một số chủ đề cụ thể - như năng lượng, phát triển bền vững và những bài viết mang quan điểm của Reuters trong mục Breaking Views.
The Globe and Mail (Canada) cũng là một trong những cơ quan báo chí thành công trong việc thu phí online với lượng độc giả thường xuyên (unique visitor) truy cập vào website, cũng như qua ứng dụng trên thiết bị di động là 2,8 triệu người mỗi tháng. “Càng nghiên cứu sâu hơn độc giả của mình, chúng tôi càng nhận ra rằng họ sẵn sàng trả tiền để được đọc những nội dung có giá trị,” ông John Stackhouse, Tổng biên tập The Globe and Mail chia sẻ.
Sự lựa chọn 50-50
Những năm gần đây, thói quen đọc báo của độc giả dần chuyển từ loại hình báo in truyền thống sang đọc báo điện tử. Phần lớn số lượng page views của báo điện tử ngày nay là tới từ các thiết bị di động. Bởi vậy việc áp dụng Paywall và thu phí dịch vụ là một hướng đi mà mọi tờ báo có thể tính đến. Tuy nhiên, mọi chuyện không dễ dàng đến vậy.
Năm 2007, 2 năm sau khi chính thức triển khai dịch vụ thu phí, New York Times đã hủy dịch vụ này, do số tiền thu phí không bù được khoản doanh thu bị thâm hụt do mất đi từ quảng cáo trên trang miễn phí trước đó. Tuy vậy, tạp chí này đã bắt đầu thu phí lại từ ngày 28-3-2011, nhưng có điều chỉnh bằng cách cho miễn phí một số tin bài nhất định. Cụ thế, trang chủ và các chuyên mục ở trang nhất không bị giới hạn, nhưng nếu người dùng truy cập quá 10-20 bài mỗi tháng, thì họ sẽ phải trả tiền.
Ngày nay, độc giả đa phần tiếp cận thông tin bằng các thiết bị di động. Ảnh: stoppress.co.nz
Ở Trung Quốc, một số tờ báo thử nghiệm mô hình thanh toán trực tuyến cũng kết thúc thất bại. Ví dụ, Nhật báo Ôn Châu, Tin tức Tiêu Tương buổi sáng (ở Hồ Nam), Nhật báo Nam Phương đô thị và nhiều cơ quan truyền thông khác đã thực hiện các dịch vụ thu phí, nhưng cuối cùng đều phải hủy bỏ do sự sụt giảm nghiêm trọng lượng độc giả.
Khi nào báo chí Việt Nam có thể áp dụng Paywall?
Có lẽ nhiều doanh nghiệp internet, đặc biệt là các cơ quan báo chí và trang tin điện tử, đang chờ xem liệu có nên áp dụng paywall ngay lập tức hay không, trong khi vẫn phải duy trì doanh thu từ quảng cáo để tiếp tục vận hành.
Theo phân tích của Vietnam Report, thị trường báo chí trực tuyến Việt Nam có dung lượng khá lớn với rất nhiều đầu báo lớn, nhỏ khác nhau. Tuy nhiên, thị phần quảng cáo chủ yếu tập trung ở các tờ báo lớn.
Đối với các tờ kém tên tuổi hơn, nếu không sống được bằng doanh thu quảng cáo, có lẽ phải dựa vào “cửa sống” duy nhất là bán nội dung. Nhưng vấn đề đặt ra đó là, chất lượng tin phải đủ hấp dẫn khiến người dùng có thể chi tiền. Hiện mới chỉ có Báo điện tử VietnamPlus của TTXVN là cơ quan báo chí đầu tiên và duy nhất của Việt Nam thu phí đọc nội dung trên nền tảng digital, cho nên khó có thể khẳng định Paywall là một mô hình thành công.
Một trở ngại nữa, đó là tâm lý độc giả Việt đã quen truy cập tin tức miễn phí trên internet. Khi Zing.vn bắt đầu tính phí người dùng khi download nhạc, nhiều người dùng đã quay lưng lại, khiến trang này phải điều chỉnh lại thành lựa chọn khác như download miễn phí bản nhạc chất lượng thấp. Bên cạnh đó, sự xuất hiện của mạng xã hội đã hút phần lớn thị phần độc giả. Việc truy cập thông tin trở nên dễ dàng hơn rất nhiều, dẫn đến áp dụng thu phí độc giả online ngày càng trở nên khó khăn hơn, khi người đọc đã hình thành thói quen thụ hưởng nội dung miễn phí.
Mặt khác, việc thanh toán bằng internet banking cũng khó khăn và phức tạp hơn rất nhiều khi đa phần người Việt chưa quen với hình thức này.
Sống trong một thời đại mà tất cả mọi thứ đều được “số hoá”, mỗi tờ báo chắc chắn sẽ không bỏ qua mỏ vàng trên internet. Tuy nhiên, học theo thành công của New York Times, hay gục ngã như vô vàn các doanh nghiệp internet ở cả trong nước và nước ngoài lại phụ thuộc rất lớn vào tình hình, thói quen độc giả, và cả chiến lược lâu dài mà mỗi tờ báo đặt ra.
(qdnd.vn)