Ngày chiêm bao tóc rối

13.09.2023
Thu Trân
Chuông cửa reng reng hai tiếng cách nhau rời rạc. Tôi biết Đôn đang đứng bên thềm. Không nhìn đồng hồ, cũng biết năm giờ chiều. Cũng biết ngoài kia nắng nhạt và gió đã bắt đầu xôn xao.

Ngày chiêm bao tóc rối

Minh họa: Vũ Đình Tuấn

Tôi đoán hôm nay Đôn mặc chiếc áo màu tím hoa cà, gã bảo đời gã có bảy chiếc áo bảy màu, mặc đúng một tuần rồi quay lại. Vẫn nụ cười nhẹ nhàng chào tôi ở hàng hiên:

- Tôi vào được chứ, Khanh?

Tôi gật nhẹ:

- Dĩ nhiên là được, không được cũng không làm gì được nhau.

Đôn lách tôi bước vào bằng bước chân quen thuộc. Một hai ba bốn năm, sáu rưỡi bước chân, chiếc ghế sofa xám quen thuộc vẫn chờ gã, hơi ấm của gã chiều qua dường như vẫn còn đó. Gã ngồi xuống, móc gói thuốc từ túi áo, bật quẹt gas, cũng như mọi khi, đến lần bật thứ ba thuốc mới cháy. Tôi kéo cửa lại chốt khóa. Gã bảo:

- Sao không mở toang hoác cửa ra, để người ta dị nghị?

Tôi nhìn gã không chút e dè:

- Thôi mặc xác người ta, nói chán rồi họ lại thôi, lo gì.

Gã nhìn tôi biết ơn:

- Bữa nay tiến bộ ha, cảm ơn nhiều!

- Không tiến thì lùi cũng trớt quớt hà…

Rồi bước vào góc bếp, tôi mở tủ lạnh, rót cho gã li nước trong suốt hình vuông sắc cạnh, li nước quen thuộc của gã.

- Hôm nay chúng ta sẽ nói chuyện gì Đôn nhỉ…

- Chỗ Khanh làm hôm nay có gì lạ không?

- Không, à mà có, bà tạp vụ đến ngày nghỉ hưu, dứt khoát không chịu nghỉ, khóc quá trời.

- Đó là căn bệnh không chịu già của thế kỉ.

- Không phải, tôi nghĩ là bà ta muốn kiếm thêm tiền cho thằng út chưa học xong đại học.

Đôn gật gù:

- À, có lẽ là như vậy, thường thì Khanh ít khi nói điều gì không đúng.

- Chắc là như vậy, nếu anh phản bác khiến tôi nổi cáu, khả năng ra khỏi nhà của anh rất cao. Mà dường như ngoài kia trời đang chuyển mưa.

Đôn lại thong thả mở sách ra đọc. Tôi lại hì hụi nấu cơm chiều. Bó rau muống xanh ngắt nhanh chóng làm móng tay tôi chớm vàng vì thứ mủ đáng ghét của nó. Tôi đứng kì cọ hoài bên vòi nước.

- Tủ lạnh có chanh không, Khanh?

- Dường như có, anh định làm gì?

- Em cắt một miếng rửa tay, không có chanh mà rửa đến sáng, tay em cũng không sạch.

Đáng lẽ tôi phải nói với gã là tại tôi lười mở tủ lạnh, lười cắt chanh, chứ không phải là không biết cái mẹo rửa sạch mủ rau muống bằng chanh. Nhưng mà thôi, gút mắc mãi làm gì, kiểu nào thì chiều nào gã cũng mò đến nhà tôi đúng giờ như con chiên ngoan đạo chờ giờ đi nhà thờ xưng tội. Tôi xào rau muống với tỏi thơm nứt mũi, gã khịt khịt bảo:

- Thơm quá, chiều nay Khanh cho tôi ăn cơm với nha?

- Thích không?

- Sao lại không.

- Thích thì chiều, lại dọn chén đi! Ba chén, ba đũa nha.

- Ủa, nhà có thêm người hả Khanh?

- Không, phần anh Hạ.

Gã cúi đầu xuống một chút:

- Xin lỗi, tôi quên.

Bắt đầu bữa cơm, tôi xới trước cho Hạ, gắp một ít thức ăn vào chén cho anh, rồi lầm rầm khấn vái. Gã bảo:

- Khanh mời cơm chồng như thế này, đến bao giờ thì hết mời?

- Thầy ở chùa bảo tôi, mời anh bốn mươi chín ngày là đủ, nhưng tôi thương anh ấy, sợ anh ấy đói, sẽ mời đến khi giáp năm.

- À, có lẽ mấy ngày kia, Khanh đều có mời Hạ về, mà tôi không để ý.

Tôi gật gù kẻ cả:

- Tại chiều nay anh được mời cơm, lần đầu tiên được mời cơm sau sáu tháng anh đeo bám tôi, đúng không?

- Khanh đừng nói tôi đeo bám Khanh tội nghiệp…

- Chứ từ ngày chồng tôi chết, chiều nào anh cũng đến nhà tôi “ngồi đồng” đến tối, có đuổi cũng không về, không đeo bám như sam thì là cái gì?

- Không phải đeo bám, mà là một cảm giác, cảm giác gì đó, rất là khó tả, từ từ mình sẽ hiểu nhau thôi Khanh à.

*

*         *

Tôi mơ. Đêm nào tôi cũng mơ sau cái chết của Hạ. Anh bị ung thư gan thời kì cuối. Bệnh tấn công cấp tập. Chỉ sáu tháng là ra đi. Tôi hốt hoảng với sự sa sút của anh từng ngày. Từ một người cao mét tám, bảy lăm kí tràn đầy phong độ, ngày cuối trên giường bệnh, anh héo quắt như một đứa trẻ đau ban lâu ngày. Da thịt nhăn nheo rúm ró, mắt trũng sâu, nhìn như ông già tám mươi. Chúng tôi chỉ mới cưới nhau tròn một năm thì anh đổ bệnh. Chưa kịp có con. Người bảo hên, người bảo xui. Chẳng hên xui gì cả, số phận đặt trên vai ai thì người đó gánh. Tôi cũng ước có một đứa trẻ cùng anh, để nó dìu tôi đi qua chơi vơi trong những tháng ngày vắng anh, những tháng ngày mộ anh chưa kịp phủ cỏ xanh, mà bàn thờ ở nhà lúc nào cũng nghi ngút khói nhang. Tôi yêu Hạ, chăm cho Hạ những ngày đầu anh hóa người thiên cổ bằng chuyện cúng kiết và chưng hoa, riết mà sợ cả hoa và trái cây. Đi ngang qua chợ nào, liếc nhìn thấy hàng trái cây và hoa thì tôi ớn lạnh.

Giấc mơ đêm nào cũng thế. Là đoạn phim ám ảnh tái hiện những ngày cuối cùng của Hạ. Lúc nào cũng là bộ ba. Tôi, bác sĩ Đôn đứng hai bên và anh nằm thoi thóp trên chiếc giường trắng toát trong bệnh viện. Đó là cái giai đoạn mà Đôn bảo với tôi rằng, cơ thể Hạ bắt đầu “vô vi”, không đáp ứng được gì nữa hết, lụi dần tàn dần rồi đi vào hôn mê trước khi về bên kia thế giới. Nhưng Hạ thỉnh thoảng vẫn còn nhận biết một vài điều. Anh luôn thều thào bảo với tôi rằng, anh muốn chết, hãy cho anh chết đi để không đau đớn và không còn là gánh nặng của tôi nữa. Anh quá sợ rồi cảm giác như phải ngụp lặn trong thùng nước lầy nhầy khó thở mỗi lần anh tỉnh táo. Trong giấc mơ, hai tay tôi luôn bíu chặt thành giường, như anh từng bíu chặt vào tôi để vượt qua những cơn đau. Chịu những cơn đau cùng anh, tôi cắn môi bật máu, và thật sự cũng có lúc giống như anh, tôi nghĩ đến một thế giới giải thoát phía bên kia dịu dàng hơn, từ tâm hơn, cho những người không còn đường sống như anh. Những lúc ấy, bác sĩ Đôn xuất hiện. Bác sĩ nhẹ nhàng bảo tôi, chị ra ngoài hít thở khí trời một chút đi, tôi chăm anh cho. Tôi cũng gần như mê đi như anh, nhất cử nhất động đều nghe theo lời bác sĩ, bước ra khỏi phòng, chưa kịp ra đến vườn hoa bệnh viện, tôi đã ngã quỵ xuống… Tỉnh dậy, tôi nghe mùi cồn nồng nặc quanh mình. Bác sĩ Đôn đứng cạnh giường tôi bảo, chị bị suy nhược nghiêm trọng, cần tịnh dưỡng một thời gian.

Khỏe ra được một chút, tôi lại ngồi đọc sách miên man trên chiếc ghế nhựa đặt cạnh giường anh. Tôi đọc gần như trong vô thức. Những con chữ nhảy múa loạn xà ngầu trong tâm trí tôi. Không tập trung được, nhưng vẫn phải dán mắt vào sách chờ đợi. Chờ đợi điều gì, đôi khi tôi cũng không biết mình chờ đợi cái gì. Tôi có cảm giác như mình cũng sắp hôn mê như Hạ. Đôn lại xuất hiện. Chị đi nghỉ đi, Khanh. Vâng, lúc này thì Đôn đã nhớ tên tôi. Tối qua, chị đã thức trắng đêm rồi còn gì. Tôi uể oải đứng lên, vâng, nhờ anh. Đôn mở cửa phòng nhắn với theo tôi, chị ra ghế đá chỗ hành lang thư viện có nhiều bóng cây ấy, không cần phải ra vườn hoa như bữa nọ đâu, đi chi xa, lại khổ. Ngồi chưa nóng chỗ, tôi lại nôn nao, tôi muốn vào với Hạ, muốn được vẫy tay chào anh trước khi anh về bên kia thế giới. Tôi bước vào phòng bệnh, bác sĩ Đôn đang bắt mạch tay Hạ, gã khẽ lắc đầu trước khi ra khỏi phòng:

- Không đáp ứng gì nữa rồi, có gì Khanh gọi tôi nhé.

Tôi gật đầu nhẹ với Đôn, nhưng mắt nhìn lướt Hạ từ đầu đến chân. Anh vẫn nằm im như ngủ, hơi thở có phần nặng nề. Năm phút, mười phút, hai mươi phút trôi qua. Bất chợt Hạ gồng cứng người lên, thở gấp, lơ mơ gọi tên tôi. Tôi nháo nhào chạy gọi cô y tá trực. Cô y tá trực vào đến nơi thì Hạ đã nằm xuôi tay. Làm vài thao tác trên cơ thể người bệnh, cô y tá nhẹ nhàng bảo với tôi, anh ấy đi rồi chị ạ. Ừ, thì đi. Làm các thủ tục mang Hạ về nhà mà tôi thấy mình như bay trên mây. Cảm giác chênh chao cực kì khó chịu. Bác sĩ trưởng khoa bảo, chị có nhu cầu đề nghị khám nghiệm tử thi anh ấy không, bởi vì anh ấy đi nhanh quá. Những người bệnh ung thư thường hôn mê trước khi đi… Cô y tá tư vấn thật tình, thôi đi chị, để anh ấy đi cho yên, cả tuần nay, em thấy anh ấy yếu lắm rồi… Mà thật tình, tôi cũng không có nhu cầu chi hết. Tôi không ân hận gì. Tôi đã lo cho Hạ trong tận cùng khả năng có thể của mình trong sáu tháng anh oằn oại cùng căn bệnh. Không cần thiết để khiến mọi điều rắc rối thêm nữa. Trước khi làm đám cưới với Hạ, thầy bói nói số tôi bần cùng cô quả.

 Khác những lần đến trước, hôm nay Đôn ở lại nhà tôi thật khuya. Tôi đã giục về năm lần bảy lượt mà gã vẫn như không. Tiếng sét quỷ quái gì mà tôi thấy mặt gã lạnh như tiền. Những lần Đôn đến cùng tôi, gã nói chuyện bâng quơ nhiều hơn là nhằm vào một chủ đề chính nào đó. Đang hỏi cách chải lông mèo sao cho mượt, lại quay sang nói về thời tiết. Đang xem tường thuật bóng đá ngon lành, lại bỏ ngang đi thắp nhang cho Hạ, rồi dứt khoát mặc áo mưa ra về, dù bên ngoài, trời đang sấm chớp bão giông. Cho nên, dù bạn bè tôi tán ra tán vô kiểu nào, tôi cũng không nghĩ Đôn đến nhà vì gã si mê vợ của bệnh nhân. Cuộc sống vô cùng, đôi khi có những hiệu ứng mà mình không giải thích nổi. Và tôi đã chấp nhận cái hiệu ứng không giải thích nổi này, ít ra là với Đôn.

Tôi xem đồng hồ đến lần thứ một trăm:

- Gần mười một giờ hơn rồi, về đi bác sĩ!

Đôn chỉnh lại cổ áo rồi đứng lên:

- OK, tôi về, mà lần này chắc lâu lắm mới gặp lại Khanh. Khanh, tôi có một đề nghị nhỏ, em đồng ý nhé?

- Đề nghị gì, nếu thấy được thì tôi OK.

Đôn dang hai tay ra:

- Cho tôi ôm Khanh cái!

- Please hug me, OK. Nhưng anh phải nói ôm tôi vì cái gì thì tôi mới cho anh ôm chứ!

Đôn dông dài:

- Tối mai tôi bay sang Pháp học lấy bằng tiến sĩ. Có lẽ còn lâu lắm mới gặp lại Khanh. Khanh, thế Khanh nghĩ, sau khi chồng Khanh mất, tôi đến với Khanh vì cái gì?

- Thông thường người ta nghĩ là tình yêu.

- Nhưng tôi biết Khanh không nghĩ là tình yêu, Khanh lạnh lắm.

- Thế thì bây giờ anh nói đi, vì cái gì với người góa phụ tội nghiệp tôi?

Đôn nhún vai:

- Vì tất cả.

- Tất cả là cái gì, anh có thể liệt kê ra không?

- Đấy, tôi biết mà, Khanh lạnh lắm. Thôi, không cần thiết phải ôm nữa, tôi về đây, Khanh ở nhà bình an, nhớ giữ gìn sức khỏe.

Tôi lạnh lùng tiễn Đôn ra cửa:

- Anh cũng vậy nhé, tôi chúc anh đi xuôi chèo mát mái, công thành danh toại.

Tôi quay vào nhà, ngã ra ghế sofa thở phào. Ừ, chắc vậy, Đôn cứ biến khỏi đời tôi đi, cho tôi nhẹ nhàng. Cũng may là hàng xóm không thân thiết, nhà ai nấy ở, bằng không thì tôi đã không chịu nổi sự dè bỉu của họ suốt mấy tháng qua. Chồng mới chết đã rước trai vào nhà. Nhưng mà trai này lạ lắm. Trai lì lợm cứng cỏi, không cách nào tống trai đi được. Mà dường như trai cũng chẳng tình ý tình iếc gì với tôi, trai đến, ngồi đọc sách đọc báo xong rồi về. Hôm nào tôi bệnh thì ở lại thêm một chút để bốc thuốc kê toa. Thế thôi. Biết chuyện, má tôi sốt ruột bảo, thôi con đừng tiếp nó nữa, mồ chồng chưa xanh cỏ. Tôi cãi ong ỏng, con cũng đâu có mời gã tới đâu má. Má thở dài, thôi tùy, khôn sống mống chết con ơi. Bạn bè tôi đặc biệt thú vị với hiện tượng này, tụi nó bảo, mày cứ bơ đi, để cuối cùng coi sao, tên bác sĩ này lạ như người sao Hỏa.

Tôi vào phòng ôm gối ngủ hân hoan. Hi vọng nhạc Trịnh du dương nhẹ nhàng sẽ sớm đưa tôi vào giấc ngủ, có lẽ giấc ngủ đêm nay sẽ tuyệt vời không mộng mị. Sáng mai vô cơ quan, tôi sẽ nói với con bạn thân về sự “được kết thúc đeo bám” sung sướng của mình. Vở kịch có vẻ đã đến hồi có hậu.

Nhưng thật kì lạ, lăn qua trở lại cách nào tôi cũng không ngủ được. Đầu tôi tỉnh như sáo. Thiếu cái gì? À, khói nhang. Khói nhang trầm đêm đêm từ bàn thờ Hạ phả vào phòng tôi quấn quýt. Tôi ngủ mà luôn có cảm giác anh bên mình. Đêm nay không nghe mùi khói nhang, cây nhang cuối cùng trong ngày bao giờ cũng do Đôn thắp. Có lẽ do không ổn khi nói lời chia tay tôi đi xa nên Đôn quên đi công việc hàng đêm của mình. Tôi choàng dậy, ra đốt nhang cho Hạ.

Tôi có sợ ma không? Không, không bao giờ, tôi không tin đời này có thế giới bên kia. Nếu có, hẳn Đôn không thể vào nhà tôi sáu tháng qua một cách êm thấm như vậy được. Hạ của tôi sinh thời ghen như điên vậy. Đốt nhang cho Hạ xong, tôi thấy mình lạnh toát. Căn nhà trống trải lạ thường. Cái cảm giác mà tôi chưa bao giờ có sau ngày Hạ mất. Tại sao vậy? Tôi cũng không biết nữa. Cúp điện. Đèn tắt phụp. Meo meo. Con Miu trắng của tôi kêu lên bên dưới bàn thờ Hạ. Mắt nó sáng quắc, xanh lè chiếu thẳng vào tôi như hai hạt đèn pin bé xíu. Định thần xong vụ mắt mèo thì có điện trở lại. Tôi ngồi xuống, ôm Miu Miu vào lòng. Nghe có mùi thuốc lá quen thuộc của Đôn trên bộ lông mèo. Phải thôi, những khi tôi nguội lạnh khó chịu, Đôn và mèo thường quấn quýt nhau. Cũng như buổi chiều nay, tôi mời Đôn ăn cơm mà nói thấp nói cao, giựt giọng như mẹ chồng tra tấn con dâu. Vậy mà cũng im thít ngồi ăn, bỗng dưng thấy tội nghiệp. Cái sự tội nghiệp bất thường này khiến tôi bỗng nghiệm ra rằng, Đôn đã là một cái gì không thể thiếu trong cuộc đời tôi tự bao giờ. Đôn đã đi rồi, đi rất xa. Mà tôi cũng không đủ cam đảm để hớt ha hớt hải làm cái chuyện hà rứa là, sáng mai chạy lại nhà Đôn để nói với gã rằng, tối qua tôi đã không thể ngủ được vì thiếu hương nhang trầm anh đốt, vì mùi thuốc của anh quấn quýt đậm đặc lông mèo. Rồi tôi cũng “bỗng” một chuyện khác day dứt hơn. Bỗng thấy mình có lỗi với chồng, sao cứ để người lạ đốt nhang cho chồng thâu đêm vậy. Thực ra cái khó chịu lâu nay của tôi dành cho sự đường đột của Đôn đã đẩy tôi ngày càng ra xa Hạ. Tôi phải làm gì bây giờ? Bỗng dưng tôi muốn ra nghĩa trang cùng Hạ, để nói với chồng những điều cần nói hay tự bình quân mình, lại phân thân nữa rồi, biết làm sao được.

*

*           *

Đường đến nghĩa trang, đêm già nửa tháng âm lịch, trời càng về khuya, trăng càng sáng rỡ ràng…

… Tim tôi muốn rớt ra ngoài khi thấy có một bóng người nhấp nhô bên mộ Hạ. Mười hai giờ đêm, ai ra nghĩa trang làm gì.

- Khanh, bộ điên hay sao giờ này mò ra đây vậy?

Tôi định thần lại mình:

- À, Đôn. Anh trả lời trước đi, ra mộ chồng tôi giờ này làm gì?

Đôn tỉnh bơ đốt thuốc:

- Ra thắp nhang cho Hạ.

- Anh làm tôi ngạc nhiên quá. Anh với tôi, anh với Hạ có gì đặc biệt không, mà sao tôi cứ thấy nó rờn rợn thế nào…

Đôn ngồi trên bãi cỏ cạnh mộ Hạ:

- Khanh muốn nghe chuyện đặc biệt không, ngồi xuống đây, tôi kể cho nghe…

Cái bộ ba tái hiện thường xuyên đêm đêm trong giấc mơ tôi thật sự có vấn đề. Một vấn đề quá lớn. Vì sao Hạ tắt thở trước khi đi vào hôn mê, vì sao Hạ không ra đi như bao bệnh nhân ung thư bình thường khác? Là Đôn đã tiêm thuốc ngưng tim cho Hạ vào lúc bảo tôi ra ngồi nghỉ trên ghế đá bên hàng cây của thư viện. Người ta bảo đấy là tội ác, tội giết người. Nhưng Đôn thì không thế. Ngày ngày vào khám bệnh cho Hạ, bao giờ gã cũng nhận được ánh mắt cầu khẩn của Hạ, có cách nào làm cho tôi chết nhanh không, bác sĩ hãy cho tôi một ân huệ, như phát súng ân huệ cuối cùng khi tử hình ấy. Tôi không thể sống mà đau đớn và không thể làm gì cho chính mình ngày này sang ngày khác trên giường bệnh. Vả lại, vợ tôi còn có tuổi thanh xuân của cô ấy, tôi không thể trói buộc cô ấy hoài vì những điều có lí cho tôi, nhưng cực kì vô lí cho cô ấy, hãy cứu giúp tôi, ngàn lần đội ơn bác sĩ.

- Tôi ngàn lần xin lỗi Khanh, hãy tha thứ cho tôi. Tôi… tôi không nghĩ chuyện tiêm thuốc ngưng tim cho Hạ ra đi sớm là tội ác, mà chỉ nghĩ đó là một thỏa thuận…

- Một dịch vụ ư? Cho anh ấy sớm lên thiên đàng ư? Mười năm trời học làm bác sĩ bên trời Tây đã canh tân anh rồi đấy!

- Khanh, tôi xin em đừng gay gắt thế, nếu không chịu được sự phũ phàng này, em có thể kiện tôi ra tòa. Nhưng mà, tôi cũng xin cảm ơn em ngày ấy đã không yêu cầu khám nghiệm tử thi…

- Tôi không kiện anh ra tòa. Nhưng…

Tôi ôm vai bật khóc. Con Miu trắng được tôi bỏ lên giỏ xe chở theo giờ mới lên tiếng meo meo, các người làm gì vậy, chuyện giết người vui lắm hay sao mà râm ran nửa đêm như thế này, có thấy không, ông chủ tên Hạ của tôi đã về kia, ông ấy đang bồng bềnh cùng ánh trăng đang chui vào mây ấy.

- Nhưng sao, Khanh?

- Nhưng anh có biết là anh ấy rất đau đớn trước khi mất không?

Đôn cúi đầu lặng xuống:

- Tôi biết, cô y tá trực đã kể lại, anh ấy đã căng mình chịu đựng những cơn co thắt tim như thế nào. Càng nghĩ tôi càng thấy mình tội lỗi Khanh à.

- Không, anh không có tội. Xét về mặt nào đó, đây là thỏa thuận giữa anh và người sắp chết là chồng tôi. Tôi vẫn thường nghe chồng tôi van xin trước anh mà. Nhưng có điều, thuốc ngưng tim của anh là cái thuốc quái quỷ nào mà làm chồng tôi đau đớn vậy…

- Xin lỗi, xin lỗi, tôi cũng không ngờ cơ thể chồng Khanh nhạy cảm và đáp ứng loại độc dược này một cách nhanh chóng như vậy. Với người khác, thời gian ngấm thuốc lâu hơn, ra đi nhẹ nhàng hơn…

- Anh đã từng làm chuyện này với nhiều người rồi à?

- Không, chỉ một mình chồng Khanh, lần đầu tiên. Còn lại là tôi nghe thầy tôi nói và đọc các công trình nghiên cứu.

- Thôi được rồi, quên đi, quên tất cả đi. Tôi với anh ngồi đây mà cãi nhau về chuyện này đến mai cũng không ra vấn đề. Tôi cảm ơn anh đã can đảm nhìn nhận lại sự thật, cảm ơn sáu tháng qua anh đã đến với tôi bằng lòng ăn năn hối hận. Anh về đi, về để chuẩn bị mai lên đường!

Đôn kéo tôi cùng đứng lên, gã nắm tay tôi tần ngần:

- Khanh tha thứ cho tôi chứ?

Tôi không trả lời câu hỏi, mà nói với gã rằng:

- Cảm ơn anh vì tất cả, ít ra là đêm nay anh đã cho tôi biết tôi là ai.

Đôn luyến tiếc:

- Nhưng tôi được phép liên lạc cùng Khanh chứ, tự bao giờ, mặc dù biết em không ưa tôi, nhưng ít ra, sáu tháng qua, chúng ta đã phần nào hiểu nhau. Tôi đến với em ngoài cảm giác ăn năn, muốn xuê xoa một tội ác, mà còn vì… tôi thấy em đã ngày càng trở nên quan trọng với tôi, với cuộc đời tôi.

- Vâng, để tôi suy nghĩ đã, còn tùy anh ạ, anh đi bình an!

Bóng Đôn ngả dài theo bóng trăng nửa đêm về sáng. Gã bước đi, đầu cúi gằm xuống, vẻ đầy mặc cảm. Hi vọng những bận rộn học hành, nghiên cứu ba năm bên trời Tây sẽ giúp gã quên đi cái thỏa thuận quá tay của mình đối với Hạ. Cái thỏa thuận mà với bất cứ sinh vật có trái tim nào cũng không chấp nhận là điều hợp lí, trừ người muốn chết vung gươm cho chính họ.

Tôi ôm Miu trắng lầm lũi ra nơi để xe ngoài cổng nghĩa trang. Quả tình không thể không nghĩ về Đôn. Đừng day dứt gì nhiều Đôn ạ, tôi hoàn toàn thông cảm với cái thỏa thuận quá tay giữa anh và chồng tôi. Thật ra thì tôi cũng không đủ tư cách để nói điều gì với anh lúc này. Sự gay gắt của tôi trước anh lúc nãy quả thật là quá đáng. Bác sĩ ạ, bác sĩ còn trong trẻo hơn tôi gấp vạn lần. Tôi không xứng đáng với cái tầm quan trọng mà bác sĩ đã cảm nhận nơi tôi.

Hạ à, hãy tha thứ cho em. Bị hai lần tiêm thuốc ngưng tim với một người dễ thương không muốn sống như anh quả là không công bằng. Mà cái đận ấy, em nói dối thế nào, bà dược sĩ bán thuốc độc cho em cũng không mảy may suy nghĩ, lại còn dạy em cách cầm ống tiêm, cách tiêm rất rành rọt nữa. Bà ta rất tin rằng, con miu trắng nhà mình bị ung thư thời kì cuối, phải giải thoát cho nó những cơn đau. Nhưng mà cái hiệu ứng thuốc tiêm lần đầu của em - ngay trước khi bác sĩ Đôn bước vào vào cái ngày định mệnh ấy - cũng không thấy mấy nhỉ, chỉ xui xẻo vào lần tiêm sau của Đôn. Mà cũng không chắc, có khi đó là lúc thuốc của hai liều cùng ngấm. Quả tình em không biết Đôn đã tiêm thuốc ngưng tim cho anh, bây giờ em chỉ chắc chắn một điều rằng, đó là một cái chết kép mang thông điệp hủy diệt cho hai người đang tiếp tục sống, là em và bác sĩ Đôn. Hãy tha thứ cho em, tha thứ cho bác sĩ Đôn, về tất cả anh nhé.

Tiếng gà đâu đó gáy canh ba. Người ta bảo bên kia thế giới, giấc này người chết trở về mộ để nhường ánh sáng ban mai tràn đầy năng lượng cho người sống. Trong ánh sáng đó, tôi cũng có một kế hoạch cho riêng mình. Đổi nhà, đổi cả số điện thoại để Đôn không biết tôi đâu mà tìm.

(VNQĐ)