Nắng vàng hanh

03.01.2023
Nguyễn Hiệp
Tóc bạc ba phần mười trên đầu rồi mới biết mình lầm. Rằng ai cũng cần Tết cả! Dẫu mỗi người Tết khang khác nhau nhưng ai cũng cần Tết. Cứ hình dung thử xem, nếu không có cái nắng vàng hanh và những cơn gió lướt đến bối rối tay chân ấy, thời gian dằng dặt kia cũng có vui vẻ trọn vẹn đâu, chẳng qua là người ta lờ đi hay bị công việc mưu sinh, công việc danh phận dâng ngập lút đầu lút cổ nó cuốn đi, cuốn đi trong mê mụ bước chân, mê mụ đầu óc, đâu nghĩ gì đến bản thân mình nữa.

Nắng vàng hanh

Nắng vàng hanh, nắng vàng hanh…

Cứ cái nắng ám ảnh này tràn về cùng với những cơn gió lướt, lướt mỏng và bén lạnh đến rợn se lòng người, ấy là biết ngày cùng tháng tận rồi, là Tết sắp tới. Những âm thanh từ nội tâm ngân ngân kêu đòi lắng nghe, ngân ngân níu ngực trĩu xuống. Ui trời! Kiếp nhân sinh vui ít buồn nhiều ai lại không biết, bời bời ruột gan cho lắm vào rồi cuối năm cũng quay về cái nhịp điệu phân thân Xuân này Tết nọ mà thôi.

Trớ trêu từ anh trí thức nửa mùa lên đời xuống cấp ngày nay đến vị vua xa xưa với ánh nhìn tinh anh thu đoạt thiên hạ từ trên ngai vàng. Từ ngợm tới người, từ người đến na ná người đều va vào cái thứ nắng gió này là bần thần, là bối rối như nhau. Bởi thứ nắng vàng hanh này nó vực dậy cả những vỉa tầng ký ức đã ngủ quên, ngủ vùi, gà gật đâu đó của kiếp người, tính người.

Thì đấy, Ðường Thư chép rằng đêm Nguyên tịch, có vị vua sai làm một hỏa thụ cao 20 trượng, thắp 5 vạn ngọn đèn. Dưới ánh sáng rực trời của “cây lửa” mà lòng vua vẫn bời bời trăm nỗi, ngài đứng ngồi không yên…

Tôi nhiều lần có cái trải nghiệm trớ trêu “Xuân này Tết nọ” nên nhớ mãi những quãng thời gian mình cứ đinh ninh Tết là tiếng gọi rộn lên trong lòng trẻ con, chứ với người nhiều tuổi, âm thanh Tết nghe như âm vọng từ chín suối, từ bản hạnh vĩnh cửu trống rỗng và mênh mang, từ một thứ nghĩa vụ người hơn là vui sống, vui đón xuân của đất trời, đón Tết của lòng người.  Tôi đã lầm! Tóc bạc ba phần mười trên đầu rồi mới biết mình lầm. Rằng ai cũng cần Tết cả! Dẫu mỗi người Tết khang khác nhau nhưng ai cũng cần Tết. Cứ hình dung thử xem, nếu không có cái nắng vàng hanh  và những cơn gió lướt đến bối rối tay chân ấy, thời gian dằng dặt kia cũng có vui vẻ trọn vẹn đâu, chẳng qua là người ta lờ đi hay bị công việc mưu sinh, công việc danh phận dâng ngập lút đầu lút cổ nó cuốn đi, cuốn đi trong mê mụ bước chân, mê mụ đầu óc, đâu nghĩ gì đến bản thân mình nữa. (Cứ nghĩ vì mình nhưng thực sự lại không chút yêu thương bản thân mình, ấy là nghịch lý). Vậy thì hỏi sao cảm nhận được hạnh phúc, sao cảm nhận được sự hòa điệu thiêng liêng với trời đất, thậm chí còn không biết đến những gì làm cho tâm hồn mình đau, những gì làm cho tâm hồn mình rũ chùng, những gì buộc mình phải ray rức nhớ, hay đơn giản là nỗi xa vắng nào khiến cho đóa hoa lòng mình héo úa, tàn lụi, tay chân cứ lóng nga lóng ngóng, hết làm rơi vật lớn vật nhỏ đến va vấp vào chỗ nọ chỗ kia… Nghịch lý! Nghịch lý thật! Mà đời người thì cứ bơi từ nghịch lý này sang nghịch lý khác. Cuộc “hành quân” nghịch lý ấy dẫu ai có đọc trăm ngàn quyển sách, ai có ưu  tư, suy tư vạn đêm vẫn cứ nhăm mắt đưa chân.

Vậy thì già trẻ đều cần Tết như nhau! Ba ngày Tết, bảy ngày xuân ngắn ngủn nhưng cần thiết, nó như một nhịp xuống hàng có nhiều quãng lặng trong bài hồi văn ba trăm năm mươi lăm ngày gật đầu “thưa vâng” phụng sự cho những nhu cầu tồn tại, cho những tham vọng vớ vẩn được tô trét đủ thứ sắc màu, đủ thứ ý nghĩa của hoa ngôn, mỹ từ sặc sỡ.

Vậy đó, cho dù xuân này Tết nọ phân thân đi nữa thì đó thực là người ta đang sống, sống chứ không phải chỉ tồn tại đẩy đưa cho qua ngày đoạn tháng. Sống! Một chữ đó thôi mà trần ai khoai củ! Kiếp nhân sinh vui ít buồn nhiều ai lại không biết, hơn thua cho lắm, được mất cho lắm vào để rồi khi tàn đông giáp Tết mới nhận chân suốt một đời vô tri, trống rỗng. Vỗ trán cái bạch, hai mắt mở thao láo nhìn lên trần nhà thì “Muộn ơi, em đã chiếm hết đời tôi thật rồi!”

Có những thứ hôm qua giá trị bừng bừng hôm nay đã vứt vào sọt rác, hôm qua nó hút mình theo mê mệt, hôm nay đã té ngửa chỉ là cái bóng phù du. Không có Tết, không có quãng tĩnh lặng một mình, soi lại mình thì chẳng phải cái bóng phù du mê đắm kia còn hút con người tới chân trời viễn mộng nào, bao giờ mới cho dừng lại.

Đó là nói chuyện trên trời, giờ nói chuyện dưới đất! “Trên trời dưới đất” là một thành ngữ vui nhưng cũng đầy ý nghĩa nhân sinh. Dưới đất, tức là tầng “giun dế” nhiều hơn, tức là chuyện chén cơm chan nước mắt, tức là chuyện nghe tiếng pháo người ta vui rộn mà mình thì khóc thầm, quặn đau, tức là chuyện của tôi, một kẻ sống mỏi mòn với những đồng nhuận bút ít ỏi nhỏ giọt từ những trang văn đầy nước mắt, chẳng hạn…

Đất theo Kinh Dịch thuộc quẻ khôn, là đầu mối của mọi cuộc biến thiên vậy nên chuyện dưới đất quan trọng lắm. Những mảnh đời “dưới đất” thấy vậy mà khu vườn thơ ấu lại thường lắng sâu, lại thường giàu có, tôi nhớ có đọc đâu đó, con chim Thiên đường lại thường đậu xuống những khu vườn ấu thơ “mạt rệp” này. Ông trời không cho ai tất cả, không cướp của ai sạch trơn, nên cái vụ Xuân này Tết nọ của những mảnh đời “dưới đất” cũng thường thơm tho cái nỗi yêu thương sến sẫm, thơm tho hồi ức nhớ nhung, sẻ chia ướt át và tất nhiên rồi, cái nắng vàng hanh của ngày cùng tháng tận tuy mặn xót mồ hôi nước mắt, tuy căng nhức nỗi lo âu nhưng cũng rộn vui trong lòng, ấm áp trong lòng thực sự. Quả thật hai tiếng “nghèo-hèn” không đúng trong thế giới yêu thương, nơi bài hát sẻ chia luôn ngân vang ấm áp. Sống đến một lúc nào đó, con người ta mới hiểu ra mình đâu cần nhiều vật chất đến vậy, “Muộn ơi, em đã chiếm hết đời tôi thật rồi!”, cái giá trị tự vấn bên trong thường trở về không trong muộn màng như thế. Cái triết thuyết thời thượng “Con chim quý phải ở lầu son” đã tung con người vào vòng xoáy hám danh, hám lợi của cơn bão cuộc đời rồi lại nhấn nhũn, rũ rã trong cái  nắng hanh vàng chiều cuối năm, để tự lục soát hết các ngóc ngách tâm hồn mình và đâu đâu cũng chỉ quờ đụng “hai bàn tay trắng” lạnh ngắt lạnh ngơ.

Dân tộc Việt minh triết của mình bắt đầu ăn Tết từ bao giờ thì chưa rõ. Nếu căn cứ vào tục ăn bánh chưng ngày Tết và truyền thuyết Lang Liêu Vương tử dâng bánh chưng bánh dày thì ta đã ăn Tết từ đời các vua Hùng, song đấy chỉ là phỏng đoán. Vào triều đại Lê Ðại Hành (980-1005) ta đã có tục chơi đèn vào tháng giêng: “Năm 992, tháng giêng,Vua ngự điện Càn nguyên để xem đèn”.

Năm 1100, tháng giêng, Lý Nhân Tông bầy hội Quảng-chiếu đăng ở ngoài cửa Ðại-hưng” (cửa Nam, Thăng-long). Dẫn dài dòng vậy ý muốn nói Tết có từ xa xưa. Trên cao có Tết thì dười thấp có Tết. Nhưng rồi suy cho cùng thì Tết nhứt cũng từ lòng người mà ra.

Giao thừa năm Covid thứ nhất, chị em đứa bạn của tôi ngồi chụm đầu mãi bàn nhau có nên báo cho má đang điều trị cách ly biết là ba vừa bị chở đi thiêu ở Bình Hưng Hòa rồi không. Cái nỗi phân vân tê điếng đó choáng hết tâm hồn người ta thì giao thừa cái nỗi gì, tết nhứt cái nỗi gì nữa. Nhưng rồi họ cũng phải cùng nhau trong nước mắt sụt sùi lau lau dọn dọn bàn thờ, nhà cửa để “mời ba về ăn Tết cho… khỏi lạnh”. Con người là vậy, không thể thiếu cái Tết được!

Nắng vàng hanh, nắng vàng hanh, loại nắng không chỉ tạo ra Tết bằng ánh sáng mà còn bằng cả sự ấm áp thực sự bên trong tâm hồn. Thuở ấy xuân xanh hiện về mỗi khi… Thuở ấy yêu thương tràn ngập hiện về mỗi khi…

Khi nắng vừa Tết.

Khi người đang Tết… thì không gì ngăn lại được dù cơn gió lướt có mỏng và bén lạnh đến rợn se lòng người cách mấy, những âm thanh từ nội tâm ngân ngân kêu đòi lắng nghe, ngân ngân níu ngực trĩu xuống cách mấy, Tết vẫn cứ quay lại sống động và hàm chứa cả chuyện trên trời dưới đất của vạn kiếp nhân sinh.

(vanvn.vn)