Một ý tưởng xây dựng Không gian Vườn Mẹ
Ý tưởng quy hoạch Không gian Vườn mẹ
Nguyễn Xuân Nhĩ:
TỪ TẬP SÁCH CĂN CỨ LÕM BÌNH DƯƠNG ĐẾN Ý TƯỞNG XÂY DỰNG KHÔNG GIAN VƯỜN MẸ
Vào cuối năm 2020 tôi và mấy người bạn được Phan Đức Nhạn mời tham gia bản thảo tập sách Căn cứ lõm Bình Dương do Nhà xuất bản Hội Nhà văn chủ trì biên soạn. Anh Phan Thanh Châu, anh Phan Kế Vân và tôi được mời tham gia tiểu ban nội dung cho tập sách này. Thế là bổn phận và trách nhiệm với quê hương được tự giác gắn liền cho đến khi tập bản thảo hoàn thành. Với tôi, mặc dù trong thời gian này phải tập trung hoàn thành việc xuất bản, phát hành hai cuốn sách của cá nhân mình, tuy nhiên, vì được tham gia vào nội dung quyển sách viết về căn cứ lõm Bàu Bính tại xã Bình Dương không chỉ là bổn phận với đồng đội, với quê hương mà còn là dịp để được đọc, được hiểu thêm về mảnh đất anh hùng, những người con anh hùng cùng nhân dân ngày đêm trụ bám đánh giặc giữ đất, giữ làng tại thôn Bàu Bính những năm 1970 - 1972, được thể hiện trong quyển sách nên tôi rất hăng hái dành nhiều thời gian đọc và tham gia nhiệt tình, chu đáo trong khả năng của mình để kịp đến ngày 01 tháng 12 năm 2020 gặp nhau trao đổi nội dung góp ý bản thảo lần một. Việc làm sách này cũng xuất phát từ ý tưởng của Phan Đức Nhạn, có sự tham gia cổ vũ của anh Phan Thanh Châu, nguyên Phó Trưởng ban Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Nam.
Dự kiến quyển sách này sẽ in làm hai loại: Một số quyển in khổ lớn, bìa cứng để cho địa phương đặt trong tủ sách tại Nhà Truyền thống vừa lưu giữ vừa để cho cán bộ, nhân dân có điều kiện đến đây đọc. Một số lượng nhiều hơn in bìa mềm giấy láng, khổ thông thường để làm quà tặng và phát hành rộng rãi cho mọi người, nhất là với những bà con đồng hương Bình Dương đang cư trú làm ăn mọi miền đất nước, để họ hiểu thêm về con người, mảnh đất quê hương mình đã có những tháng ngày như thế.
Vùng cát trắng Bình Dương (Thăng Bình) hơn 50 năm trước. Ảnh tư liệu
Ngày 12 tháng 01 năm 2021 mấy anh em chúng tôi lại gặp nhau thông qua góp ý bản thảo lần hai, đồng thời triển khai một số nội dung theo kế hoạch do Phan Đức Nhạn đề xuất như: Qui hoạch chi tiết khu vực bảo tồn trên thực địa căn cứ lõm; bảo tồn cây dương thần và rừng dương; các loài cây xương rồng, tổ chức công viên nghĩa trang Mẹ Việt Nam anh hùng; lập bảo tàng thời chiến tranh. Mấy anh em ai cũng nhiệt tình tham gia đầy tâm huyết, cuối cùng thì thay vì hình thành những đơn nguyên riêng lẻ, Phan Đức Nhạn tiếp tục nêu lên ý tưởng mà anh đã ấp ủ từ lâu, giờ là lúc cần xây dựng thành đề án đề xuất với lãnh đạo địa phương quy hoạch xây dựng một “Bảo tàng trên cát” - một không gian sinh tồn và phát triển ngay trên mảnh đất đầy đau thương và anh dũng này, nhằm lưu giữ những giá trị vật thể và phi vật thể về lịch sử oai hùng, oanh liệt của vùng đất và con người xã Bình Dương được Nhà Nước phong tặng ba lần danh hiệu anh hùng. Không gian sinh tồn và phát triển ở đây chính là: Vườn Mẹ.
Vườn Mẹ, theo như Phan Đức Nhạn thuyết minh thì nơi ấy có bao nhiêu thứ ngọt lành, từ quả chín mọng trên cây, bao nhiêu thứ ngọt ngon từ bàn tay mẹ, từ luống hành, cọng rau, quả bí, trái bầu và sự đùm bọc, sẻ chia, chở che, bao dung, tha thứ... được chưng cất từ lòng mẹ mà nên, rồi vòng tay dang đón tình người với tấm lòng thơm thảo, trong vất vả lo toan cho lộc biếc xanh cành, cho chồi non phát triển trên đồng khô, nước mặn, cho cây lúa vào đòng trải dài bên những biền cát trắng phau để hoa lông chông thi nhau lăn tròn trước gió, với rừng dương liễu tốt tươi gọi chim về làm tổ, bộ sưu tập xương rồng trên cát trổ bông trắng ngà phơi trong nắng, đầm sen vào mùa xanh mướt, ngát hương bên dòng Trường Giang trôi êm ả, những lũy tre làng xanh mát đường thôn, là biểu tượng về sự chịu đựng và sức sống mãnh liệt, dẻo dai cho dù có phong ba bão tố, hay nắng hạn khô cằn, một nghĩa trang yên nghỉ của các mẹ Việt Nam anh hùng bên tượng đài chiến thắng.
Vườn Mẹ là ý tưởng cao đẹp về giá trị nhân văn sâu sắc, về sự đột phá trong cách nhìn về quá khứ, tạo đà cho sự bức phá ở tương lai, là sự khơi dậy cội nguồn, minh chứng sinh động cho lịch sử oai hùng của một mảnh đất anh hùng, với trang sử vẻ vang, khát khao cho hoà bình, độc lập, tự do, hạnh phúc, chứa đựng biết bao cảm xúc về lòng yêu nước thương nòi, gắn bó sắc son với tên làng, tên đất, tên sông, bao nhiêu kỳ tích bi hùng trong thời kỳ chống giặc ngoại xâm, “một tấc không đi một ly không rời”, là nơi tri ân các bậc tiền bối và những anh hùng, liệt sĩ đã không tiếc máu xương vì độc lập tự do cho quê hương đất nước, qua đó để phát huy truyền thống cách mạng với thế hệ hôm nay, đồng thời cũng là nơi chào đón khách thập phương về đây tham quan, du lịch.
Vườn Mẹ là một quần thể kiến trúc động, là một thiết chế văn hoá với không gian mở, được phục dựng các công trình phòng thủ và tiến công trên tuyến đầu đánh địch trong những năm tháng chiến tranh gắn kết với các hoạt động, lao động sản xuất và sinh sống ổn định lâu dài của cư dân, chính họ là người giữ gìn và phát huy các giá trị văn hoá cội nguồn tại một vùng đất anh hùng, với những người mẹ Việt Nam anh hùng, Người mẹ của bao nhiêu thế hệ con trai con gái xung phong lên đường ra trận bảo vệ, giữ gìn quê hương, đất nước.
Đây là ý tưởng mới, sinh động, nhưng giàu tính thực tiễn và tính nhân văn, tôi rất cảm phục về cách tư duy sâu sắc và cách nghĩ cách làm trong đề án Vườn mẹ của tác giả Phan Đức Nhạn, hãy cổ vũ, động viên, ủng hộ cho tác giả tiếp tục hoàn hiện các bước tiếp theo phía trước.
Với đề án này, hy vọng được các cấp chính quyền địa phương, trước hết là lãnh đạo xã Bình Dương sớm tiếp nhận và có phương án triển khai đề xuất các cấp có thẩm quyền từ UBND huyện huyện Thăng Bình, UBND tỉnh Quảng Nam sớm vào cuộc nghiên cứu phê duyệt đề án quy hoạch không gian Vườn mẹ một cách hợp lý, triển khai thực hiện.
Cột mốc chủ quyền Trường Sa tại xã Bình Dương do cựu chiến binh xã đóng góp, xây dựng theo nguyên mẫu cột mốc chủ quyền trên đảo Trường Sa Lớn.
Nhạc sĩ Minh Đức: Ý TƯỞNG VỀ VƯỜN MẸ ĐẬM TÍNH NHÂN VĂN
Tôi biết anh Phan Đức Nhạn từ lúc anh về làm quyền Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai tỉnh Quảng Nam. Sau đó, anh được điều về làm giám đốc Sở Giao thông tỉnh Quảng Nam và tôi chưa một lần gặp mặt, anh lại chuyển công tác về làm phó Giám đốc Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh cho đến khi nghỉ hưu anh mới về sống với gia đình tại thành phố Đà Nẵng.
Hàng năm vào đầu xuân Hội đồng hương huyện Thăng Bình tại thành Phố Đà Nẵng tổ chức gặp mặt, tôi mới gặp anh Phan Đức Nhạn - một con người vui vẻ, dễ gần gũi. Từ đó anh em hiểu nhau hơn và thi thoảng gặp nhau cafe trò chuyện. Mỗi lần gặp, Nhạn thường nhắc lại thời chiến tranh ở quê hương Bình Dương, nơi chôn nhau cắt rốn của Nhạn và kể chuyện gia đình, tôi mới rõ Nhạn là con liệt sỹ cùng hoàn cảnh với tôi. Vì lẽ đó nên tôi và Nhạn cùng gần gũi nhiều hơn.
Một hôm một số anh em hẹn đến 46 Pasteur tham gia “hội cafe sáng”, Phan Đức Nhạn cho tôi biết các anh đang làm một quyển sách về “Căn cứ lõm Bình Dương”. Tôi rất vui và nói với Nhạn làm được như vậy thì tốt quá, đó là sự đền đáp công ơn của những người đã ngã xuống vì quê hương, đất nước.
Ngĩa trang xã bình Dương
Tôi hỏi Nhạn: Có đầy đủ tư liệu chưa? Nhạn cười và nói : Có rồi, nhưng biết khi nào mới đủ ! Anh biết không từ những năm chiến tranh 1964 – 1975 có rất nhiều nhà văn, nhà thơ, nhạc sỹ, đã lăn lộn gắn bó sống chết tại mảnh đất Bình Dương, nhờ vậy mà Chu Cẩm Phong viết Mặt biển mặt trận, Nhật ký chiến tranh và Dương Thị Xuân Quý viết Nhật ký chiến trường... Sau ngày hoà bình rất nhiều văn nghệ sỹ trở lại Bình Dương: Nhà văn Nguyên Ngọc, Thái Bá Lợi, Hồ Duy Lệ, Nguyễn Bá Thâm, Hồ Sĩ Bình, Xuân Diệu, Vỏ Quảng, Trung Trung Đĩnh, Hoàng Ý Nhi, Anh Thơ, Từ Sơn, Nguyễn Bảo... gần đây có Hoàng Bích, Phan Văn Minh và anh nữa - nhạc sỷ Nguyễn Mình Đức! Tôi mong rằng tập sách Căn cứ lõm Bình Dương sẽ sớm được ra mắt bạn đọc.
Di tích Cây Dương thần
Mỗi lần gặp Nhạn anh lại “rò” thêm thông tin mới - ý tưởng xây dựng Không gian Vườn mẹ, câu chuyện đi từ “giấc mơ vườn mẹ”. Tôi hiểu đây là một “khối” tâm huyết, một ý tưởng nung nấu từ lâu, một công trình đồ sộ mang đậm dấu ấn và hôm nay tôi vui mừng được đọc bài đăng trên báo Nhân Dân ngày 27 tháng 7. Tôi động viên và khuyến khích Nhạn cố gắng làm, cần gì trong tầm tay thì mình xin đóng góp với anh em, Nhạn vui vẻ cảm ơn và nói thấy anh mới viết bài “đưa anh về Bình Dương” rất hay, mong anh em bà con quê hương cùng đồng hành để sớm trình ý tưởng với huyện với tỉnh...
Ý tưởng về Vườn mẹ đậm tính nhân văn và cũng là trách nhiệm của người còn sống đối với những người ngã xuống. Bài viết của Phan Đức Nhạn khá chi tiết, có những cụm công trình nằm trong không gian Vườn mẹ như khuôn viên làm Đài tưởng niệm, khuôn viên để an vị mồ mả của 350 mẹ Việt Nam anh hùng, khuôn viên tạc bia ghi danh 1347 liệt sỹ, khuôn viên tái tạo hầm công sự, hầm ngầm, trạm phẩu thuật, giao thông hào, khuôn viên nhà truyền thống,,,
Vườn mẹ là biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng của quân và dân Bình Dương, một xã đã phải chịu nhiều đau thương tang tóc.
Thử hỏi trên đất nước này có bao nhiêu làng, xã… mà sự hy sinh tổn thất nhiều đến vậy: 4700/7800 người đã ngã xuống, 1347 liệt sỹ, 350 mẹ Việt Nam anh hùng, hàng trăm thương binh, 5 anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân được nhà nước phong tặng. Một xã có chiều rộng chừng 18km2 đã gánh chịu hàng ngàn tấn bom đạn. Dù bom đạn cày xới cả ngày lẫn đêm, nhân dân xã Bình Dương vẫn kiên cường trụ bám đến cùng: Một tấc không đi, một li không rời, chăm sóc thương binh, đưa đón bộ đội…
Em đưa anh về Bình Dương
Đường cát bỏng như ngày xưa cát cháy
Mẹ cõng con qua những đạn bom
Khói lửa mịt mù tứ phía ẩn chân mây
Nơi em lớn giữa miền quê lửa đạn
Trong đau thương mà chẳng đổi thay lòng….
(Lời bài hát của NS Minh Đức)
Trong thời chiến tranh, quân và dân xã Bình Dương chiến đấu cực kỳ anh dũng. Khi đất nước được hoàn toàn thống nhất, trong lao động người dân Bình Dương cũng rất đỗi anh hùng. Chỉ trong vòng một vài năm toàn xã đã rợp lại một màu xanh ngút ngàn từ cây dương liễu. Nếu ai đã một lần qua đây đều phải khâm phục và mỗi khi chiều về những làn gió thổi vào những hàng dương liễu lại rì rào hoà cùng sóng biển như lời ru của mẹ ngày nào, nhắc nhở chúng ta đừng bao giờ quên lãng quá khứ đau thương của mẹ quê hương.
Vì vậy ý tưởng về Vườn mẹ của Phan Đức Nhạn là việc cần làm, nên làm… để đền ơn, đáp nghĩa với những người mẹ, người đồng chí, đồng bào… họ sẵn sàng hy sinh xương máu của mình trên mảnh đất quê hương.
Ý tưởng về Vườn mẹ của Phan Đức Nhạn đầy tâm huyết và trách nhiệm không chỉ đối với quê hương Bình Dương. Tôi tin tưởng Vườn mẹ sẽ sớm được triển khai trên mảnh đất Bình Dương anh hùng.
M.Đ