Nghĩ về kịch thiếu nhi

30.11.2021
Lê Quý Hiền
Kịch thiếu nhi có hai loại là kịch về thiếu nhi và kịch cho thiếu nhi. Kịch về thiếu nhi cũng như kịch về công an, quân đội, y tế… trong đó nhân vật và vấn đề liên quan tới công an, quân đội, y tế, thiếu nhi… và tất nhiên dành cho người lớn. Còn kịch cho thiếu nhi là dành cho thiếu nhi, đối tượng tiếp nhận là thiếu nhi khi mà xã hội phát triển, kịch mục phải đáp ứng mọi nhu cầu của mọi đối tượng gọi là thành phần khán giả.

Nghĩ về kịch thiếu nhi

Chúng ta có mọi hình thái kịch, nào là hài kịch, bi kịch, chính kịch, kịch giải trí, kịch luận đề, kịch tâm lý xã hội… để phục vụ mọi nhu cầu của công chúng, song kịch cho thiếu nhi bấy nay dường như bị lãng quên quả là sự bất cập lớn. Quan tâm tới kịch cho thiếu nhi là “đầu tư xây dựng khán giả tiềm năng cho sân khấu ngày mai” đúng như Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam Trịnh Thúy Mùi đã phát biểu trên báo chí.

Sân khấu phải có khán giả là một thành phần nhưng khán giả không được tổ chức tập hợp thành khán giả của mình (mỗi đơn vị sân khấu, hình thái sân khấu đều có lượng khán giả riêng) như một cái đích để tác phẩm hướng tới sẽ dẫn sân khấu đến tình trạng may rủi, ăn đong, đông vắng tùy lúc.

Tôi quan tâm tới kịch cho thiếu nhi và xin khẳng định: Viết kịch cho thiếu nhi là công việc khó khăn nhất. Đơn giản bởi trẻ con chưa  là người lớn song người lớn từng là trẻ con nhưng thường quên phần trẻ con đã có trong mình. Xin dẫn ra đoạn thơ đầy thực tế:

Em bé đặt tấm ván xuống đất và reo lên:

“Mẹ ơi con đang đi trên cầu

Dưới chân con là dòng sông sâu”

Mẹ cáu kỉnh và quát lên “Đồ khỉ”

Mắng em xong vội cất ván vào nhà

Tôi nhìn em không khỏi xót xa

Mẹ đang dìm em xuống dòng sông sâu thẳm.

Nói thế để thấy, viết cho trẻ con phải theo tư duy của trẻ con, theo logic trong cách nhìn cách nghĩ của trẻ con. Tỉnh táo, thông minh như người lớn chắc các cháu không thể hào hứng thích thú với cảnh xe lu trong hoạt hình cán chú mèo mỏng như tờ giấy lại có thể đứng dậy chạy nhảy như thường. Trẻ có cách nhận thức rất logic theo cách nhìn của trẻ như khi thoại với người lớn: “Mắt để làm gì – để nhìn. Tai để làm gì – để nghe. Trán để làm gì – để ốm. Mông để làm gì - để đánh đòn. Má để làm gì - để thơm! v.v…”.

Viết cho trẻ con khó là vì vậy. Nếu áp đặt logic, cách nghĩ của người lớn vào cho trẻ không khác gì viết về nhân vật dân tộc ít người chỉ nhại cách nói “A lú”, “Cái cán bộ à” mà bỏ rơi cách nghĩ, tâm lý của nhân vật trong một hoàn cảnh, tình huống cụ thể.

Viết cho trẻ hôm nay càng khó, bởi tuy bám vào nội dung giáo dục các cháu yêu thương ông bà cha mẹ, song không thể như xưa với “chú chào mào gọi dạ bảo vâng” thế mới là “bé ngoan nhất nhà”. Ngay cả bà của các cháu giờ đây cũng không phải là lưng còng, tóc bạc, mắt mờ để bé xâu kim cho bà mà “bà em” giờ đây có khi còn mặc váy, đi xe tay ga và uống rượu, nhảy đầm.

Viết cho trẻ là cùng với trẻ trong cách nghĩ của trẻ trước những tác động của thực tế, để giúp các cháu có một cách nhìn, cách nghĩ, cách ứng xử đúng với chính khả năng của mình. Không thể dạy các cháu lòng dũng cảm bằng cách đi trên thủy tinh như một quyển sách từng viết. Càng không thể dạy lòng dũng cảm chung chung như thấy cháy rừng, bạn ngã xuống nước là lập tức nhảy vào cứu. Trẻ cũng như người lớn luôn đứng trước những tình huống cần chọn cách giải quyết và cách giải quyết phải đúng nhưng rất trẻ con mới là chuyện cực khó cho những nhà cầm bút. Bên cạnh đó là cung cấp cho trẻ những hiểu biết về thế giới xung quanh mà Dế mèn phiêu lưu ký của nhà văn Tô Hoài là một ví dụ. Tác phẩm trường tồn bởi các cháu biết thêm về dế mèn và nhân vật Dế Mèn được nhân cách hóa đúng như các cháu nghĩ trong tâm lý và hành động. Có lẽ sân khấu chúng ta phải học hỏi cách viết cho thiếu nhi của các nhà thơ Phạm Hổ, Tú Mỡ, Định Hải, Võ Quảng, Xuân Quỳnh, Trần Đăng Khoa… hay truyện của Hà Ân, Nguyễn Huy Tưởng, Xuân Sách… với những tác phẩm được các cháu và ngay chính chúng ta khi còn là trẻ con yêu thích….

Tôi cứ mong sân khấu ta có những vở diễn dài ngắn về trẻ trong những ngày học trực tuyến khi Covid-19 đang đe dọa với tâm lý: giữa được nghỉ học ở nhà và tính tự giác học ra sao hoặc tâm lý các cháu thế nào, nghĩ gì khi tuổi thơ đang bị mất bởi nhiều phụ huynh giờ coi con như đồ trang sức, bắt con thành thiên tài, học đủ thứ từ học thêm đến học đàn, học võ… Vấn đề là trẻ nghĩ gì, mong muốn và thái độ ra sao trước hành xử của người lớn với trẻ.

Sân khấu cho thiếu nhi phải là sân khấu đồng hành cùng các cháu trong cảm thông và chia sẻ. Viết cho thiếu nhi ngoài việc các cháu tiếp nhận được còn là giúp người lớn hiểu trẻ con hơn và điều này không thể ngồi hư cấu ngoài chuyện phải rất gần trẻ, hiểu trẻ.

Về vở diễn sân khấu cho thiếu nhi ngoài nội dung, nghệ thuật biểu diễn dàn dựng hôm nay thuân lợi hơn trước nhiều khi khoa học kỹ thuật, công nghệ phát triển có thể hấp dẫn các cháu bằng âm nhạc, sắc màu, chuyển động của sân khấu. Tuy nhiên, lạm dụng công nghệ, lơ là nội dung rất có thể đánh mất đặc trưng sân khấu khi mà chúng ta rất cần khán giả sân khấu đích thực trong tương lai.

L.Q.H