Bàn luận đa chiều về Thơ trẻ

22.09.2021
Hoài Phương
Thơ trẻ là cách gọi chung về các tác giả trẻ có sáng tác thơ hiện nay. Để có thể đưa ra định nghĩa chung cho thơ trẻ là điều rất khó bởi trong diện mạo chung ấy thì mỗi người viết đã và đang đi theo một lối rất riêng. Đó là sự lựa chọn của cá nhân người viết, tuy nhiên đó cũng là cách để người viết trẻ góp mình vào dòng chảy đa dạng của thơ Việt hôm nay.

Bàn luận đa chiều về Thơ trẻ

Một số tác phẩm của người viết trẻ vừa được xuất bản

Tối 18/9/2021 đã diễn ra buổi toạ đàm trực tuyến Thơ Việt thế hệ mới do chuyên đề Văn+ tổ chức, với sự tham gia của các nhà phê bình văn học và các nhà thơ thế hệ 8x, 9x. Câu chuyện về lực lượng sáng tác trẻ, những lựa chọn của người viết trẻ đã mở ra những luận bàn sôi nổi, đa chiều.

Lực lượng sáng tác và xu hướng sáng tác

Lực lượng sáng tác là yếu tố được quan tâm khi nhắc đến thơ trẻ. Người viết trẻ, theo sự phân định về tuổi tác thì thường là tác giả dưới 35 tuổi. Nhưng hiện nay, khi nói đến người viết trẻ chúng ta vẫn mặc định là những tác giả sinh từ năm 1980 trở lại đây. Như vậy, ngay trong quan niệm về độ tuổi người viết thì ở ta cũng đã có những sự khác biệt. T.S Phan Tuấn Anh cho rằng: “Cần thay đổi cách nhìn về thơ trẻ thông qua biểu hiện về lứa tuổi. Thơ trẻ nên là từ thế hệ 2000 trở đi thay vì đánh đồng những Vi Thùy Linh, Miên Di là những người viết trẻ... Ở ta đang có sự già hoá trong thế hệ sáng tác”. Nhận định này có sự xác đáng nhất định, tuy nhiên, cũng có một thực tế là, không ít tác giả bắt đầu viết sau khi họ đã không còn ở lứa tuổi thanh - thiếu niên; những cây bút độ tuổi hai mươi là khá hiếm. Theo nhà thơ Lê Hưng Tiến thì “sự tiếp biến từ các thế hệ thơ thường kéo dài khoảng 20 đến 30 năm, thậm chí nhiều năm nữa”. Còn nhà thơ Hoàng Anh Tuấn thì khẳng định: “Tinh thần trẻ khi sáng tác mới là điều quan trọng, chúng ta nên phân định thơ trẻ bằng tinh thần sáng tác”. Vậy nên thơ trẻ, bên cạnh việc xác lập lứa tuổi cũng còn là sự tích hợp của nhiều yếu tố nữa.

Thơ trẻ hiện nay đang ở đâu là vấn đề được nhiều người viết, người đọc quan tâm. Bởi mỗi một thế hệ cầm bút, vô hình trung, đều xác lập một hình dung chung trong tiến trình lịch sử thơ ca nước nhà. Tuy nhiên, một thế hệ người viết trẻ đã qua sẽ dễ dàng nhìn nhận và đánh giá hơn là một thế hệ đang còn trẻ. Vậy nên mọi nhìn nhận cũng chỉ được đặt dưới một góc nhìn, góc tiếp cận nào đó, chứ chưa thể toàn vẹn khi nói về thơ trẻ hiện nay.

Tác giả Nguyễn Đức Hậu cho rằng: Thơ trẻ hôm nay đã khác rất nhiều so với thơ của các thế hệ trước. Việc không quá bị gò bó bởi quan niệm “văn dĩ tải đạo” hay “nghệ thuật vị nhân sinh” giúp cho sự sáng tạo trong thơ trẻ hiện thời trở nên đa dạng và phong phú hơn. Tuy nhiên, điều này cũng đang vô tình tạo ra một thực trạng là thơ trẻ chưa tạo được nhiều dấu ấn với những cá tính nổi trội để bứt lên so với thế hệ của họ. Theo anh, văn học nghệ thuật nói chung thời nào cũng cần một sự “tự cưỡng bức” cá nhân để đổi mới và bứt phá. Đây chính là tinh thần thời đại của các tác giả trẻ. Hiện nay người trẻ đang sa vào những thể tài văn học cũ, với những cảm xúc cũ mang tính cá nhân, với những chất liệu đã và đang bị biến chất trong bối cảnh internet và toàn cầu hóa. Hôm nay, chúng ta khó có thể bắt gặp những dấu ấn lớn từ thế hệ người viết trẻ - điều mà những Văn Cao với Thiên Thai (khi mới 18 tuổi), Chế Lan Viên với Điêu Tàn (khi mới 17 tuổi) hay Vũ Trọng Phụng, Hàn Mặc Tử (ngoài 20 tuổi) đã làm được ở những giai đoạn văn học trước.

Có không ít tác giả trẻ hiện nay bị rơi vào sự lưỡng lự trong lối đi, họ chưa thực sự tìm cho mình được bản sắc riêng, điều này phần nào khiến thơ trẻ còn ở trong thế loay hoay. Nếu tính trong số các tác giả dưới tuổi 35 thì những người xác lập được phong cách, giọng điệu cho mình chỉ tính được trên đầu ngón tay.

Theo tiến sĩ văn học Trần Ngọc Hiếu thì: Thơ Việt đương đại là sự đa thanh, nhiều tìm tòi, nhiều lối đi, lối nào cũng có công chúng. Nhưng lối nhiều người đi chưa chắc đã là tương lai. Đôi khi tương lai của thơ ca phụ thuộc vào một nhóm người rất nhỏ chứ không phụ thuộc vào đám đông công chúng. Hai thập niên đầu của thế kỉ 21 thơ ca rộng mở hơn thời gian trước đó rất nhiều, bởi thật may chúng ta đều biết thế giới đang viết gì nhờ những dịch giả thầm lặng. Nhưng thơ hiện nay không thể khuynh đảo như thời kì lãng mạn nữa. Chúng ta có hàng triệu bài thơ những rất ít nằm lại trong tiến trình thơ ca. Tuy nhiên chúng ta cũng nên biết, thơ ca có thể tồn tại ở những khả thể khác.

Cùng có ý kiến như T.S Trần Ngọc Hiếu, nhà thơ Lê Hưng Tiến cho rằng: Chưa chắc tác phẩm hiện nay in ra được bán chạy, có nhiều độc giả là tác phẩm đó hay, đó chỉ là lớp tảng băng của bề mặt vấn đề. Thời đại nào kết thúc cũng đòi hỏi phải có dòng chảy hoặc là tiến trình lịch sử văn học của nó. Nhà thơ Lê Hưng Tiến cũng bày tỏ sự trăn trở của mình về những điều mà anh cho rằng người viết trẻ hôm nay cần khắc phục: Hiện nay, đa số lớp trẻ sáng tác theo cảm xúc của riêng mình mà không chú ý đến việc đọc tác phẩm của người khác, và ít quan tâm đến các khuynh hướng hay trào lưu văn học của thế giới để có cái nhìn khác, nhìn theo hướng mở mới trong cách thể hiện tác phẩm của mình. Vậy làm sao chúng ta chấp nhận và hòa nhập được những cái khác biệt trong sáng tạo đối với các tác phẩm đột phá hiện nay.

Trong sự đa dạng của thơ trẻ, câu chuyện khiến nhiều người viết hiện nay quan tâm vẫn là truyền thống hay cách tân. Có tác giả trẻ gắn bó/trở lại với thể loại thơ truyền thống và ghi được những dấu ấn nhất định, tuy nhiên những người làm được điều này không nhiều. Số đông người viết trẻ hiện nay quan tâm/ bị thu hút bởi hình thức. Hình thức sẽ dẫn đến những đột phá nhưng không nhiều người làm được điều này và sâu xa ra thì để có được điều này trước hết phải là sự thay đổi quyết liệt từ trong nội tại tư duy thơ của người viết.

T.S Hà Thanh Vân nhận định: Thơ Việt thế hệ mới là thế hệ thơ mở. Mở về biên độ không gian và đội ngũ nhà thơ, mở về phong cách, trường phái. Thơ không có gì lạc hậu hay đã cũ, truyền thống hay cách tân không quan trọng, mà đó là sự phù hợp, hay hay không, công chúng tiếp nhận thế nào. Nhà thơ không nên bị giới hạn bởi bất cứ điều gì. Chúng ta nên nhìn thế giới rộng mở hơn. “Tôi lạc quan về thế hệ thơ mới, chúng ta cần thời gian”.

Vấn đề phê bình thơ trẻ hôm nay

Có một thực tế là, với những tác giả trẻ của thế hệ trước, khi họ chưa là tác giả được đông đảo công chúng biết đến thì giới phê bình đã tìm thấy họ và có những quan sát kĩ lưỡng về tác phẩm của họ. Có thể kể đến một vài cái tên như: Thi Hoàng, Nguyễn Lương Ngọc, Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Bình Phương, Đinh Thị Như Thuý, Nguyễn Hữu Hồng Minh, … Ở chiều ngược lại, những người viết trẻ hôm nay dường như chưa được giới phê bình tìm thấy hoặc gọi tên đúng với diện mạo của mình. Thậm chí có những nhà phê bình không có được một hình dung khi nhắc đến thơ trẻ hôm nay. Đó thực sự là một thiệt thòi cho những người viết trẻ.

T.S Phan Tuấn Anh cho rằng: Là nhà phê bình thì cần phải biết đến hiện tại của nền văn học nước nhà.Tuy nhiên chính thơ ca đang thiếu đi sự cập nhật. Văn học trẻ đang phát triển theo hướng phi chính thống, văn học mạng nở rộ, các tác giả không có xu hướng in ấn, vậy nên không có sản phẩm chính thức đến tay nhà phê bình. Nhà phê bình rất khó bao quát, và cũng rất khó để đưa được dòng văn học mạng vào nghiên cứu một cách đầy đủ. Điều này cần nhiều thời gian, công sức. Thực tế là còn một khoảng trắng mênh mông cần phải lấp đầy khi nói về phê bình dành cho thơ trẻ. Các nhà phê bình phải nỗ lực bù đắp vào khoảng trống này.


Đội ngũ sáng tác trẻ hiện nay chọn xu hướng đơn lẻ. Đã lâu lắm bạn đọc không còn gặp những phong trào sáng tác hội, nhóm (sáng tác của những người trong một bút nhóm nào đó); hoặc những người viết đồng lứa cùng chơi, cùng viết, tạo nên một không khí thơ ca như những thời kì trước cũng không có nhiều hoặc chưa nổi bật. Trước đây, những nhóm viết như vậy đã thu hút mạnh mẽ giới phê bình, một phần bởi có sự đối sánh, tương quan về lực lượng viết, không gian viết…

Nói về lĩnh vực nghiên cứu phê bình với thơ trẻ, nhà thơ Lê Hưng Tiến nhận định: Đội ngũ lí luận - phê bình văn học hiện nay ít quan tâm đến việc tìm hiểu, đọc kĩ các tác phẩm của lớp trẻ, thậm chí còn có thái độ nhận xét chưa đúng, chưa có cái nhìn thiện cảm đối với các tác phẩm mang hơi thở thời đại. Vậy thì làm sao chúng ta có thể làm được công cuộc cách mạng thơ trong tương lai gần? Thời điểm này, có rất nhiều nhà lí luận - phê bình văn học hàn lâm, và có uy tín cả nước, nhưng lại chưa tham cuộc vào các trào lưu văn học mới của thế giới, cũng như còn hờ hững với các manh nha khuynh hướng sáng tạo văn chương những năm đầu thế kỉ XX cho tới nay.

Cùng quan điểm trên, tác giả Nguyễn Đức Hậu, cho rằng phê bình văn học là yếu tố quan trọng với người viết trẻ. Tuy nhiên, lăng kính quan sát/phê bình tổng quan về thơ trẻ hiện nay vẫn chưa thực sự đầy đủ. Công chúng tiếp nhận văn học (trong đó có giới nghiên cứu - phê bình) cần nghiêm khắc hơn với các đánh giá của chính họ dành cho lực lượng sáng tác trẻ. Cần bài xích lối tiếp cận và phê bình “ru ngủ” người sáng tác bằng những mĩ từ cảm tính. Nhận thức của những người sáng tác trẻ có thể không hoặc chưa tạo ra dấu ấn mới đại diện cho thời đại của họ song hoàn toàn có thể giúp duy trì được thành quả lao động chữ nghĩa mà những thế hệ đi trước đã tạo ra. “Biết đâu từ nhận thức đổi mới, ‘sao sáng’ sẽ xuất hiện trên bầu trời văn học đang dày đặc sao mờ!”

Mối quan hệ sáng tác - phê bình trong thơ trẻ có lẽ là câu chuyện cần nhiều người trong cuộc góp phần để chúng ta có một thế hệ thơ mới sôi động hơn, chất lượng hơn. Sự song hành ấy sẽ mang lại cảm hứng, sự thúc đẩy, bồi đắp cho nhau. Tất nhiên điều này cần sự chủ động của cả hai phía. Tác giả Nguyễn Việt Anh chia sẻ quan điểm của mình: “Hãy chìa tác phẩm của mình cho các nhà phê bình để có góc nhìn chân xác về năng lực cá nhân”.

Với cá nhân người viết bài này thì, phê bình là điều cần thiết cho sáng tác, tuy nhiên sáng tác như thế nào, trước hết nên là sự tự thân của mỗi người viết trẻ.

(vannghequandoi.com.vn)