Mẹ tôi

08.11.2023
Phan Đức Nhạn
Quê mẹ làng Phú Hòa, nằm bên bờ tây sông Trường Giang. Vườn nhà ngoại rộng rãi ở đầu làng. Nhà ngoại là một dinh cơ bề thế, nhà lớn, nhà nhỏ, nhà trù, cây trái xanh tươi bốn mùa, phía trước là cánh đồng lúa mỗi năm hai vụ. Cuộc sống dân làng sung túc nhờ đặc điểm địa chất, thủy văn, đất đai màu mỡ, cấy lúa sớm, gặt sớm, tránh được ảnh hưởng của mưa gió, bão lũ. Vì thế dân trong vùng có câu: Chiêm bao gió chướng chỉ sướng cái bụng Phú Hòa.

Mẹ tôi

Sông Trường Giang quê mẹ. Ảnh internet.

Ngoại tôi - ông Vương Liên, người cùng làng hay gọi là ông Trùm Liên. Ông bà ngoại sinh được 8 người con, cậu Chín là con út - “hũ mắm treo đầu giàn” rất được cưng chiều trong nhà. Tôi nghe mẹ kể: cậu bao giờ cũng được ưu tiên xử thắng trong các cuộc đôi co, mè nheo với các chị gái. Mấy chị em chăm chỉ làm ăn, thương yêu đùm bọc lẫn nhau, giữ ấm gia đình nhà ngoại phúc đức. Khi gả con lấy chồng, ông bà cắt ruộng cho mỗi người vài sào tốt nhất nhằm động viên những người con gái đã dày công lo toan gánh vác công việc nặng nhọc trong nhà. Trong trí nhớ của tôi chỉ còn loáng thoáng hình ảnh ông ngoại, một người ít nói, uy nghiêm và quyền năng trong gia đình, gia tộc. Ngày ông ngoại mất, con cháu trằn trọc khóc thương. Thấu được lòng cha luôn dành tình thương yêu cho con cháu, mẹ cầm bút viết thư gửi cậu Chín: “Em Tiên ơi! Cha đã già, không chờ được em, trước giờ lâm chung cha còn gặng hỏi thằng Tiên về chưa, làm các chị nhìn nhau đau xót, chỉ biết quây quần bên mẹ”. Bà ngoại sống gần trăm tuổi mà mắt tinh, tai thính, đầu óc minh mẫn. Ông bà ngoại có ba người con gái: Vương Thị Liên, Vương Thị Đốc, và mẹ tôi Vương Thị Cận được Nhà nước phong tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam anh hùng.

Mẹ tôi luôn gần gũi với bà ngoại, tôi hay theo mẹ qua nhà ngoại, khi ra về luôn được ngoại thương không chỉ miếng chín mà còn đùm túm thêm túi gạo, mớ khoai, lon đậu… Phải chăng các dì tôi đều có chồng gần, chỉ riêng mẹ tôi, cô con gái thứ năm lấy chồng xa, chồng đi hoạt động cách mạng, lại thêm đàn con nhỏ dại, khó khăn trăm bề. Anh em nhà ngoại chúng tôi sống đùm bọc thương yêu, giúp đỡ nhau tới nơi, tới chốn. Đúng như người xưa vẫn nói không mẹ bú vú dì, nhờ vậy mà tình cảm của anh chị em tôi luôn luôn gần gũi, thân thiết với bên họ nhà ngoại. 

* * *

Mẹ, người phụ nữ hiền lành, chịu thương chịu khó. Tôi nhớ mãi những tháng ngày bên mẹ giặc giã cùng cùng, bom đạn cùng cùng, từng bữa cơm sớm trưa, tất tả mẹ đi, sấp ngửa mẹ về, mẹ lo lắng, mẹ hỏi han:

- Thằng Nhạn mô rồi?

- Con Hàng chăn trâu về chưa?

- Con Lạng nấu cơm chưa…?

Mẹ kêu tên từng đứa như điểm danh thiếu đủ. Đi đâu về vừa tới ngõ mẹ đã đằng hắng, lên tiếng đuổi gà như để các con biết mẹ về! Mẹ là nguồn sữa nuôi trọn phận người của những đứa con. Không có lời lẽ, ngôn từ nào để thấu hết lòng mẹ dành cho con.

Đêm nay, tôi đọc bản di chúc ông nội để lại cho con cháu ghi ngày 26/02/1958: “Tôi Phan Phỉ sinh ngày 22/11/1881 (Tân Tỵ) năm nay 77 tuổi… Theo tập quán, cha mẹ di chúc để lại cho con cháu liên quan trực tiếp tới quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm khi được thừa kế tài sản, lấy đó làm cơ sở để con cháu tuân theo. Nếu sau này đứa nào trái lẽ sẽ chịu tội bất hiếu…”. Những người con cháu trong gia đình ông nội ghi rõ: “Con trai: Phan Hoàng, con gái Phan Thị Nguyện, con dâu Vương Thị Cận, 3 đứa cháu trai: Phan Đức Trâm, Phan Đức Bảng, Phan Đức Nhạn”. Cô Nguyện đã lấy chồng, cha đi tập kết và tôi còn bé nên không có chữ ký. Chỉ có chữ ký của ông nội, anh Trâm, anh Bảng và của mẹ. Mẹ đã viết rành rõ tên mình vào vị trí chữ ký chứ không phải ký chữ Vương Thị Cận. Mẹ vẫn hay nói do hoàn cảnh khó khăn, mẹ học ít. Dẫu học ít nhưng mẹ hiểu biết cuộc sống, biết bổn phận và lẽ làm người… trách nhiệm làm vợ, làm mẹ được mẹ giữ tròn vai. Gánh nặng tập quán và cuộc sống gia đình dồn lên vai mẹ, một phụ nữ đơn chiếc giữa cuộc đời dâu bể.

Ông nội già yếu, các con của mẹ bé nhỏ, nhưng là chỗ dựa, là phòng tuyến tin cậy để mẹ trông chờ, con canh chừng mẹ, mẹ ngó chừng con mỗi khi giặc lùng sục, vây ráp... Tôi vẫn nhớ cảnh nghèo khó, gia đình chỉ được ăn bát cơm trắng cúng mừng mùa lúa mới. Thu hoạch ngày mùa dành phần lớn để trả nợ vay mượn của những nhà khá giả hơn trong những tháng ngày giáp hạt, lại còn phải mua thêm con cá trảnh, cá hanh biếu những chủ nợ mỗi khi lễ tết. Quanh năm nấu khoai ghế gạo, ép thêm miếng lá chuối làm vách ngăn một góc nồi, khi sôi đỡ lẫn cơm vào khoai, phần cơm ít ỏi ấy dành riêng cho ông nội và thằng Út, còn cả nhà khoai củ, mắm mặn, thỉnh thoảng có chút cá vụn không cần dao thớt. Cuộc sống vất vả, trầy trật cứ thế rồi cũng qua. Cảnh nhà nghèo, giật gấu vá vai, chắt chiu sớm tối để tết về mỗi đứa con được bộ đồ mới vải thô. Nhiều lần được mẹ dẫn đi đám giỗ bên ngoại Phương, tôi phải mượn cái quần soọc của chú Phan Đức Cương hay của chú Phan Đức Cử. Vẫn biết đi ăn đám giỗ, lỗ buổi cày nhưng vì phải chu đáo, lễ nghĩa với bà con họ hàng, làng xóm mà mẹ đã có mặt hầu hết các dịp lễ, đám như vậy.

Khi Ngô Đình Diệm và bộ máy công quyền của chế độ độc ác, tàn bạo ấy phân loại, theo dõi quản lý công dân, cả miền Nam như bị giam lỏng ngay trên quê hương đất nước mình. Những gia đình có người đi tập kết, đối tượng nghi can kháng chiến bị chúng giám sát ngặt nghèo. Theo Luật 10/59 chính quyền Ngô Đình Diệm cấu kết với các đảng phái phản động đã gây ra các vụ chém giết, thảm sát man rợ ở chợ Được, Vĩnh Trinh, Chiên Đàn, Cây Cốc và nhiều địa phương khác chất ngất hận thù. Lực lượng cách mạng được lệnh chuyển vào hoạt động bí mật. Những chi bộ công khai thời kháng chiến Chín năm chống Pháp giải thể. Tuy vậy, lực lượng cách mạng được nhân dân che chở vẫn âm ỉ như than hồng ủ dưới lớp tro.

Mùa nắng năm 1961 mẹ ốm nặng, nằm bẹp giường mấy ngày liền, các anh chị phải ra đồng chống hạn. Tôi mới tám tuổi, ở nhà với mẹ. Theo lời dặn của anh Ba, tôi lẩn quẩn bên giường canh chừng mẹ. Trời dần về chiều, ánh sáng trong nhà mờ dần, không khí ảm đạm, mẹ mệt mỏi nằm nghiêng đầu về phía tôi, giọng mẹ yếu ớt: Mẹ mà chết thì biết ai nuôi con đây! Nắm tay mẹ, tôi cắn chặt răng, đưa tay quệt nước mắt rồi thổn thức: Mẹ ơi, con sợ… Tối, các anh chị về mời thầy Xưng thăm bệnh. Thầy nói mẹ bị thương hàn. Thầy cắt thuốc và dặn chỉ được cho mẹ ăn cháo nguội với muối trắng. Khi hết bệnh, mẹ lại quần quật ngày đêm với công việc đồng áng, lại một nắng hai sương chống chọi với nắng hạn khô khốc để cứu những đám lúa úa vàng vì thiếu nước. Để bù vào thời gian thiếu hụt với công việc nhà nông, mẹ thường xay lúa, giã gạo, xắt rau, nấu cám chỉ làm về đêm, có hôm nhiều việc quá mẹ phải vất vả thâu đêm. Công việc nhà nông dù nặng nhọc tới mấy mẹ cũng cố gắng hoàn tất gọn gàng. Khi lợp nhà, theo phong tục, đàn bà không được leo lên mái nhà, mẹ phải đứng ở dưới dùng đòn xóc nâng tranh lên mái, mẹ làm mạnh mẽ, gọn gàng. Đàn ông quê tôi chỉ đi cày, không đi cấy, còn mẹ tôi thành thạo cả cấy lúa lẫn cày bừa. Vồng khoai lang rất lớn, mẹ đã quen tay, chỉ ước lượng mà vun vồng nào cũng ngay hàng, thẳng tắp. Tát nước gàu giai, đứng gàu đôi, gàu ba, bao giờ cũng đứng ở hàng gàu xa nhất, những gàu nước mẹ múc lên đầy ắp… mẹ như một lực điền. Nhà văn Chu Cẩm Phong khi về Bình Dương đã ghi lại lời kể của làng xóm: bà Bảng làm nông không thua kém người đàn ông nào.

Để kế tục truyền thống gia đình mẹ cho hai người con trai lớn trong nhà tham gia hoạt động cơ sở bí mật. Ngày 5/9/1964, 6 xã vùng Đông Thăng Bình được giải phóng, cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam rợp trời vùng cát. Cách mạng về làm quê tôi bừng dậy, nhịp sống dâng trào, các tổ chức đoàn thể quần chúng cách mạng được thành lập. Mẹ tham gia Hội Phụ nữ Giải phóng xã, làm tổ trưởng đổi công, anh Hai rời gia đình lên công tác ở huyện, anh Ba được bố trí làm Trung đội phó du kích Bình Dương thêm vai phụ trách thiếu niên, nhi đồng. Chị Bốn vừa là du kích lại làm cô giáo dạy bình dân học vụ, chị Năm là Liên đội phó Thiếu niên vừa làm du kích thôn. Tôi được phân công làm Liên đội phó Nhi đồng, Thiếu sinh quân rồi A trưởng du kích. Cả nhà đều là thành viên của cách mạng. Nhật ký chiến tranh của nhà văn Chu Cẩm Phong đã viết: …Nhà đó mới là nhà cách mạng toàn gia.

Hè năm 1965, anh Hai Nhân từ miền Bắc về nhà tôi thắp hương kính vọng ông bà ngoại. Anh mang tới thông tin kết nối, cả nhà đầy ắp niềm vui. Anh Ba đọc lá thư đầu cha gửi mẹ và các con. Tôi ngồi lọt vào lòng mẹ, anh em vui mừng khôn xiết. Mẹ cười, nhưng mắt mẹ đỏ hoe, rồi những giọt nước mắt tủi mừng của mẹ chảy dài trên má. Tấm ảnh trong phong bì được lấy ra. Tôi săm se cầm tấm ảnh, chỉ cho các anh chị xem qua rồi đưa cho mẹ. Ảnh cha đẹp quá, mái tóc rẽ ngôi, mắt đeo kính râm màu nâu nhạt, cha đứng tựa vào thành cầu trong công viên Thống Nhất - Hà Nội. Mẹ giang hai tay ôm tôi vào lòng rồi nói:

- Vài bữa nữa con đi Hội An chụp ảnh với mẹ để gửi cho cha, chắc cha mong nhìn thấy con lắm!

Tôi háo hức, nóng lòng được cùng mẹ ra phố Hội. Từ tấm bé, tôi lẩn quẩn với công việc phụ trong nhà chưa một lần đặt chân lên phố. Mấy ngày sau, mẹ con tôi theo ghe nhà bác Dục đi ra Hội An. Mẹ chèo lái, chiếc ghe êm xuôi theo dòng sông Trường Giang tới gần Cửa Đại thì ngược con nước về phía Cẩm Kim. Anh Ba đang chèo mũi bỗng nhiên thả chèo bước về phía tôi, nghiêng người che khuất tầm nhìn. Anh diễn trò, kể chuyện vui để tôi không còn quan tâm tới cảnh quan ven bờ. Khi ghe cập bến, anh Ba bất ngờ né người rồi bảo: Em nhìn kìa, thấy không? Ôi! Cảnh phố xá hiện lên đẹp quá. Nhà thấp, nhà cao chen chúc tựa vào nhau thật lạ mắt. Hội An tấp nập, ồn ào. Cả nhà vào chợ, bán vội gánh khoai lang, mua vài thứ rồi tới hiệu ảnh Huỳnh Sỏ chụp tấm ảnh mẹ và con. Mẹ búi tóc, mặc áo dài đen, mang đôi guốc mộc, tôi đứng cạnh mẹ, tóc cúp ngắn, với bộ pijama cũ kỹ co rúm nơi đầu gối, chân trần, nhìn rất dễ thương… Mấy lần viết thư gửi cha, mẹ dặn anh Ba báo tin cặn kẽ tình hình từng đứa con, mẹ giấu đi vất vả cực nhọc của mình chỉ lo cho cha sống xa gia đình lại hay đau ốm.

Từ năm 1967, Bình Dương trở thành vùng đất lửa, mỗi tháng giặc tràn tới đánh phá đôi ba lần, mỗi lần năm ba ngày, mưa bom bão đạn cày xới, đốt phá bắn giết cùng cùng, đội quân du kích phải trực chiến ngày đêm. Mẹ quyết định tháo dỡ căn nhà nhỏ chuyển ra lắp dựng ở khu vực trảng Trai, bởi nơi đây chỉ có những cây bụi nhỏ lúp xúp, không che khuất tầm nhìn, không có bóng mát, không có lối mòn, mênh mông cát, thông thốc gió. Tôi được mẹ cho ra ở cùng vợ chồng anh Ba và cháu Bông. Trong vườn nhà cũ còn mẹ, chị Bốn, chị Năm và vợ con anh Hai. Mẹ nói làm vậy là để chia nhỏ sự rủi ro trong thời bom đạn.

Trong khi quần nhau với giặc, sáng mùng 10/5/1967 anh Ba tôi đã hi sinh tại trận địa nổng Cây Nài. Bé Bông mới hai tuổi đã chịu cảnh mồ côi cha. Khi gặp bác Thuẫn mặc bộ đồ xita giống ba, cháu sà vào lòng gọi “ba, ba”, sự bé dại ngây thơ của cháu làm mẹ tôi, chị tôi quặn lòng, nhói buốt. Khi mất nhà cửa, cơm áo gạo tiền còn hi vọng ngày mai có thể tìm kiếm, tích góp đủ đầy, còn mất đi một con người, một thành viên trong gia đình ngã xuống thì mãi mãi hụt hẫng, không thể và không bao giờ tìm lại được. Sau tuần 49 ngày cho anh Ba, mẹ bảo tôi lấy trang giấy để mẹ viết mấy dòng gửi cha. Trên trang giấy học trò mẹ ngồi nắn nót “Kính gửi mình duy nhất. 

Than ôi! Tôi đau đớn báo tin thằng Ba của mình không còn nữa, tang thương này đau đớn biết nhường nào kể xiết…”. Cha đâu ngờ đó là tấm ảnh và lá thư cuối cùng mẹ gói ghém gửi cha.

Sự mất mát, tang thương không làm người Bình Dương nao núng, khí thế cách mạng dâng cao, lớp lớp thanh niên tòng quân cứu nước. Những người mẹ Bình Dương đã tiễn cả ngàn đứa con ra trận. Và cũng nơi đây, những người mẹ đón nhận thương binh, bệnh binh, bộ đội, cán bộ của khu, của tỉnh đưa về chăm sóc nuôi dưỡng như con mình đẻ ra. Tôi vẫn nhớ: Một đêm sáng trăng tại nổng Cây Sanh, những người mẹ quê tôi xếp hàng chờ đợi để được đón nhận thương, bệnh binh về địa phương gửi cho nhân dân nuôi dưỡng. Mẹ tôi đã nhận anh thương binh Nguyễn Văn Tứ quê Hà Tĩnh về nuôi dưỡng. Khi anh Tứ lành vết thương ra đi chiến đấu, mẹ lại nhận anh thương binh Nguyễn Đông quê thôn Đông Bối, xã Ninh Hương, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương làm con nuôi. Thời ấy việc nhận con nuôi không còn hiếm hoi mà đã trở thành một nghĩa cử cao đẹp, thường tình của người dân Bình Dương dành cho thương, bệnh binh cách mạng.

Sau tết Mậu Thân, bọn giặc đánh phá tàn khốc nhằm tạo áp lực lên nhân dân vùng giải phóng với mưu đồ phá thế hợp pháp sản xuất, cô lập và tách lực lượng cách mạng ra khỏi cuộc sống thường ngày của nhân dân. Ngày 20 tháng 10 năm 1968, máy bay trinh sát OV10 quần đảo nhiều lần như soi mói mọi hoạt động dọc theo dòng sông Trường Giang. Bằng trải nghiệm chiến tranh, người dân đang làm đồng cảm nhận điều bất thường sắp xảy ra, mọi người ngừng việc và lánh vào làng. Không ngần ngại, chẳng sợ hiểm nguy, để làm gương khi thực hiện chủ trương của cấp ủy xã: Giữ thế chủ động hợp pháp tổ chức sản xuất, mẹ tôi cùng chị Bốn trụ lại trên cánh đồng đang vào mùa cấy. Mẹ nói: Buông bỏ ruộng đồng lúc này là trúng kế hiểm của giặc. Mẹ bình tĩnh rải gánh mạ trên mặt ruộng, hai mẹ con xuống cấy… Chiếc máy bay OV10 quần đảo nhiều vòng rồi bắn pháo hiệu chỉ điểm. Từ phía Tuần Dưỡng, một tốp máy bay HU1A bay dọc dòng sông Trường Giang rồi bất ngờ hạ độ cao sà xuống cánh đồng Sát Giữa. Xác định mục tiêu, đại liên trên máy bay HU1A xả đạn. Tiếng đạn nổ xé toang bầu trời buổi chiều hoang vắng. Chúng quần đảo thêm mấy vòng rồi bay ra phía biển. Âm thanh gầm thét của máy bay xa dần thì tiếng kêu cứu của bà con vang lên thất thanh, thảm thiết. Anh Hai Thập réo gọi:

- Bớ bà con ơi, thím Bảng trúng đạn rồi!

- Nhạn ơi, bớ Nhạn…

Được tin, tôi hoảng hốt rồi hớt hải băng vườn chạy theo anh Hai Thập ra ruộng Sát Giữa. Mẹ trúng đạn, nằm sõng soài, gập chân trên mặt ruộng xấp nước, máu chảy loang quanh người. Trên tay mẹ vẫn giữ chặt nắm mạ như không thể nào buông bỏ, và đó là hình ảnh cuối cùng đời mẹ gắn với nắm mạ non. Tôi sà vào ôm mẹ, hai người kê võng cáng mẹ vào làng rồi chuyển xuống trạm phẫu thôn Ba. Tôi chạy liêu xiêu, ngả nghiêng theo sau như không còn hơi để thở, không còn tiếng để kêu la, trời đất quay cuồng… Đêm ấy tôi luẩn quẩn bên mẹ, không rời nửa bước, ruột gan quặn thắt, đầu óc rối bời, miệng lẩm bẩm cầu xin trời đất cho mẹ được sống. Mẹ đau đớn nhìn tôi, không còn sức để nói nên lời, cố chịu đau, không một tiếng rên, nước mắt mẹ cứ tràn ra, chảy dài trên má. Viên đạn xuyên vào lồng ngực, vết thương quá hiểm, máu chảy nhiều làm mẹ khát nước nhưng chỉ dám ngậm xác chè để giảm khát cháy từ trong cổ họng. Đêm dần khuya, bóng tối cuối tháng trùm lên đen đặc, đông cứng. Sức yếu dần, mẹ cố gắng duỗi hai chân để đỡ căng lồng ngực. Mẹ khó nhọc nhăn mặt, đau đớn trở mình, ngột ngạt, khó thở, thấy vậy anh Tám Trá cho nới lỏng băng garo buộc quanh ngực mẹ. Máu ứ từ lồng ngực trào ra lai láng khắp nền nhà… Mẹ đưa mắt tìm tôi, dành cái nhìn lần cuối như để vĩnh biệt con rồi lịm dần, bất động. Tôi nắm tay mẹ, khuỵu xuống, bất lực ôm lấy mẹ, gào thét, cố níu giữ mẹ, không cho mẹ rời xa…

Tiếng pháo từ Tuần Dưỡng bắn cầm canh như để dọn đường cho trận càn mới, lúc lúc lại nổ ùng uỳnh rúng đất. Đưa tang mẹ chỉ có tôi, chị Bốn Lạng, hai chị dâu cùng mấy người bà con chòm xóm. Các con khóc mẹ như đã cạn nước mắt. Bát hương thờ mẹ là vỏ lon đồ hộp đã cũ đặt trên tấm đan bê tông lấy ra từ đống đổ nát của ngôi nhà, kê trên nền sân loang lổ vết đạn bom cày xới. Căn nhà, tổ ấm của gia đình nơi mẹ từng dày công tạo dựng bị giặc đốt năm bảy lần, xe tăng nghiền nát bờ tre, cây cối trong vườn gãy đổ, làng quê cảnh vật tiêu điều… Chiến tranh mỗi ngày thêm ác liệt, cũng như bao bàn thờ, mồ mả trên đất Bình Dương vắng người chăm chút, hương khói. Cảnh làng quê xao xác, từng gia đình thương đau đè nặng không thể che lấp… Mẹ tôi một đời gần gũi, trọng tình làng nghĩa xóm, được bà con láng giềng quý mến, tin cậy luôn nhắc, luôn kể về mẹ. Mẹ mất, xóm làng thương tiếc bà Bảng, một bà mẹ kiên cường. Chồng đi tập kết, ở nhà vẫn nuôi cán bộ, sau ngày giải phóng tham gia công tác kháng chiến tích cực, mình đã nghe làng xóm thương tiếc… bà không có ai bì, đấu tranh sản xuất chi cũng hì. Những trận càn ác liệt hoặc trong thời gian pháo địch bắn phá dữ, mọi người còn sợ sệt bà đã một mình đi ra đồng sản xuất. Có lần bà con đang cấy, tàu rà quần dữ quá, người ta bỏ mạ đi về hết, bà xuống cấy giúp, cấy cho ai cũng là sản xuất, bà kêu gọi người khác xuống làm... (Nhật ký Chu Cẩm Phong). Quân thù tàn ác tước đoạt cuộc sống của mẹ. Mẹ như một con ong chúa bay tới chân trời mới, chân trời của thế giới vĩnh hằng. Nơi ấy có ông bà tổ tiên, có những người con của mẹ đã hoàn thành trách nhiệm làm người trong cuộc sống và chiến đấu vì gia đình, quê hương vô cùng yêu dấu.

Mồ côi mẹ, tôi thấu được tình yêu vĩ đại nhất là tình mẫu tử mẹ dành cho con. Tình yêu ấy không có chỗ cho sự đo đếm, tính toán thiệt hơn. Tình yêu ấy là bản năng, là tự thân, tự nhiên như thiên định! Và những bài ca hay nhất trên đời vẫn là những bài ca về mẹ. Những trang sách hay nhất thế gian vẫn là những trang viết về mẹ… Ngàn đời đã qua và ngàn đời đang đến cũng vậy. Hỡi ai đang còn ấm êm hoặc cực nhọc chia sẻ từ sự bao dung của mẹ hãy luôn nghĩ rằng mẹ già như chuối chín cây… để không chần chừ, để làm những điều mẹ vui, những điều dù nhỏ nhoi mà mẹ muốn.

Ngày Thương binh liệt sĩ năm 2018, thầy giáo Đinh Văn Thiện cùng Hiền Lương bạn học lớp 7E (1973) trường Học sinh miền Nam Đông Triều từ Hà Nội vào Bình Dương viếng hương mẹ. Con đường làng loanh quanh nhiều ngã rẽ, thầy trò dừng lại để hỏi đường. Nghe tiếng bạn gọi, tôi chạy ra đón, thầy trò vui mừng khôn xiết. Áo thầy thấm ướt mồ hôi, gặp nhau quên luôn vất vả, thầy tươi cười nói:

  • May quá! Có mẹ dẫn đường để thầy tới kịp đốt hương viếng mẹ.

Thầy trịnh trọng đặt lên bàn thờ tấm khánh mang dòng chữ Đức Trí Dũng Trường Huy, đứng lặng một lúc rồi thầy giải thích ý nghĩa từng chữ trên tấm khánh.

Tôi, Hiền Lương và Kim Anh đứng hầu… Thầy bảo:

- Nhạn ơi! Hôm nay nhân kỷ niệm trăm năm tuổi mẹ, người mẹ của em, người mẹ của thầy - Mẹ Việt Nam anh hùng của đất nước đã đi vào cõi vĩnh hằng.

Thời gian cứ trôi đi, theo lẽ tự nhiên rồi ai cũng trở nên già cả. Bao nhiêu sự việc diễn ra, chồng chất lên nhau, che dần những kỷ niệm xưa cũ, nhưng từng cử chỉ, từng bước đi, từng lời ân cần dạy bảo của mẹ vẫn in đậm trong con, hình bóng mẹ luôn khắc sâu trong tâm khảm và theo suốt cuộc đời con. Mẹ luôn là chỗ dựa, là nơi những đứa con tựa lòng mỗi khi vui, buồn, sướng, khổ, hạnh phúc hay vất vả gian nan. Mỗi lúc khó khăn, vợ tôi lại nhắc: “Hãy yên tâm, mẹ luôn theo sát đời mình”. Nghĩ về mẹ là tăng thêm sức mạnh để vượt ngàn khó khăn. Nhớ về mẹ, các con luôn tự hào, một đời phấn đấu, không lăn tăn những nghịch cảnh đời thường. Nghĩ lại quê nghèo thêm thấu hiểu lòng mẹ cha. Miếng cơm manh áo ở đời, đói no nghèo khổ rồi cũng qua, được như ngày hôm nay là nhờ cơm cha, áo mẹ, công thầy. Nhớ lời mẹ dặn: Khi cúng giỗ chỉ cần thắp hương, gắng tiết kiệm để dành cho con cháu và luôn nghĩ tới người khác. Lời mẹ luôn chứa đầy không gian, thời gian, thấm sâu, con luôn ghi nhớ!

Hơn nửa thế kỷ trôi qua, đất nước đã hòa bình, thống nhất. Bình Dương - Lạc Câu - Hòa Yên quê mình đã có biết bao sự đổi thay như mẹ từng mong ước. Hạt giống mẹ gieo nay thành hạt ngọc, cát đã thắm màu trong sắc biếc xanh. Tôi vẫn thường xuyên đi về, mỗi khi nhìn cánh đồng Lạc Câu trải qua trăm mùa lúa mới nhưng hình ảnh người mẹ tần tảo, quanh năm sống trong nghèo khó một thời vẫn đằm sâu trong tâm trí. Tôi bần thần nhìn di ảnh mẹ trên bàn thờ, đốt nén hương rồi bước ra sân nhìn về cánh đồng Sát Giữa - nơi luôn có hình ảnh khi trúng đạn quân thù, mẹ vẫn còn giữ chặt nắm mạ trong tay. Nhớ lời mẹ dặn hãy trân quý hạt giống mẹ gieo, hạt ngọc của trời. Mắt con nhòa lệ, mẹ ơi! Con nhớ mẹ. Một ngày kia con sẽ theo mẹ về chốn bồng lai tiên cảnh vĩnh hằng.

P.Đ.N