Khát vọng độc lập tự do trong tư tưởng Hồ Chí Minh

13.09.2018

Khát vọng độc lập tự do trong tư tưởng Hồ Chí Minh

Việt Nam là một dân tộc nhỏ nhưng có truyền thống yêu nước và lịch sử chống giặc ngoại xâm hết sức quật cường. Do phải trải qua những đêm dài nô lệ và những cuộc đấu tranh 'sống còn' với kẻ thù phương Bắc để giữ gìn giang sơn đất nước, độc lập - tự do luôn là khát vọng lớn nhất của nhân dân Việt Nam.

Với Hồ Chí Minh - con người kết tinh những giá trị cao quý nhất của văn hóa của dân tộc, độc lập tự do chính là tư tưởng nổi bật và là “ham muốn tột bậc” của Người.

Sinh ra và lớn lên trong cảnh nước mất nhà tan, tận mắt chứng kiến sự thất bại của các phong trào đấu tranh giành độc lập của cha anh, với tinh thần “Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách”, người thanh niên trẻ yêu nước Nguyễn Tất Thành quyết giành lại độc lập cho Tổ quốc. Hiến trọn đời mình cho lý tưởng đó, độc lập tự do luôn là mục tiêu đấu tranh của Người ở từng chặng đường lịch sử. Từ năm 1930, Người đã soạn thảo ra một cương lĩnh giải phóng dân tộc đúng đắn và sáng tạo mà tư tưởng cốt lõi là độc lập - tự do.

Tháng 8/1945, trong những điều kiện lịch sử thuận lợi, Người đã đúc kết quyết tâm giành độc lập tự do của dân tộc Việt Nam bằng câu nói bất hủ: “Dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”. Ngày 2/9/1945, thay mặt Chính phủ lâm thời đọc Tuyên ngôn độc lập, Hồ Chí Minh đã trịnh trọng tuyên bố với cả thế giới: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thực đã thành một nước tự do và độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”. Giữ vững lời thề thiêng liêng đó, trước âm mưu tái chiếm Việt Nam của thực dân Pháp, trong Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, Hồ Chí Minh đã thay mặt dân tộc Việt Nam thể hiện thái độ chính trị dứt khoát và kiên định: “Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ. Hỡi đồng bào! Chúng ta phải đứng lên!”.

Pháp còn chưa rút đi thì Mỹ lại tới. Do sự ngạo mạn về sức mạnh vật chất và không thấu hiểu văn hóa Việt Nam, đế quốc Mỹ tưởng rằng có thể dùng bom đạn để tiêu diệt ý chí đấu tranh của nhân dân Việt Nam anh hùng. Trước âm mưu cuồng bạo là “đưa Việt Nam trở về thời kỳ đồ đá” của đế quốc Mỹ, Hồ Chí Minh đã đúc kết lên lẽ sống của nhân dân Việt Nam và chân lý của thời đại: “Không có gì quý hơn độc lập tự do”. Cho đến hơi thở cuối cùng, ước nguyện mà Người gửi lại trong bản Di chúc lịch sử vẫn là “Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”. Rõ ràng, độc lập dân tộc là một tư tưởng nhất quán của Hồ Chí Minh.

Là một nhà tư tưởng đồng thời cũng là nhà hoạt động thực tiễn, Hồ Chí Minh từng nói: “Độc lập về câu chữ đối với tôi không quan trọng. Điều quan trọng đối với tôi là nội dung của nó”. Với Người, độc lập thực sự phải gắn với quyền toàn vẹn lãnh thổ, quyền tự quyết về mọi phương diện và quyền được ấm no, tự do, hạnh phúc của nhân dân. Trên thực tế, Hồ Chí Minh đã dẫn dắt cả dân tộc Việt Nam chiến đấu hết mình cho những mục tiêu cao cả đó.

Công lao của Hồ Chí Minh đối với dân tộc và nhân loại lớn đến mức các học giả quốc tế từng đánh giá: “Không có Người, lịch sử đã có thể đi theo một con đường khác”. Nếu sự ra đời của xứ Đông Dương thuộc Pháp năm 1887 đã xóa tên dân tộc ta trên bản đồ thế giới thì Cách mạng Tháng Tám năm 1945 dưới sự lãnh đạo của Hồ Chí Minh đã mang lại cho nhân dân Việt Nam niềm hạnh phúc “Việt Nam, ta lại gọi tên mình”.

Trong 30 năm chiến đấu gian khổ chống thực dân Pháp và siêu cường là đế quốc Mỹ, tư tưởng độc lập tự do của Hồ Chí Minh đã thổi bùng lên tinh thần yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong nhân dân Việt Nam. Chính ở nơi bom đạn mịt mù này, người ta có thể “ra ngõ gặp anh hùng”, có thể cảm nhận một cách cụ thể, rõ ràng, chân thực những khái niệm vốn trừu tượng như tình yêu tổ quốc, ý chí tiến công, lý tưởng cách mạng… Cả nhân loại sững sờ dõi nhìn một Việt Nam đau thương mà anh dũng đang quyết chiến để bảo vệ quyền dân tộc chân chính. Chân lý “Không có gì quý hơn độc lập tự do” đã thực sự trở thành lẽ sống của đông đảo quần chúng nhân dân trong thời đại Hồ Chí Minh lịch sử.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói như sau về chức phận của mình: “Phận sự tôi như một người cầm lái, phải chèo chống thế nào để đưa chiếc thuyền Tổ quốc vượt khỏi những cơn sóng gió mà an toàn đi đến bờ bến hạnh phúc của nhân dân”. Trong những thời điểm khốc liệt của lịch sử, Người đã làm trọn chức phận của thủ lĩnh dân tộc khi kịp thời cổ vũ, động viên, hướng dẫn nhân dân hết lòng chiến đấu, hy sinh để bảo vệ nền độc lập thiêng liêng của Tổ quốc. Dân tộc Việt Nam - một dân tộc “lưng đeo gươm, tay mềm mại bút hoa” dưới bàn tay của người nhạc trưởng vĩ đại Hồ Chí Minh đã làm nên những bản hùng ca bất diệt và đúc kết thành chân lý mới của thời đại: “Một dân tộc dù nhỏ bé, nếu biết quyết tâm, đoàn kết chiến đấu và có một đường lối đúng thì có thể đánh bại bất cứ tên đế quốc sừng sỏ nào”. Chân lý ấy đã mang lại cho các dân tộc khác trên thế giới niềm tin vào sức mạnh của lẽ phải, sự công bằng, cổ vũ con người hành động đúng đạo lý. Vì vậy, Hồ Chí Minh không chỉ là người anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam mà còn là người khởi xướng cuộc đấu tranh giải phóng của các dân tộc thuộc địa trong thế kỷ XX, là người “vẽ lại bản đồ thế giới theo chiều hướng công bằng và nhân văn”, là người góp phần đẩy lùi bóng đen của chủ nghĩa thực dân trên quy mô toàn thế giới.

Tìm hiểu tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc, chúng ta hiểu rằng, dù độc lập tự do và bình đẳng là những quyền chính đáng của mỗi dân tộc nhưng nhất thiết những quyền ấy phải được bảo vệ, giữ gìn bằng sức mạnh tổng hợp của chính dân tộc đó. Thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh, dân tộc Việt Nam sẽ không bao giờ vì một mối quan hệ, hợp tác nào đó, vì lợi ích trước mắt mà làm tổn hại đến quyền độc lập, tự do thiêng liêng của Tổ quốc. Cho dù lịch sử có biến thiên đến đâu thì độc lập tự do vẫn mãi mãi là mục tiêu “bất biến” của dân tộc Việt Nam và là giá trị trường tồn trong tư tưởng Hồ Chí Minh.

PGS. TS. Trần Thị Minh Tuyết, Học viện Báo chí và Tuyên truyền

(baomoi.com)