Huệ đỏ trên đồi Họa Sĩ

21.11.2022
Song Ngư
Đã mười một rưỡi trưa, ông Chuẩn vẫn nằm trên giường nghĩ ngợi. Ông chán. Ông chán, vì thằng Toàn, con trai duy nhất của ông đã cãi lời, đòi cưới một đứa con gái mà ông không ưng. Thì đây, sau mấy tháng trời tranh đấu, cuối cùng, ông bảo Toàn đưa cô ta về ra mắt xem sao, coi như để chúng khỏi lăn tăn, vì cuối cùng, ông vẫn sẽ quyết không thuận tình. Hôm nay chính là ngày Toàn đi đón người yêu về ra mắt.

Huệ đỏ trên đồi Họa Sĩ

Minh họa: Hà Anh

Ông, nửa muốn chẳng bao giờ có cuộc gặp mặt này, nửa muốn nó diễn ra thật nhanh, cho dứt điểm đi, chứ cứ dùng dằng, càng bức bối. Điều quan trọng khiến ông Chuẩn còn khó chịu, chính là việc ông cảm thấy mình đã phải xuống nước với thằng con và cô người yêu của nó. Phải chăng cô ta là gái làng Ngô, ngôi làng gắn với một kỷ niệm mà bao lâu nay ông muốn quên đi nhất.

Gần ba mươi năm trước, ông Chuẩn là một anh lính trẻ, đóng quân ở làng Ngô. Làng Ngô chẳng có gì đặc biệt, cũng đói nghèo như bao ngôi làng khác sau chiến tranh. Khác biệt là, trong những năm tháng đói khổ, phần lớn đất đai đều được tận dụng trồng cây lương thực, thì không hiểu tại sao họ lại để cả một quả đồi to tướng, gọi tên là đồi Họa Sĩ chỉ để mọc duy nhất loài hoa huệ đỏ. Đến cữ tháng Tư hàng năm, hoa huệ bung đỏ cả một khoảng trời.

Đơn vị đóng quân trên địa bàn làng Ngô và làng Thóc. Đại đội của Chuẩn kết nghĩa với làng Ngô. Vào những ngày cuối tuần, các nhóm nhỏ lính trẻ chia về các gia đình chính sách giúp đỡ họ trồng trọt hay thu hoạch. Chàng lính trẻ Chuẩn năm ấy được phân công chăm lo cho gia đình bà cụ Nhụy và chị Dương. Hai mẹ con họ là mẹ và vợ liệt sĩ. Người lính mà Chuẩn nhìn thấy trên bàn thờ nhà họ có đôi môi thắm đỏ, nụ cười lặng lẽ, đã hy sinh trước ngày toàn thắng, tại cửa ngõ Sài Gòn.

…Đôi bạn trẻ đã về đến nơi. Còn chưa kịp đáp lời chào của họ, cũng chưa kịp nhìn cô gái kỹ hơn chút nữa, ông Chuẩn đã xúc động trước bó hoa cô gái ôm trên tay: Hoa huệ đỏ.

Huệ đỏ, trước nay ông chưa thấy ai xếp chúng thành bó để mang đi, như cô gái kia bao giờ. Nói cách khác, ông chưa bao giờ thấy chúng được cắm trong bình, chỉ thấy ngoài vườn, bên bờ giậu, hoặc trên đồi.

Trên đồi, phải rồi, ông đã từng sống những ngày tháng tư hoa huệ nở đỏ rực cả một khoảng đồi, có tên là đồi Họa Sĩ.

“Cháu ở làng Ngô, có biết bà Dương bốc thuốc nam không? Bà ấy có cậu con trai… Cậu ấy bị dị tật bẩm sinh…”

“Dạ, cháu có biết ạ. Anh Vân sứt đã lấy vợ, sinh được hai cô con gái xinh đẹp.” - Cô gái, người mà con trai ông yêu và muốn cưới, nét mặt tươi tắn rất tự nhiên trả lời câu hỏi của ông. Sao lại thế nhỉ? Lẽ ra ông đã phải dọn một thái độ nghiêm ngắn, khó chịu để cô ta khiếp sợ, chuẩn bị với kết cục buồn rồi chứ. Thay vì thế, ông lại bị cuốn vào ngôi làng nơi cô ta được sinh ra, ngôi làng nằm dưới chân một ngọn đồi, mà ông đoán chắc, những bông huệ đỏ cô mang theo kia được hái từ chính nó.

Ngày đầu tiên đến nhà cụ Nhụy, Chuẩn choáng ngợp bởi vườn hoa huệ đỏ trước nhà. Lạ thật. Không hiểu vì sao người dân làng Ngô lại thích hoa huệ đỏ đến thế, dẫu chúng chẳng có gì đặc biệt, không có hương thơm, lại mau tàn, mỗi năm chỉ rộ trong vài ngày ngắn ngủi. Nếu chỉ trồng quanh bờ giậu cho đẹp thì là một lẽ, đằng này hẳn một quả đồi, lại còn cả khoảng vườn trước nhà như nhà cụ Nhụy này nữa.

Đón Chuẩn là thái độ sững sờ, bối rối và hạnh phúc của cụ Nhụy:

“Con ơi! Người ta bảo con chết rồi. Con sống khôn, thác thiêng, cứ về đây với mẹ.”

Xét về hình thức, Chuẩn chẳng có nét nào giống với con trai cụ. Có tương đồng, chắc cũng chỉ là anh ấy lên đường ra trận khi độ tuổi cũng trẻ trung như Chuẩn bây giờ. Chiến tranh đã kết thúc được dăm năm, trừ những trường hợp hy hữu, đặc biệt, còn thì các gia đình đều đã đoàn tụ với những người con từ chiến trường trở về của họ. Tâm lý mong ngóng của những cụ già thì là đương nhiên, nhất là các cụ đã bị lẫn, còn không nhận ra chính những đứa con mà cụ sinh ra.

Chị Dương cũng giải thích với Chuẩn như vậy. Chị bảo, cụ Nhụy từ lâu đã lẫn, và luôn có ảo giác về người con trai đã mất của mình. Chính vì thế, chị không muốn đưa mẹ đến thăm những gia đình có người lính từ chiến trường về, vì sợ cụ lại càng tổn thương hơn. Làng này ai cũng hiểu, cũng cảm thông cho cụ. Việc đại đội của Chuẩn kết nghĩa với làng, rồi giúp đỡ gia đình chính sách, chị cũng đã có ý kiến với chính quyền, là không nên để cụ Nhụy gặp các chú bộ đội. Các ông ấy đều đã đồng ý, nhưng không hiểu sao...

“Thì coi như em là anh nhà chị cũng được mà.” – Chuẩn nói, mà chị Dương bỗng đỏ mặt, khiến Chuẩn bối rối. Anh không có ý gì, chỉ là muốn nói nếu cụ Nhụy đã nhầm, thì cứ để cụ được sống trong cảm giác hạnh phúc, ấp ôm đứa con của mình. Còn hơn là…

Thực tình Chuẩnchỉ nghĩ đơn giản thế thôi. Và, việc “vào vai” anh lính trên bàn thờ cũng không có gì là khó. Khó chỉ là cụ Nhụy luôn giục “vợ chồng” mau có cháu để bà bế, cho vui cửa vui nhà.

…”Ngày xưa chú cũng đóng quân ở gần làng cháu. Rồi cũng thành con em của các gia đình trong làng.” – Ông Chuẩn bồi hồi nhắc nhớ.

“Vâng. Bây giờ bố mẹ cháu và nhiều người vẫn nhắc đến chú mà.” – Cô gái đáp lời. Không biết cô có để ý đến nét mặt của “bố chồng tương lai”, mà vẫn rất vui vẻ, như thể cái việc “nhắc đến” kia là một điều hết sức tự hào.

Tất nhiên, việc ông là ai, có từng gặp những người làng Ngô hay chưa đều đã được cậu con trai của ông “khai” hết với người yêu, gia đình, và có khi cả cái làng của cô ta nữa. Nhưng gần ba chục năm ông không trở lại làng Ngô, không liên hệ với bất cứ ai trong làng ấy, đâu phải chỉ là chuyện đã ra quân, đã bận bịu, đã không có dịp…

…Mùa hoa huệ đỏ tàn, dĩ nhiên, vì chúng tàn rất nhanh, nhưng vì lúc rộ chúng vô cùng rực rỡ, nên ấn tượng về một đồi hoa, một vườn hoa mới đây còn khiến những chàng lính trẻ bồi hồi. Nhiều cậu vẽ tranh, làm thơ về cái đồi hoa ấy. Dẫu gì, cái ngọn đồi có tên là “Họa Sĩ” cũng chính là vì từng có nhiều sinh viên trường Mỹ thuật tận thủ đô đến vẽ tranh thực tập. Có thể nhiều năm trước chính họ đã trồng những củ huệ đỏ đầu tiên. Chuẩn cũng vẽ một bức tranh về hoa huệ đỏ. Chỉ là một bức tranh trong cuốn sổ tay nho nhỏ, với vài dòng thơ vụng về. Thế mà, một chiều chủ nhật, khi đã xong việc thu hoạch khoai lang giúp mẹ con chị Dương, sắp về lại đơn vị, đang rửa tay chân ở giếng đá ong, chị Dương khe khẽ bảo Chuẩn: “Chị nghe các cậu nói em vẽ đẹp lắm. Em có thểtặng chị bức tranh hoa huệ đỏ...Chị...”

Không nói thêm gì nữa, chị Dương như bỗng nhiên bị bứt khỏi hiện tại và ném toẹt vào quá khứ xa xăm. Chuẩn cũng hơi bối rối. Thực ra bức tranh khá vụng về, không có gì đặc biệt, mấy dòng thơ thì sến sẩm, và quan trọng là Chuẩn định dành tặng chúng cho cô bạn gái thầm yêu ở quê nhà.

Mình có thể vẽ những bức tranh khác, và làm những câu thơ khác – Chuẩn nghĩ thầm, và chủ nhật tuần sau đó trở lại nhà cụ Nhụy, anh đã trao bức tranh nhỏ trong cuốn sổ tay cho Dương.

Trước mùa huệ đỏ năm sau, chị Dương sinh một bé trai. Đứa bé sinh ra đã bị hở hàm ếch. Dị tật bẩm sinh này khiến Chuẩn sợ hãi. Không biết có phải dị tật có tính di truyền hay không, mà trong họ nội nhà Chuẩn cũng có người bị hở hàm ếch. Suốt cả cuộc đời người ấy chẳng bao giờ nói được một câu tròn vành, rõ chữ.

Nhưng mà liên quan gì đến họ hàng nhà Chuẩn cơ chứ. Vào một buổi sáng mùa hạ, khi hai chị em vừa mới ra đồng, còn chưa kịp đặt nhát cuốc vun luống ngô nào, chị Dương đã sụp xuống chân Chuẩn:

“Chuẩn ơi. Chị xin em. Em đã thương chị thì thương cho chót. Chị không thể để con chị mang tiếng là con hoang được”.

Chuyện chị Dương có bầu nhanh chóng loang ra khắp làng. Ai là cha đứa bé? Còn ai vào đây nữa. Cụ Nhụy chiều chiều chống gậy ra sân Đình chơi vẫn oang oang khoe rằng vợ chồng nhà nó sắp đẻ em bé cho bà bồng rồi đấy. Bà sắp có cháu trai nối dõi tông đường...

Mọi ánh mắt nghi ngờ, hóm hỉnh đều dồn về phía Chuẩn. Chẳng phải anh chàng đã tự nhận là cậu con trai đã mất của cụ Nhụy sao? Chẳng phải anh đã vẽ tranh, làm thơ tặng chị Dương hay sao?

…“Vợ chồng cậu Vân sứt ấy, bây giờ có khá giả không cháu?”

“Dạ. Kinh tế nhà anh chị ấy vững lắm ạ. Hơn chục năm trước, bố đẻ anh ấy về nhận con. Ông ấy giúp một số vốn kha khá. Làm ăn gặp thời, nên giờ anh là một trong những người khá giả nhất làng chú ạ.”

“Thế bố nó là?...”

“Dạ, một ông họa sĩ, thấy đồn là nổi tiếng lắm ạ. Cháu cũng chỉ nghe nói, chứ chưa gặp bao giờ.”

Mâm cơm Toàn chuẩn bị trong lúc người yêu tiếp chuyện ông bố khó tính đã được dọn lên. Những bông huệ đỏ đã được cô gái nhanh tay cắm vào chiếc bình gốm to trong nhà. Lần đầu tiên thấy những bông huệ đỏ cắm trong bình, ông Chuẩn ngây người ngẫm ngợi. Vậy đó, có những thứ mình không thấy, không có nghĩa là không tồn tại.

“Đợi lát mẹ chúng mày về ăn cơm, rồi ta bàn chuyện cưới xin một thể.”

Ông Chuẩn nhớ cái ngọn đồi đỏ rực hoa năm nào, mà vào mùa hoa nở, sáng sớm, vừa nhảy ra khỏi giường, đám lính trẻ đã chạy ra hiên sau ngắm chúng. Việc năm xưa ông hoàn toàn không liên quan gì đến chị Dương và đứa con trai của chị ấy, cuối cùng thời gian đã trả lời. Chỉ là, ông luôn có cảm giác mình bị lợi dụng trong một âm mưu tồi tệ, nên chẳng bao giờ ông muốn quay lại làng Ngô. Cũng là, vì cái chuyện không đâu ấy, ông đã lỡ duyên với người con gái ông yêu thầm. Nhưng giờ thì ông nghĩ, duyên phận, nếu thuộc về nhau ắt có ngày trở lại.

(VNQĐ)