Đón đọc Tạp chí Non Nước số 279, tháng 5/2021

29.04.2021
Minh Toàn
Tạp chí Non Nước số 279, tháng 5/2021 sẽ phát hành vào đầu tháng 5 với nhiều bài vở phong phú.

Đón đọc Tạp chí Non Nước số 279, tháng 5/2021

Nhân kỷ niệm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh – 19/5 chúng tôi chọn gửi đến bạn đọc bài thơ “Bưng bát cơm lại nhớ” của Nguyễn Hưng Hải, khắc họa tình cảm ấm nồng, chân thành của Bác với nhân dân “Cứ mỗi lần bưng bát cơm tôi lại thấy hiện lên/ Bác Hồ đang thăm đồng, lội ruộng/ Bác Hồ đang cầm rảnh mạ trên tay nhễ nhại mồ hôi trán/ Bác Hồ đang tát nước với nông dân…”

Tháng 5, chào mừng bầu cử Đại biểu Quốc Hội khóa XV và bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026, nhà văn Nguyễn Ngọc Phú có bài tùy bút “Ngày hội Non sông – Niềm tin lá phiếu…”, gửi gắm niềm tin vào sự phát triển hùng cường của đất nước: Có một ngày hội vui chung của toàn quốc từ biên giới đến hải đảo, từ đồng bằng đến miền núi, không phân biệt trẻ già trai gái, tất cả từ 18 tuổi trở lên có quyền công dân đều đi bỏ phiếu. Nhà thơ Chính Hữu trong bài thơ “ Lá phiếu hôm nay” viết năm 1960 lúc bầu cử Quốc hội khóa II, có câu thơ: “Mỗi cử tri là một người mơ mộng”. Mơ mộng ở đây như là một khát vọng niềm tin gửi gắm. Lá phiếu bầu cử đã hiện thực hóa, đã chở cả bao tâm tình nghĩ suy có cả sức nặng, sức tải của thời gian, lịch sử của quá khứ và bắt đầu cho một tương lai ...

Về lĩnh vực văn học, nghệ thuật, tháng 5 có hai cột mốc đáng nhớ:

- Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Nhà văn Nguyễn Văn Xuân (10/5/1921 – 10/5/2021) mời bạn đọc đón đọc bài viết “Nguyễn Văn Xuân – nhân tích vùng văn hóa xứ Quảng” của Vũ Đình Anh và bài nghiên cứu của Phạm Phú Phong về truyện ngắn và tiểu thuyết của nhà văn Nguyễn Văn Xuân…

- Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh nhà hoạt động sân khấu – GS. Hoàng Châu Ký (16/5/1921 – 16/5/2021), chúng tôi gửi đến bạn đọc bài viết “Vài hồi ức của GS. Hoàng Châu Ký” của Hoàng Hương Việt và bài viết cảm động về những kỷ niệm với ông Nội: “Kê minh nhật tân” và người đầu tiên dạy tôi viết chữ Nho của Vũ Ngọc Giao.

Về văn xuôi, có truyện ngắn “Viễn xứ” của nhà văn Nguyễn Một, “Đò dọc” của nhà văn Hoàng Phương Nhâm,  “Người đi bán chổi cau” của Mỹ An và chùm truyện cực ngắn của Mỹ do anh Trần Như Luận chuyển ngữ. Đây là những truyện ngắn khá hay mà Ban biên tập chúng tôi chọn giới thiệu cùng bạn đọc.

Trang thơ tháng 5, chúng tôi giới thiệu 5 chùm thơ của các tác giả: Hồ Sĩ Bình, Vũ Dy, Dương Xuân Định, Nguyễn Thúy Quỳnh và Vi Thùy Linh.

Về nghiên cứu, lý luận, phê bình, có bài nghiên cứu của TS. Nguyễn Đình Vĩnh “Tìm hiểu quan niệm dịch thuật văn học ở nước ta giai đoạn nửa đầu thế kỷ XX”. Bài nghiên cứu không chỉ nhận định về một giai đoạn dịch thuật mà còn đưa ra các quan điểm thú vị: “Dịch thuật là sự chuyển ngữ, là cách thức làm cho người khác hiểu được một văn bản này thông qua một văn bản khác. Tưởng đơn giản là vậy nhưng đằng sau nó cả là một quá trình. Người dịch phải có vốn hiểu biết chung về nền văn hóa, văn học có tác phẩm được dịch, phải giỏi ngoại ngữ và hiểu biết kĩ về nhà văn, đặc biệt là phong cách sáng tác. Ngoài ra còn phải nắm vững tiếng mẹ để, phải có cảm quan tinh nhạy và năng lực sáng tạo của người nghệ sĩ…”

Góp phần về lĩnh vực văn hóa, lịch sử của thành phố, tác giả Đinh Thị Trang có bài “Biến đổi văn hóa của ngư dân Đà Nẵng trong quá trình đô thị hóa” và bài của Cao Văn Chư “Phan Khắc Thận – chiến binh trận Đà Nẵng 1958 và các miền biên viễn”…

Bìa 1 tạp chí Ban biên tập trân trọng giới thiệu bức tranh sơn dầu “Hoa hồng” của họa sĩ Trần Huy Tuấn; Bìa 4 bức ảnh “Thành phố và dòng sông” của Phạm Phùng – một người đam mê nhiếp ảnh, có nhiều tác phẩm đẹp về thành phố Đà Nẵng và nhiều vùng miền của đất nước.

Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.