Di sản mỹ thuật dân gian trong các công trình kiến trúc và điêu khắc xứ Quảng
Nhà nghiên cứu Bùi Văn Tiếng - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật thành phố và nhà nghiên cứu Đinh Thị Trang - Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Đà Nẵng chủ trì Tọa đàm.
Đến dự tọa đàm Nhà nghiên cứu Bùi Văn Tiếng - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng, đại diện lãnh đạo các Hội Nhiếp ảnh nghệ thuật, Hội Mỹ thuật thành phố, các nhà nghiên cứu, hội viên Hội Văn nghệ dân gian thành phố và phóng viên báo đài tại Đà Nẵng.
Ban Tổ chức đã nhận được 11 tham luận của 9 nhà khoa học, nhà nghiên cứu, hội viên gửi tham gia Tọa đàm. Các tham luận trên là những bài viết, bài khảo cứu nghiêm túc, khoa học, phân tích và đánh giá về các di sản mỹ thuật dân gian trong các công trình kiến trúc và điêu khắc xứ Quảng trên nhiều lĩnh vực hấp dẫn.
Trong đó một số tham luận đưa ra các giải pháp cụ thể, xác thực như Bước đầu nhận diện kiến trúc-nghệ thuật tạo hình trên gỗ của xứ Quảng của nhà nghiên cứu Nguyễn Thượng Hỷ; Bàn về việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản nghệ thuật tạo hình dân gian trong các công trình kiến trúc và điêu khắc xứ Quảng của nhà nghiên cứu Bùi Văn Tiếng; Nghệ thuật điêu khắc dân gian của người Cơ Tu: Nhìn từ không gian Gươl của nhà nghiên cứu Đỗ Thanh Tân; Nét đẹp trong điêu khắc dân gian Cơ Tu của nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Trinh; Những họa tiết hoa văn trong điêu khắc Chăm của nhà nghiên cứu Hồ Tấn Tuấn; Ý nghĩa của những mô-típ trang trí trên các đình miếu ở Đà Nẵng của nhà nghiên cứu Đinh Thị Trang…
Các ý kiến trao đổi tại buổi Toạ đàm xoay quanh việc tìm ra sự khác nhau giữa các đặc điểm mỹ thuật dân gian trong các công trình kiến trúc và điêu khắc của các tộc người trên vùng đất xứ Quảng từ trước đến nay. Qua đó mong muốn góp được tiếng nói, đề xuất tâm huyết góp phần chung tay bảo tồn, phát huy giá trị di sản của các bậc tiền nhân để lại.
Phát biểu kết luận toạ đàm, Chủ tịch Liên hiệp các các Hội Văn học - Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng Bùi Văn Tiếng, nhấn mạnh: Toạ đàm sáng nay là một sinh hoạt học thuật có hàm lượng khoa học cao, cũng là một sinh hoạt nghệ thuật liên ngành (mỹ thuật, kiến trúc, dân gian) đã tiếp cận giá trị di sản văn nghệ dân gian vào một số lĩnh vực khác của nghệ thuật tạo hình dân gian như kiến trúc và điêu khắc của một số tộc người như Cơ Tu, Chăm, Kinh... trên vùng đất xứ Quảng. Các bài tham luận được thể hiện nghiêm túc, khoa học, giúp cho các nhà nghiên cứu mở ra nhiều hướng nghiên cứu mới. Sau Tọa đàm, đề nghị Ban Chấp hành Hội Văn nghệ dân gian biên tập kỷ yếu, bổ sung thêm một số bài viết chất lượng để xuất bản thành sách nhằm góp phần lan tỏa rộng hơn những giá trị di sản mỹ thuật dân gian xứ Quảng....
Đây là hoạt động nhằm góp phần bảo tồn và phát huy di sản mỹ thuật dân gian trong các công trình kiến trúc và điêu khắc tại xứ Quảng đang bị mai một bởi đô thị hóa, giao lưu văn hóa..., đồng thời nhằm giúp Hội viên Hội văn nghệ dân gian thành phố có môi trường trao đổi học thuật và được giao lưu, trao đổi kinh nghiệm trong hoạt động nghiên cứu khoa học.