Để nghệ thuật luôn sống động
Tác phẩm "Khúc quân hành trong đại dịch" do nghệ sĩ Lê Hoàng Châu tham gia biên đạo là một tác phẩm kết hợp giữa múa truyền thống và vu đạo hiphop. Ảnh: Nhân vật cung cấp |
Để rõ hơn vấn đề này, Đà Nẵng cuối tuần vừa có buổi gặp gỡ nghệ sĩ Lê Hoàng Châu về hành trình kết nối giữa truyền thống với hiện đại trong nghệ thuật múa đương đại.
* Theo anh, vì sao cần giữ gìn văn hóa dân gian theo hướng giao thoa, tạo sợi dây gắn kết giữa nghệ thuật truyền thống với nghệ thuật đường phố?
- Cuối tháng 3-2024, tại tọa đàm “Phát huy văn hóa dân gian dân tộc trong xu hướng du lịch văn hóa Đà Nẵng” do Hội Nghệ sĩ Múa thành phố tổ chức, tôi đã có những ý kiến tâm huyết liên quan đến việc gìn giữ theo hướng giao thoa, tạo sợi dây gắn kết giữa nghệ thuật truyền thống với nghệ thuật đường phố - vốn đã định hình được chỗ đứng trong đời sống văn hóa đương đại của người dân Đà Nẵng.
Tôi ý thức rằng, việc trở thành nghệ sĩ hiphop đầu tiên ở Đà Nẵng được kết nạp vào Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam là niềm vinh dự cá nhân và là bước tiến lớn trong việc khẳng định giá trị của sự kết hợp giữa hai hình thức nghệ thuật này. Chúng tôi cũng ý thức phải nỗ lực hơn nữa để góp phần đưa hai thế giới văn hóa, nghệ thuật vốn khác biệt: nghệ thuật truyền thống và nghệ thuật đường phố, xích lại gần nhau hơn.
Hiphop và múa truyền thống dân tộc đều là những phong trào nghệ thuật có sức ảnh hưởng lớn. Nếu hiphop là một phong trào nghệ thuật và văn hóa được tạo ra bởi các cộng đồng da màu, bao gồm rap, DJing, graffiti, b-boying (breakdancing) thì múa truyền thống là di sản văn hóa có tuổi đời hàng nghìn năm, tồn tại và phát triển theo chiều dài lịch sử dân tộc Việt Nam. Chính vì vậy, sự pha trộn, kết hợp độc đáo giữa yếu tố truyền thống với các phong cách múa hiện đại góp phần tạo ra một không gian nghệ thuật mới, đa chiều và đa dạng. Đồng thời, đem lại trải nghiệm cảm xúc mới mẻ và sâu sắc cho khán giả, cũng như góp phần đưa chất liệu nghệ thuật dân tộc truyền thống trở nên gần gũi hơn với các thế hệ trẻ.
Đến nay, sự kết hợp giữa văn hóa hiphop với chất liệu dân tộc đã trở thành “biểu tượng” cho thấy sự đa dạng, hòa nhập văn hóa và tính đồng cảm trong nghệ thuật ở xã hội nước ta. Sự kết hợp này cũng mở ra không gian sáng tạo mới mẻ cho những nghệ sĩ trẻ như chúng tôi, qua đó thúc đẩy tinh thần đổi mới, sáng tạo trong cả hai phong cách múa truyền thống và hiện đại.
* Qua chia sẻ của anh, có thể thấy, để các giá trị nghệ thuật truyền thống và hiện đại luôn sống động, phát triển, thì sự kết hợp, giao thoa là điều khó tránh khỏi. Vậy, anh có thể nói rõ thực tế hành trình kết hợp/giao thoa giữa các yếu tố truyền thống với phong cách múa hiện đại đã diễn ra như thế nào?
- Đó là, khi dàn dựng các tác phẩm, bên cạnh sử dụng kỹ thuật của hiphop như popping, locking và breaking, chúng tôi còn nghiên cứu kỹ và đưa những động tác, cử chỉ của múa truyền thống như các vũ điệu của vũ nữ Trà Kiệu, các điệu múa dân gian... rồi kết hợp để tạo nên một tác phẩm hoàn chỉnh nhằm tạo ra những cảm xúc khác biệt cho khán giả. Từ việc thử nghiệm với âm nhạc, điệu nhảy cho đến việc sáng tạo ra các bối cảnh, trang phục độc đáo, là một quá trình tinh tế, yêu cầu độ am hiểu sâu sắc về văn hóa cũng như yếu tố bản sắc từng nội dung mà người nghệ sĩ muốn truyền tải.
Trong quá trình đó, người nghệ sĩ phải vượt qua những khó khăn, trở ngại để duy trì và phát triển di sản văn hóa, bảo đảm các giá trị truyền thống không bị mất đi trong quá trình đổi mới sáng tạo. Những sản phẩm kết hợp ấn tượng phải là những sản phẩm mang đậm bản sắc nghệ thuật truyền thống của Việt Nam trên nền những kỹ thuật hiện đại. Tuy vậy, sự kết hợp này cũng mang lại những thách thức khi các nghệ sĩ phải đối mặt với việc pha trộn hai phong cách nghệ thuật khác nhau một cách hài hòa và ý nghĩa.
Thời gian qua, bản thân tôi và các cộng sự đã có những tác phẩm làm mới chất liệu múa truyền thống kết hợp với loại hình hiphop và vinh dự được chọn để tham gia biểu diễn ở những sân khấu khác nhau, phục vụ du khách trong và ngoài nước. Đặc biệt, với tác phẩm “Nữ hoàng linh trưởng” lấy cảm hứng từ hình ảnh vọoc chà vá chân nâu, vinh dự đạt Giải C Cuộc thi sáng tác “Múa Hài Việt Nam” lần thứ I năm 2018, giải C giải thưởng Văn học nghệ thuật thành phố Đà Nẵng lần thứ 4 (2015- 2020). Những nghệ sĩ trẻ như chúng tôi vẫn luôn mong muốn xây dựng và phát triển văn hóa - nghệ thuật đường phố và mong mỏi Đà Nẵng sẽ sớm trở thành một trung tâm nghệ thuật đường phố nổi tiếng mang đậm bản sắc Việt Nam.
* Cảm ơn anh!
(baodanang.vn)