Khoảng trống lý luận và phê bình mỹ thuật

15.03.2024
PGS Trang Thanh Hiền
Cùng với sự phát triển nở rộ của các triển lãm mỹ thuật, các cuộc đấu giá tranh trong nước và quốc tế, các bài viết về mỹ thuật cũng xuất hiện rất nhiều trên các trang báo. Không chỉ thế, các trang mạng xã hội như Facebook, Instagram, TikTok... cũng là những kênh thông tin cá nhân đăng tải các thông tin về mỹ thuật.

Khoảng trống lý luận và phê bình mỹ thuật

Các họa sĩ trao đổi tại Triển lãm "Nghìn xưa dấu cũ" diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Ảnh: NGUYỄN DUNG

Bên cạnh đó, chưa bao giờ ta thấy hệ thống sách vở nghiên cứu về mỹ thuật và lịch sử mỹ thuật lại được xuất bản nhiều như hiện nay. Các xuất bản phẩm này trải dài và rộng, bao gồm các công trình nghiên cứu của các nhà nghiên cứu và lý luận phê bình mỹ thuật gạo cội ở Việt Nam như: Nguyễn Du Chi, Trần Lâm Biền, Chu Quang Trứ,... cho đến các sách dịch về lịch sử mỹ thuật hiện đại, sách viết về mỹ thuật hiện đại của các nhà nghiên cứu Nguyễn Quân, Phan Cẩm Thượng và cả những họa sĩ như Nguyễn Đình Đăng... Điều đó chứng tỏ nhu cầu xã hội về việc thưởng lãm và tìm hiểu nghệ thuật là khá cao.

Đối lập với sự sôi động bên ngoài đó, việc đào tạo ngành nghiên cứu lý luận phê bình mỹ thuật ở Việt Nam lại đang là nỗi trăn trở.

Những nơi đào tạo về lý luận, lịch sử và phê bình mỹ thuật ở Việt Nam hiện nay chỉ có hai đơn vị, đó là Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam và Trường Đại học Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh. Riêng Khoa Lý luận của Trường Đại học Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh đã được sáp nhập với Khoa Sư phạm, trở thành Khoa Lý luận và sư phạm mỹ thuật, vì không có người học.

Khoa Lý luận của Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam từng được xem là cái nôi đầu ngành, được thành lập từ năm 1978 với lịch sử cho đến nay là hơn 45 năm, đào tạo tuyển sinh được 22 khóa. Những khóa học đầu tiên có đến 20-30 người và không ít người trong số họ đã có đóng góp không nhỏ đối với sự phát triển của mỹ thuật nước nhà trong những hoàn cảnh lịch sử khác nhau.

Hiện nay, Khoa đổi tên thành Khoa Lý luận, lịch sử và phê bình mỹ thuật. Tuy nhiên những năm gần đây, có khóa chỉ có 1 sinh viên theo học, khóa đông nhất cũng chỉ tuyển được 3 sinh viên. Để khắc phục tình trạng này, Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam đã đưa ra những phương pháp điều chuyển theo nguyện vọng của các sinh viên thi từ các khoa khác sang. Dẫu vậy vẫn không cải thiện được nguồn nhân lực cho đào tạo trong môi trường mỹ thuật.

Phải chăng nguyên nhân chính yếu nhất là “đầu ra” của việc đào tạo? Về vấn đề này, bà Đặng Thị Phong Lan, Trưởng khoa Lý luận, lịch sử và phê bình mỹ thuật (Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam) trăn trở: “Trước tiên là do nhu cầu xã hội với ngành lý luận là quá ít, chưa có sự quan tâm đúng mức của Nhà nước đối với đầu ra của ngành”. Trên thực tế bề nổi, dẫu rằng thị trường sách vở nghiên cứu, hay thị trường báo chí bài viết là khá sôi động, nhưng không phải những người được đào tạo ra đã có thể nhập cuộc. Hầu như đối với các báo chí chuyên ngành thì số lượng đầu báo làm công tác tuyên truyền này chỉ đếm trên đầu ngón tay, như Tạp chí Mỹ thuật, Tạp chí Văn hóa nghệ thuật.

Được biết, các tạp chí chuyên ngành này hiện nay sống cũng khá lay lắt do nguồn kinh phí từ ngân sách rất hạn hẹp. Điển hình như tòa soạn Tạp chí Mỹ thuật, số lượng phóng viên, biên tập viên chưa đến 10 người và hoạt động cũng không thật hiệu quả. Còn việc cộng tác, viết bài trên các báo thì đa số những người viết phê bình mỹ thuật khó có thể len chân. Do đó, các bài viết chuyên sâu về mỹ thuật trên các trang báo hiện khá thiếu vắng.

Các thông tin về triển lãm, các cuộc đấu giá hay các sự kiện mỹ thuật chủ yếu được các phóng viên viết lại từ thông cáo báo chí có sẵn, nên trên bình diện chung bài viết rất nhiều, nhưng chỉ là những tin tức na ná nhau. Chưa kể đến, nếu những người viết phê bình lý luận có thể tham gia vào hệ thống báo chí chung, thì nhuận bút cho các bài viết này cũng vô cùng thấp để họ có thể yên tâm sống hoặc viết đúng với tư cách là nhà phê bình mỹ thuật. Còn không thì việc viết này trên thực tế vẫn chỉ là những lời tán dương cho nghệ thuật của những người bỏ tiền ra thuê viết.

Đầu tư xứng đáng cho nguồn nhân lực

Trên lĩnh vực nghiên cứu, khách quan mà nói, sau khi ra trường, ít nhất những sinh viên ham thích nghiên cứu phải tiếp tục được đào luyện qua các cơ quan nghiên cứu văn hóa như Viện Nghiên cứu văn hóa (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam), Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch),... hoặc về đơn vị gắn bó mật thiết nhất với ngành là Viện Mỹ thuật (Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam). Chỉ khi được tiếp tục nghiên cứu, thông qua các chương trình nghiên cứu có sự hỗ trợ nguồn lực từ Nhà nước thì mới có thể có được những công trình nghiên cứu có chất lượng. Một cá nhân rất khó có thể trở thành một nhà nghiên cứu độc lập nếu không có kinh phí nghiên cứu và không có tư cách pháp nhân để đi đến các địa điểm nghiên cứu. Đây là một bất cập lớn.

Điều đáng buồn hiện nay cho tình trạng nghiên cứu mỹ thuật là Viện Mỹ thuật lẽ ra phải là một đơn vị đầu ngành, thì nay hoạt động khá hạn chế. Viện Mỹ thuật được thành lập năm 1962 bởi họa sĩ, nhà nghiên cứu Nguyễn Đỗ Cung. Đây cũng là nơi từng xuất bản những cuốn sách cho đến nay vẫn được xem là kinh điển như các cuốn nghiên cứu mỹ thuật thời Lý, Trần, Lê Sơ, Mạc...

Đến năm 1995, Viện được sáp nhập với Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, mặc dầu vậy, đây vẫn được xem là hai đơn vị độc lập với hệ thống các phòng, ban và các dự án nghiên cứu. Tuy nhiên, đến năm 2015, Viện chuyển hẳn về Trường và cơ cấu lại bộ máy tổ chức hành chính. Điều này dẫn đến các hoạt động của Viện cũng chỉ còn như một phòng, ban và số lượng nghiên cứu viên của Viện giảm dần. Đến nay, quân số của Viện chỉ còn vỏn vẹn 5 người và hầu như không có những hoạt động nghiên cứu được đầu tư thật tốt như vốn dĩ phải vậy.

Trong bối cảnh xã hội hiện nay, ngành nghiên cứu lý luận và phê bình mỹ thuật thực sự rất cần thiết. Bởi rõ ràng công chúng thường xuyên tiếp nhận thông tin những sàn đấu giá trên thế giới liên tục có các phiên đấu giá về cổ vật, các tác phẩm mỹ thuật quý giá của Việt Nam... và liên tục có các triển lãm của các họa sĩ, tác giả trưng bày. Nhưng ngược lại, khó tìm được những bài viết nghiên cứu, lý luận, phê bình đúng mực và chuẩn xác, làm vơi đi giá trị đích thực của tác phẩm hoặc di sản, thiếu đi những đánh giá thực thụ cho một sự phát triển lành mạnh.

Mặt khác, rất nhiều vấn đề của mỹ thuật cổ cần được khai thác song hành với lĩnh vực khảo cổ học. Trong hệ thống các di sản vật thể và phi vật thể của người Việt Nam, mỹ thuật có lẽ là lĩnh vực thiếu người nghiên cứu nhất. Điều này dẫn đến việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa mỹ thuật vẫn còn vấp phải nhiều vấn đề mà khi trùng tu di tích xong, di tích đã không còn tuổi như nó vốn có.

Nếu nền nghiên cứu và phê bình mỹ thuật được đầu tư xứng đáng để phát triển tốt sẽ là tiền đề cho khả năng quảng bá để đưa không chỉ mỹ thuật Việt Nam mà còn là hình ảnh của Việt Nam đi xa hơn nữa. Bởi mỹ thuật, có thể khẳng định, chính là một trong những phương diện hình ảnh điển hình nhất cho sự nhận diện về bản sắc văn hóa truyền thống hay đương đại của một đất nước.

(QĐND)