Đầu tiên không phải là..."tiền đâu"
Một cảnh trong “Con chim vành khuyên”của đạo diễn Nguyễn Văn Thông
Nhìn lại quá khứ
Nền điện ảnh của chúng ta đã có những bộ phim “vang bóng một thời”, từng làm rạng danh cho nghệ thuật Việt Nam.
Trước hết, phải kể đến Con chim vành khuyên của đạo diễn Nguyễn Văn Thông. Đây là bộ phim truyện đầu tiên của ta giành được giải thưởng đặc biệt tại Liên hoan phim quốc tế Karlovy Vary ở Tiệp Khắc. Quốc tế khi người ta đã trao giải thưởng thì hoàn toàn căn cứ vào giá trị tự thân của tác phẩm, sức thuyết phục với tính nhân văn cao của bộ phim, chứ không có chuyện ưu tiên này nọ hoặc là mang tính chất “mặt trận”, “cơ cấu” như ở ta.
Quả là bộ phim này có nhiều cái đặc biệt đáng nói. Trước hết, đó là phong cách thơ của điện ảnh. Bộ phim đạt được tính dung dị, chân thật gần như tuyệt đối. Tác giả không một chút lên gân, cường điệu, đao to búa lớn, hoặc nhấn nhá, làm duyên mà kể một câu chuyện rất đỗi bình thường liên quan đến cuộc sống của hai cha con người nông dân sống bên bờ một dòng sông vùng địch hậu. Nhưng mỗi hình ảnh đều toát lên chất thơ, ghi khắc ấn tượng sâu đậm trong lòng người xem.
Cái chết của bé Nga trong phim có thể nói là một cái chết đẹp nhất trong những cái chết của rất nhiều nhân vật đẹp được diễn tả trong phim truyện Việt Nam. Tài năng của tác giả được thể hiện rõ ở nhiều chi tiết trong đó có hình tượng con chim vành khuyên của bé Nga. Có thể nói đây như một “nhân vật” thứ ba tạo nên giá trị vừa sâu sắc, vừa bay bổng của bộ phim.
Phim này cũng là một tỷ lệ nghịch tiêu biểu giữa sức nặng rất lớn của hiệu quả tư tưởng và thẩm mỹ so với mức chi phí có lẽ là ít ỏi nhất trong các phim truyện nước ta. Chỉ có hai nhân vật chính. Dung lượng bộ phim không dài, chỉ khoảng một giờ chiếu. Bối cảnh quá đơn giản, gần như không phải tạo dựng gì thêm. Vậy mà sức hấp dẫn, giá trị của phim thì không gì có thể đo được. Phim đã làm rơi lệ không ít người.
Một phim nổi tiếng rất có giá trị khác nữa là “Cánh đồng hoang” của đạo diễn Nguyễn Hồng Sến cũng giành huy chương Vàng hạng mục Phim truyện trong Liên hoan phim quốc tế năm 1981. Nguyễn Hồng Sến và Nguyễn Văn Thông đã có sự gặp gỡ: Khai thác cái bình dị nhưng đầy chất thơ của những con người bình dân trong cuộc sống nhưng toát lên phẩm chất anh hùng của một dân tộc gan góc, không bao giờ biết đầu hàng, khuất phục trước bất cứ kẻ thù xâm lược nào.
Xem hai bộ phim này, người nước ngoài sẽ giải thích được vì sao một dân tộc nhỏ bé như Việt Nam lại có thể chiến thắng hai đế quốc to Pháp và Mỹ. Lại cũng giống như Con chim vành khuyên, phim của Nguyễn Hồng Sến có bối cảnh chỉ là túp lều của vợ chồng nông dân Ba Đô giữa cánh đồng nước, thêm chiếc máy bay trưc thăng chở giặc tuần tiễu trên trời và nhân vật chính của phim cũng chỉ có hai. Chắc chắn chi phí cho phim này cũng rất khiêm tốn.
Có thể kể thêm nhiều bộ phim truyện Việt Nam có giá trị nghệ thuật cao, sống mãi trong lòng nhiều thế hệ công chúng ra đời trong thập niên 60, 70, 80 của thế kỷ trước có bối cảnh hạn hẹp, có nhân vật không nhiều: Đường về quê mẹ, Chị Tư Hậu, Vợ chồng A Phủ, Huyền thoại mẹ, đặc biệt là Bao giờ cho đến tháng 10” và Thương nhớ đồng quê.
Xem những bộ phim này, không ai nghĩ đến sự tốn kém về tiền bạc. Cũng cần nói thêm là mọi phương tiện trang thiết bị về kỹ thuật để tạo nên những bộ phim trên là cũ kỹ, lạc hậu, không thể so với hôm nay. Lại nữa, các nghệ sĩ xuất hiện trong các phim trên đều thuộc hàng nổi tiếng trong lĩnh vực sân khấu và điện ảnh (Tư Bửu, Lâm Tới, Trà Giang, Thế Anh, Lê Vân, Đức Hoàn, Trần Phương...). Vậy mà đâu có tốn kém về “cát-xê”.
Tiền vẫn không làm nên giá trị
Đương nhiên là tiền - yếu tố rất cần trong mọi việc - không thể làm nên giá trị nếu không đi liền với các yếu tố quyết định khác. Trong sáng tạo nghệ thuật nói chung, điện ảnh nói riêng, yếu tố đó không là gì khác tài năng của người nghệ sĩ.
Một bộ phim cần tài năng của rất nhiều thành phần: Biên kịch, đạo diễn, diễn viên, quay phim, họa sĩ thiết kế, nhạc sĩ... Trong đó, yếu tố cơ bản quyết định thành bại của một bộ phim chính là đạo diễn - chứ không phải là ai khác. Nhưng đây là điều tế nhị. Tác giả không dễ thú nhận mình thiếu tài. Và người khác - trong đó có giới lý luận, phê bình cũng không dễ vạch rõ một cách thẳng thắn những ai không có tài, không nên tiếp tục làm phim vì chỉ tiêu tốn tiền, trong khi không sáng tạo được tác phẩm thực sự có ích cho việc nâng cao tư tưởng, tình cảm và thẩm mỹ của công chúng.
Từng có những phim tiêu tốn khá nhiều tiền - hàng chục tỷ đồng - nhưng hầu như chỉ chiếu được một lần, rồi vĩnh viễn xếp vào kho tư liệu, may mắn đưa ra chiếu lại cũng chỉ vào dịp kỷ niệm nào đó. Thường những phim này hay làm theo kế hoạch kỷ niệm các sự kiện lịch sử, chính trị.
Còn nhớ phim Hẹn gặp lại Sài Gòn nói về sự kiện chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành xuống tàu ở bến cảng Nhà Rồng đi tìm đường cứu nước chi tiền khá tốn kém nhưng không đáp ứng được mong đợi của người xem. Trong khuôn khổ đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội (2010), có một số phim liên quan đến sự kiện Lý Công Uẩn rời đô ra Thăng Long tiêu khá nhiều tiền nhưng không để lại được phim nào thực sự có giá trị cao. Ấy là chưa kể có phim còn không kịp ra đời đúng ngày kỷ niệm mặc dù tiền của đổ vào không ít.
Có những phim mang cốt truyện khá lắt léo, rườm rà, liên quan đến rất nhiều nhân vật, nhiều thế hệ, với thời gian triền miên kéo dài có khi đến mấy chục năm. Không gian thì từ thành thị về nông thôn, từ Bắc vô Nam, có khi ra cả nước ngoài, mà bối cảnh thì rất ít khi có thể khai thác trong trường quay, nhất là phương tiện này ở nước ta còn rất hạn chế.
Thêm nữa, rất nhiều đạo cụ, trang phục rắc rối, cầu kỳ, phức tạp; những phim về chiến tranh thì chiến trường bề bộn, ngổn ngang, khói lửa, bom đạn mịt mùng, khốc liệt. Hỏi làm sao không tiêu hết nhiều tiền? Nhưng yêu cầu của kịch bản phải như thế, trong khi đạo diễn không dễ có thể tìm cách xử lý khác.
Cần thú nhận một sự thật: Ở nước ta, chưa thấy có đạo diễn nào thực sự có tài trong việc làm phim về chiến tranh. Một số phim về đề tài này ra đời gần đây không đến nỗi vô giá trị, nhưng vẫn phải trông cậy chủ yếu vào không khí ngoài chiến trường, vào bom rơi, súng nổ, lửa khói ngút trời và người lính hiện ra vẫn cứ phải có hy sinh, thương tích đầy mình nơi tiền tuyến.
Rất hiếm phim miêu tả chiến tranh sâu sắc mà lại không phải quay cảnh chiến trường trực tiếp giống như Con chim vành khuyên, Cánh đồng hoang, Bao giờ cho đến tháng 10. Đến đây, bỗng nhiên tôi nhớ đến mấy bộ phim đặc sắc của điện ảnh Xô Viết rất quen thuộc với khán giả Việt Nam những năm cuối 59, đầu 60 của thế kỷ trước: Đàn sếu bay qua, Bài ca người lính, Số phận một con người.
Cả ba phim đều nói đến số phận của con người Xô Viết cùng phẩm chất công dân tuyệt vời của họ trong đại chiến thế giới lần thứ hai (1939 - 1945). Chủ đề Tổ quốc luôn hiện ra rất rõ, rất sâu sắc trong cả ba bộ phim. Nói về chiến tranh nhưng câu chuyện của cả ba phim lại xảy ra chủ yếu ở hậu phương. Những cảnh chiến đấu ngoài mặt trận nếu có chỉ thoáng qua, không đáng kể, chỉ cốt làm nền, tạo không khí cho bối cảnh của chuyện phim. Và mỗi phim chỉ có một, hai nhân vật chính, thâu tóm toàn bộ chủ đề của phim.
Tất nhiên, nói như trên không có nghĩa cổ vũ cho sự nghèo túng. Nghệ sĩ sáng tạo đã có tài, mà lại được tiêu tiền không đến nỗi quá eo hẹp, phải tính toán đủ thứ thì sẽ rộng cánh bay giữa bầu trời sáng tạo của mình. Tiền chi thêm cho diễn viên sẽ xứng đáng với công sức của họ đã hết mình cho vai diễn. Thêm tiền sẽ không phải rút ngắn ngày quay, có thêm điều kiện thực hiện được những “đúp” ưng ý nhất.
Nhưng đã có một sự thật là nhiều bộ phim của ta, hoàn toàn không cần những cảnh, những đoạn, trường đoạn như đã xuất hiện, mà có thể cắt bỏ để không những đỡ tốn tiền, mà điều quan trọng hơn là làm cho bộ phim trở nên hàm xúc, chặt chẽ hơn.
Không phải cứ tiêu tốn tiền là sẽ cho ra bộ phim ít giá trị. Nhìn nhận như vậy sẽ phi lý và võ đoán. Nhưng thực tế cho thấy ở nước ta, chưa có bộ phim nào tiêu tiền “bom tấn” mà lại có sức sống lâu bền trong đời sống tinh thần của công chúng. Những phim có giá trị nhất, được họ ưa thích nhất - như một số phim đã nhắc ở trên - đều thuộc hàng “con nhà nghèo” - tức là chi tiêu không tốn kém.
Nếu với kinh phí “khủng” để cho ra đời những bộ phim bất hủ của mọi thời đại như Cuốn theo chiều gió, Titanic, Chiến tranh và hòa bình... thì sẽ không có gì đáng nói. Ở những phim trên, không thể rút bớt nhân vật, co bớt thời gian, thu hẹp bối cảnh, không gian. Tất cả mọi yếu tố đều không thể thay thế, đã tạo nên giá trị vĩnh hằng.
Bàn đến vấn đề này, chắc chắn giới làm phim từng cho ra đời những bộ phim thuộc hàng “đồ sộ” về tài chính sẽ nói: “Không phải người làm phim, sao có thể biết cái khó bó cái khôn trong lĩnh vực này?”. Còn những tác giả của những bộ phim giá trị nhưng lại là “con nhà nghèo” cũng sẽ chẳng dại gì đề cao lối làm phim “tiết kiệm”. Chỉ có nhân dân, công chúng mới thấy sót tiền khi phải chứng kiến phim hàng chục tỷ mà chẳng đâu vào đâu, trong khi phim ít tiền thì lại thú vị, hấp dẫn. Vấn đề là ở người đầu bếp giỏi, biết cách chế tạo ra các món ăn ngon, chứ không phải người sẵn tiền mà vụng nấu.
(arttimes.vn)