Duyên và nghiệp vẽ minh họa báo chí

22.06.2021
Thư Hoàng
Lặng lẽ và bền bỉ, các họa sĩ cộng tác và để lại dấu cá nhân qua việc vẽ minh họa truyện ngắn, bút ký, tản văn, thơ… trên các ấn phẩm báo chí. Với họ, vẽ minh họa cho các tờ báo vừa là duyên, vừa là nghiệp.

Duyên và nghiệp vẽ minh họa báo chí

Họa sĩ Ngô Xuân Khôi là một trong những tên tuổi “đắt sô” trong giới họa sĩ vẽ minh họa. Không chỉ các tờ báo văn nghệ Trung ương, họa sĩ Ngô Xuân Khôi còn được các tờ văn nghệ ở Phú Thọ, Gia Lai, Kon Tum mời vẽ cộng tác. Họa sĩ cho biết, ông đến với nghề vẽ minh họa khoảng hơn 20 năm nay, bắt đầu bằng những minh họa đầu tiên cho tuần báo Văn nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam.

Cũng với cái duyên vẽ minh họa cho báo chí từ cái nôi là tuần báo Văn nghệ, họa sĩ Phạm Hà Hải cho biết, trước khi họa sĩ Thành Chương nghỉ hưu ở đây đã rủ ông vẽ cho Văn nghệ. Từ đó, Phạm Hà Hải gắn bó với việc vẽ minh họa và phát triển thành một nhánh trong sự nghiệp hội họa của mình. Đến nay, ông gắn bó với công việc này hơn 15 năm, với khoảng hơn 1.000 tranh minh họa cho truyện ngắn, thơ, bút ký và cả xã luận.

Nghề chính của các họa sĩ là sáng tác các tác phẩm mỹ thuật độc lập, bằng phong cách hội họa khác nhau, sử dụng những chất liệu như sơn mài, sơn dầu, acylic… Như họa sĩ Thành Chương là những bức tranh sơn mài khổ lớn, họa sĩ Phạm Hà Hải và họa sĩ Đặng Tiến cũng vậy, thường vẽ tranh kích thước lớn. Nhưng khi họ nhận lời vẽ minh họa cho các tác phẩm văn học trên báo, tức là họ chấp nhận gò mình vào khuôn khổ. Họ phải đọc tác phẩm, nhiều khi không đúng “gu”, rồi vẽ minh họa thường là trên giấy hoặc bìa kích thước nhỏ, chưa kể còn phải chịu sự “khống chế” về thời gian phải “nộp minh họa”. Tuy nhiên, vượt qua những đòi hỏi mang tính “nghiệp vụ” của nghề báo, nhiều họa sĩ đã cho thấy sự sáng tạo, “vượt khó” để lại dấu ấn riêng, lấp lánh tài hoa của mình.        

Họa sĩ Phạm Hà Hải cho biết, việc vẽ minh họa không chiếm nhiều thời gian, bởi ông đọc nhanh và có khi phát hiện ngay chi tiết để vẽ. Với ông, mỗi lần nhận vẽ minh họa là một lần được tiếp xúc văn bản, truyện ngắn, chùm thơ, tản văn hoặc xã luận..., tranh minh họa chứa đựng ngôn ngữ đồ họa, nhưng không thuận cho họa sĩ vẽ xu hướng trừu tượng. Họa sĩ Đặng Tiến - Chủ tịch Hội Mỹ thuật Hải Phòng, người có gần 40 năm vẽ minh họa cho báo chí bày tỏ, nhiều lúc ông ngại vẽ minh họa, nhất là khi đang sáng tác tranh sơn dầu khổ lớn. Song, chính sự đam mê hội họa từ nhỏ cũng như sự nghiêm túc trong công việc cùng với những trải nghiệm đã giúp ông xử lý nhanh những “đề bài” mà các tòa soạn giao.

Trong khi đó, họa sĩ Ngô Xuân Khôi thừa nhận, nhiều họa sĩ bản lĩnh và cá tính thường “áp đặt” minh họa, nghĩa là với truyện gì, tác giả nào thì họ cũng vẽ theo lối ấy. “Tôi không làm được vậy. Sau khi đọc truyện, tùy theo cảm xúc, tôi để câu chuyện dẫn dắt, mách bảo mình lựa chọn cách thể hiện, loại bút, loại giấy, chất liệu màu, điều đó giúp tạo nên diện mạo khác nhau của các bức vẽ, hiệu quả trong thể hiện cảm xúc. Có những số báo, tôi được đặt vẽ 3 minh họa thì cố gắng thể hiện bằng 3 bút pháp khác nhau”, họa sĩ Ngô Xuân Khôi chia sẻ.

Họa sĩ Nguyễn Thị Hiền cho rằng, khi đã nhận vẽ minh họa cho một bài thơ, một bài báo hay một truyện ngắn, minh họa phải toát lên được ý tứ nội dung của tác phẩm, và tất nhiên là phải đẹp.

Họa sĩ Ngô Xuân Khôi cũng cho rằng, minh họa báo chí là một yếu tố quan trọng trong cấp độ đọc đầu tiên, thu hút sự chú ý tức thì của độc giả. Một minh họa tốt sẽ “giữ chân” độc giả và dẫn dụ họ đến với truyện, với câu chữ. “Không chỉ là thông tin thông thường, minh họa còn có thể tạo ra mối liên hệ đặc biệt, mối liên hệ cảm xúc giữa tác giả với họa sĩ, giữa tác giả với độc giả, giữa tờ báo với bạn đọc”, họa sĩ Ngô Xuân Khôi nhấn mạnh.

Không chỉ là thông tin thông thường, minh họa còn có thể tạo ra mối liên hệ đặc biệt, mối liên hệ cảm xúc giữa tác giả với họa sĩ, giữa tác giả với độc giả, giữa tờ báo với bạn đọc” (Họa sĩ Ngô Xuân Khôi).

(baodanang.vn)