Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam khu vực Huế và Nam miền Trung
Phát biểu chỉ đạo đại hội, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nhấn mạnh rằng sự thay đổi quan trọng nhất cho sự nghiệp văn học không phải ở tổ chức Hội, ở Ban Chấp hành mà ở chính bản thân mỗi nhà văn. Ông kêu gọi các nhà văn phải tự vấn, tự soi lại chính mình, tìm ra những câu trả lời về tư duy, cảm hứng và dũng khí sáng tác.
Dự Đại hội có bà Mai Thị Thu, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng; nhà văn Phùng Văn Khai, Ủy viên Ban Kiểm tra Hội Nhà văn Việt Nam, Phó Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội, cùng 60 nhà văn trong tổng số gần 90 nhà văn hội viên đến từ Huế và các tỉnh trong khu vực Nam miền Trung tham dự đại hội.
Nhà văn – dịch giả Bùi Xuân trình bày báo cáo tóm tắt tổng kết nhiệm kỳ X (2020-2025). Báo cáo nêu rõ: Hội Nhà văn Việt Nam đã tập trung thúc đẩy sáng tác và xét giải, tạo nên đời sống văn học phong phú, đa dạng và có ảnh hưởng tích cực đến xã hội. Các nhà văn Việt Nam đã thể hiện trách nhiệm với cộng đồng qua các tác phẩm phản ánh hiện thực, đề cao giá trị nhân văn và tinh thần dân tộc.
Đặc biệt, Hội đã tăng cường vai trò phản biện, cảnh báo trước những nguy cơ xã hội, đồng thời phát triển các thể loại hồi ký chiến tranh và văn học thiếu nhi, vận dụng nguồn lực để đưa văn học lan tỏa sâu rộng, với hình thức thể hiện ngày càng phong phú, sáng tạo, tổ chức các hội thảo và tọa đàm nhằm định hướng sáng tác. Nhiều công trình nghiên cứu công phu đã phân tích, đánh giá chính xác các khuynh hướng văn học, góp phần định hình phong cách và nâng cao chất lượng sáng tác.
Ngoài ra, hoạt động hỗ trợ sáng tác được Hội quan tâm, hàng chục trại viết đã được tổ chức, tạo môi trường sáng tác chuyên môn cao. Hội cũng đã phối hợp với các cơ quan tổ chức các cuộc thi, vận động sáng tác và đẩy mạnh quảng bá sách văn học Việt Nam qua Trung tâm Phát triển và quảng bá sách.
Việc tổ chức Ngày Thơ Việt Nam không ngừng được đổi mới, trở thành ngày hội trong cả nước, lan tỏa thông điệp về tình yêu thiên nhiên, dân tộc và lòng tự hào đất nước. Giải thưởng văn học của Hội đã ghi nhận công sức sáng tạo, thể hiện sự đồng thuận cao; công tác xét giải tuân thủ quy trình, công khai, dân chủ, phản ánh bản lĩnh và sự chuyên nghiệp....
Nhiệm kỳ 2020-2025, hội thành lập 14 chi hội, nâng tổng số lên 51 chi hội; kết nạp 210 hội viên, đặc biệt chú trọng vùng sâu, dân tộc thiểu số. Ban Nhà văn nữ tổ chức giải thưởng “Nhà văn nữ ấn tượng”, thúc đẩy sáng tạo và đoàn kết trong cộng đồng nữ nhà văn. Để xây dựng đội ngũ sáng tác trẻ, Hội lập Giải thưởng Tác giả trẻ, tổ chức Hội nghị Những người viết văn trẻ toàn quốc, tạo môi trường giao lưu và hỗ trợ sáng tác. Hội cũng đã mở rộng giao lưu quốc tế, ký kết hợp tác, đẩy mạnh dịch thuật tác phẩm văn học Việt Nam ra thế giới. Hội cũng đã tổ chức hội nghị và lễ tôn vinh nhà văn lão thành; triển khai dự án sách miễn phí, đưa gần 10 vạn sách đến với trẻ em vùng sâu, miền núi….
Bên cạnh những kết quả đạt được, báo cáo cũng nêu những hạn chế như: Chưa có nhiều tác phẩm thực sự tạo ra rung động mạnh mẽ trong đời sống xã hội; lý luận, phê bình chưa theo kịp sáng tác; phát hiện và tôn vinh tác phẩm giá trị chưa kịp thời; có biểu hiện xơ cứng, áp dụng lý thuyết xa lạ với thực tế và văn hóa dân tộc; các cơ quan cấp 2 của Hội còn lúng túng trong quy hoạch nhân sự, kéo dài nhiều năm; việc quảng bá văn học Việt Nam ra thế giới còn hạn chế về tính chuyên nghiệp, chưa phản ánh đúng chất lượng và diện mạo văn học Việt Nam; thiếu kinh phí đầu tư từ Nhà nước cho chiến lược quảng bá…
Nhiệm kỳ XI đánh dấu 50 năm thống nhất đất nước, bước vào kỷ nguyên mới với vị thế lớn và công cuộc chấn hưng văn hóa. Hội Nhà văn Việt Nam đặt ra các nhiệm vụ trọng tâm: Phát triển nền văn học tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc: Tiếp nối thành tựu nhiệm kỳ X, hướng tới văn học vì con người, dân tộc và văn minh; tôn vinh tác giả, tác phẩm tiêu biểu qua việc tái bản, tổ chức hội thảo, tuyên truyền qua sách in và sách điện tử nhằm ghi nhận đóng góp văn học suốt 50 năm qua; phát triển sách điện tử, sách 3D và bảo tàng văn học số hóa theo chiến lược chuyển đổi số quốc gia; quảng bá văn học Việt Nam ra thế giới; nâng cao chất lượng cơ quan chuyên môn; phát triển hội viên trẻ và vùng sâu vùng xa…
Tại Đại hội, các nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình: Nguyễn Nho Khiêm, Nguyễn Kim Huy, Lê Anh Dũng, Nguyễn Bá Thâm, Mai Văn Hoan, Thanh Quế, Lê Vũ Trường Giang, Nguyễn Thị Thu Trang, Lê Hưng Tiến, Nguyễn Khắc Phê, Hà Khánh Linh,Ngân Vịnh… đã phát biểu, đóng góp nhiều ý kiến đầy tâm huyết để góp phần phát triển văn học trong thời gian tới.
Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam khu vực Huế và Nam miền Trung đã bầu 45 đại biểu chính thức và 5 đại biểu dự khuyết trong tổng số gần 90 nhà văn, chuẩn bị tham dự Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ XI tại Hà Nội tháng 4/2024. Đồng thời, đại hội cũng bỏ phiếu giới thiệu nhân sự cho chức danh Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam nhiệm kỳ XI (2025-2030).