Đại hội Hội Nghệ sĩ Múa lần thứ III, nhiệm kỳ 2013-2018

17.03.2014

Hội Nghệ sĩ Múa đã tổ chức Đại hội lần thứ III, nhiệm kỳ 2013-2018 trong 2 ngày 16/3 và 17/3/2014.

Đại hội chính thức diễn ra vào sáng ngày 17/3/2014.

Đại hội Hội Nghệ sĩ Múa lần thứ III, nhiệm kỳ 2013-2018

Đến dự có NSND Trần Kim Qui, Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam - Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Múa thành phố Hồ Chí Minh, nhà thơ Bùi Công Minh, Chủ tịch Liên  hiệp  các  Hội  Văn học-Nghệ thuật Đà Nẵng, Nghệ sĩ Văn Bích, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Múa Hà Nội, đại diện lãnh đạo một số Sở, ban ngành liên quan, đại diện lãnh đạo Ban chấp hành 8 Hội chuyên ngành.

51 hội viên trên tổng số 62 hội viên Hội Nghệ sĩ Múa thành phố Đà Nẵng đã tham dự Đại hội.


 


NSND Lê Huân, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Múa thay mặt Đoàn chủ tịch trình bày dự thảo báo cáo Tổng kết hoạt động nhiệm kỳ 2007-2013 và phương hướng nhiệm vụ nhiệm kỳ 2013-2018.

 

Đại hội cũng đã nghe trình bày báo cáo Kiểm điểm của Ban chấp hành, báo cáo sửa đổi bổ sung Điều lệ Hội, các tham luận đề cập đến những vấn đề đáng quan tâm trong hoạt động múa ở Đà Nẵng và thảo luận đóng góp vào phương hướng nhiệm vụ nhiệm kỳ 2013-2018 trên tinh thần đoàn kết, sáng tạo để khắc phục những hạn chế trong nhiệm kỳ qua và đưa hoạt động múa thành phố lên một bước phát triển mới.

 

 

Nhà thơ Bùi Công Minh, Chủ  tịch  Liên  hiệp  các  Hội  Văn  học-Nghệ thuật phát biểu biểu dương những thành tích của Hội Nghệ sĩ Múa trong nhiệm kỳ qua, thống nhất với những nhiệm vụ đã đề ra trong nhiệm kỳ mới và xác định trách nhiệm Ban Chấp hành phải phát huy kết quả đạt được, khắc phục những tồn tại hạn chế, lãnh đạo hội viên thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội nhiệm kỳ 2013-2018.

 


 

NSND Trần Kim Qui, Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam phát biểu chào mừng đại hội, ghi nhận những đóng góp của Hội Nghệ sĩ Múa Đà Nẵng đối với hoạt động múa cả nước thời gian qua và mong muốn Hội tiếp tục hoạt động có hiệu quả.

 

Nghệ sĩ Văn Bích, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Múa Hà Nội phát biểu chúc mừng đại hội thành công tốt đẹp, mong muốn quan hệ hỗ trợ, phối hợp hoạt động của  Hội Nghệ sĩ Múa Hà Nội, Hội Nghệ sĩ Múa thành phố Hồ Chí Minh và Hội Nghệ sĩ Múa Đà Nẵng ngày càng vững mạnh, góp phần phát triển nghệ thuật múa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

 

Nhiệm kỳ 2013-2018, Đại hội đã bầu :

 

Ban chấp hành gồm 9 thành viên:

1/ NSND Lê Huân                                    : Chủ tịch

2/ NSƯT Huỳnh Ngọc Kim                        : Phó chủ tịch

3/ NSƯT Nguyễn Thiện Tâm                     : Phó chủ tịch

4/ NSƯT Hoàng Ngọc Chiến                      : Uỷ viên

5/ Nghệ sĩ Nguyễn Cường                         : Uỷ viên

6/ NSƯT Phan Hồng Hà                            : Uỷ viên

7/ Nghệ sĩ Lê Thị Hậu                               : Uỷ viên

8/ Nghệ sĩ Lê Thị Thu Hoài                        : Ủy viên

9/ Nghệ sĩ Phan Thục Linh                         : Ủy viên

 

Ban kiểm tra gồm 3 thành viên:

1/ Nghệ sĩ  Phan Thục Linh                         : Trưởng ban

2/ Nghệ sĩ  Vũ Mạnh                                   : Uỷ viên

3/ Nghệ sĩ  Lê Văn Tâm                              : Uỷ viên

 

Ban chấp hành mới đã ra mắt Đại hội. NSND Lê Huân, Chủ tịch Hội, thay mặt Ban chấp hành nhiệm kỳ 2013-2018 phát biểu nhận nhiệm vụ lãnh đạo Hội Nghệ sĩ Múa thực hiện hoàn thành Nghị quyết Đại hội lần thứ III đã thông qua để xứng đáng với sự quan tâm, tạo điều kiện và mong đợi của lãnh đạo và công chúng yêu thích múa của thành phố.

 

 

 

NHỮNG THÀNH TÍCH HOẠT ĐỘNG TRONG NHIỆM KỲ 2007 - 2013

 

1/ Tổng số hội viên: 62,  Hội viên Trung ương: 30

     Kết nạp Hội Nghệ sĩ Múa Đà Nẵng: 20

     Đoàn nghệ thuật dân gian Non Nước: 40

     Câu lạc bộ Blue: 40

     Câu lạc bộ Khiêu vũ: 40

2/ Thành lập Đoàn nghệ thuật dân gian Non Nước là một tổ chức nghệ thuật hoạt động theo phương thức xã hội hoá, xây dựng được 5 chương trình nghệ thuật ca múa nhạc và vở diễn sân khấu đã thu và phát hình, phục vụ biểu diễn hơn 60 buổi.

3/ Phối hợp với Trung tâm Văn hóa-Thông tin thành phố tổ chức nhiều cuộc liên hoan nghệ thuật nhảy múa đường phố và nhiều lớp bồi dưỡng biên đạo quần chúng cho các hạt nhân phong trào cơ sở ở các trường học, quận huyện, xã phường trong thành phố.

4/ Thực hiện kết nghĩa giữa 3 Hội Nghệ sĩ Múa 3 thành phố trực thuộc Trung ương gồm thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Đà Nẵng để hỗ trợ, nâng cao hoạt động chuyên môn về múa.

5/ Tham gia các phong trào, cuộc thi do Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam và các đơn vị nghệ thuật Trung ương tổ chức như thi múa dân gian, dân tộc toàn quốc, tác phẩm múa ít người, tài năng nghệ sĩ biểu diễn múa, tài năng biên đạo trẻ...

6/ Tham gia cùng Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam tổ chức 2 cuộc biểu diễn quảng bá nghệ thuật múa với quy mô lớn: Chương trình giao lưu nghệ thuật của Trường Cao đẳng Múa Việt Nam với Học viện Múa Quảng Tây – Trung Quốc và chương trình nghệ thuật “Hoa muôn sắc” công diễn tại Nhà hát Trưng Vương Đà Nẵng nhằm mở rộng quan hệ giao lưu trao đổi nghệ thuật biểu diễn múa và thúc đẩy phong trào sáng tác, biểu diễn múa chuyên nghiệp theo định hướng nghệ thuật tiên tiến, hiện đại.

7/ Phối hợp với các tổ chức Liên hiệp hữu nghị, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Trung tâm bảo tồn Di sản văn hóa, chùa Quán Thế Âm Đà Nẵng thực hiện các chương trình nghệ thuật múa phục vụ trong các ngày kỷ niệm lịch sử, các lễ hội văn hóa của đất nước, địa phương.

 8/ Các giải thưởng đạt được:

   -01 Nghệ sĩ nhân dân, 02 Nghệ sĩ Ưu tú.

   -02 giải thưởng của Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam gồm: 01 Huy chương Bạc, 01 giải B.

   -04 Giải thưởng Văn học Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng 5 năm lần thứ II (2005-2009) gồm: 01 giải A, 01 giải B, 01 giải C, 01 giải Khuyến khích.

-Nhiều giải thưởng xuất sắc, Vàng, Bạc cho các tác phẩm, chương trình xây dựng cho các đơn vị tham gia hội diễn nghệ thuật quần chúng toàn quốc, toàn quân, hội diễn quân khu, hội diễn thành phố.

-Nhiều giải thưởng hàng năm của Uỷ ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học-Nghệ thuật Việt Nam.

-Nhiều giải thưởng hàng năm của Liên hiệp các Hội Văn học-Nghệ thuật và Tặng thưởng của Hội Nghệ sĩ Múa thành phố.

-Giải thưởng BEU HONDA toàn quốc năm 2011.          

                     

MỘT SỐ NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM TRONG NHIỆM KỲ 2013 – 2018

 

           1/ Tích cực hưởng ứng Chỉ thị 03-CT/TW về tiếp tục học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới và Kế hoạch 1991-KH/UBND của UBND thành phố thực hiện Chương trình hành động của Thành ủy

về thực hiện Nghị quyết 23 của BCT.         

           2/ Đẩy mạnh hoạt động múa cả về tầm cao và chiều rộng, góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng diện mạo văn học nghệ thuật của thành phố Đà Nẵng.

          3/ Động viên, hỗ trợ hội viên sáng tác những tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao về đề tài cách mạng, đề tài “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, đề tài về xây dựng nếp sống văn hoá, văn minh đô thị... Đặc biệt là những tác phẩm lớn phục vụ cho các hoạt động đại lễ của Đảng, Nhà nước trong năm 2014 và 2015. Cụ thể:

+ Tổ chức lớp Biên đạo múa quần chúng cho anh chị em văn nghệ sĩ làm công tác phong trào ở Đà Nẵng và các địa phương lân cận.

+Phối hợp với Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Trung tâm văn hoá thành phố tổ chức cuộc thi “Điệu nhảy Việt Nam – điệu nhảy Điện Biên”. Cuộc thi có sự tham gia của Hội Nghệ sĩ Múa 2 thành phố kết nghĩa là thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, sẽ chung khảo vào dịp kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên trên đường phố mang tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại thành phố Đà Nẵng.

+ Hoàn thành tác phẩm múa “Vườn trầu sắc đỏ”, in đĩa hình tham dự cuộc thi các tác phẩm văn học nghệ thuật do Hội Nghệ sĩ Múa thành phố Hồ Chí Minh và Liên hiệp các Hội Văn học-Nghệ thuật thành phố Hồ Chí Minh phát động. Tác phẩm có nội dung về cách mạng, phục vụ cho những ngày lễ lớn của đất nước, của thành phố.

+ Trình Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch xét kịch bản múa “Cầu Rồng”, viết về đề tài cách mạng, nếu được Bộ xét duyệt sẽ thực hiện dàn dựng.

+ Tham gia cuộc thi “Tài năng nghệ sĩ biểu diễn múa năm 2014” do Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam tổ chức.

           4/ Tập hợp, phát triển đội ngũ những người làm công tác múa kể cả sân khấu múa chuyên nghiệp và quần chúng, hướng vào tâm nghiệp, đóng góp tài năng tâm huyết vì sự nghiệp nghệ thuật múa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

          5/ Tiếp tục củng cố, phát triển Đoàn nghệ thuật múa dân gian Non Nước hoạt động theo phương thức xã hội hóa.

          6/ Tổ chức các cuộc trao đổi, hội thảo nhằm nâng cao nghiệp vụ cho hội viên làm công tác biên đạo múa.

          7/ Phát huy hơn nữa sự năng động, sáng tạo, thu hút các nguồn tài trợ cho hoạt động biểu diễn quảng bá tác phẩm để nâng cao nhận thức thẩm mỹ về nghệ thuật múa cho nhân dân thành phố, qua đó góp phần xây dựng văn hoá du lịch địa phương.

      

 

   Phạm Lý