Đà Nẵng được hiến tặng bộ tranh dân gian quý giá
Bộ tranh Tứ bình - tranh dân gian Hàng Trống.
Nhà nghiên cứu, sưu tầm Nguyễn Thị Thu Hòa - Giám đốc Bảo tàng Gốm sứ Hà Nội đã dày công nghiên cứu, sưu tầm trong nhiều năm để xây dựng nên một bộ sưu tập tranh dân gian vô cùng đa dạng và phong phú với nhiều tác phẩm, mộc bản quý hiếm.
Nhà nghiên cứu, sưu tầm Nguyễn Thị Thu Hòa.
Với mong muốn các dòng tranh dân gian được nhiều người biết đến hơn, cuối tháng 8/2022, chị Hòa đã quyết định trao tặng Bảo tàng mỹ thuật Đà Nẵng một bộ sưu tập 145 tranh dân gian gồm 04 tranh Hàng Trống, 14 tranh Kim Hoàng, 78 tranh Đông Hồ, 21 tranh đồ thế vẽ tay Huế, 28 tranh kính Huế. Hầu hết các bức tranh trong bộ sưu tập này được chế tác bởi các nghệ nhân tên tuổi của các làng nghề tranh truyền thống có lịch sử phát triển lâu đời ở Việt Nam. Trong đó có nhiều bức tranh khổ lớn, có giá trị thẩm mỹ cao như bộ tranh Tố nữ, Lợn, Nghê, Thần Kê, bộ tranh Kiều...
Nộm trình đồng (ngũ sắc) - tranh dân gian vẽ tay Huế - nghệ nhân Cao Văn Thiền.
Cô Tam - Cô Tứ - Cô Nhị Đợi - tranh kính Huế.
Nhà nghiên cứu, sưu tầm Nguyễn Thị Thu Hòa cho biết, chị đang tiến hành sưu tầm, chọn lọc để trao tặng cho Bảo tàng đợt 2 vào dịp kỷ niệm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam 23/11 năm nay và sẽ còn tiếp tục nghiên cứu trao tặng thêm để Bảo tàng bổ sung nhằm xây dựng một bộ sưu tập tranh dân gian Việt Nam ngày càng phong phú, sinh động hơn tại thành phố Đà Nẵng. Nhờ đó sẽ thuận lợi cho Bảo tàng tổ chức các hoạt động giáo dục, truyền thông, lan tỏa những nét đẹp văn hóa độc đáo của các dòng tranh dân gian Việt Nam đến với đông đảo người dân và du khách.
Bà Thủy - tranh kính Huế.
Tây Cung Vương Mẫu - tranh kính Huế.
Bé cưỡi trâu thả diều - tranh dân gian Đông Hồ.
Có thể nói, bộ sưu tập hiện vật tranh dân gian mà Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng vừa tiếp nhận có giá trị lịch sử, văn hóa to lớn, là nguồn tư liệu quý giá cho Bảo tàng trong công cuộc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản mỹ thuật của đất nước.
V.A