Con ngồi đợi mẹ bên thềm
Từ quan niệm phong thủy...
Xa xưa, ông cha ta đã dựng nhà theo một nguyên tắc bất di bất dịch: sàn nhà bao giờ cũng cao hơn mặt sân, mặt đường. Để bước vào ngôi nhà, bao giờ cũng phải đi qua thềm nhà, mà ngày nay chúng ta thường gọi là bậc tam cấp.
Bậc tam cấp hay thềm nhà - ngạch cửa là vị trí nối liền giữa sân và nhà. Đây cũng là nơi kết nối và phân biệt các hoạt động của con người ở bên trong và bên ngoài ngôi nhà. Khoảng không gian nhỏ bé nhưng phân chia rõ ràng hai không gian sống hoàn toàn khác biệt.
Vì thềm nhà thường có ba bậc, nên chúng ta quen gọi là tam cấp. Từ ngoài sân bước vào trong nhà, hay từ trong nhà bước ra sân, ra đường, qua ba bậc tam cấp, con người có hai cách ứng xử khác biệt giữa chốn riêng tư và mối quan hệ xã hội.
Ba bậc thềm nhà theo quan niệm người xưa là thiên - địa - nhân. Có nơi còn coi đó là ba bước phúc - lộc - thọ. Thường thì nhà chỉ xây ba bậc thềm, nhưng cũng có nhà lại xây 5 bậc thềm, đại diện cho Ngũ hành tương sinh: kim - mộc - thủy - hỏa - thổ. Thêm nữa, số 5 rơi vào chữ sinh theo quy luật: sinh - lão - bệnh - tử - sinh.
Cũng từ người xưa, con người sinh ra là một phần của vũ trụ. Thế giới tự nhiên được hình thành với 3 yếu tố, bao gồm thiên - địa - nhân. Cho nên, muốn làm việc gì đó thuận lợi thì phải đảm bảo các yếu tố thiên thời - địa lợi - nhân hòa. Chính lẽ đó, phần tam cấp là không gian kết nối, chuyển giao giữa thiên nhiên và con người, cũng là khoảng không gian tiếp xúc trực tiếp giữa đất, trời và người.
Với người Ê-đê ở Tây Nguyên, cầu thang thường được làm từ thân gỗ lớn với 7 bậc thang. Bên trái cầu thang, họ chạm hình mặt trăng khuyết và đôi bầu vú, tượng trưng cho sự nuôi dưỡng, no ấm. Cầu thang bên phải chạm hình con rùa, tượng trưng cho sự trường tồn, vĩnh cửu. Người Ê-đê có tập tục khi bước lên cầu thang vào nhà dài, thường vịn vào “đôi bầu vú” được điêu khắc tỉ mỉ trên đầu cầu thang. Điều ấy thể hiện việc coi trọng văn hóa mẫu hệ Ê đê.
...đến bài học trong ca dao
Trong gần 15 năm lặn lội khắp mọi vùng quê xứ Quảng, tôi được học hỏi, tiếp thu bao điều hay, lẽ đẹp từ trí tuệ dân gian. Và nhờ đó, riêng về phương diện tinh thần, tôi cảm thấy gần gũi với các thế hệ ông cha, hiểu được một phần lời ăn tiếng nói và nỗi lòng của những lớp người đi trước.
Bắt nguồn từ cái bục/bậc/ngạch cửa, chúng ta có bài học sâu nặng về tình nghĩa, về cách sống. “Sáng ngày đem thóc ra phơi/Bước qua bục cửa nhớ lời mẹ cha”.
Vâng, phải là tình cảm dành cho cha mẹ trước hết, trước khi nghĩ đến tình riêng, nghĩ về người thương: “Rạng ngày đem lúa ra phơi/ Bước qua bậc cửa hỏi em ngồi nơi mô?”.
Có khi đó là câu hỏi của sự quan tâm, một nỗi băn khoăn không lời giải thích, vì một ẩn tình nào đó: “Tháng Mười buôn vải bán bông/ Bước qua bậc cửa mà lòng không yên”.
Và cũng có thể là một câu chuyện tình còn nhiều vướng bận của người góa phụ, khi chồng đã sớm qua đời, phận nàng vẫn phải chăm lo cho mẹ chồng. Để khi làm bất cứ điều gì cũng phải lo cho tròn đạo phụng dưỡng, dù biết người đàn ông nàng thương nhớ cũng trông chờ không kém: “Vai mang khăn gói qua sông/ Biết đâu ngạch cửa mẹ chồng nỉ non/Bớ người cách xã xa thôn/Con trăng kia đã lặn sao Hôm kia hãy chờ!”.
Người góa phụ tội nghiệp ấy, như bao phận đàn bà khác trót mang thân phận cái cò cái vạc. Họ luôn bị xã hội câu thúc, dồn ép, khó lòng thảnh thơi chọn đi theo con đường tình cảm riêng, bởi vì: “Đời người như thể bông hoa/Chưa qua bậc cửa đâu ra ngoài đường”.
Từ cái bậc cửa, cái tam cấp đến thân phận người phụ nữ trong xã hội xưa, không thể tránh những ngậm ngùi.
Nhưng trước hết, theo chúng tôi, cái bậc cửa, cái thềm nhà trong đời sống của bất cứ người Việt Nam nào sinh ra và lớn lên ở miền quê, cũng mang dấu ấn kỷ niệm khó phai của những ngày tháng tuổi thơ ngồi chờ mẹ đi chợ về: “Con ngồi đợi mẹ bên thềm/Chiều tan, chợ vãn, chớm đêm mẹ về/Lưng còng mấy ngõ đường quê/Tháng năm quang gánh chẳng hề thở than”.
Tôi đã là một đứa bé quê đợi mẹ bên thềm nhà như thế. Và bao năm lưu lạc tha hương, vẫn luôn mang theo hình ảnh mẹ già có những buổi chiều ngồi im lặng bên bậc tam cấp quạnh hiu chờ chồng...
Ở đồng bào các dân tộc thiểu số của Quảng Nam, từ người Cơ Tu, Bhơ’nong, Ca Dong, Xê Đăng, Giẻ Triêng hầu như ngôi nhà sàn nào cũng được xây dựng với 9 hay 11 bậc cầu thang. Họ luôn chọn số lẻ theo quy luật vào - ra - vào. Bởi có thế thì của cải chỉ có đi vào chứ không ra ngoài, nhờ vậy gia đình sẽ luôn no ấm, đoàn tụ…
(baoquangnam.vn)