Gia đình hiện đại
Vì sao nên nỗi? Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng lớn nhất, bao trùm nhất vẫn là công tác giáo dục và quan niệm, sự vận hành của các thiết chế xã hội về gia đình. Đã có một thời (thời này kéo dài tới mấy chục năm) người ta quan niệm: trong gia đình lớn, người bảo thủ, lạc hậu chính là bố mẹ, do đó con cái phải đấu tranh với bố mẹ; trong gia đình nhỏ, người bảo thủ, trì trệ và gia trưởng chính là người chồng, người cha, do đó vợ, con phải đấu tranh với chồng, cha. Trong làng xóm thì người già là thủ cựu, không theo kịp cái mới, cái tiến bộ, cái đang thay đổi. Không có chỉ thị thành văn, nhưng báo chí, văn nghệ… đua nhau phản ánh, thể hiện theo quan niệm này. Tiểu thuyết Cái sân gạch, Vụ lúa chiêm của Đào Vũ được đánh giá cao, ngoài các yếu tố khác còn có nội dung này. Chấm, Trọng, Quyện… là những thanh niên trẻ nên dễ tiếp thu cái mới, còn lão Am đã luống tuổi nên bảo thủ, trì trệ, ngại thay đổi…
Đã có bao nhiêu bài học được rao giảng như thế, bao nhiêu tác phẩm được phản ánh như thế, khiến cho nhiều tầng lớp người thậm chí cả xã hội tin vào quan niệm giáo điều, xơ cứng này từ lúc nào cũng không biết nữa. Thật ra, người già dễ bảo thủ, ngại thay đổi, nhưng không phải ai cũng thế. Và người trẻ không phải là không có người bảo thủ thậm chí rất bảo thủ và trì trệ. Vấn đề là phải xem xét từng con người cụ thể, ai bảo thủ, trì trệ, không theo kịp cái mới, cái tiến bộ cũng đều phải chống. Ấy là chưa kể, người già với kinh nghiệm và sự trải đời, thông qua những thành công và thất bại của mình, có nhiều bài học truyền lại cho con cháu. Chế độ phong kiến rất coi trọng người già (trọng sỉ) không phải là không có lý. Ngày nay, nhà nước ta mỗi khi muốn thuyết phục bà con dân tộc vấn đề gì thường dựa vào già làng và những người có uy tín trong xã hội (thường là cao tuổi), chính là học tập thái độ ứng xử của cha ông ta.
*
Gần đây trên báo chí và các phương tiện truyền thông thường rộ lên chủ đề: bình đẳng giới và bạo hành gia đình. Với kiến văn của mình, chúng tôi vẫn thấy có cái gì sai sai ở đây: Giới là thiên chức tạo hóa ban cho muôn loài, không thể thay đổi được; trong đó có ham muốn tình dục để duy trì nòi giống, và các con cái có nghĩa vụ nuôi con, thậm chí sẵn sàng hy sinh để bảo vệ những đứa con yếu ớt của mình. Con người có trí khôn và tư duy, nên người bố có nghĩa vụ và quyền lợi phải cùng người mẹ nuôi dạy con. Nhưng thiên chức của người mẹ là mang nặng đẻ đau, cho con bú mớm và nuôi dạy con những ngày đầu đời. Đó là thiên chức, là giới mà không ai có thể thay thế được. Khác với động vật, các ông bố cũng phải có nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dạy con cùng với vợ của mình. Những ông bố nào lười biếng, đổ hết việc nuôi dạy con cái cho vợ đều cần bị xã hội lên án. Có những nước còn có các chế độ cụ thể. Ví dụ Công hòa Liên bang Đức, nếu vợ sinh đẻ các ông chồng được nghỉ thời gian bằng ½ thời gian nghỉ thai sản của vợ để chăm lo cho vợ con. Tuy xã hội chăm sóc, luật pháp quy định, nhưng những bà mẹ vẫn là những người phải hy sinh nhất, vất vả nhất khi con còn thơ bé (tất nhiên khi con lớn lên, sự vất vả của người mẹ lại ở khía cạnh khác). Do vậy tình cảm quý mến, kính trọng của những người con dành cho mẹ cũng có những nét rất đặc biệt và rất sâu nặng. Hầu như tất cả các liệt sĩ hy sinh trên chiến trường, lời nói cuối cùng của họ là tiếng kêu “Mẹ ơi!”. Cả thế giới gọi Tổ quốc của mình là Đất mẹ, là Bà mẹ Tổ quốc. Nhà nước ta cũng có danh hiệu cao quý Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Cha ông ta xưa có câu “Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà” không chỉ là phê phán mẹ và bà chiều con cháu khiến chúng dễ hư, mà còn được hiểu là: bà và mẹ rất có ảnh hưởng, rất quan trọng đối với con và cháu. Nói như vậy không phải là “chạy tội” cho những ông bố vô trách nhiệm, mà chỉ là đề cao thiên chức cao quý của người phụ nữ. Do vậy chúng tôi không tán thành không thích lối nói bình đẳng giới, mà muốn trở về với quan niệm rất đúng của Bác Hồ những năm đầu cách mạng. Bác quan niệm “nam nữ bình quyền” sau này người ta nói “nam nữ bình đẳng”, tức là nam nữ bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ, chúng tối nghĩ quan niệm này có lý hơn.
Chúng tôi cũng rất buồn là đến nay vẫn còn hiện tượng bạo hành gia đình, thậm chí trong những ngày chống dịch Covid-19 chúng còn phát triển hơn. Số người bạo hành gia đình đa số là nam giới, nhưng không phải phụ nữ không bạo hành gia đình. Thậm chí còn khủng khiếp hơn nam giới khi họ chủ trương bạo hành. Do vậy nên chống bạo hành gia đình ở bất cứ đâu và với bất kỳ ai, như thế mới hiệu quả và triệt để.
Điều đáng buồn nhất là thiên chức của người phụ nữ đã không còn được phụ nữ coi trong, tuy không phải là tất cả. Cha ông ta thường nói “hổ dữ không ăn thịt con”, nhưng ngày nay có nhiều bà mẹ trẻ bỏ rơi con một cách không thương tiếc. Trong khi rất nhiều người ca ngợi người phụ nữ mắc bệnh ung thư, bác sĩ khuyên nên bỏ đứa con trong bụng để thuận tiện cho việc chữa trị nhưng cô cương quyết không nghe, thà chết chứ không phá bỏ cái thai, thì có không ít bà mẹ lại dè bỉu: không biết có sống được không mà giữ đứa con lại. Điều này thật đáng trách vì nó đi ngược lại quan niệm truyền thống rất tốt đẹp của dân tộc. Người mẹ có thể hy sinh tất cả, kể cả tính mạng của mình để bảo vệ con cái.
Nói đến truyền thống tất nhiên chúng ta chỉ học tập những điều tốt đẹp, còn những điều thủ cựu, không hợp thời phải kiên quyết dẹp bỏ. Sở dĩ nói điều này vì không ít chị em phụ nữ chê bai “công, dung, ngôn, hạnh” và nói đó là quan niệm phong kiến muốn trói buộc phụ nữ. Chúng ta chống những ông chồng gia trưởng, coi vợ là người phải phục vụ mình. Chúng ta đòi hỏi người chồng phải có trách nhiệm (thậm chí nặng nề hơn vì là phái mạnh), nhưng không phải vì thế mà chối bỏ quan niệm rất sáng suốt và đúng đắn của cha ông “đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”. Người đàn ông chăm chỉ, có trách nhiệm, người đàn bà đảm đang, có đầy đủ “công, dung, ngôn, hạnh” chính là cơ sở cho hạnh phúc gia đình dài lâu.
“Nước mắt chảy xuôi”, ông cha ta thường nói như vậy. Đến bây giờ có thể nói bố mẹ bỏ rơi con chỉ là hãn hữu, còn con cái bỏ rơi cha mẹ là điều đã khá phổ biến. Đây là chuyện rất đau lòng và rất đáng báo động. Đấy là chưa kể vì tiền, vì quyền thừa kế, rất nhiều anh chị em ruột thịt đã đánh giết nhau, đã đưa nhau ra tòa. Xưa kia cha ông ta rất ít khi làm chuyện đó. “Con hơn cha là nhà có phúc”. Bây giờ có nhiều điều con hơn cha nhưng cha mẹ lại rất xấu hổ và đau khổ.
Kế hoạch hóa gia đình và sự già hóa dân số
Năm 2004 sau khi đi Trung Quốc về (cũng chỉ là đi một vài thành phố, thị xã gần Việt Nam thôi), tôi có viết một bài về công tác dân số kế hoạch hóa gia đình của Trung Quốc. Thời gian này, chính sách mỗi gia đình chỉ có một con của Trung Quốc đang hết sức nghiêm ngặt, các thành phố, thị xã hầu như không có bóng dáng trẻ em, vì trẻ em ít đã đành, mà mỗi đứa trẻ còn như là một báu vật của gia đình, cho nên không ai dám mạo hiểm cho chúng chơi lang thang trên đường phố!
Trong bài viết tôi có báo động một điều: Nếu cứ thực hiện nghiêm ngặt chính sách mỗi gia đình chỉ một con thì sẽ đến lúc người Trung Quốc không còn họ hàng nữa và như vậy họ sẽ cô đơn biết bao. Nghĩa là ông chỉ sinh mình bố, bố chỉ sinh một con, con chỉ sinh một cháu… cứ như thế người Trung Quốc chỉ có một chiều dọc, mà không có chiều ngang (tức là quan hệ họ hàng). Đây là một hệ lụy xã hội khó lường hết được. Lúc bấy giờ hầu như không ai cảnh báo điều này, tất cả chỉ tập trung phản ánh tình trạng mất cân bằng giới tính trong tương lai. Vì nếu chỉ được sinh một con, hầu hết các gia đình chọn sinh con trai, và như thế vài chục năm sau sẽ có hàng chục triệu đàn ông không có vợ. Và thực tế cho đến nay tình trang này đã xảy đến và để lại những hệ lụy khó lường cho xã hội. Nhưng đến bây giờ vẫn chưa thấy ai đề cập đến sự báo động của chúng tôi gần hai chục năm trước, mà những vấn đề nó đặt ra cho xã hội cũng gay gắt không kém.
Có một điều những người hoạch định chính sách kế hoạch hóa gia đình không ngờ tới: đó là sự già hóa dân số. Chính phủ Trung Quốc đã nhận ra hệ quả này, do vậy cách đây dăm năm họ đã đưa ra chính sách mỗi gia đình có thể có hai con, và gần đây nhất là chính sách mỗi gia đình có ba con. Nhưng tất cả đã quá muộn, sự phát triển dân số của Trung Quốc không những không được cải thiện mà ngày càng lao dốc. Theo một nghiên cứu, số dân của Trung Quốc đến năm 2100 chỉ khoảng 700 triệu dân, tức là bằng ½ số dân hiện nay.
Nguy cơ “chưa giàu đã già” là nguy cơ có thật của Việt Nam và Trung Quốc. Chúng ta phải có biện pháp đối phó ngay từ bây giờ thì mới mong hạn chế được tác hại của nó. Mối nguy cơ không phát triển dân số (hay nói một cách khác là già hóa dân số) không chỉ là tai họa của riêng Việt Nam, Trung Quốc, mà còn hiện hữu ở nhiều quốc gia phát triển khác như Đức, Nhật Bản, Nga, Hàn Quốc v.v… Điều này chứng tỏ không phải do nghèo mà người ta ngại sinh con. Càng những nước nghèo tỷ lệ sinh con càng lớn. Vậy nguyên nhân tại đâu? Câu ngạn ngữ “Một con, một của ai từ” của ông cha ta đến nay chỉ đúng một nửa.
Để xảy ra tình trạng phụ nữ “ngại đẻ” theo chúng tôi có nguyên nhân từ các chính sách của nhà nước và từ ý thức, quan niệm của người dân. Một số nước chính sách ưu tiên phụ nữ sinh đẻ đã được thực hiện. Như ở Cộng hòa Liên bang Đức, phụ nữ được nghỉ thai sản tới 2 năm, nam giới cũng được nghỉ 1 năm để chăm sóc vợ. Có quốc gia đã có chính sách trợ cấp lương cho trẻ em, cải thiện nhà ở cho những gia đình đông con v.v… Thế nhưng tất cả vẫn chưa đủ, chúng tôi nghĩ các nhà nước cần có những chính sách như thế nào đó, để các gia đình đông con không bị khó khăn về sinh kế, và các ông bố, bà mẹ không gặp khó khăn trên bước đường thăng tiến. Có như vậy thì người ta mới không ngại ngần khi sinh con.
Nguyên nhân thứ hai khiến dân số suy giảm là ý thức của từng người dân - và đây mới là nguyên nhân chủ yếu. Con người hiện đại được sự hỗ trợ của xã hội và công nghệ đã đỡ nhiều những phiền toái trong cuộc sống. Người ta có ý thức hơn về tự do của mình và ham muốn được hưởng thụ (chính đáng) những niềm vui của cuộc sống, và niềm vui của sự tự do sáng tạo. Nhưng nếu quá đi một chút, yêu mình hơn một chút, thì đã thấy manh nha của sự ích kỷ. Các phương tiện truyền thông đại chúng luôn tuyên truyền: phụ nữ phải biết lo hạnh phúc cho mình trước đã, thì mới có điều kiện lo cho người khác. Điều này đúng, nhưng nếu quá đi một chút thì thảm họa sẽ xảy ra. Đáng lẽ phải đề cao sự hy sinh của người phụ nữ cho chồng, con và lên án nghiêm khắc sự vô cảm, tàn ác của người chồng, người cha với vợ con của mình, thì người ta lại đi ve vuốt thói ích kỷ có sẵn trong bất cứ con người nào.
Công nghệ có thể phát triển hơn, giúp con người sung sướng hơn trong cuộc sống, trong sinh hoạt, nhưng sinh con đẻ cái và nuôi dạy chúng nên người thì vẫn là lao động hết sức cực khổ của các bậc cha mẹ, mà không có khoa học, công nghệ nào có thể thay thế được. Chúng tôi được biết có những người phụ nữ ngại sinh con vì sợ vất vả, sợ sẽ chóng già, sẽ xấu xí… Thậm chí có bà mẹ còn không dám cho con bú vì sợ ảnh hưởng đến nhan sắc! Cái thiên chức mà tạo hóa ban cho muôn loài, trong đó có loài người, là phải sinh con đẻ cái để duy trì nòi giống đã phai nhạt phần nào đối với không ít người. Do đó đối với những người ngại đẻ, phải làm cho họ hiểu ra: sinh con không chỉ là niềm vui, niềm hạnh phúc của họ, mà còn là nghĩa vụ cao quý đối với cộng đồng, với xã hội. Và như thế cũng có nghĩa là cộng đồng xã hội không thể coi việc sinh đẻ, nuôi dạy con cái là công việc riêng của mỗi gia đình.
Được biết gần đây quan điểm về chính sách dân số kế hoạch hóa gia đình của nước ta cũng có nhiều thay đổi. Quan điểm sinh bao nhiêu con là tùy thuộc tình hình kinh tế và nuôi dạy của mỗi cặp vợ chồng, chứ không còn áp đặt như trước nữa, là một thái độ thích hợp. Nhưng lại đã xảy ra nghịch lý: những gia đình có điều kiện kinh tế, những gia đình trí thức, vốn là đối tượng khuyến khích sinh hơn hai con, thì lại chỉ sinh một con và đáng báo động hơn xu hướng thích sống độc thân đang ngày một manh nha trong giới trẻ. Như vậy chính sách dân số kế hoạch hóa gia đình cũng phải hết sức tỉ mỉ, chi tiết, phải “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”. Có nghĩa là có những gia đình phải vận động người ta sinh thêm con, có những gia đình phải hướng dẫn người ta hạn chế sinh đẻ để có điều kiện nuôi dưỡng con được tốt hơn…
Điều căn cốt hơn là làm cho mọi người có trách nhiệm hơn với Bà mẹ thiên nhiên, với nhân loại. Con người đã có thời kỳ sai lầm là chỉ biết mình, biết sự tiện lợi của mình mà tàn phá thiên nhiên, xúc phạm nghiêm trọng đến Mẹ thiên nhiên và đã phải gặt hái hậu quả nghiêm trọng, ấy là sự nổi giận của thiên nhiên với những biểu hiện cụ thể của tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt. Từ chỗ cải tạo thiên nhiên, chúng ta phải trở lại với nguyên lý từ xa xưa của ông cha ta, là nương theo tự nhiên, thuận thiên để phát triển và tồn tại. Cũng như vậy thực hiện thiên chức của mình vừa là hạnh phúc, mà cũng là bổn phận, trách nhiệm của mình không chỉ với ông bà, tổ tiên mà còn với Mẹ thiên nhiên của mình! Không thể vô trách nhiệm phó thác chuyện gia đình theo quan điểm “trời sinh voi, trời sinh cỏ”, nhưng cũng đừng từ cực đoan này nhảy sang cực đoan khác.
(Văn nghệ số 26/2021)