Nhạc sĩ Trương Đình Quang, người trăn trở với văn hóa bản địa
Chân dung nhạc sĩ Trương Đình Quang thời trẻ. Ảnh T.B.T
Thời hai mươi tuổi ông đã sáng tác những nhạc phẩm “Đàn chim trắng”, “Tiến lên Lăk”, “Khi gió đông về”.
Có một câu chuyện ít người biết đến, Trương Đình Quang và nhạc sĩ Hoàng Tú Mỹ tuy đồng tuổi nhưng là hai cậu cháu trong gia tộc. Cả hai ông đều cùng sáng tác tân nhạc, nhưng đến khi Hoàng Tú Mỹ sáng tác nhạc phẩm “Gió mới - phổ thơ Xuân Diệu”, đưa cho Trương Đình Quang xem thì ông sững sờ vì hay quá. Sau đó ông tuyên bố không sáng tác nhạc nữa, chỉ đơn giản rằng ông nhận ra tài năng của mình không bằng ông cháu Hoàng Tú Mỹ.
Và thật vậy, vài năm sau ông đi tập kết ra Bắc tuy theo học lớp sáng tác âm nhạc, nhưng ông lại chuyên về nghiên cứu, lý luận sáng tác âm nhạc. Kể từ đây, khi đi sâu vào sưu tầm nghiên cứu, Trương Đình Quang đã bị dân ca, âm nhạc, nghệ thuật cổ truyền, nhất là hát bộ mê hoặc, cuốn hút ông trở thành một nhà nghiên cứu âm nhạc, nghệ thuật truyền thống đầy bản lĩnh.
Đất nước thống nhất, Trương Đình Quang trở về tham gia Hội Âm nhạc Đà Nẵng, và sinh sống tại đây. Với học thuật và kinh nghiệm của mình, ông luôn muốn khơi gợi lại những mô hình nghệ thuật dân gian đang dần mai một theo thời gian. Ông đã đi điền dã nhiều nơi, sưu tầm và biên soạn nhiều sách về âm nhạc và nghệ thuật truyền thống bản địa như “Men rượu hồng đào”, “Ca nhạc bài chòi”, “Hát bả trạo – hò đưa linh” viết chung với Trương Duy Hy. Cái tình quê hương, đất mẹ đã níu kéo ông trở về Hội An, giúp đỡ địa phương định hình lại phong trào âm nhạc đã có sẵn tại đây.
Ông Võ Phùng, cựu giám đốc Trung tâm Văn hoá - thể thao Hội An xúc động nhắc lại: "Giữa những năm 80, trung tâm còn rất mới mẻ, nhất là mảng văn nghệ cổ truyền, chú Quang đã giúp đỡ rất nhiều về chuyên môn, nhất là tư liệu về bài chòi. Có thể nói rằng, chú và vợ chú - nhà văn Kim Viên làm việc, hỗ trợ phong trào, giúp đỡ lớp trẻ bằng cả tấm lòng của người nghệ sĩ trong veo đến vô ngần! Chúng tôi mãi biết ơn cô chú!”
Nhạc sĩ Trương Đình Quang (phải) và nhà nghiên cứu Trương Duy Hy. Ảnh T.B.T.
Trương Đình Quang mê hát bộ là điều không phải nghi hoặc. Bởi thời tuổi thơ của ông được nghe những tiếng trống chiến, trống chầu của những đoàn hát bộ đến Hội An công diễn. Nó luôn là điều thôi thúc các cậu bé lên tám, lên mười kéo nhau đi xem cho bằng được.
Ông tâm sự: “Tôi lớn lên trong tiếng hát ru của bà nội, bà ngoại, của mẹ. Và tiếng trống chầu đã đi vào tuổi ấu thơ tràn đầy kỷ niệm êm đẹp của tôi. Nhưng sâu lắng và say mê nhất là tiếng trống chầu hát bộ. Từ nhà thờ tộc Trương Đôn Hậu của tôi đến rạp hát Đồng Lạc của ông Bang chầu quá gần. Ban đêm ngồi học, mà tiếng trống chầu từ nơi ấy vang vọng lại cứ hấp dẫn, lôi cuốn tôi”.
Mà cũng phải thôi, thời đó đâu phải chỉ mình Trương Đình Quang mê hát bộ, cả làng, cả tổng, cả nước đều mê, mê đến nỗi “tai nghe trống chiến, trống chầu/Xếp ba miếng đậu phụng trật đầu lộn đuôi”.
Tuy nhiên, cái sự mê của ông khác với những người bình thường. Nó đeo đẳng theo ông gần suốt cả cuộc đời. Nói cách khác, nó thành cái nghiệp vận vào ông, khiến ông trở thành một người chuyên nghiên cứu về hát bộ. Tác phẩm cuối cùng của ông được xuất bản trước lúc từ trần là một cuốn sách về hát bộ “Tai nghe trống chiến trống chầu” ông viết chung với vợ là Phan Kim Viên.
Ở Trương Đình Quang, cái chất Quảng Nam hay cãi được thể hiện rất rõ rệt, ông nhiều lần nhấn mạnh với người viết: “Ai gọi là tuồng hay hát bội mặc kệ họ, dân Quảng Nam thì phải gọi là hát bộ. Còn nữa, không có cái gọi là vẽ mặt nạ nhân vật, phải gọi là kẻ mặt hoặc dặm mặt mới đúng”.
Nhắc đến nhạc sĩ Trương Đình Quang, nhà nghiên cứu Hoàng Hương Việt viết: “Như một người “sùng đạo”, nhạc sĩ Trương Đình Quang là một nghệ sĩ đặc biệt. Ông sáng tác và nghiên cứu âm nhạc hiện đại, nhưng lại nặng lòng với âm nhạc dân gian và sân khấu dân tộc. Trong nhiều năm qua, trên cả hai lãnh vực ông đều tâm huyết, trăn trở bằng viết sách, viết bài đăng báo, thức tỉnh, bảo vệ, giới thiệu các thể loại hát dân ca, hát bộ, phê phán xu hướng ca nhạc lệch lạc, bắt chước ngoại lai”.
Thật vậy, những năm cuối đời tuy sức khỏe ngày càng yếu nhưng hằng ngày Trương Đình Quang vẫn thường xuyên đọc báo, xem ti vi. Gặp những tin tức hay chương trình âm nhạc bị biến thể theo các trào lưu nhố nhăng mới, ông rất buồn bực. Nhiều khi, ông hay gọi điện cho tôi chỉ để hỏi có một câu: “Tại sao bây giờ người ta lại làm như vậy nhỉ?". Với ông, những chuyện đó là xúc phạm đến âm nhạc, không thể chấp nhận được.
Bìa cuốn sách “Tai nghe trống chiến trống chầu” của Trương Đình Quang và vợ. Ảnh TBT.
Nhưng thôi, bây giờ Trương Đình Quang đã về trời. Có còn chăng cũng chỉ là những tác phẩm của ông để lại cho hậu thế. Ở nơi đó, giờ đây chắc ông cũng mỉm cười khi thấy những đóng góp của mình luôn được người Hội An gìn giữ và giới thiệu ra với bên ngoài.
Với một người nghệ sĩ, được vậy là hạnh phúc lắm rồi. Cầu mong ông nhàn du tiên cảnh.
(baoquangnam.vn)