Bảo tàng Chăm và ký ức tuổi thơ tôi – Bùi Văn Tiếng

05.06.2017

Gọi Bảo tàng Chăm hay Bảo tàng điêu Khắc Chăm là gọi theo ngôn ngữ bây giờ, chứ hồi tôi còn nhỏ, người Đà Nẵng vẫn quen gọi đây là Musée Chàm - một cái tên nghe hơi Tây song có thể gợi nhớ đến nguồn gốc và thời điểm ra đời của bảo tàng nghệ thuật độc nhất vô nhị này. Không hiểu vì sao người Pháp - dường như xuất phát từ ý tưởng của kiến trúc sư đồng thời là nhà khảo cổ học Henri Parmentier - lại chọn làng Nại Hiên Tây của tôi làm nơi xây dựng Musée Chàm? Có thể do làng tôi nằm ven sông Hàn và cũng có thể bởi trong làng có Giếng Bộng - một giếng cổ Champa. 

Bảo tàng Chăm và ký ức tuổi thơ tôi – Bùi Văn Tiếng

Sau hai mươi năm kể từ ngày khởi công động thổ, đến năm 1935, Musée Chàm được mở rộng diện tích lần thứ nhất để xây dựng thêm hai phòng trưng bày hiện vật nằm hai bên và thẳng góc về phía trước tòa nhà cũ. Và chính sự khuyếch trương qui mô lần ấy mà gia đình ông bà nội tôi cùng một số bà con trong làng lại thuộc diện phải “giải tỏa di dời” - tất nhiên phải tự tìm đất “tái định cư” và dường như chẳng ai được chính quyền Tourane “hỗ trợ đền bù” tiền nong gì cả.

Trước khi trở thành con dân rồi con dâu làng Nại, bà nội tôi từng trải qua thời con gái ở quê nhà là làng Bằng An -nay thuộc xã Điện An, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Bằng An có một tháp Champa khá nổi tiếng và không biết có phải bị cái cổ tháp này ám ảnh hay không mà sinh thời bà nội tôi rất sợ... ma Hời. Bà thường dặn dò tôi với sắc mặt đầy lo lắng: “Đi ngang qua Musée Chàm, thấy tiền rớt chớ có lượm nghe con - họ thư chết đó”. Theo như giải thích có vẻ hơi hoang đường của bà thì họ đây là mấy người Chăm chuyên bán thuốc dạo và thư là cách giết người bằng bùa ngãi. Từ đấy nỗi sợ vô hình của người phụ nữ làng Bằng An dường như đã được trao truyền trọn vẹn sang đứa cháu nội là tôi. Trọn vẹn đến mức đi ngang qua Musée Chàm không biết bao nhiêu lần, dẫu chưa bao giờ trông thấy tiền rơi để mà nghe theo lời bà ngó lơ không nhặt, song lần nào tôi cũng ghé mắt nhìn vào khoảng không gian xưa kia có nhà ông bà nội tôi ở đó như nhìn vào một cõi thiêng liêng thâm nghiêm chỉ có thể kính nhi viễn chi - tôn kính mà chẳng dám đến gần...

Lần đầu tiên tôi bước qua... nỗi sợ để vào tận bên trong Musée Chàm là năm tôi học đệ lục - tức lớp bảy ngày nay. Ấn tượng sâu sắc nhất của tôi sau buổi tham quan bảo tàng Champa hôm ấy chưa phải là lòng cảm phục về tài năng nghệ thuật điêu khắc của người Champa xưa, cũng chưa phải là niềm cảm cựu về “những người muôn năm cũ / hồn ở đâu bây giờ” (thơ Vũ Đình Liên), mà chính là cảm giác không-bị-sao-cả khi dám đứng chụp ảnh bên cạnh tác phẩm điêu khắc nguyên là thành bên trái của bậc thềm lên xuống cửa tháp, chạm trổ tinh xảo cảnh hai người đàn ông Champa đang cưỡi ngựa chơi cầu - tôi vốn cầm tinh con ngựa, thậm chí còn cả gan đưa tay sờ vào chiếc bụng tròn của tượng thần Ganesa... Thì ra tôi vẫn có thể đến gần, rất gần cõi thiêng liêng thâm nghiêm mà trong nhiều năm trước đó tôi cứ kính nhi viễn chi như đối với một không gian nào thật xa, một thời gian nào thật lạ. Đương nhiên tôi không thể giấu bà nội tôi cái cảm giác mới mẻ này. Và tôi nhớ bà đã ôm tôi vào lòng rồi thủng thẳng bảo rằng: “Vì con đang ở chỗ đông người, lại giữa ban ngày ban mặt!”...

Cho đến gần sáu mươi tuổi - tức non nửa thế kỷ từ khi nghe bà nội tôi nói vậy, tôi vẫn chưa có dịp, mà có dịp cũng chưa chắc dám, một mình đến Musée Chàm, một mình thôi, để xem tượng và phù điêu ở đây vào buổi tối. Nhưng cũng ngần ấy năm, tôi cứ ngẫm nghĩ hoài về câu nói năm xưa của bà nội tôi và mơ hồ cảm nhận được từ câu nói đó một gợi ý tuyệt vời cho những ai muốn thưởng lãm toàn bộ vẻ đẹp vốn có - nói cách khác là muốn chạm tay vào tận phần hồn của các tác phẩm nghệ thuật điêu khắc Champa. Người ta thường bảo khi người nghệ sĩ điêu khắc sáng tạo nên một pho tượng hoặc một bức phù điêu là đã thổi hồn vào khối chất liệu vô tri như đá như gốm như đồng kia... Và những người có thị hiếu thẩm mỹ, am hiểu đặc trưng nghệ thuật tạo hình thì dẫu đang ở chỗ đông người và giữa thanh thiên bạch nhật vẫn có thể chiêm ngưỡng trọn vẹn vẻ đẹp thẩm mỹ, chiều sâu tư tưởng, tầm cao triết lý trong từng cổ vật. Tuy nhiên nếu chỉ vậy thôi thì vẫn chưa thể gọi là đã chạm được tay vào tận phần hồn của những pho tượng và những bức phù điêu được sưu tầm từ các đền tháp Champa rêu phong cổ kính...

Những pho tượng và những bức phù điêu trong cái bảo tàng độc đáo này dường như không chỉ đến từ thế giới nghệ thuật mà còn là và chủ yếu là đến từ thế giới thần linh – nói khác đi đã hai lần thăng hoa so với cõi thực. Có người từng nói rất đúng rằng không gian trong Musée Chàm phải là không gian mà khách tham quan có thể trở thành kẻ hành hương để không phải chiêm ngưỡng mà là chiêm bái những tác phẩm điêu khắc hai-lần-thăng-hoa ấy. Chính vì lẽ đó nên chăng cần tổ chức thêm một dịch vụ mới ở Bảo tàng Điêu khắc Chăm: khách có nhu cầu chiêm bái chứ không chỉ muốn chiêm ngưỡng bình thường, có thể đăng ký với cơ quan quản lý bảo tàng để mua vé tham quan vào buổi tối, với số lượng hạn chế sao cho mỗi phòng trưng bày chỉ có một người xem duy nhất, tất nhiên với giá vé cao hơn so với giá vé tham quan đại trà ban ngày. Hãy thử hình dung trong cái tĩnh lặng của đêm, khi khách tham quan một mình đối diện với thế giới vừa-thần-linh-vừa-nghệ-thuật của tượng Bồ tát Tara - tượng đồng lớn nhất và là một trong rất ít tượng đồng của nghệ thuật điêu khắc Champa, tượng thần Ganesa mình người đầu voi bằng sa thạch, cùng bao nhiêu là tượng là phù điêu rất quen mà rất lạ, chắc hẳn người xem sẽ có cách tiếp nhận thẩm mỹ khác với thông thường...

Một bảo tàng đúng nghĩa không chỉ là nơi trưng bày càng không phải là kho chứa. Một bảo tàng đúng nghĩa phải thực sự tạo nên ký ức và hơn thế - tạo nên ấn tượng. Musée Chàm từng tạo nên ký ức và cả ấn tượng nữa, nhưng không có nghĩa sẽ mãi mãi làm được như vậy. Tượng và phù điêu trong Musée Chàm được dày công sưu tầm từ nhiều đền tháp Champa nằm dọc các tỉnh duyên hải miền Trung từ Quảng Trị đến Bình Định và lần lượt “nhập tịch” vào bảo tàng này ở những thời điểm khác nhau. Quá trình sưu tầm ấy được khởi sự trước khi có Musée Chàm và cho đến nay - sau hai lần mở rộng diện tích - vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc, số lượng cổ vật cứ không ngừng tăng lên theo thời gian, dẫn tới không gian trưng bày trở nên “quá tải” không chỉ với những người hành hương có nhu cầu chiêm bái - điều đó đã đành - mà với cả những khách tham quan chiêm ngưỡng bình thường, thậm chí với những kẻ chỉ muốn cưỡi ngựa xem hoa. Vì thế việc mở rộng quy mô Bảo tàng Chăm cần được đặt ra như một đòi hỏi vô cùng cấp thiết...

Mở rộng quy mô Bảo tàng Điêu khắc Chăm lần thứ ba này rất cần được tính toán theo một tư duy khác trước. Nghĩa là không nên mở rộng diện tích trưng bày... tại chỗ. Nghĩa là phải nghĩ đến một bảo tàng điêu khắc Champa mới nằm thật... xa Musée Chàm. Nghĩa là phải nghĩ đến một bảo tàng điêu khắc Champa mới có đủ chỗ để trưng bày hết số cổ vật đương được bảo quản trong kho cộng với số dự báo sẽ tiếp tục được sưu tầm trong nửa thế kỷ đến; có đủ chỗ để phục dựng những tháp Champa nổi tiếng - tất nhiên dưới dạng mô hình; cũng như có đủ chỗ để khách tham quan có thể nghe các nhà Champa học ở Đà Nẵng, ở trong nước cũng như đến từ nước ngoài giới thiệu những thành tựu mới về nghiên cứu Champa nói chung và nghệ thuật điêu khắc Champa nói riêng, hay để thưởng thức các vũ công trình diễn những điệu múa Champa - từ múa dân gian cho đến múa cung đình, hoặc để mua những mặt hàng lưu niệm cao cấp liên quan đến nền văn hóa Champa vang bóng một thời... Trong khi chờ cái bảo tàng điêu khắc Champa mới ấy, có thể nghĩ đến hình thức đưa khách tham quan Bảo tàng Điêu khắc Chăm hiện nay đi dã ngoại ở làng Phong Lệ, xã Hòa Thọ Đông - nơi đang tiến hành khai quật một quân thể phế tích đền tháp Champa lần đầu tiên được phát hiện trên đất Đà Nẵng này.

 

B.V.T