Âm nhạc của sẻ chia

29.07.2021
Thùy Trang
Lan tỏa năng lượng tích cực, những ca khúc ra mắt mùa dịch không náo nhiệt ở các bảng xếp hạng nhưng là vết son đọng lại trong tâm trí người yêu nhạc.

Âm nhạc của sẻ chia

Ca sĩ Ưng Hoàng Phúc và các nghệ sĩ khẩn trương thu âm để tung ra ca khúc cổ vũ tinh thần tuyến đầu chống dịch và lan tỏa thông điệp tích cực đến cộng đồng Ảnh: NVCC

Bộ đôi ca khúc "Bài ca khu cách ly" và "Mong sao hết dịch" của nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung vừa ra mắt đã thu hút sự chú ý của khán giả yêu nhạc. Nếu "Bài ca khu cách ly" nói về sự lạc quan của một chàng trai đang trong khu cách ly, không được gặp bạn gái của mình thì "Mong sao hết dịch" chính là tâm trạng của cô gái đó.


Lan tỏa yêu thương

Theo nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung, ca khúc viết về những mong muốn của cô gái, mong sớm hết dịch để được gặp lại bạn trai, được ăn những món mình thích, đi du lịch, gặp bạn bè... Những điều mà trước đây vốn rất bình thường, giờ đây lại trở thành niềm ước mơ của biết bao người.

Chỉ tính riêng trên nền tảng TikTok, clip "Bài ca khu cách ly" đã thu hút hơn 580.000 lượt xem, nghe tại tài khoản của nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung. Kèm theo đó là hàng chục ngàn lượt yêu thích, chia sẻ và bình luận. Cũng dễ hiểu khi ca khúc này được phóng tác từ bản hit "Chiếc khăn gió ấm" năm nào. 

Bên cạnh đó, ý nghĩa kêu gọi phòng chống Covid-19 cũng rất phù hợp hoàn cảnh hiện tại. Trong khi đó, với màu sắc trong trẻo, vui tươi, ca khúc "Mong sao hết dịch" của nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung với tiếng hát của Như Thùy thực sự thành công trong việc lan tỏa thông điệp lạc quan cho người nghe. 
Trước đó, ca khúc "Ngày mai lại tươi sáng" với thể loại nhạc truyền cảm hứng, ca ngợi tinh thần chống Covid-19 của đội ngũ y, bác sĩ của Nguyễn Văn Chung cũng được khán giả đón nhận. "Có những anh hùng thầm lặng hy sinh/ Vì những người khác quên bản thân mình/ Ta kính nghiêng mình vì nợ họ những ân tình/Vì mang cho ta niềm tin"… Từng lời ca cũng là nỗi niềm của bao người muốn gửi đến lực lượng tuyến đầu chống dịch. Bài hát còn gửi gắm ước mong dịch sớm được kiểm soát, mọi người trở về cuộc sống bình yên.

Tiếp theo thành công của ca khúc "Ngộ", nhạc sĩ Quốc An cũng vừa giới thiệu ca khúc "Cách ly" viết về tình người, đùm bọc, nhường cơm sẻ áo cho nhau những ngày giãn cách. Anh gửi hy vọng vào lực lượng tuyến đầu đang chống dịch, mơ một ngày "nhà nhà thôi không cách xa". Cả hai bài hát "Ngộ" và "Cách ly" của nhạc sĩ Quốc An không chỉ là lời tri ân đến các đội ngũ tuyến đầu chống dịch mà còn lan tỏa tinh thần lạc quan, niềm tin vào cuộc sống, hướng đến một tương lai tươi sáng, tốt đẹp. "Bản thân mình là nghệ sĩ, muốn lan truyền các điều tốt đẹp, muốn lan tỏa năng lượng tích cực, nhất là trong mùa dịch này, để mọi người tạm quên đi những âu lo" - nhạc sĩ Quốc An nói.

Cùng hướng về thành phố thân yêu

Mới đây, ca sĩ Ưng Hoàng Phúc cũng đã thực hiện sản phẩm "Cố lên Sài Gòn" với nhiều giọng ca, nhằm cổ vũ tinh thần tuyến đầu chống dịch và lan tỏa thông điệp tích cực đến cộng đồng, nhận được sự yêu thích của khán giả. Ưng Hoàng Phúc cho biết: "Là một nghệ sĩ, tôi muốn góp thêm sức cho cuộc chiến chống dịch Covid-19. Bài hát "Cố lên Sài Gòn" với lời ca đầy ý nghĩa chính là tinh thần mà tôi cùng các đồng nghiệp muốn gửi đến mọi người. Dịch bệnh rồi sẽ sớm qua đi, mỗi người hãy đồng lòng và luôn giữ tinh thần để vượt qua giai đoạn khó khăn này".

Ca khúc có giai điệu nhẹ nhàng, dễ nghe, được nhạc sĩ Nguyễn Hoài Anh sáng tác trong thời điểm dịch bệnh bùng phát trở lại, làm đảo lộn cuộc sống của mọi người. Các nghệ sĩ mong mọi người cùng nhau cố gắng vì cộng đồng, vì chính gia đình và bản thân mình. Tạm thời cố gắng thay đổi những thói quen của bản thân để cùng nhau giúp TP mau chóng lấy lại những hình ảnh thân thương trước kia.

Mạng xã hội cũng đang xôn xao ca khúc "Sài Gòn tôi sẽ" do thầy giáo tiếng Anh Nguyễn Thái Dương thực hiện. Bài hát là cảm xúc của Thái Dương khi chứng kiến mảnh đất quê hương xứ sở đã nuôi nấng mình khôn lớn, bỗng vắng lặng, đìu hiu khi đại dịch ập xuống. Dù hiện tại dịch bệnh căng thẳng, Thái Dương giữ vững một niềm tin mãnh liệt vào việc chiến thắng dịch bệnh: "Sài Gòn tôi sẽ tái sinh rạng ngời/ Sẽ như lúc xưa sẽ lại vui/ Bình Tân, Gò Vấp, Hóc Môn, Phú Nhuận/ Sẽ ôm siết nhau, bắt tay, vui mừng". 

Đặt lời cho dân ca

Những ngày qua, cùng với âm nhạc hiện đại, các tác giả âm nhạc truyền thống cũng mang những lời ca, tiếng hát bước vào cuộc chiến chống đại dịch. Nhiều tác giả đã đặt lời mới cho những làn điệu dân ca truyền thống nhằm tạo sự gần gũi, góp phần tuyên truyền đẩy lùi dịch Covid-19, như hát chèo "Chiếc khẩu trang nghĩa tình" của Hoàng Thị Dư, hát xẩm "Tiêu diệt Corona" của Nguyễn Quang Long, "Thiết tha lời Then chống dịch", "Covid lịch sử", "Lời Then đuổi giặc Encovy", "Đẩy lùi Covid đi xa" và "Mười thương chống dịch" của Mai Văn Lạng...

Đặc biệt, bài hát "Trống cơm chống Covid-19" do tác giả Khúc Đạo Minh viết lời mới đã gây ấn tượng sâu sắc đến người nghe. Bài hát dựa theo làn điệu dân ca Bắc Bộ, vừa quen thuộc lại vừa có giai điệu tươi vui, trẻ trung. Điều này rất phù hợp với việc lan tỏa tinh thần lạc quan để người nghe bớt căng thẳng trong thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp hiện nay.

(nld.com.vn)