Thị trường nghệ thuật Đà Nẵng: Cơ hội và thách thức
Tác phẩm "Ngọ môn Huế" thuộc dòng tranh sơn mài của họa sĩ Nguyễn Hữu Đức được một nhà sưu tập người Pháp gốc Việt mua. Ảnh: NVCC |
Bước chuyển quan trọng
Tới nay, giới hội họa thành phố vẫn còn nhớ câu chuyện “bán tranh” của họa sĩ Nguyễn Hữu Đức (SN 1991, hội viên Hội Mỹ thuật thành phố). Bởi lẽ, đó là những tác phẩm không chỉ có giá trị về nghệ thuật mà mức giá được nhà sưu tập đưa ra thuộc hàng “top đỉnh”. Trong số hơn 100 bức tranh được bán, tiêu biểu là hai bức tranh “Chiều vàng” và “Ngọ môn Huế” được sáng tác các năm 2020-2021 với mức giá lần lượt 10.000 USD và 12.000 USD. Bức “Chiều vàng” được một nhà sưu tập trong nước mua lại, còn bức “Ngọ môn Huế” thuộc sở hữa của một nhà sưu tập tư nhân người Pháp gốc Việt (sinh sống tại Paris, Pháp). Ở độ tuổi của mình, Nguyễn Hữu Đức được giới hội họa thành phố đánh giá cao bởi năng lực sáng tạo bền bỉ, đều tay với phong cách vẽ tranh nhanh chóng và điêu luyện.
Đầu tư hay sưu tầm tác phẩm nghệ thuật không còn là chủ đề mới mẻ. Mấy năm gần đây, phong trào mỹ thuật thành phố phát triển mạnh mẽ, các buổi triển lãm được tổ chức nhiều hơn và bắt đầu hình thành thú sưu tập tranh, tác phẩm nghệ thuật. Gu của mỗi nhà sưu tập khác nhau, nhưng nhìn chung những nhà sưu tập nước ngoài đa số thích các tác phẩm nghệ thuật truyền thống Việt Nam như sơn mài và lụa.
Cũng có nhiều nhà sưu tập thích các tác phẩm đương đại có tư duy mới mẻ, đoạt giải thưởng. Nguyễn Hữu Đức chia sẻ: “Một tác phẩm nghệ thuật nếu muốn “lọt vào mắt xanh” của các nhà sưu tập thì phải đạt các tiêu chí về bố cục, màu sắc, nội dung và ý nghĩa của tác phẩm đó. Nội dung thể hiện phải mang cá tính của tác giả để không bị lẫn lộn. Và tiêu chí để mua tác phẩm nghệ thuật là... không có tiêu chí nào. Người mua tác phẩm cũng không mua một cách tung hứng hoặc a dua, họ cũng phải học hỏi trau dồi kiến thức, dành thời gian đi xem các triễn lãm trong và ngoài nước hay các viện bảo tàng trên thế giới... Từ tiếp cận với nghệ thuật, hiểu được giá trị nghệ thuật và lúc đấy họ có thể mua những tác phẩm có giá trị. Vì vậy, việc quảng bá hay truyền thông cho nghệ thuật để phổ cập đại chúng là quá trình không phải ngày một ngày hai là có được kết quả”.
Họa sĩ Thân Trọng Dũng, Chủ tịch Hội Mỹ thuật thành phố, người có nhiều tác phẩm hội họa được mua bán, trao đổi cho biết, mỗi tác phẩm tranh vẽ, nghệ thuật đều có hai giá trị đi kèm và song hành là giá trị văn hóa và giá trị tài chính/đầu tư. Tác phẩm không có giá trị công năng nhưng nó mang đến trải nghiệm cho người xem; tác phẩm nghệ thuật cũng có thể sinh lời hoặc dùng để bảo hộ các loại tài sản khác. Khi nhìn vào những người hoặc hội nhóm sưu tầm nghệ thuật tại Việt Nam, có lẽ điều dễ thấy nhất chính là việc họ đã trở thành những giám tuyển độc lập cho chính bộ sưu tập của mình.
Thị hiếu sưu tầm tranh tại Việt Nam tuy vẫn còn nhỏ so với các thị trường khác trong khu vực như Bangkok, Singapore… nhưng thời gian gần đây đang phát triển rất nhanh. Không chỉ số lượng các buổi triển lãm được tổ chức ngày càng nhiều và đa dạng, số lượng khán giả thưởng lãm tăng nhanh, dự báo cho một thị trường năng động trong thời gian tới. Bên cạnh đó, các nhà đấu giá lớn đã để ý đến Việt Nam, tạo nên thị trường nghệ thuật sôi động hơn bao giờ hết. Dù chưa chính thức có những cuộc đấu giá nghệ thuật thương mại, đây vẫn được xem là bước chuyển quan trọng với thị trường nghệ thuật. Đó là sự bắt đầu cho một thị trường nghệ thuật đầy tiềm năng; và cũng là lý do ta nên nghĩ về chuyện đầu tư vào nghệ thuật ngay bây giờ.
Dễ dàng tiếp cận nghệ thuật
Công chúng đang tiếp cận nghệ thuật dễ dàng hơn. Không khó để khán giả có thể tìm thấy thông tin, qua sách báo lẫn các kênh thông tin xã hội… Các nghệ sĩ và tác phẩm được trao đổi và bàn luận một cách sinh động hơn, mở ra một “ánh nhìn" về đời sống nghệ thuật, tinh thần của xã hội.
Công chúng cũng có thể tham gia các buổi triển lãm nghệ thuật quy mô được Hội Mỹ thuật thành phố tổ chức hoặc thưởng lãm các tác phẩm ở những hệ thống bảo tàng công, phòng trưng bày hay không gian nghệ thuật do tư nhân tổ chức. Ở đó, dòng chảy nghệ thuật dường như đã thổi vào niềm yêu thích, và xa hơn là tạo ra thói quen thưởng lãm nghệ thuật của một lớp công chúng mới. Khán giả Đà Nẵng đang hình thành thói quen thưởng lãm nghệ thuật một cách tích cực và năng động, từ đó thúc đẩy nhu cầu sưu tầm. Và chính họ cũng dần trở thành những giám tuyển cho bộ sưu tập nghệ thuật của riêng mình.
Những triển lãm như “Nắng tháng 4” do Hội Mỹ thuật thành phố tổ chức năm nay là một ví dụ như thế. Đó là dịp để những người làm nghệ thuật, những nghệ sĩ cùng gặp gỡ, giao lưu, thể hiện những ý tưởng. Đây cũng là cơ hội để những ai yêu mến nghệ thuật có dịp thưởng lãm và cảm nhận về nghệ thuật của các nghệ sĩ, họa sĩ. Sự đam mê cái đẹp, sự trân quý người nghệ sĩ thôi thúc người xem tạo ra một bộ sưu tập nghệ thuật của riêng mình.
Họa sĩ trẻ Nguyễn Hữu Đức chia sẻ, việc tiếp cận thị trường nghệ thuật của bản thân là được các nhà sưu tập liên lạc làm quen, đặt hàng khi tình cờ nhìn thấy tranh của anh trên các trang mạng xã hội. Đơn cử, năm 2021, Đức nhận cuộc gọi từ nhà sưu tập người Pháp gốc Việt với yêu cầu bức tranh phải thể hiện được không khí của triều đại nhà Nguyễn hào hùng, không gian bối cảnh của một buổi chiều; phải dùng nhiều chất liệu vàng để tôn vẽ đẹp cổ kính, sang trọng của Ngọ môn Huế, kinh thành triều Nguyễn. Thời gian hoàn thiện bức tranh "Ngọ môn Huế" tầm 8-9 tháng.
Khá “mát tay” trong việc mua bán, trao đổi tranh, họa sĩ Phạm Anh (SN 1990, hội viên Hội Mỹ thuật thành phố) bộc bạch rằng, thường thì các nhà sưu tập tiếp cận các tác phẩm qua các cuộc triễn lãm, qua các kênh truyền thông và mạng xã hội. Đầu năm 2024, một nhà sưu tập người Úc sống tại Hà Nội, thông qua mạng xã hội đã kết nối và bày tỏ mong muốn đến thăm xưởng vẽ của tôi. Sau buổi nói chuyện, nhà sưu tập này quyết định sở hữu bộ tác phẩm "Lập Phương" của Phạm Anh.
Vắng bóng các curator
Họa sĩ Thân Trọng Dũng nhìn nhận, việc vắng bóng các curator (người giám tuyển) để giám sát, tuyển chọn tác phẩm, nghệ sĩ tham gia sự kiện khiến thị trường nghệ thuật ở Đà Nẵng chưa thể so sánh với những thị trường như ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh hay nhiều nơi khác trên thế giới. Vai trò của người giám tuyển rất quan trọng trong việc đưa nghệ thuật đến với công chúng và tiếp cận thị trường. Họ là người đứng ra tổ chức các buổi triễn lãm, viết lách phê bình, kết nối nghệ sĩ với với các nhà sưu tập, họ là cầu nối giữa nghệ thuật và công chúng, họ cũng là người được hưởng lợi từ nghệ sĩ. Nếu để người nghệ sĩ “ôm” tất cả những công việc trên thì không thể tập trung cho việc sáng tạo nghệ thuật. Công việc của người nghệ sĩ là người thực hành nghệ thuật, đơn giản là họ tập trung với công việc của mình ở xưởng, còn việc các tác phẩm của nghệ sĩ đến với thị trường và công chúng sẽ là việc của người giám tuyển.
Có hàng trăm tác phẩm hội họa được bán nhưng họa sĩ Phạm Anh vẫn cho rằng, Đà Nẵng chưa định hình được thị trường mua bán, trao đổi tác phẩm nghệ thuật. Chỉ mới dừng lại ở các dòng tranh in, tranh thương mại phục vụ trang trí các khách sạn, resort... Không ít người treo tranh chỉ quan tâm đến việc hợp mệnh, hợp phong thủy mà quên mất yếu tố chính là "giá trị nghệ thuật". Vẫn có các cuộc triễn lãm nghệ thuật thuần túy được Hội Mỹ thuật thành phố hoặc các cá nhân, nhóm họa sĩ tổ chức hằng năm nhưng hầu như vắng bóng người xem, chỉ những người trong giới mỹ thuật quan tâm tới xem và chúc mừng triển lãm mà thôi. “Riêng tôi nhận thấy, hiện nay các họa sĩ ở Đà Nẵng rất khó để tiếp cận với thị trường nghệ thuật. Vẫn phải tự thân vận động. Dẫu vậy, cần có hành trình lao động sáng tạo nghệ thuật bền bỉ không từ bỏ”, họa sĩ Phạm Anh nói.
Nghệ thuật mang lại vẻ đẹp để người xem chiêm nghiệm và đúc kết giá trị; để khán giả ngưỡng mộ bởi trình độ, kỹ năng vượt lên trên mức thông thường. Để được gọi là nghệ thuật thì nghề nghiệp đó phải đạt đến trình độ điêu luyện đến mức tuyệt đối. Và dù ở thời đại nào, nghệ thuật luôn là món ăn tinh thần không thể thiếu, là liều thuốc chữa lành, là thứ đem lại cảm xúc khó tả; mang đến cho con người cảm giác thư thái, thỏa mãn. Người làm nghệ thuật không chỉ cần có tâm mà phải có một tài năng đặc biệt, tạo cảm giác phấn khích cho người hưởng thụ.
Không chỉ số lượng các buổi triển lãm được tổ chức ngày càng nhiều và đa dạng, số lượng khán giả thưởng lãm tăng nhanh, dự báo cho một thị trường năng động trong thời gian tới. Bên cạnh đó, các nhà đấu giá lớn đã để ý đến Việt Nam, tạo nên thị trường nghệ thuật sôi động hơn bao giờ hết. Dù chưa chính thức có những cuộc đấu giá nghệ thuật thương mại, đây vẫn được xem là bước chuyển quan trọng với thị trường nghệ thuật. |
(baodanang.vn)