Võ Rồng ở nước Việt

12.01.2024
Phan Thanh Đà Hải

Võ Rồng ở nước Việt

Võ sư Phạm Đình Trang đang thi triển công phu Long Hổ quyền (Ảnh vienvohocvietnam.vn).

Đất nước ta vốn dĩ “con Rồng, cháu Tiên” nên hình tượng Rồng xuất hiện rất nhiều trong dân gian và võ thuật cũng không ngoại trừ.  Võ thuật Long quyền được thi triển trên thân pháp của Rồng, mềm mại và uyển chuyển, uốn lượn mà uy mãnh; lúc ẩn, lúc hiện, lúc thăng thiên, lúc giáng địa. Biểu hiện khôn lường còn gọi là “Bát bộ thiên long” – làm chủ trời đất, 4 phương 8 hướng. Nhân năm Thìn, xin giới thiệu một số môn phái võ Rồng.

Long Hổ môn

Tương truyền, Phạm Hầu làm quan Lãnh binh Trấn thủ thành Quảng Ngãi dưới thời vua Quang Trung. Lúc chúa Nguyễn Ánh tiêu diệt nhà Tây Sơn, ông lui về Thu Xà sống ẩn dật, chuyên tâm luyện công. Thành quả khổ luyện của ông đã khai sinh Long quyền. Suốt nhiều thế kỷ, Long quyền chỉ truyền lưu trong dòng họ Phạm.

Đến khoảng cuối thế kỷ XVII, người cháu ba đời của ông Phạm Hầu là võ sư Phạm Định đã âm thầm truyền dạy tinh hoa võ học của dân tộc lại cho bốn người con của mình và sau đó mời một vị võ sư Thiếu Lâm Bắc phái Hổ quyền về nhà dạy võ cho các con của mình.

Đến năm 1920, dựa trên sở học của mình, võ sư Phạm Trinh là con ông Phạm Hầu đã tổng kết toàn bộ tinh hoa của Thiếu Lâm Bắc phái Hổ quyền và Tây Sơn Long quyền mà trước đây đã được học để tạo lập nên võ phái Thiếu Lâm Tây Sơn Long Hổ Môn Võ Đạo (gọi tắt là Long Hổ Môn).

Đến đời võ sư Phạm Tài - chưởng môn đời thứ hai - dòng võ này đã được quảng bá ở phương Nam. Hơn 40 năm qua, con trai ông là võ sư Phạm Đình Trang - chưởng môn đời thứ ba tiếp tục phát triển võ phái này tại Bình Thuận. Suốt chiều dài lịch sử, Long hổ môn đã đóng góp cho làng võ cổ truyền Việt Nam nhiều gương mặt tài năng, đạt thành tích cao trên đấu trường cả nước.  Hai người con của ông là Thạc sĩ, Võ sư Phạm Đình Phú và Tiến sĩ, Võ sư Phạm Đình Quý ít nhiều đều đã có những sự thành công trên con đường võ học giống như ông và những tiền nhân đi trước.

Vũ điệu Long Hổ kết hợp của bài quyền trong Long có Hổ, võ sinh Long Hổ Môn phải biết lột tả uy lực của bộ pháp, nhãn pháp có lửa, thân pháp như nước, cước pháp chớp nhoáng uy lực, quyền pháp biến ảo.

Long Xà quyền

Theo võ sư Hồ Công Vinh - truyền nhân đời thứ 9 cho biết, ông tổ của dòng tộc Hồ đã đến đây từ rất sớm. Câu chuyện khai cơ lập nghiệp cho dòng tộc và khai sáng võ phái Hồ Công được anh kể như sau:

Sách “Đại Nam nhất thống chí” có ghi, tướng quân Hồ Công Sùng làm quan triều Mạc, nổi tiếng là người đảm lược, tài ba nên được làm đến chức “Đô chỉ huy sứ Thiêm sự vệ phủ Nam”. Đầu thế kỷ XVII, tướng quân Hồ Công Sùng từ quan dẫn ba người con trai vào miền đất Châu Bí khai hoang, mở đất. Và, việc đánh rắn, đuổi cọp trên núi Cấm đã được ông đúc kết kinh nghiệm, sáng chế ra những thế võ độc đáo, đặt tên là võ Long Xà.

Võ sư Hồ Công Vinh múa roi biểu diễn trước sân nhà thờ tộc hồ Công (Ảnh vienvohocvietnam.vn).

Những thế võ đó hầu hết được mô phỏng từ những thế trườn, quật bắt mồi của loài rắn dữ, dựa vào đặc điểm phối hợp cương nhu, mà rèn luyện thân pháp cho người tập võ dẻo dai, uyển chuyển như rồng cuộn trong mây. Người ngoài cuộc nhìn đòn, thế đánh ra, có lúc thấy nhẹ như bông nhưng thực chất thì đối phương chống đỡ thấy nặng tựa ngàn cân...

Theo anh Vinh, tất cả con, cháu trai nhiều đời sau của các ông đều rèn luyện võ nghệ tinh thông, thuần thục và truyền nối từ đời này sang đời khác. Từ thời ấy cho đến mấy trăm năm sau, võ phái Hồ Công cũng chỉ lưu truyền võ nghệ trong con cháu của dòng họ. Con gái tộc Hồ cũng không được học những thế bí truyền.

Mãi đến đầu thế kỷ XX, quy luật “Ngoại tộc bất truyền” này mới được bãi bỏ vì hầu hết các võ sĩ Hồ Công đều là những chiến sĩ trong các phong trào yêu nước, đấu tranh chống kẻ thù xâm lược. Từ đây, họ mang kỹ thuật chiến đấu bí truyền của môn phái ra dạy cho nghĩa quân để chống lại quân thù.

Võ phái Hồ Công có nhiều võ sĩ rất xuất sắc về tài nghệ. Người đầu tiên cần nhắc đến trong số đó là ông Hồ Hương, truyền nhân đời thứ 7 của Hồ Công võ phái. Tuyệt chiêu của ông là khinh công và nổi tiếng với cú “đá trói” chuyên “phá giò” đối thủ. 

Tiếp đến là võ sư Hồ Điệp, vừa là học trò vừa là cháu gọi ông Hồ Hương bằng bác ruột, ông học võ với bác từ năm 7 tuổi. Ông là truyền nhân đời thứ 8 của võ phái, và đã đào tạo rất nhiều võ sĩ lừng danh trên các võ đài như: Hồ Cưu, Hồ Cập, Hồ Hiểu, Hồ Phước, Hồ Hồng Quang, Hồ Ôn, Hồ Dần... Trong những võ sĩ xuất sắc có Hồ Cưu và Hồ Cập là 2 anh em ruột.

Võ sư Hồ Cưu sinh năm Quý Sửu (1913), mất năm Mậu Tý (1948), còn gọi là “Thắng Cưu”. Ông nổi tiếng với biệt tài “hốt ngựa” túm đối phương ném xuống đài. Từ năm 1935 đến năm 1940, Hồ Cưu đã giành được các danh hiệu Vô địch Quảng Nam, Vô địch miền Trung, Vô địch miền Nam, và trong 2 năm 1937 - 1938, Hồ Cưu vô địch trận đài 5 xứ Đông Dương (Bắc kỳ, Trung kỳ, Nam kỳ, Cambodia và Lào) do Pháp tổ chức.

Võ sư Hồ Cập, em ruột của Hồ Cưu cũng là một võ sĩ “bất khả chiến bại” trong nhiều năm. Ông cùng với Hồ Cưu đã từng so tài với các võ sĩ thượng thặng thời ấy như: Bửu Tiễn, Huỳnh Tiền, Minh Cảnh, Hồ Trọng Sơn, Đỗ Hy Sinh, Tôn Ngọc Lực và đoạt các chức vô địch Quảng Nam, Vô địch miền Trung, Vô địch miền Nam, vô địch Đông Dương từ năm 1938 đến 1941 ở hạng B (Hồ Cưu vô địch ở hạng A). Võ sư Hồ Cập nổi tiếng với thế võ “Nghịch cước xuyên tâm”. Ông mất năm 1968.

Võ sư Hồ Công Vinh là con của võ sư Hồ Điệp, truyền nhân đời thứ 9 của võ phái Hồ Công từ năm 2001 khi thân phụ qua đời. Ông sinh năm 1955, học võ với cha từ thuở nhỏ và thượng đài đấu võ lần đầu tiên vào năm 16 tuổi (1971) tại võ đài Ngô Văn Sở - Đà Nẵng. Năm 1981, Hồ Công Vinh mở võ đường Long Xà ở Châu Bí, ông đã đào tạo được nhiều võ sĩ xuất sắc như: Nguyễn Văn Trị (2 huy chương vàng huyện Điện Bàn),  Đỗ Thanh An (huy chương đồng tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng), Trần Văn Đạt (2 huy chương bạc tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng), Lê Văn Tâm (huy chương vàng tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng), Hồ Công Thạch (con của võ sư Hồ Công Vinh, huy chương vàng Giải trẻ toàn quốc, huy chương bạc Giải vô địch quốc gia), Võ Thành Long (huy chương vàng Giải vô địch quốc gia 3 năm liền 2004 - 2006)...

Sa Long cương

Đất Lam Kinh xưa có một dòng võ xuất xứ từ cửa Thiền nên làng võ gọi là “Sa môn”. Theo thời gian, môn võ này dần phổ biến cho môn đồ tục gia. Sau này, theo sở đắc của những cao đồ có tính cách tân, Sa môn phân hóa thành bốn chi là Long, Hổ, Phong, Vân.

Chi thứ nhất là “Sa long môn” đến đời võ sư Trương Thanh Đăng (1895 - 1985) đổi tên là “Sa long cương”, được phổ biến đến Sài Gòn vào năm 1930. Chi thứ hai là “Sa hổ môn” được lưu truyền tại một ngôi cổ tự ở Long Phú (Sóc Trăng). Đến đời truyền nhân Hổ Bạch Ân (1929 - 2010) đổi tên thành “Bạch hổ môn”, được phổ biến đến Sài Gòn vào năm 1959. Chi thứ ba là “Sa phong môn”, lưu truyền đến Thất Sơn cuối thế kỷ XIX rồi thất truyền. Chi thứ tư là “Sa vân môn” phát triển đến Bình Định, đến đời truyền nhân thứ 39 - võ sư Đoàn Phong - kết hợp với chi thứ nhất thành “Sa Vân Long”. Đến đời chưởng môn thứ 41 - võ sư Phạm Đình Trọng - phổ biến Sa Vân Long đến Lâm Đồng vào năm 1950.

Võ sư Trương Thanh Đăng biểu diễn quyền pháp của môn phái Sa Long cương (Ảnh tư liệu).

Nhà họ Trương đông con, nhưng chỉ có cậu Bảy Đăng tên thật là Trương Thanh Đăng (1895 - 1985), sinh quán tại Phan Thiết, được ông ngoại chọn làm người kế thừa dòng võ gia truyền của họ ngoại là “Sa long môn”. Với niềm đam mê và thiên tư sẵn có, khi mới 5 tuổi, cậu Bảy đã lĩnh hội trọn vẹn sở đắc của ông. Không tự mãn, mới 14 tuổi, Bảy Đăng lặn lội khắp Cẩm Thượng, Phù Mỹ, An Nhơn, An Vinh, An Thái theo học với Hai Cụt, Đinh Cát, võ cử Trương Trạch, những bậc thầy Tây Sơn quyền.

Sau 10 năm tầm sư học đạo trên đất võ Bình Định, Bảy Đăng còn may mắn được học thêm Thiếu Lâm quyền với mấy ông thầy người Hẹ và Phước Kiến. Với vốn võ học đa dạng, trong những năm 20 của thế kỷ trước, “ngọn cước Bảy Đăng” vang danh khắp một dải đất miền Trung. Có tên tuổi, ông mở lò võ truyền lại ngón nghề cho lớp trẻ. Ngoài nghề võ, ông còn giáo dục môn sinh lòng yêu nước, tinh thần tự tôn dân tộc, không khuất phục trước ngoại bang. Đây là lý do khiến ông bị cấm dạy võ vì tội “âm mưu làm quốc sự”. Năm 1930, thầy Bảy Đăng vào Sài Gòn, dạy võ bán công khai tại tư gia. Mãi đến năm 1964, ông mới chính thức trương bảng hiệu “Võ đường Sa Long Cương” tại số 137/43 Nguyễn Cư Trinh, Q.1 (Sài Gòn).

Trong nửa đầu thế kỷ XX, ông được xưng tụng là “Tam Nguyệt” cùng với các bậc thầy Vũ Ba Oai (1903 - 2001) và Quách Văn Kế (1897 - 1976). Sau hơn nửa thế kỷ quảng bá, Sa long cương có mặt khắp các tỉnh thành, cả ở hải ngoại như Mỹ (Texas, Cali¬fornia), Pháp (Marseille), Canada (Montreal), Ý (Milan, Novara). Năm 1985, thầy Bảy khuất núi, quyền chưởng môn trao lại cho trưởng nam, võ sư Trương Bá Đương. Năm 1995, khi tuổi đã cao, thầy Đương trao quyền điều hành môn phái lại cho võ sư trưởng tràng Lê Văn Vân. Năm 2004, Liên đoàn Quốc tế Bình Định Sa Long Cương chính thức ra đời tại Canada và võ sư Vân được tín nhiệm bầu vào cương vị Chủ tịch Liên đoàn. Rất tiếc, vào ngày 22/10/2009, anh đột ngột ra đi khi còn ấp ủ nhiều dự án đưa “con rồng trên đồi cát” bay xa khắp thế giới. Nỗi bang hoàng, đau xót càng dâng cao khi võ sư Trương Bá Đương nối bước ra đi vào ngày 16/8/2010. Các võ sư Trần Trọng Hiếu, Tạ Văn Chiến, Lưu Văn Trọng, Trần Phú Hữu, Ngô Nguyên Đức… hiện là các trụ cột của Liên đoàn Quốc tế Bình Định Sa Long Cương.

Sa Vân Long

Vốn dòng dõi nhà Lê, tổ phụ ông Phạm Đình Trọng là chí sĩ Lê Quang tham gia phong trào Duy Tân của cụ Phan Chu Trinh. Khi phong trào bị đàn áp, cụ Lê phải bỏ xứ chạy vào Nha Trang lánh nạn. Để không bị truy lùng, cụ thay tên đổi họ, sống ẩn dật với nghề phục dược. Từ đó, hậu duệ nhà Lê bất đắc dĩ phải mang họ Phạm.

Sinh ra trong gia đình làm thuốc, từ nhỏ, cậu bé Trọng đã biết theo ông lên rừng tìm cây thuốc. Rồi từ lúc nào, cậu đâm mê những chuyến đi rừng, để nghe ông kể chuyện đi làm cách mạng và truyền lại dòng võ gia truyền nhà họ Lê.

Võ sư Phạm Đình Trọng biểu diễn bài quyền đặc trưng của môn phái Sa Vân Long (Ảnh tư liệu).

Tuổi thơ của Phạm Đình Trọng là những tháng ngày trui rèn. Vừa xong bậc tiểu học, cậu được gởi đến học chữ Nho với cụ tú Đoàn Quốc Cự. Cậu còn phải học y thuật với thầy Bảy Giỏi, một thầy lang nổi tiếng vùng Ninh Hòa. Đã thế, hằng đêm cậu cuốc bộ hơn 6 cây số để luyện quyền với thầy Đoàn Phong. Nhờ vậy, năm 18 tuổi, chàng trai Phạm Đình Trọng được tiếng bút pháp như rồng bay phượng múa, lại mát tay phục dược, võ công cao cường.

Để chứng nghiệm thành quả khổ luyện, cậu ra tận đất võ Bình Định để có cơ hội cọ xát. Trận đấu đầu đời, Trọng đụng phải Bửu Long, đệ tử tâm đắc của Diệp Bửu Thành. Vào trận, Long tự tin tấn công áp đảo. Không hổ danh Bắc phái Sơn Đông, Long thiện nghệ cước pháp. Đặc biệt anh có ngọn “Lôi công cước” nặng như búa tạ. Biết đụng phải kình địch, Trọng áp sát, đeo bám quyết liệt khiến đối phương mất chủ động, đòn chân bị vô hiệu hóa. Tuy lép vế trước đối thủ về thể hình lẫn thể lực, bù lại với đấu pháp khôn ngoan, Trọng luôn hóa giải hiệu quả sở trường của Bửu Long. Đánh suốt 3 hiệp bất phân thắng bại, tưởng đã cầm hòa. Trước khi kẻng báo dứt hiệp vang lên, bất ngờ Trọng táo bạo tung đòn quyết định “Song long đoạt mệnh cước” hất tung đối thủ xuống đài. Thắng oanh liệt, anh lọt vào mắt xanh Diệp Bửu Thành. Thấy ở Trọng chân tướng võ gia, thầy Bửu Thành không tiếc truyền bí kíp bản môn.

Võ công Bắc phái nổi tiếng cước pháp, sở trường đòn dài, phương thức tấn công triển khai trên diện rộng. Nhiều bài bản Sơn Đông dũng mãnh, đẹp mắt như Mãnh hổ xuất sơn, Nhị hổ qui sơn, Mãnh long quá hải, Ngũ long kiếm pháp, Trảm mã đao, Đồ long đao, Phong ma kích…

Suốt thời thanh niên, cái tên Phạm Đình Trọng nổi lên khắp võ đài Phan Thiết, Nha Trang, Phú Yên đến miệt “tứ Quảng” (Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Quảng Bình). Cho đến năm 22 tuổi, Trọng chưa một lần nếm mùi thất bại. Những tưởng sở hữu danh hiệu “bất khả chiến bại”, không ngờ một lần đến An Thái, Trọng trở thành bại tướng dưới tay Diệp Bảo Sanh, con trai Diệp Trường Phát. Sinh thời, tên tuổi Diệp sư phụ danh trấn thiên hạ. Ông kết hợp nhiều dòng võ Nam quyền, Tây Sơn và cả võ Chăm, võ Miến Điện, hình thành quyền pháp vừa độc đáo vừa ác liệt. Sáu Trọng quyết định bái sư thầy Diệp, chưởng môn võ phái Bình Định An Thái.

Qua những năm 1940, Sáu Trọng chuyển qua chơi quyền Anh và thi đấu chuyên nghiệp cho đến khi treo găng. Năm 1950, ông vào Đà Lạt mở võ đường, chính thức tuyên danh võ phái Sa Vân Long. Năm 1971, Sáu Trọng là thành viên Tổng cục Quyền thuật Việt Nam và Tổng hội Võ học Việt Nam. Năm 1993, ông tham gia Ban chấp hành Hội Võ cổ truyền tỉnh Lâm Đồng. Với vốn Hán học uyên thâm, ông dành những năm tháng cuối đời nghiên cứu, biên dịch nhiều cổ thư có giá trị về y học và võ học. Đó là tâm nguyện của ông, nhằm đóng góp chút gì để lại cho thế hệ mai sau.

Lạc Long Môn

Về thôn Thuận An (xã Duy Nghĩa, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) gặp lão võ sư Võ Kiểu (SN 1938,
chưởng môn đời thứ 9 môn phái Võ Rồng - Lạc Long Môn, nguyên Tổng thư ký Liên đoàn quyền thuật miền Trung) được biết, từ năm 1610 (niên hiệu vua Lê Kính Tông) là thời điểm khai lập môn phái. Khi đó, võ sư Võ Mận sau nhiều năm bôn ba tứ xứ bái sư học đạo đã ngộ ra những cảnh giới mới của võ học dân tộc để rồi sáng lập Tổ đường Lạc Long Môn. Đặc biệt, vị Tổ sư Lạc Long Môn Võ Mận không chỉ là một võ sư tinh thông quyền thuật mà còn là một nho sỹ tài ba. Chính ông là người đã sáng tạo nên 11 bài quyền thuật rạng danh của võ phái và đề ra những nguyên tắc võ đạo chân nguyên được áp dụng cho các thế hệ môn đồ. Trải qua nhiều đời chưởng môn, Lạc Long Môn ngày một lớn mạnh.

Võ sư Võ Kiều biểu diễn bài Côn của môn phái Lạc Long Môn.

Từ một võ phái hùng mạnh nhất nhì miền Bắc vào thế kỷ XVII, Lạc Long Môn bị thời cuộc lịch sử cuốn vào vòng xoáy của những cuộc xâu xé, điêu linh. Ý thức được sự tồn vong, chưởng môn đời thứ 4 là võ sư Đoàn Tấn Lộc khẩn trương truyền lệnh cho toàn bộ môn phái, chuẩn bị chuyển giao ngôi vị chưởng môn, đồng thời truyền “mật thư” cho đệ tử xuất chúng của mình là võ sư Ngô Định tức tốc trở về Tổ đường nhận lệnh chưởng môn. Võ sư Đoàn Tấn Lộc cùng một số môn đồ tâm đắc nhất của võ phái Nam tiến hưởng ứng nghĩa quân Tây Sơn (khởi nghĩa nông dân của ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ, Nguyễn Huệ) với lý tưởng yêu nước thương dân. Theo võ phả Lạc Long Môn, lúc bấy giờ, võ sư Đoàn Tấn Lộc là một danh tướng dưới trướng người anh hùng Nguyễn Nhạc.

Năm 1802, vương triều Tây Sơn sụp đổ, võ sư Đoàn Tấn Lộc cùng nhiều danh tướng khác của Tây Sơn buộc phải mai danh ẩn tích trên núi Thổ Sơn (huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) tránh sự truy lùng của Nguyễn Ánh. Nhằm giữ đại cuộc và sự tồn vong của võ phái, vị võ sư này bí mật hóa tu hành, lấy đạo hiệu là Không Thanh, thiết lập, và trụ trì chùa Đại Lãnh ngay trên núi Thổ Sơn.

Cùng thời gian này, Tổ đường Lạc Long Môn được bí mật di dời từ miền Bắc, vượt hàng trăm cây số về ẩn trú tại ngôi chùa Đại Lãnh này. Tuy vậy, các hoạt động võ thuật dân tộc vẫn được truyền lại một cách hết sức bí mật theo cách của người tu hành nhưng vẫn thực hiện theo đúng tổ chức, gia quy của một võ phái chính thống mang biểu tượng “Rồng”.

Theo lão võ sư Võ Kiểu, đến năm 1960, trải qua bốn đời kể từ lúc đưa Tổ đường vào chùa, thấy thời thế thay đổi, chưởng môn đời thứ 8 võ phái Lạc Long Môn là võ sư Ngô Văn Địch chính thức công khai võ phái ra quần hùng võ lâm. Chính bước ngoặt này đã đưa môn phái ra khỏi bức tường của ngôi chùa nhỏ, củng cố và gia tăng vị thế môn phái trong sự ngỡ ngàng của nhiều đại môn phái khác vì lâu nay, họ ngỡ Lạc Long Môn đã bị diệt vong. Võ Rồng - Lạc Long Môn tiếp tục hành trình lịch sử của mình.

Võ sư Ngô Văn Địch còn gọi là thầy Mười Bòi, là một thầy võ nổi tiếng nhất thời đó, thầy hay thượng đài tổ chức đấu võ và cũng là nhà vô địch võ thuật miền Trung. Đặc biệt, theo võ sư Trần Xuân Mẫn, Chủ tịch hội Võ thuật cổ truyền tỉnh Quảng Nam, thầy Mười Bòi sở hữu bài Mai Lão Quyền. Bài này được thầy Mười truyền lại cho võ sư Trương Chưởng (sư phụ võ sư Trần Xuân Mẫn). Về sau, bài võ này là một trong những bài quy định của Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam, do chính võ sư Trần Xuân Mẫn biểu diễn.

P.T.Đ.H

Bài viết khác cùng số

Con tằm bận nhả tơTiếng chim hót bên triền núi xanhMỹ Khê mùa xuânThành phố phía Tây BắcCampuchia - đi và thấyXuân về trên núiĐừng đợi đến ngày 30 TếtNgày Tết vắng tiếng raoChiếc bánh cay vị gừngMùa xuân ngẫm về văn minh và ngụ ngôn của láTết Nguyên Đán - từ cái nhìn của Nguyễn Văn XuânĐà Nẵng những năm Thìn dưới thời Pháp thuộcỨng xử độc đáo của Bác Hồ 80 năm trướcTếtNgọn gió quẫy chân mùaThì thầm với cỏGiọng quêCánh đồng thiếu nữÁo carô*Cánh mỏng chao nghiêngSáng chủ nhật uống trà hoa cúcCuối năm lại nhớ rừngĐi giữa sương đêmThơ Trần Trúc TâmThời gianBên ướt mẹ nằmMùa lạTản khúc ngày cuối đôngGhé thăm bạn cũThơ ngắnHồn người xưaVĩnh cửuThơ Nguyễn Đông NhậtChiều mưa biển Mỹ KhêMột nửa tôiVê qua trảng vắngMùa xuân trên đồi cây sungLạc phố bên sôngCuối năm về thăm nơi sơ tán cũVề Đường LâmNắng tháng GiêngMột nhành xuânTa là cây cúc nhỏCành xuân biếcTiếng xuânĐóa hoa xuânXuânXuân hạnh phúcLúc lòng Nguyên ĐánVề bên tháng GiêngMưaChùm Haiku mùaĐêm nghiêngĐầu năm đọc lại Hoàng hạc lâuChiều xuânLy rượu chiều cuối nămNắng xuânNgười dẫn tôi về phía mặt trời mọc *Đọc tự truyện Ong rừng của Phan Đức NhạnTìm về thế giới tuổi thơ qua “Bồ Công Anh bay theo gió”Múa trong văn hóa du lịchMùa xuân, đọc sắc vàng trong thơMột tập ký sự khắc họa vùng đất, văn hóa, con người Đà NẵngẤn tượng đẹp về Triển lãm "Mỹ thuật Đà Nẵng năm 2023"Võ Rồng ở nước ViệtSố nhiều và số ít trong lao động nghệ thuậtTrầm tư của một người yêu thơHình tượng con rồng trong văn hóa ViệtRồng - Makara trong mỹ thuật ChampaNhớ Giáo sư Nguyễn Văn Hạnh và Trăm năm thơ đất QuảngĐynh Trầm Ca và nỗi hoài hươngXuân Giáp thìn 2024Ảnh nghệ thuật "Tổ quốc bên bờ sóng"Tranh vuiBóng trời soi ruộng nướcChuyện vui: Một ngày xuânTình ta mãi mãi mùa xuânĐà Nẵng và em