Đừng đợi đến ngày 30 Tết

10.01.2024
Thùy Trang

Đừng đợi đến ngày 30 Tết

Minh họa Hồ Đình Nam Kha

1. Kha buồn rười rượi khi nghe thông báo cho nghỉ việc tạm thời của công ty. Sau đại dịch Covid-19, công ty Kha mấy tháng nay buôn bán khó khăn, thậm chí còn phải bù lỗ nên ban giám đốc cho Kha nghỉ làm cũng là chuyện dễ hiểu. Kha ngân ngấn nước mắt khi nghĩ đến tiền trọ, điện nước, tiền ăn và biết bao khoản chi tiêu trong nhà đều trông chờ cả vào đồng lương thưởng ít ỏi của Kha. Giờ không có việc Kha cảm thấy chới với. Còn làm còn có tiền trang trải, có cơm ăn, hết làm thì chỉ có nước đói.

Trên chiếc dream cũ, Kha lái xe chạy chầm chậm trên đường. Cuối năm tiết trời se lạnh nhưng nhộn nhịp hơn ngày thường, nhiều ô tô, xe máy đỗ kín mọi ngả đường. Trên những con phố cây đã bắt nhú chồi non xanh biếc, thấp thoáng đó đây những chiếc xe tải chở đầy hoa từ cúc tới vạn thọ, quất, thược dược đủ màu, mai vàng cho đến những cành đào phơi phới sắc hồng. Thỉnh thoảng từng cơn gió thổi qua xao động những làn sóng tươi mát. Gạt đi những lo âu, nặng trĩu trong lòng, Kha khoan khoái hít căng lồng ngực ngửi mùi tết lửng lơ ở đâu lẫn trong cái nắng chiều. Đèn đã chuyển xanh từ lâu. Tiếng còi xe kêu vang inh ỏi. Kha giật mình như vừa trải qua một giấc mơ ngắn ngủi.

Vừa về tới nhà, Kha đã nghe giọng nói oang oang của bà chủ trọ: “Hai triệu. Liệu mà trả trước tết!”. Nói xong bà bĩu môi quay lưng đi về phía cổng, miệng không thôi lẩm bẩm: “Giá rẻ bèo! Không kiếm ra chỗ nào rẻ hơn đâu!”. Kha đưa đôi mắt buồn thiu nhìn thằng Vui tóc cháy nắng khét lẹt, miệng cười khúc khích đang chạy nhảy trước sân. Trong căn nhà nhỏ, nhìn quanh chỉ có một chiếc tủ gỗ đựng mấy bộ quần áo đã cũ nhàu và một cái bàn đựng ngổn ngang nào bếp ga mini cùng xoong nồi, chén bát. Có tiếng ho khụ khụ trong phòng, Kha vội chạy đến chiếc giường nhỏ nơi Hiên đang nằm rồi cất tiếng hỏi khẽ: “Em thấy trong người thế nào rồi?”.“Em đỡ nhiều rồi, thế tết này anh được thưởng nhiều không?”. Câu hỏi của Hiên khiến Kha cảm thấy như cánh chim đang bay mệt nhoài, bị đuối sức. Kha đưa tay vuốt nhẹ mái tóc rối khô cằn, xơ xác của Hiên thì thầm: “Công ty cho anh nghỉ việc rồi. Em đừng lo anh sẽ kiếm việc khác làm!”. Kha trả lời Hiên mà từng giọt nước mắt cứ rơi lã chã, ướt đẫm chiếc áo cũ sờn. Hiên nhìn Kha mà lòng như thắt lại. Không nói ra nhưng thấy hai vợ chồng Kha sao khổ quá.

2. Vợ chồng Kha đều mồ côi cả cha lẫn mẹ, lại không có anh chị em hay bà con thân thiết. Ngày trước cả hai cùng làm công nhân may ở khu công nghiệp Hòa Cầm. Hiên có khuôn mặt đẹp, tính tình hiền lành, dịu dàng lại ít nói. Công việc hàng ngày của hai vợ chồng Kha là vắt sổ, chạy lại đường chỉ. Nghề may chỉ cần ngồi một chỗ, không phải dầm mưa dãi nắng như làm nông nhưng chỉ cần trật tay một cái, kim đâm vào tay, chảy máu, nhức đến cả tháng mới lành. Chưa kể ngồi nhiều một chỗ cũng dễ sinh bệnh. Nhiều người làm chung với Hiên cứ tiếc rẻ. Hiên xinh đẹp như thế, hồi đó chỉ cần đồng ý làm vợ của ông phó giám đốc xí nghiệp thì giờ đã được làm bà chủ, ngồi ô tô con, đâu phải làm công nhân cực khổ. Thế nhưng Hiên chỉ yêu Kha, một anh chàng công nhân nghèo rớt.

Cuộc sống của vợ chồng Kha cứ lặng lẽ trôi qua. Sáng thức dậy cùng đèo nhau đi làm, tối trở về căn nhà trọ chật hẹp. Cả hai cùng động viên nhau đồng hành trên những chặng đường vất vả. Thế rồi công ty làm ăn thua lỗ phải cắt giảm bớt nhân lực. Hiên sức khỏe yếu lại đang bầu bì nên được công ty giải quyết cho nghỉ sớm. Hiên mặt mày buồn thiu. Kha động viên Hiên: “Thôi em gắng ở nhà dưỡng thai cho con khỏe, để anh đi làm được rồi”. Hiên nghĩ cứ ở trong căn phòng trọ cũ kĩ, nếu không đi làm, cũng chẳng biết xoay xở ở đâu để có tiền đi đẻ. Thỉnh thoảng Hiên vẫn giấu Kha nhận thêm quần áo về vắt sổ. Sắp sinh rồi, mệt cũng ráng, cố làm để kiếm thêm ít đồng. Lỡ sau này sinh con rồi, chăm con mọn, bận rộn đủ thứ có muốn ngồi may kiếm tiền cũng chẳng được.

Ngày Hiên chuyển dạ sinh con, Hiên đau như muốn ngất lịm, miệng thở hổn hển. Hôm đó Kha đi làm ở xí nghiệp. Hiên được người quen trong xóm trọ đưa vào bệnh viện. Vì Hiên bị vỡ ối nên bác sĩ chỉ định cho mổ liền. Sau khi y tá tiêm xong mũi gây tê tủy sống, Hiên cứ ngó nghiêng tìm kiếm Kha rồi chìm vào hôn mê. Khi tỉnh lại, Hiên đã thấy Kha bế trên tay một thằng bé kháu khỉnh. Em bé nhoẻn miệng cười lộ ra hai má núm đồng tiền chúm chím, duyên duyên giống y hệt Kha. Hiên cố cất giọng nói yếu ớt: “Mình đặt tên con là Vui anh nhé! Em muốn con lúc nào cũng tươi cười, vui vẻ”. Nói xong nước mắt Hiên cứ chực trào chảy ào ạt. Kha khẽ khàng âu yếm hôn lên trán Hiên mà trong lòng dâng lên một niềm hạnh phúc khó tả. Niềm hạnh phúc khi lần đầu tiên được làm cha mẹ.

 

3. Thằng Vui lớn lên không giống như bạn bè cùng trang lứa. Nó đẹt lét, chân tay nhỏ xíu lại thường hay đau ốm bệnh tật hết sốt siêu vi, viêm phổi rồi đến hen suyễn. Có khi một tháng vợ chồng Kha phải đưa nó đi viện tới bốn năm lần. Nhưng dẫu sao những trận ốm ấy chỉ cần uống thuốc vài ngày rồi sẽ khỏi. Còn căn bệnh tim bẩm sinh thì bác sĩ bảo muốn chữa cho khỏi thì phải đưa nó vào bệnh viện Nhi Trung ương mổ. Đã nhiều lần vợ chồng Kha tính đưa con đi, thế nhưng ti tỉ thứ tiền đổ dồn lên đầu…

Mỗi lần Kha đi làm về, như một thói quen thằng Vui vẫn đứng đợi Kha ở trước cổng. Vừa nhìn thấy Kha, thằng bé hớn hở reo lên: “A! Ba Kha về rồi!”. Kha vác thằng bé lên vai, hôn chụt chụt vào cái má hồng hào của nó rồi trìu mến hỏi: “Hôm nay con đi học có ngoan không?”. Thằng bé gật đầu lia lịa: “Dạ có!”. Hiên đứng trong nhà nhìn hai cha con nở nụ cười hiền hậu. “Thôi anh đi tắm đi mà ăn cơm, Vui phụ mẹ dọn cơm nào!”. Kha dường như quên hết những mệt nhọc ở xưởng may. Hạnh phúc của gia đình Kha đơn giản chỉ có thế. Hiên lui cui dọn cơm, còn thằng Vui thì phụ mẹ bưng chén bát. Bữa cơm giản dị chỉ rau vườn lá nhà, một dĩa thịt heo luộc và chút ít mắm tép nhưng với gia đình Kha lại là một bữa ăn ngon hết sẩy. Hiên gắp cho thằng Vui miếng thịt heo cuối cùng trên mâm. Thằng Vui cười tít mắt: “Cơm mẹ nấu vẫn là ngon nhất!”. Bên ngoài trời gió to, mưa rơi nặng hạt không dứt, nhưng bên căn nhà nhỏ chỉ có tiếng cười rổn rảng.

Từ ngày sinh thằng Vui, sức khỏe của Hiên yếu đi nhiều. Hiên hay bị đau nhói ở tim, chóng mặt đi kèm với những cơn khó thở. Nhưng cơn đau sẽ nhanh chóng qua đi nên Kha cũng không hề hay biết. Dù không đi làm ở xưởng nhưng Hiên vẫn tranh thủ nhận thêm hàng về nhà vắt sổ. Ngày nào Hiên cũng vục đầu vào đống quần áo. Tiếng máy may cứ chạy xành xạch. Hiên nghĩ chỉ cần mình chăm chỉ một chút sẽ có thêm nguồn thu nhập, có thêm tiền để lo thuốc men cho thằng Vui và Kha cũng đỡ vất vả. Làm xong Hiên lại đi đón con rồi về nhà giặt giũ, lo cơm nước trong nhà.

Kha tăng ca nên về trễ hơn mọi ngày. Hiên tranh thủ dạy cho thằng Vui học. Lúc đang dạy con viết nắn nót từng chữ thì chợt cơn đau ập đến. Hiên cảm thấy tức ngực, khó thở, mặt tái mét rồi ôm ngực ngã gục xuống sàn, Hiên vẫn nghe tiếng thằng Vui văng vẳng bên tai: “Mẹ ơi! Mẹ tỉnh dậy đi! Ai cứu mẹ cháu với!”. Nghe tiếng kêu của thằng Vui, vợ chồng hàng xóm đang ăn cơm hốt hoảng chạy qua đỡ Hiên dậy rồi vội vàng gọi xe cấp cứu. Tiếng xe cấp cứu hú vang inh ỏi khiến xóm trọ nghèo như náo loạn. Hiên may mắn qua khỏi nguy hiểm nhưng phải nằm ở viện theo dõi. Bác sĩ bảo Hiên bị bệnh tim lại làm việc quá sức nên cơ thể bị suy nhược. Bệnh tim của Hiên không cần phải phẫu thuật nhưng phải uống thuốc hàng ngày kết hợp với việc thay đổi lối sống, ăn uống khoa học và đặc biệt không được lao động nặng để tránh những biến chứng xấu. Lúc này những tiếng thở phào của những người dân trong xóm trọ mới vang lên nhẹ nhõm. “Hiên không sao là tốt rồi!”.

Phải nằm ở bệnh viện cả ngày khiến người Hiên cảm thấy bức bối. Hay nói đúng hơn Hiên không muốn mình trở thành gánh nặng cho Kha. Hiên lo sợ lỡ cơn đau ập đến, sợ một ngày Hiên không thể nào thức dậy thì ai sẽ chăm sóc cho hai cha con Kha. Như hiểu được nỗi lo sợ của Hiên, Kha cầm bàn tay khô ráp, sần sùi của Hiên động viên: “Em cố gắng dưỡng bệnh, mọi thứ cứ để anh lo”. Còn Thằng Vui thì chạy đến áp sát tai vào tim Hiên: “Thình thịch! Thình thịch! Trái tim mẹ còn khỏe lắm! Khỏe hơn trái tim của con luôn!”. Hiên ôm con vào lòng, vỗ về tấm lưng bé nhỏ của thằng bé. Nghĩ tết nhất sắp tới rồi mà giờ này còn phải nằm trong bệnh viện. Hiên quệt dòng nước mắt nhạt nhòa trên má. Nghĩ thương Kha, thương thằng Vui biết mấy.

 

4. Đêm đã khuya nhưng Kha vẫn trằn trọc không ngủ được. Kha ngồi dậy, quờ chân tìm đôi dép rồi vớ bao thuốc lá ở trên bàn. Thật ra Kha bỏ thuốc lá đã lâu, nhưng kể từ khi công ty cho nghỉ việc buồn miệng nên hút lại. Kha châm lửa hút một hơi thật sâu. Kha ngắm nhìn ánh trăng khuyết trên trời cao cùng muôn vì sao lấp lánh. Đêm yên ắng, nghe rõ cả tiếng sương rơi lộp độp trên những tán cây càng khiến lòng Kha nặng trĩu. Kha nhìn quyển lịch mỏng lẩm bẩm chỉ còn có hơn hai mươi ngày nữa là tới tết. Vậy mà trong người chỉ còn vài đồng bạc ít ỏi, biết lấy gì để trang trải cho tết. Trong khi tiền trọ còn chưa đóng, thằng Vui và Hiên còn chưa có nỗi bộ quần áo mới. Rồi tiền thuốc của Hiên và thằng Vui cũng hết gần cả triệu bạc. Cuộc sống thường ngày vốn đã khó khăn rồi mà nay còn thất nghiệp. Là đàn ông mà chẳng thể lo được cho gia đình. Lo toan nhiều khiến Kha gầy rộc đi trông thấy.

Trăng khuất, tiết trời se lạnh hòa lẫn vào trong ánh nắng ban mai báo hiệu ngày mới bắt đầu. Tiếng nhạc xuân phát ra từ căn phòng đầu tiên của xóm trọ nghe đến xốn xang. Kha trở dậy ngắm nhìn Hiên và thằng Vui đang còn say ngủ mà thấy lòng bình yên. Kha đi ra phía trước pha ấm nước chè đặc, nhâm nhi cái vị đắng ngấm dần trong vòm họng rồi ngắm nhìn vườn hoa trước nhà đang đua nhau hé nụ. Giữa sắc màu rực rỡ ấy Kha nhìn thấy một cây mai già nơi góc vườn, lá đã vàng sậm, có những nụ hoa bé xíu màu nâu tía đang nhú lên trông thật vui mắt. Kha đưa tay định lặt lá mai để hoa nở kịp tết thì bỗng Kha nẩy ra ý định lớn trong đầu. “Hay mình nhập hoa về bán”. Kha nhẩm đi nhẩm lại. Bao năm đi làm công nhân, cuộc sống chỉ lây lắt qua ngày chớ chả dư nổi. Nay thất nghiệp thôi thì đành làm liều, bởi Kha nghe người ta nói bán hoa tết được thì lời lắm. Kha bàn với Hiên: “Anh tính nhập hoa về bán!”. Hiên đáp lại với vẻ đầy lo lắng: “Ổn không anh? Buôn bán phức tạp, tranh giành dữ lắm! Mà mình làm gì có vốn...”. “Em an tâm! Anh sẽ vay mượn thêm bạn bè”. Thằng Vui hớn hở: “Thích quá! Ba cho con đi bán hoa tết với nhé!”.

 

5. Hai mươi tháp Chạp, Kha bắt đầu nhập hoa về bán. Nhìn quanh khu chợ, trăm loài hoa đua nhau khoe sắc đủ loại, đủ màu, nào mai, quất, đào, vạn thọ để chật cả lối đi. Ong bướm nô nức bay đến hòa mình vào sắc hoa thơm nồng. Gió thổi nhẹ làm những cánh hoa đong đưa qua lại như đang đón chào một mùa xuân mới. Vốn ít nên Kha chỉ dám nhập chủ yếu vạn thọ, thược dược, ly, mào gà, dạ yến thảo, ớt kiểng, păng xê và một vài chậu mai vàng để bán. Những ngày đầu, chủ yếu người ta đi xem hoa cho có không khí tết chớ cũng chả ai mua. Thời tiết năm nay có vẻ thất thường hơn mọi năm. Chợ vẫn đông đúc thế nhưng khách mua hoa thì rất ít. Kha cứ thấp thỏm ngó trời. Chỉ mong trời đừng nắng quá cũng đừng lạnh quá. Nắng quá thì hoa nở sớm mà trời lạnh quá thì hoa nở muộn. Kha cũng chỉ mong người dân làm ăn được, công nhân được thưởng tết cao. Họ có nhiều tiền thì Kha mới bán hết hoa được.

Từ hôm bán hoa ở chợ, Kha quần quật cả ngày ở ngoài trời. Ban đêm thì mắc võng nằm canh chừng hoa. Cả đêm Kha chỉ dám chợp mắt được một chút. Thỉnh thoảng có vài vị khách tới hỏi giá rồi bỏ đi nhanh chóng nhưng Kha không hề cảm thấy buồn. Kha nghĩ chắc họ chưa có tiền để mua. Có những lúc Kha bán rẻ không đắn đo cho những người lao động nghèo chắt chiu từng đồng chỉ để mua một chậu hoa về trưng tết. Vào những ngày mưa, chợ vắng không có người đi, Kha ngồi buồn thiu nhìn những chậu hoa mưa rơi ướt nhẹp. Hiên thấy thương Kha đến thất ruột. Thương hơn cả lúc hai người còn làm công nhân ở xưởng. Thằng Vui thì cứ chạy lăn tăn đếm đi đếm lại: “Một... hai... ba.... Còn năm mươi chậu nữa ba ơi!”.

Nhìn gian hàng hoa chưa bán hết, lòng Kha chợt thấy lo lắng, nôn nao. Mong bán hết hoa để gia đình có được cái tết êm ấm. Kha rất sợ cảm giác phải bê từng chậu hoa ế ẩm mang vứt lên xe rác. Người ta bảo bán hoa một vốn bốn lời, còn với Kha thì lại thấy mệt rã rời. Kha bán tống bán tháo để thu hồi ít vốn thế mà người ta vẫn đợi đến ngày ba mươi tết để mua hoa cho rẻ. Thậm chí có người còn đợi đến cuối đêm ba mươi chỉ để nhặt những chậu hoa mà tiểu thương bỏ lại. Lòng Kha nặng trĩu những nỗi lo chồng chất. Kha sốt ruột bởi số tiền vay mượn bạn bè nhập hoa quá nhiều, nếu không bán được hoa thì gia đình Kha cũng không có tết...

Chiều 30 tết, khu chợ hoa nhộn nhịp hơn hẳn, tiếng cười nói cứ râm ran không dứt. Một vài chủ vườn đã bán hết sạch sành sanh, nhưng vườn hoa của Kha thì vẫn còn nhiều. Phía xa xa có mấy tiểu thương đang ngồi khóc ròng vì năm nay bán hoa ế ẩm. Kha nghĩ chắc tại Kha không có duyên trong việc buôn bán. Nhìn những chậu mai vàng nở rực lung linh trong nắng mà nước mắt Kha cứ âm thầm rơi xuống đất. Kha nhẩm tính năm nay buôn hoa lỗ to rồi, tết này chả biết lấy tiền đâu mà trang trải. Chợt có cụ bà lưng khòm, đội nón lá xùm xụp, tay chống gậy, tóc bạc phơ dúi vào tay Kha hai tờ vé số ngỏ ý muốn đổi một cặp vạn thọ. Cụ bà cười móm mém bảo: “Ông nhà tôi thích vạn thọ lắm!”. Nhìn bà cụ tay cầm xấp vé số, trước ngực đeo toòng teng cái túi nhỏ khiến Kha cảm thấy thật xót xa. Kha đồng ý đổi ngay cho bà cụ mà chẳng hề đắn đo suy nghĩ. Cụ bà ôm cặp thọ vội vã ra về còn không quên nói vọng lại: “Cảm ơn cậu thanh niên tốt bụng, chúc cậu trúng độc đắc! Năm nay ăn tết to nhé!”. Mãi sau Kha mới biết cụ ông đã mất được mấy tháng, cụ bà đổi vé số lấy cặp vạn thọ để mang ra mộ cụ ông. Bà cụ đã lớn tuổi, lẽ ra bà phải được nghỉ ngơi, sum vầy bên con cháu. Vậy mà...      

6. Chỉ còn mấy tiếng nữa là tới giao thừa, Kha và Hiên đang loay hoay dọn dẹp để trả lại mặt bằng cho ban quản lý thì thằng Vui chạy đến đưa cho Kha một túi ni lông màu đen hí hửng khoe: “Con nhặt được ở đầu chợ ạ!”. Kha mở túi ni lông ra, bên trong là một lớp giấy báo cũ. Mở hết lớp giấy báo cũ, Kha sững sờ khi thấy một cọc tiền pô-li-me 500 ngàn dày cộm. Lần đầu tiên được nhìn thấy nhiều tiền như vậy thằng Vui reo lên: “A! Tiền! Nhiều tiền quá!”. Kha cầm xấp tiền trong tay, trong lòng vui mừng cứ đếm đi đếm lại xoèn xoẹt rồi hỏi Hiên: “Từng này chắc phải hơn 30 triệu! Giờ biết ai đánh rơi mà trả.... Hay...”. Hiên nghe mà nghèn nghẹn trong lòng: “Thôi mình trả lại cho người ta đi anh! Mình làm rơi một trăm ngàn còn tiếc lên tiếc xuống chớ nói gì đến mấy chục triệu!”. Kha nhìn Hiên với đôi mắt boăn khoăn xen lẫn chút tiếc nuối. Với số tiền đó, gia đình Kha không chỉ có được cái tết đủ đầy mà thằng Vui còn có tiền mổ tim. Gạt đi dòng suy nghĩ của Kha, thằng Vui gãi đầu lên tiếng: “Cô giáo dạy là nhặt được của rơi phải trả lại người đánh mất đúng không ba mẹ?”. “Đúng rồi! Con ngoan lắm!”. Kha gói lại số tiền vào tờ giấy báo: “Thôi để anh giao lại cho mấy chú công an nhờ trả lại toàn bộ số tiền cho người mất”. Hiên mỉm cười tỏ vẻ đồng ý: “Người đánh rơi tiền chắc giờ đang buồn lắm! Thôi anh đi nhanh khẻo trễ...”.

Kha trở về nhà thì cũng là lúc đồng hồ điểm mười một giờ đêm. Còn một tiếng nữa là giao thừa. Kha nghĩ: “May quá! Còn kịp để chuẩn bị”. Hiên lau dọn nhà cửa. Thằng Vui thì đã ngủ ngon lành. Ngày hôm nay có lẽ thật dài với nó. Kha tự hỏi: “Không biết mấy chú công an đã tìm được người để trả lại tiền chưa?”. Hiên nhìn Kha âu yếm, bao nhiêu năm rồi hai người vẫn hiểu ý nhau. Có lẽ vợ chồng hòa hợp, đồng lòng thì khó khăn nào cũng vượt qua.

Đang lúi húi chuẩn bị mâm cúng giao thừa, Kha chợt nhớ đến hai tờ vé số của bà cụ ban chiều đổi cặp vạn thỏ vẫn chưa dò. Mở điện thoại ra. Kha nhìn dòng số trên chiếc điện thoại cũ mờ: “Giải đặc biệt 2.6.3.9.1”. Kha dò lại lần nữa. Đúng là kết quả trùng với hai tờ vé số mà Kha đang cầm trên tay. 2.6.3.9.1, không trật con số nào. Kha vui mừng, lẩm bẩm không thành lời: “Trúng!… Trúng!… Trúng độc đắc rồi!”. Kha vẫn chưa thể tin hai tờ vé số của mình đã trúng giải độc đắc. Kha dò đi dò lại hơn 10 lần. Một tờ là hai tỷ. Hai tờ là bốn tỷ. Thực sự ngay cả trong mơ Kha cũng chưa bao giờ nghĩ đến. Lúc này Kha la lớn lên: “Trúng độc đắc rồi Hiên ơi!”. Hiên đang lục đục nấu xôi chè, luộc gà để chuẩn bị cúng giao thừa vội vàng chạy lên ôm chầm lấy Kha. “Vợ chồng mình đổi đời rồi anh ơi!”. Thằng vui đang ngủ cũng giật mình thức dậy mơ màng nói ú ớ: “Ôi! Vui quá!”.

Rồi cái thời khắc giao mùa ấy cũng đến. Kha bày mâm ngũ quả ra trước hiên nhà để cúng tổ tiên, ông bà. Trên bàn thờ đèn nến cũng được thắp lên. Khói hương bay nghi ngút. Ngửi mùi thơm của bánh chưng, củ kiệu, ngắm nhìn những nụ hoa mai bung nở… Kha ôm hai mẹ con Hiên vào lòng bùi ngùi xúc động: “Thế là xuân đã sang rồi”. Pháo hoa nổ vang rực rỡ muôn sắc màu. Có vài ba chiếc xe máy thỉnh thoảng lướt nhanh qua ngõ. Chắc họ đang vội chạy về với gia đình. Trong khoảnh khắc chuyển giao năm cũ sang năm mới đầy thiêng liêng, Kha quay sang Hiên thủ thỉ: “Ra tết vợ chồng mình đưa thằng Vui tới bệnh viên Nhi Trung ương mổ tim em nhé!”.

T.T

Bài viết khác cùng số

Con tằm bận nhả tơTiếng chim hót bên triền núi xanhMỹ Khê mùa xuânThành phố phía Tây BắcCampuchia - đi và thấyXuân về trên núiĐừng đợi đến ngày 30 TếtNgày Tết vắng tiếng raoChiếc bánh cay vị gừngMùa xuân ngẫm về văn minh và ngụ ngôn của láTết Nguyên Đán - từ cái nhìn của Nguyễn Văn XuânĐà Nẵng những năm Thìn dưới thời Pháp thuộcỨng xử độc đáo của Bác Hồ 80 năm trướcTếtNgọn gió quẫy chân mùaThì thầm với cỏGiọng quêCánh đồng thiếu nữÁo carô*Cánh mỏng chao nghiêngSáng chủ nhật uống trà hoa cúcCuối năm lại nhớ rừngĐi giữa sương đêmThơ Trần Trúc TâmThời gianBên ướt mẹ nằmMùa lạTản khúc ngày cuối đôngGhé thăm bạn cũThơ ngắnHồn người xưaVĩnh cửuThơ Nguyễn Đông NhậtChiều mưa biển Mỹ KhêMột nửa tôiVê qua trảng vắngMùa xuân trên đồi cây sungLạc phố bên sôngCuối năm về thăm nơi sơ tán cũVề Đường LâmNắng tháng GiêngMột nhành xuânTa là cây cúc nhỏCành xuân biếcTiếng xuânĐóa hoa xuânXuânXuân hạnh phúcLúc lòng Nguyên ĐánVề bên tháng GiêngMưaChùm Haiku mùaĐêm nghiêngĐầu năm đọc lại Hoàng hạc lâuChiều xuânLy rượu chiều cuối nămNắng xuânNgười dẫn tôi về phía mặt trời mọc *Đọc tự truyện Ong rừng của Phan Đức NhạnTìm về thế giới tuổi thơ qua “Bồ Công Anh bay theo gió”Múa trong văn hóa du lịchMùa xuân, đọc sắc vàng trong thơMột tập ký sự khắc họa vùng đất, văn hóa, con người Đà NẵngẤn tượng đẹp về Triển lãm "Mỹ thuật Đà Nẵng năm 2023"Võ Rồng ở nước ViệtSố nhiều và số ít trong lao động nghệ thuậtTrầm tư của một người yêu thơHình tượng con rồng trong văn hóa ViệtRồng - Makara trong mỹ thuật ChampaNhớ Giáo sư Nguyễn Văn Hạnh và Trăm năm thơ đất QuảngĐynh Trầm Ca và nỗi hoài hươngXuân Giáp thìn 2024Ảnh nghệ thuật "Tổ quốc bên bờ sóng"Tranh vuiBóng trời soi ruộng nướcChuyện vui: Một ngày xuânTình ta mãi mãi mùa xuânĐà Nẵng và em