Tiếng chim hót bên triền núi xanh

10.01.2024
Vũ Ngọc Giao

Tiếng chim hót bên triền núi xanh

Minh họa Hồ Đình Nam Kha

Thằng nhỏ cúi xuống nhặt khúc củi khô lăn lóc bên vệ đường cho vào chiếc túi cói đeo trên lưng rồi đi tiếp, đôi chân thoăn thoắt nhảy qua mấy tảng đá lô nhô mọc dựng đứng bên vệ đường. Từ dưới chân dốc nhìn lên cô thấy nó, đen nhẻm, gầy gò trong chiếc áo màu mận chín và chiếc quần đùi không rõ nguyên thủy màu gì, chỉ thấy lem nhem và loang lổ từng mảng.

Cả buổi chiều dạo trên đồi với chiếc máy ảnh, loay hoay chọn góc chụp, lúc dừng lại nghỉ chân cô chợt nhìn thấy thằng nhỏ cắm cúi nhặt nhạnh những cành củi, chốc chốc nó dừng lại ngước lên rặng núi trên cao, vẻ mặt đăm chiêu như ông cụ. Trông thằng nhỏ ngồ ngộ, cô đưa máy lên kín đáo bấm vài shot hình. Thằng nhỏ không hay biết, lấy chai nước lọc trong túi ra mở nắp tu ừng ực rồi đi tiếp. Cô bám theo sau, giữ một khoảng cách vừa đủ. Đến bên cội thàn mát hoa rụng như trải thảm, nó đột ngột dừng lại ngước lên, tần ngần gỡ chiếc túi đeo trên lưng xuống, trèo lên cây. Cô hồi hộp dõi theo. Thằng nhỏ leo gần tới ngọn, mắt hướng về phía núi nghiêng tai nghe ngóng rất chăm chú, rồi nhanh như sóc nó phóc xuống đất, lộn nhào. Cô đi về phía thằng nhỏ lân la bắt chuyện: “Con trèo cây giỏi quá! Nhưng lần sau đừng phóc vậy, nguy hiểm!”.

          Thằng nhỏ quay lại, thoáng ngạc nhiên khi trên đồi vắng này lại xuất hiện một cô gái váy hoa yểu điệu, nó yên lặng phủi bụi bám trên áo, lí nhí: “Con quen rồi, mà… cô, cô từ đâu tới?”.

          Cô mỉm cười yên lặng quan sát nó. Trên cái thân hình gầy nhẵng là gương mặt lem luốc, bộ quần áo trên người không thể cũ hơn được nữa, nhưng ấn tượng nhất ở thằng nhỏ là đôi mắt, cứ sáng lên như hai vì sao, ngơ ngác nhìn cô rồi bẽn lẽn quay đi, đôi chân gầy khẳng khiu dấp dúi trong cỏ. Được một đoạn như sực nhớ, nó quay lại chìa chai nước lọc về phía cô, giọng nhỏ nhẹ dễ thương: “Cô uống cho đỡ khát!”.

Cô lắc đầu: “Nhà con gần đây không? Con lên núi làm gì?”.

          Thằng nhỏ đưa tay chỉ: “Nhà con dưới kia kìa, trong xóm Núi. Con lên đây làm chi, cô biết rồi nè!” nó toét miệng cười, xoay lưng về phía cô, chìa ra cái túi cói chất đầy củi khô.

          Cô bật cười, ngồi bệt xuống bãi cỏ lẩm bẩm: “Chỗ này mát quá! Lâu rồi cô mới lại lên đây”.

          “Cô chọn lúc thàn mát rụng để chụp hình chớ chi?”.

          Cô bật cười trước sự lém lỉnh của thằng nhỏ. Trong khi nó mơ màng nhìn lên dãy núi trên cao, cô tựa vào cội cây, lôi cuốn sách trong túi ra vẩn vơ lật vài trang. Chừng một lát, thằng nhỏ mon men lại gần tò mò hỏi: “Cô đọc truyện chi rứa?”

“Hoàng tử bé”.

“Hay quá! Cuốn này kể về hoàng tử hả cô?”.

“Không!” cô lắc đầu.

Thằng nhỏ tiu nghỉu quay đi, mắt hướng ra biển thì thào: “Rứa mà con tưởng kể về hoàng tử, con mượn đọc để về kể cho Chút Chít nghe”.

“Chút Chít là ai vậy?”.

“Là em gái con”.

“À! Cái tên dễ thương. Còn con tên gì?”.

“Dạ, Nghé” thằng nhỏ lí nhí đáp. Chừng như nhớ ra, nó đứng lên xốc chiếc túi cói: “Con về đây, chớ để em con đợi!” nói rồi nó vụt chạy đi, hai ống chân như hai que củi khuất dần sau bụi cỏ lau.

Cô yên lặng dõi theo chiếc áo màu mận chín cho đến khi nó chỉ còn là một chấm nhỏ như đốm lửa lẫn vào màu đất đồi đỏ quạch.

* * *

Chiếc ba lô trên lưng như trì xuống khi lên con dốc cao nhất, cô dừng lại hổn hển thở. Từ đây nhìn xuống thấy vài nóc nhà thưa thớt. Con đường hôm trước cô nhìn thấy Nghé rẽ vào kia rồi, hai bên rậm rịt cỏ cao quá đầu người. Cô mở chai nước lọc hớp một hơi rồi lên xe thả dốc, đến lối mòn chằng chịt những vệt xe kéo lầy lên vì cơn mưa mấy hôm trước, cô rẽ vào. Hai bên đường vọng ra tiếng côn trùng rít lên từng hồi. Xóm Núi lèo tèo vài nóc nhà đơn sơ, buồn bã. Nhà nào nhà nấy cửa đóng im ỉm, tường rào bao quanh bằng những nhánh tre gai. Cô loanh quanh qua từng lối nhỏ, ngó nghiêng, hầu hết những vạt đất trống bỏ hoang ở đây đầy dẫy hoa dại và xương rồng. Những cánh hoa nhỏ xíu mỏng manh nhưng mang một sức sống mãnh liệt. Bên vệ đường, một bà cụ vừa vun mớ lá khô vừa đốt, khói bạt lên khiến mắt cụ nhòe nhoẹt nước. Cô dừng lại hỏi thăm.

“Bà làm ơn cho con hỏi nhà em Nghé!”

“Cái chi? Đứa mô? Nghé hử?” bà cụ nghễnh ngãng hỏi lại.

“Vâng, nhà em Nghé!” cô bật cười chợt nhận ra bà cụ thật dễ thương với những chỏm tóc bạc loe hoe trên đầu được cột bằng những chiếc nơ xanh, đỏ.

“Thằng Nghé cháu nội tui hử?” bà cụ lại ngước đôi mắt kèm nhèm vì khói, chống gối đứng lên lúc thúc đi trước. Đến ngôi nhà nằm lọt thỏm giữa khu vườn rộng được bao bọc bởi hàng rào chè tàu thưa thớt, một chú chó bất ngờ xồ ra sủa inh ỏi.

“Bò Sữa! Đi vô!” tiếng một bé gái trong trẻo vọng ra.

Bà cụ quay lại: “Cô vô đây ngồi đợi thằng Nghé, nó đi học gần về rồi”.

Cô theo bà cụ vào trong sân, chú chó Bò Sữa vẫn bám theo sau gầm gừ vẻ cảnh giác, những đốm lông đen loang lổ dựng đứng trên bộ lông trắng muốt trông như một con bò sữa. Cô chợt thấy thú vị khi ai đó đặt cho nó cái tên thật đúng. Bên trong có tiếng cút kít đi tới, một cô bé chừng bảy tuổi, thân hình gầy gò xanh dớt ngồi trên chiếc xe lăn lễ phép cúi đầu chào cô, đôi mắt cô bé không giấu được vẻ dò hỏi, ngại ngần.

“Chào Chút Chít, cô mang cho con một ít truyện tranh nè!” cô mở ba lô lấy ra chồng truyện tranh trao cho cô bé.

Thoáng chút ngạc nhiên khi nghe cô gọi đúng tên mình, cô bé đưa hai tay đón chồng truyện vẻ ngỡ ngàng và háo hức. Sau một hồi săm soi từng quyển, sực nhớ ra, cô bé ngước lên: “Con quên, chưa cảm ơn cô!”.

Cô mỉm cười, yên lặng ngắm gương mặt trong trẻo phơn phớt chút nỗi buồn con trẻ.

Bên hiên, bà cụ gom mớ củ cải và đu đủ vừa phơi heo héo vào cái thẩu thủy tinh, lẩm bẩm: “Phơi một nắng đủ rồi, làm thẩu dưa món để mấy ngày tết bà cháu tui ăn bánh tét”. Bà vừa làm vừa hỏi thăm cô nhà ở đâu, sao lại quen thằng Nghé cháu bà. Nghe cô kể, bà hãnh diện chỉ vô đống củi gộc chất ở góc vườn: “Đó cô, rảnh ra nó lại lên núi lượm củi khô về chất đó, hôm qua mới nói tui, chừng ni dư sức cho nồi bánh tét của nội rồi” kể đến đó bà rưng rưng: “Tội nghiệp! Má nó mất hồi con Chút Chít mới hai tuổi, con bé đau một trận tưởng theo mẹ luôn, may mà qua nhưng lại liệt một chân phải ngồi xe lăn. Cha nó đi làm xa kiếm tiền gởi về nuôi con, hai đứa ở nhà với tui”. Bà cụ kể đến đây thì dừng. Chút Chít lăn xe tới, dùng lược gỡ những chiếc nơ xanh đỏ trên đầu bà rồi nhè nhẹ chải tóc, sau đó buộc lên những dải nơ màu tím xinh xinh. Chút Chít tỉ mẩn làm với vẻ chăm chú và yêu thích. Bà cụ quay sang cô cười toe, khoe hàm răng rụng trống hoác.

“Ưng ri đây cô, ngày mô cũng chải tóc cột nơ cho nội, ưng nội làm công chúa!” kể đến đây như sực nhớ bà khoe: “Tội nghiệp, thằng anh nó ham vẽ, một tuần xin tới lớp vẽ một buổi, thấy nó vẽ đẹp lại ham, ông thầy thương nên dạy không lấy tiền”.

Tiếng cánh cổng cót két mở ra, Nghé về, nhận ra cô nó mừng rỡ kêu lên: “Ui da răng cô biết nhà con?” nó quýnh quáng thả cái cặp xuống hiên dắt cô dạo quanh, đến từng góc vườn nó dừng lại khoe. Góc ni trồng cây bồ kết, mai mốt có trái cho nội gội đầu, góc kia nó trồng bãi cỏ lá gừng, giâm thêm bụi tóc tiên cho Chút Chít ngày ngày ra đó ngồi đọc truyện… Bên khoảnh đất hướng về phía núi cô nhìn thấy chiếc giá vẽ được đóng bằng những cành khô ghép lại, trên đó một bức tranh màu nước đang vẽ dở, hình một con chim xanh xoãi rộng cánh. Thấy cô chăm chú nhìn bức tranh, nó kéo cô lại gần: “Con vẽ bức tranh ni cho Chút Chít, cô biết chim Giẻ Cùi không?”. Cô lắc đầu.

“Giẻ Cùi có bộ lông xanh, đuôi nó rất dài, cuối mỗi lông đuôi luôn có màu trắng. Viền mắt, mỏ và chân Giẻ Cùi xanh thường có màu đỏ tươi, đẹp lắm!” thấy cô tỏ ra chăm chú nghe, Nghé hào hứng kể về con chim mà nó tỏ ra đặc biệt yêu thích: “Giẻ Cùi làm tổ trên cây hoặc những bụi cây lớn, nó có nhiều giọng hót lắm, nhưng thường gặp nhất là kiểu tiếng cao chói như tiếng sáo vậy đó!” kể đến đây nó hạ giọng hỏi: “Mà cô đã nghe Giẻ Cùi hót khi mô chưa?”.

Cô lại lắc đầu, chăm chú đợi nghe thằng nhỏ nói tiếp: “Giẻ Cùi rất thích ăn cào cào, nhộng, và kiến. Có khi nó còn ăn các loại bò sát nhỏ, chim non và trứng chim nữa…” thằng nhỏ say sưa kể cho cô nghe về loài chim Giẻ Cùi mà cô chưa từng nhìn thấy bao giờ.

Ngồi chơi với Nghé và Chút Chít cả buổi, nhìn trời chiều, cô xin phép bà cụ ra về, quay sang tạm biệt Chút Chít. Nghé đưa cô ra đường, đến ngã rẽ nó ngước nhìn lên rặng núi xanh, vẻ mặt lại mơ màng tư lự. Đang đi bên cô, nó chợt nghiêng tai nghe ngóng rồi đưa tay ra hiệu cho cô yên lặng: “Suỵt! Cô nghe thấy gì không? Tiếng Giẻ Cùi vừa hót đó!”.

Cô lắng nghe. Trong tiếng rừng chiều xào xạc có tiếng hót vừa vút lên một hơi dài lảnh lói nghe như tiếng sáo. Quay sang thằng nhỏ, cô bắt gặp gương mặt nó đầy rạng ngời và xúc động, chăm chú hướng tầm mắt lên dãy núi. Cô chợt nhìn thấy một giọt nước long lanh trong đôi mắt nó khi tiếng chim vút lên càng lúc càng trong ngần. Thoáng chút lạ lùng, cô không hiểu sao con chim Giẻ Cùi lại có thể khiến thằng nhỏ xúc động đến thế. Cô đứng bên nó, để yên bàn tay mình trong bàn tay nó. Lặng lẽ. Lắng nghe…

Tiếng chim trong ngần vút lên từng hồi rồi nhè nhẹ tan đi, xa dần... Thằng nhỏ ngồi thụp xuống tảng đá, ôm mặt lặng đi. Thời gian trôi qua từng nhịp chậm rãi, nó bỏ bàn tay xuống, một gương mặt thẫn thờ, đẫm nước. Tiếng thằng nhỏ thì thào: “Má con đó! Gần tết rồi, má về thăm con, thăm Chút Chít”.

“Là sao? Cô chưa hiểu!”.

Thằng nhỏ yên lặng, lát sau quay sang cô, gương mặt vẫn lộ vẻ ưu tư, tiếng nó thì thào trong tiếng gió chiều vừa vụt qua: “Hồi còn sống má con thích nghe tiếng Giẻ Cùi hót lắm, chiều mô má cũng theo ba lên ngọn đồi trên kia đợi nghe nó hót. Má không còn nữa nhưng đôi khi má lại về. Ba nói khi nào hai anh em con nghe tiếng Giẻ Cùi vút lên trên núi, đó là lúc má về, má theo tiếng chim mà về…” thằng nhỏ dừng lại, nghẹn ngào: “Gần tết rồi, má lại về thăm anh em con đó!”.

Cô đứng yên nghe yêu thương tràn dâng qua mi mắt. Tình yêu trong veo của một đứa trẻ thơ khiến trái tim người lớn cũng dạt dào. Cô chợt nhớ lần đầu nhìn thấy thằng nhỏ trên đồi, gương mặt khắc khoải cứ hướng lên triền núi trên cao đợi chờ. Hóa ra thằng nhỏ tin rằng má nó sẽ về trong cánh chim xanh bé nhỏ kia…

“Tạm biệt Nghé! Hẹn gặp lại con!” cô nắm chặt tay nó rồi quay đi trong tiếng rừng chiều xào xạc gió. Sau lưng cô có tiếng hót như tiếng sáo lại đột ngột vút lên. Trong trẻo. Êm đềm…

V.N.G

 

Bài viết khác cùng số

Con tằm bận nhả tơTiếng chim hót bên triền núi xanhMỹ Khê mùa xuânThành phố phía Tây BắcCampuchia - đi và thấyXuân về trên núiĐừng đợi đến ngày 30 TếtNgày Tết vắng tiếng raoChiếc bánh cay vị gừngMùa xuân ngẫm về văn minh và ngụ ngôn của láTết Nguyên Đán - từ cái nhìn của Nguyễn Văn XuânĐà Nẵng những năm Thìn dưới thời Pháp thuộcỨng xử độc đáo của Bác Hồ 80 năm trướcTếtNgọn gió quẫy chân mùaThì thầm với cỏGiọng quêCánh đồng thiếu nữÁo carô*Cánh mỏng chao nghiêngSáng chủ nhật uống trà hoa cúcCuối năm lại nhớ rừngĐi giữa sương đêmThơ Trần Trúc TâmThời gianBên ướt mẹ nằmMùa lạTản khúc ngày cuối đôngGhé thăm bạn cũThơ ngắnHồn người xưaVĩnh cửuThơ Nguyễn Đông NhậtChiều mưa biển Mỹ KhêMột nửa tôiVê qua trảng vắngMùa xuân trên đồi cây sungLạc phố bên sôngCuối năm về thăm nơi sơ tán cũVề Đường LâmNắng tháng GiêngMột nhành xuânTa là cây cúc nhỏCành xuân biếcTiếng xuânĐóa hoa xuânXuânXuân hạnh phúcLúc lòng Nguyên ĐánVề bên tháng GiêngMưaChùm Haiku mùaĐêm nghiêngĐầu năm đọc lại Hoàng hạc lâuChiều xuânLy rượu chiều cuối nămNắng xuânNgười dẫn tôi về phía mặt trời mọc *Đọc tự truyện Ong rừng của Phan Đức NhạnTìm về thế giới tuổi thơ qua “Bồ Công Anh bay theo gió”Múa trong văn hóa du lịchMùa xuân, đọc sắc vàng trong thơMột tập ký sự khắc họa vùng đất, văn hóa, con người Đà NẵngẤn tượng đẹp về Triển lãm "Mỹ thuật Đà Nẵng năm 2023"Võ Rồng ở nước ViệtSố nhiều và số ít trong lao động nghệ thuậtTrầm tư của một người yêu thơHình tượng con rồng trong văn hóa ViệtRồng - Makara trong mỹ thuật ChampaNhớ Giáo sư Nguyễn Văn Hạnh và Trăm năm thơ đất QuảngĐynh Trầm Ca và nỗi hoài hươngXuân Giáp thìn 2024Ảnh nghệ thuật "Tổ quốc bên bờ sóng"Tranh vuiBóng trời soi ruộng nướcChuyện vui: Một ngày xuânTình ta mãi mãi mùa xuânĐà Nẵng và em