Campuchia - đi và thấy

10.01.2024
Diệp Dân Hùng

Campuchia - đi và thấy

Vừa qua tôi có dịp được đi thăm xứ sở Chùa Tháp - Campuchia. Mặc dù chuyến đi chỉ mang tính “cưỡi ngựa xem hoa” nhưng những gì lượm lặt được suốt chuyến đi cũng phần nào biết và hiểu hơn về đất nước và con người Campuchia.

Sau khi từ Đà Nẵng vào Thành phố Hồ Chí Minh bằng đường hàng không, chúng tôi nhập đoàn của một hãng du lịch Siêm Riệp (Campuchia). Xe chạy qua cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh), làm thủ tục nhập cảnh cũng nhanh gọn. Đường từ cửa khẩu Mộc Bài đến Siêm Riệp không rộng nhưng chất lượng đường khá tốt, đường khá bằng phẳng vì chủ yếu chạy trên vùng đồng bằng. Ngồi trên xe nhìn ra hai bên đường thấy có nhiều nét tương đồng với miền Tây Nam Bộ của Việt Nam với những cánh đồng lúa, sông hồ và đặc biệt là cây thốt nốt, một loại cây đặc trưng của Campuchia có thể bắt gặp ở khắp nơi. Đang là cuối mùa mưa, hay còn gọi là “Mùa nước nổi” của Campuchia nên hai bên đường đi đâu cũng thấy nước. Thông qua những hướng dẫn viên đi cùng đoàn, cả của Việt Nam và người bản địa, chúng tôi cũng hiểu hơn về đất nước và con người Campuchia. Cũng nói thêm là, tuy là hướng dẫn viên bản địa nhưng họ đều là người Việt gốc Khơmer hoặc người Khơmer gốc Việt. Họ có kiến thức khá rộng về lịch sử, văn hoá của Campuchia và Việt Nam, nói tiếng Việt cũng sõi như người Việt nên tạo cho mọi người một cảm giác rất thoải mái và gần gũi.

Với quãng đường hơn 400km từ cửa khẩu Mộc Bài đến Siêm Riệp và theo lộ trình này, đoàn đi qua được 5 tỉnh của Campuchia là Svay Rieng, Pray Veng, Kompong Cham, Kompom Thom và cuối cùng là Siêp Riệp. Tỉnh Svay Rieng, nơi giáp Việt Nam, có các Casino (sòng bài) hoạt động nhộn nhịp. Mới qua khỏi cửa khẩu là đã thấy những toà nhà san sát, đa số là Casino và 90% khách đến đây chơi bài là người Việt Nam. Hướng dẫn viên của đoàn cho biết, nếu không có sự xuất hiện của những casino này thì bối cảnh hiện nay của Campuchia giống với Việt Nam khoảng 22-30 năm trước. 

 

Về giao thông, suốt chuyến đi tuyệt nhiên không thấy bóng dáng của một cảnh sát giao thông nào, cũng không có trạm thu phí hay chốt kiểm soát, tại các khu đô thị cũng không nghe tiếng còi xe, kể cả ở thủ đô Phnom Penh. Bò thả rông thấy khá nhiều hai bên đường. Anh chàng hướng dẫn viên nói tếu là chỉ có “cảnh sát bò” dọc đường thôi, nó không “ra lệnh” nhưng nhiều khi xe phải dừng lại để nhường đường. Cũng về giống bò này, anh hướng dẫn viên nói vui rằng: “Người Campuchia thì da ngăm đen nhưng riêng bò thì thì đa số là trắng”, chúng có nguồn gốc từ Ấn Độ và người Campuchia chủ yếu là nuôi theo phương pháp chăn thả tự nhiên. Sau thời kỳ diệt chủng của Pol Pot, giống bò da vàng có nguồn gốc từ Việt Nam và Thái Lan hầu như tuyệt chủng, còn những con bò trắng đi lạc vào những bãi mìn còn sót lại sau chiến tranh, bị thương, bị chết, người dân lấy thịt ăn thấy ngon vậy là nuôi và phát triển đàn đến đông đúc như hiện nay. Ở Campuchia thời điểm này đang là mùa mưa nên cây cỏ khá xanh tốt. Do ở Campuchia không có hệ thống thủy lợi nên nông dân đa số chỉ trồng một vụ nhờ nước trời. Làng xóm hai bên đường, đa số là nhà sàn lợp tôn, người Campuchia ở nhà sàn từ thời xa xưa, chủ yếu là để chống lũ lụt, thú dữ và rắn độc, do đó mà cột nhà sàn đa số là cột vuông chứ không phải cột tròn để rắn rết khó bò lên, nhất là vào mùa nước lụt. Những hàng cây thốt nốt đặc trưng cho đất nước này bắt gặp ở khắp nơi, nó không được trồng thành vườn như các loại cây ăn trái khác vì không mang lại hiệu quả kinh tế cao. Cây thốt nốt có hai loại, cây đực và cây cái, cây đực phải mười năm mới cho nước để làm đường, còn cây cái chỉ ra hoa. Đến mùa, trái già rụng xuống, mưa lũ cuốn trôi đến đâu, nảy mầm sinh trưởng ở đó…

Trái ngược hẳn với nhà cửa khá đơn giản thì dọc đường bắt gặp rất nhiều cổng chào, những chiếc cổng chào mà người viết bắt gặp được xây dựng rất hoành tráng, nhất là cổng chùa. Hầu hết các cổng chào đều được thiết kế theo hình tượng đền Angkor, với những họa tiết rất cầu kỳ đẹp mắt. Ngay cả khách sạn 4 sao ở Siêm Riệp nơi đoàn chúng tôil ưu trú, cửa vào cũng thiết kế theo motip Angkor - âu cũng là một cách để bảo tồn nền văn hóa dân tộc rất cụ thể và hiệu quả.

Về tôn giáo, có thể nói, người Campuchia có một niềm tin vào tôn giáo mạnh mẽ nhất và tuyệt đối nhất trên thế giới này. Đạo Phật phái Nam Tông là quốc giáo của Campuchia và 90% người dân Campuchia là Phật tử. Đạo Phật ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống của người dân Campuchia từ các chuẩn mực đạo đức xã hội cho đến cách ứng xử giữa các thành viên trong gia đình. Ở Campuchia hầu như không có nghĩa trang, người chết được hỏa táng, tro đưa vào chùa để thờ tự. Người Khmer cho rằng người chết không thể trực tiếp thụ hưởng những gì người sống cúng tế, mà phải hồi hướng qua sư sãi. Vì vậy, họ không lập bàn thờ tổ tiên tại gia đình mà chỉ thờ Phật ở nơi trang trọng nhất trong nhà. Các gia đình cũng không làm đám giỗ riêng lẻ cho từng người thân, mà cả nước có một ngày giỗ chung vào ngày 8 tháng 10 theo lịch Khmer cho tất cả những người quá cố. Dọc đường đi bắt gặp rất nhiều ngôi chùa với kiểu kiến trúc khá đặc trưng, có lẽ  vì vậy mà nên đất nước này còn được gọi là đất nước Chùa Tháp. Các đền chùa chỉ thờ duy nhất một vị thần Thích Ca, các tín đồ Tiểu thừa được dùng đồ mặn. Trẻ em là nam giới từ 12 tuổi trở lên bắt buộc phải vào chùa tu ba năm rồi mới được “vào đời”.  Nó được mặc định như một nghĩa vụ xã hội của người con trai. Tu ở đây không phải để lánh đời mà là cơ hội học tập, rèn luyện để trở thành một người trưởng thành thật sự. Trước mỗi nhà người Khmer đều có trang thờ mang kiểu dáng kiến trúc đặc trưng của xứ sở Chùa Tháp gọi là Bàn thờ Chư Thiên hay bàn ông Thiên.

Đi du lịch ở bất cứ nơi nào, không thể không quan tâm đến ẩm thực. Nói đến ẩm thực của Campuchia có lẽ nhiều người đã nghe đến một loại mắm có tên là “bò hóc”, là một trong những món ăn dân dã, đặc trưng của người dân Khmer ở Campuchia. Loại mắm này được người Khmer chọn là đặc sản dùng để đãi khách quý đến thăm nhà. Ngày xưa, đối với những người dân nghèo ở Campuchia thì mắm bò hóc là món duy nhất cung cấp protein trong bữa ăn. Nếu như ở Việt Nam, mắm được ủ từ cá biển thì với mắm bò hóc của Campuchia lại được chế biến từ nguyên liệu chính là cá nước ngọt. Do đoàn khách đa số là người Việt Nam nên hãng du lịch đưa đoàn đến những nhà hàng có nấu những món ăn hợp với khẩu vị người Việt Nam hơn, đặc biệt là khẩu vị của người Nam Bộ. Một số món ăn được“gia cố” thêm mắm bò hóc mà người ăn không cảm thấy khó ăn và khi ăn cảm thấy dễ “dung nạp”. Gạo của Campuchia cũng rất ngon vì rất ít sử dụng thuốc trừ sâu và phân bón hoá học, nhiều vùng canh tác theo hình thức “lúa nước trời” như Việt Nam, nôm na là để “thuận theo tự nhiên”, nên nó có thể xem là gạo sạch, gạo hữu cơ. Không những lúa gạo mà các loại rau củ quả cũng đa số được trồng theo cách truyền thống nên nhìn tuy không “bắt mắt” nhưng ăn lại ngon ngọt và hoàn toàn không có chuyện nông dân trồng theo kiểu “Rau hai luống, lợn hai chuồng” như bên ta… Những ai, đặc biệt là phụ nữ coi chè là món khoái khẩu thì không thể bỏ qua món chè của Campuchia. Chè Campuchia có độ ngon ngọt, thơm đặc trưng, chủng loại khá đa dạng, phong phú, lại được nấu từ đường thốt nốt, thêm nước cốt dừa nên hương vị rất hấp dẫn.

Quả là thiếu sót nếu nói về các món ăn của Campuchia mà không nhắc đến các món được chế biến từ côn trùng. Đến Campuchia bạn có thể bắt gặp những gian hàng thậm chí là chợ chuyên bán côn trùng ở nhiều nơi cả chế biến sẵn cũng như tươi sống. Theo người hướng dẫn viên bản địa kể lại, khi Campuchia rơi vào nạn đói cuối những năm 70 của thế kỷ trước, đặc biệt là giai đoạn của chế độ diệt chủng Pol Pot, người sống cảnh cơ hàn ở đất nước này đã phải vận dụng côn trùng làm món ăn, bổ sung chất dinh dưỡng vào trong thực đơn hàng ngày. Qua thời gian, từ một món ăn bất đắc dĩ của giới nhà nghèo, côn trùng đang ngày càng trở thành món ăn được ưa chuộng bởi mọi giới. Trào lưu thưởng thức côn trùng chiên như một món ăn thời thượng đã góp phần giúp đẩy ngành du lịch của Campuchia, giúp cho nhiều người dân có cơ hội đổi đời nhờ nuôi dưỡng hay săn bắt côn trùng, đồng thời đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ lớn của thị trường trong và ngoài nước.

 

Cuối cùng, một điểm nhấn không thể không nhắc đến là những biểu tượng của tình đoàn kết Việt Nam - Campuchia. Trong những ngày ở Campuchia, dọc đường đi thỉnh thoảng lại bắt gặp các đài tưởng niệm ghi công bộ đội tình nguyện Việt Nam, những người đã chiến đấu hy sinh giúp bạn thoát khỏi hoạ diệt chủng. Hầu như là ở tỉnh thành nào của Campuchia cũng có, lớn nhất là Tượng đài Hữu nghị Việt Nam - Campuchia ở trung tâm thủ đô Phnom Penh. Các bạn hướng dẫn viên bản địa luôn nhắc đến thời kỳ đen tối dưới chế độ Pol Pot của đất nước Chùa Tháp. Họ kể chi tiết đến từng ngày (3 năm 8 tháng 20 ngày). Từ một đất nước hơn 7 triệu dân thời điểm năm 1975 mà qua chừng ấy thời gian, đến ngày 17/2/1979, thời điểm Quân đội Nhân dân Việt Nam cùng với quân đội Campuchia giải phóng hoàn toàn Campuchia, dân số đất nước này chỉ còn hơn 3 triệu người, do bị “Khmer đỏ”, cầm đầu là Pol Pot giết hại. Bọn chúng đã thực hiện chính sách cưỡng bức di dời dân cư từ các đô thị ra vùng nông thôn, kêu gọi trí thức Campuchia từ nước ngoài về “xây dựng đất nước” rồi tập trung lại tra tấn và hành quyết hàng loạt, cùng với lao động cưỡng bức, sự suy dinh dưỡng và bệnh tật đã dẫn đến cái chết của khoảng một phần hai dân dân số đất nước này. Những người dân Campuchia thế hệ trước 1979 đến bây giờ còn ám ảnh về thời kỳ đen tối dưới chế độ man rợ đó và họ đều rất biết ơn Việt Nam, vì nếu không có bộ đội tình nguyện Việt Nam thì đất nước Campuchia giờ này không biết đã đi về đâu, thậm chí là đã diệt vong.

Kể về đất nước Chùa Tháp là cả một câu chuyện dài, không thể nói hết trong bài viết này, nhất là về những di tích thắng cảnh, đặc biệt là về kỳ quan nổi tiếng Ăngkor Wat và Ăngkor Thom, những công trình kiến trúc được xây dựng từ thế kỷ 12, nơi hấp dẫn du khách bởi kiến trúc hoành tráng, hình ảnh nghệ thuật độc đáo đặc trưng của nền văn minh lừng lẫy một thời, rất kỳ vĩ và cũng đầy kỳ bí. Quả là một chuyến đi không quá dài nhưng dù sao những người trong tour du lịch này cũng đã “thu hoạch” được những  câu chuyện bổ ích và thú vị về xứ sở Chùa Tháp xin kể ra đây để bạn đọc biết và trải nhiệm khi có cơ hội.

                                                                                                                                    D.D.H

Bài viết khác cùng số

Con tằm bận nhả tơTiếng chim hót bên triền núi xanhMỹ Khê mùa xuânThành phố phía Tây BắcCampuchia - đi và thấyXuân về trên núiĐừng đợi đến ngày 30 TếtNgày Tết vắng tiếng raoChiếc bánh cay vị gừngMùa xuân ngẫm về văn minh và ngụ ngôn của láTết Nguyên Đán - từ cái nhìn của Nguyễn Văn XuânĐà Nẵng những năm Thìn dưới thời Pháp thuộcỨng xử độc đáo của Bác Hồ 80 năm trướcTếtNgọn gió quẫy chân mùaThì thầm với cỏGiọng quêCánh đồng thiếu nữÁo carô*Cánh mỏng chao nghiêngSáng chủ nhật uống trà hoa cúcCuối năm lại nhớ rừngĐi giữa sương đêmThơ Trần Trúc TâmThời gianBên ướt mẹ nằmMùa lạTản khúc ngày cuối đôngGhé thăm bạn cũThơ ngắnHồn người xưaVĩnh cửuThơ Nguyễn Đông NhậtChiều mưa biển Mỹ KhêMột nửa tôiVê qua trảng vắngMùa xuân trên đồi cây sungLạc phố bên sôngCuối năm về thăm nơi sơ tán cũVề Đường LâmNắng tháng GiêngMột nhành xuânTa là cây cúc nhỏCành xuân biếcTiếng xuânĐóa hoa xuânXuânXuân hạnh phúcLúc lòng Nguyên ĐánVề bên tháng GiêngMưaChùm Haiku mùaĐêm nghiêngĐầu năm đọc lại Hoàng hạc lâuChiều xuânLy rượu chiều cuối nămNắng xuânNgười dẫn tôi về phía mặt trời mọc *Đọc tự truyện Ong rừng của Phan Đức NhạnTìm về thế giới tuổi thơ qua “Bồ Công Anh bay theo gió”Múa trong văn hóa du lịchMùa xuân, đọc sắc vàng trong thơMột tập ký sự khắc họa vùng đất, văn hóa, con người Đà NẵngẤn tượng đẹp về Triển lãm "Mỹ thuật Đà Nẵng năm 2023"Võ Rồng ở nước ViệtSố nhiều và số ít trong lao động nghệ thuậtTrầm tư của một người yêu thơHình tượng con rồng trong văn hóa ViệtRồng - Makara trong mỹ thuật ChampaNhớ Giáo sư Nguyễn Văn Hạnh và Trăm năm thơ đất QuảngĐynh Trầm Ca và nỗi hoài hươngXuân Giáp thìn 2024Ảnh nghệ thuật "Tổ quốc bên bờ sóng"Tranh vuiBóng trời soi ruộng nướcChuyện vui: Một ngày xuânTình ta mãi mãi mùa xuânĐà Nẵng và em