Về với Phú Ninh như về với người tình - Trần Nguyên Hạnh

05.12.2019


Từng biết đến Quảng Nam với những địa danh nổi tiếng như Phố cổ Hội An, Thánh địa Mỹ Sơn, Tượng đài Mẹ Thứ, làng bích họa Tam Thanh...nhưng ít ai biết rằng Quảng Nam còn được thiên nhiên ưu đãi những địa danh làm đắm say lòng người mà những ai yêu thiên nhiên không thể bỏ qua. Một trong những địa danh đó chính là Hồ Phú Ninh.

Về với Phú Ninh như về với người tình - Trần Nguyên Hạnh


Có một câu nói mà bất cứ ai đến với Phú Ninh đều không thể không nhớ: Về với Phú Ninh như về với người tình. Bạn có thể đã đến Phú Ninh, đã ghé ngang Phú Ninh với sự tò mò nhưng chỉ khi thả mình theo dòng nước mênh mông trên những chiếc thuyền gỗ, để chúng đưa bạn đến với những cánh rừng nguyên sinh, với muôn thú, với hệ sinh thái phong phú nơi đây, bạn mới có thể thưởng ngoạn hết sức cuốn hút của địa danh này.

Dường như những ai từng lớn lên ở Phú Ninh đều có những kí ức không thể nào quên. Kí ức sâu đậm nhất có lẽ là kí ức về những chuyến đò dọc nối những bến bờ đã chuyên chở không biết bao nhiêu lớp người quê tôi đến khắp muôn nơi và kết nối họ với những vùng đất khác. Ngày đó những chuyến đò làm nhiệm vụ nối hai bờ - miền núi với đồng bằng. Tôi từng có một thời thơ ấu lon ton theo ngoại đi chợ, ngồi thuyền xuôi theo dòng nước từ bờ bên này sang tận bờ bên kia, từng có những ngày đi qua bao chuyến đò thênh thang sóng nước để đến trường cấp ba đi học. Những tháng ngày ấy, tôi từng nghĩ mình đã thuộc lòng từng khúc cua, gò đất, bãi bờ, tưởng đã nhìn ngắm trọn vẹn cảnh sắc quê hương nhưng hóa ra không phải. Mỗi lần quay về là mỗi lần ngạc nhiên. Hóa ra quê mình vẫn xanh, vẫn trong và yên bình đến thế.

Tôi nhớ biết bao khung cảnh ban mai khi mặt trời lấp ló giữa rạng đông, khi những tầng mây xà xuống in hình trên mặt nước, chỉ cần dừng chân trước hồ, đã cảm thấy mình như đang lạc giữa một bức tranh non nước hữu tình, có hồ nước, núi rừng cùng với mây trời, cây cỏ. Tôi từng có những ngày hè sớm tinh mơ đã thức dậy  mang giỏ mây hớn hở đi nhặt nghêu - sò cùng chúng bạn, từng chạy văng cả dép những ngày hè thả diều căng gió. Tôi cũng có những ngày mưa lũ cùng ông lội mương bắt cá, cùng ba chèo thuyền thả lưới trên hồ và nghêu ngao hát. Xung quanh hồ có biết bao gia đình mưu sinh như chúng tôi, mỗi nhà một chiếc thuyền nan để đánh bắt cá. Có nhà kiếm sống bằng nghề chèo thuyền đưa khách sang sông, buôn bán thực phẩm và đốn củi. Cuộc sống nơi đây vẫn nhẹ nhàng trôi qua trong yên bình như thế. Sống ở một nơi có thiên nhiên ưu đãi, tâm hồn con người cũng thật hiền lành, chất phát, điềm đạm như vùng đất được họ sinh ra và lớn lên.

Hồ  Phú Ninh vẫn luôn là niềm tự hào của những người sinh ra ở đây bởi đây là công trình thủy lợi lớn nhất miền Trung và là hồ nhân tạo lớn thứ hai Việt Nam, chỉ sau hồ Dầu Tiếng tại tỉnh Tây Ninh. Một công trình được làm nên với bao mồ hôi, nước mắt và công sức xây dựng của biết bao người đã mang lại sự hồi sinh và phát triển của một vùng đất. Với sức chứa 344 triệu m³ nước, Hồ Phú Ninh hiện đang phục vụ tưới tiêu cho 23.000 ha lúa và hoa màu. Trong lòng hồ Phú Ninh có suối nước khoáng nóng. Mỗi năm Hồ Phú Ninh thu hoạch hơn 80 tấn cá các loại. Những sản vật và tài nguyên từ hồ đã nuôi sống biết bao gia đình lao động lam lũ, để những đứa trẻ quê như chúng tôi có điều kiện nuôi giấc mơ với con chữ, để được bay xa và khám phá những chân trời mới.

Không chỉ mang lại sự hồi sinh cho một vùng đất, Hồ Phú Ninh hôm bay còn là nơi mà bất cứ ai cũng muốn đến để một lần thả mình vào khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp, để ngắm mây nhìn núi, tìm kiếm sự thinh lặng và cảm giác an yên trong tâm hồn. Quan cảnh thiên nhiên yên bình xanh mướt và hệ động thực vật phong phú nơi đây cũng chính là lí do mỗi năm Hồ Phú Ninh thu hút hàng nghìn người đổ về đây để tham quan, nghỉ dưỡng.

Cuộc đời có thể sẽ mang đến cho một người trưởng thành nhiều cảm xúc khác nhau nhưng cảm giác yên bình vẫn luôn là cảm giác ngự trị trong tâm hồn mỗi khi ta được trở về nơi mình sinh ra. Với tôi Phú Ninh không chỉ là một nơi để nhớ để thương, mà là quê nhà, là nơi tôi trở về để tìm lại bản ngã của chính mình. Như một chiếc kho cất giữ giùm tôi bao hồi ức tươi đẹp, thi thoảng tôi muốn tìm lại những êm ả, dịu dàng đã đi qua, đã nuôi dưỡng tâm hồn tôi để nhắc nhở chính mình phải sống đúng với tâm hồn mình. Tôi biết sẽ còn biết bao điều xinh đẹp trong lòng Phú Ninh mà mỗi lần trở về làm người tình của Phú Ninh, tôi mới có thể nhìn rõ và thấu hết.

Trải qua thời gian, Phú Ninh hôm nay vẫn giữ được nét tự nhiên vốn có. Không phát triển nhanh chóng và bị khai thác quá mức làm cho biến đổi, những ai đã từng một thời lớn lên ở đây hay đã phải lòng Phú Ninh như một người tình năm cũ đều có thể tìm thấy ở Phú Ninh những điều giản dị gần gũi nhất mà thế giới tự nhiên đã mang đến cho con người, để mỗi cuộc hành trình trở về với Phú Ninh đều là một cuộc hành trình trở về với mẹ thiên nhiên thân thuộc.

T.N.H