Vẻ đẹp ngàn hoa trong thơ Hồ Chí Minh - Lê Thành Văn

04.02.2015

Vẻ đẹp ngàn hoa trong thơ Hồ Chí Minh - Lê Thành Văn

Hai nguồn cảm hứng lớn trong thơ  Hồ Chí Minh là lòng yêu nước bao la và tình yêu thiên nhiên tha thiết. Vẻ đẹp ngàn hoa chiếm một vị trí quan trọng trong mảng thơ viết về tình yêu thiên nhiên của Người, góp phần tạo nên nhân cách văn hóa cao đẹp của vị lãnh tụ cách mạng, đồng thời là một nhà thơ lớn của dân tộc Việt Nam. Từ Nhật ký trong tù đến thơ ca chống Pháp và xây dựng cuộc sống mới ở miền Bắc, đặc biệt là các bài thơ chúc Tết nhân dịp xuân về, hơn bao giờ hết, tình yêu trọn vẹn của Hồ Chủ tịch vẫn luôn dành một cảm xúc dào dạt nhất đến với muôn ngàn hoa thắm.

Sinh thời, trong cuộc sống bình thường hằng ngày, Hồ Chí Minh đã dành tình cảm của mình đến với muôn ngàn vẻ đẹp của thiên nhiên. Tâm hồn và trái tim của Bác,  theo tôi trước hết vẫn mang vẻ đẹp của một con người Á Đông thực sự. Dù trải qua không biết bao nhiêu vùng đất trên thế giới khi tuổi còn rất trẻ, tiếp thu biết bao tinh hoa văn hóa nhân loại, song trước sau Bác Hồ của chúng ta vẫn luôn hướng đến vẻ đẹp của thiên nhiên, Người xem đó là nơi chia sẻ tâm tình, gởi gắm bao ước mơ, khát vọng. Độc lập, tự do là khát vọng lớn lao của cả một cuộc đời, nhưng Bác vẫn khát khao sống gần gũi với thiên nhiên, với hoa đồng gió nội, Người từng tâm sự về mong ước nhỏ bé đơn sơ của mình là làm "một cái nhà nho nhỏ, nơi có non xanh nước biếc để câu cá trồng hoa, sớm chiều làm bạn với các cụ già hái củi, em bé chăn trâu, không dính líu gì với vòng danh lợi". Những tháng năm hoạt động cách mạng, dù ở Paris hay Hồng Kông, trên đất Thái Lan hay khi Người về Tổ quốc, Bác vẫn giữ thói quen vun trồng, chăm sóc và thưởng thức hoa. Mỗi khi tìm chỗ ở, với Người là phải có sơn thủy hữu tình: "Trên có núi, dưới có sông/ Có đất ta trồng, có bãi ta vui". Hòa mình với thiên nhiên, nâng niu từng bông hoa tươi thắm, có lẽ từ đó mà tâm hồn vốn nhạy cảm với thơ ca đã cho ra đời những bài thơ tuyệt bút về muôn ngàn loài hoa xinh đẹp. Nhân mùa xuân mới đang về, điểm xuyết một số thi phẩm của Người về các loài hoa để lòng chúng ta tưởng nhớ đến  vị Cha già kính yêu của dân tộc, đồng thời là nhà thơ lớn trong lịch sử văn học nước nhà.

Trước hết, nói đến thơ Hồ Chủ tịch, một tập thơ mà tất cả chúng ta đều không thể quên là Ngục trung nhật ký (Nhật ký trong tù). Đây là tập thơ Người sáng tác trong hoàn cảnh khắc nghiệt, bị bắt giam khi trên đường "tìm đến Trung Hoa để hội đàm" vào năm 1942. Đọc hơn một trăm bài thơ trong thi phẩm, ta bắt gặp lòng Bác trải rộng với thiên nhiên và đã phát hiện ra nhiều vẻ đẹp tuyệt vời của muôn ngàn hoa thắm. Chính ý chí "Thân thể ở trong lao, tinh thần ở ngoài lao" ấy, Hồ Chủ tịch đã từng rung động với cánh hoa rừng đang ngào ngạt sắc hương, mặc dù chân bị xiềng, tay bị trói giữa khung cảnh núi rừng hiu quạnh. Người vừa là tù nhân nhưng đồng thời cũng là một thi nhân chính ở chỗ ấy, cao hơn nữa là hình ảnh một thi nhân ung dung, tự tại, một người chiến sĩ cách mạng chiến đấu cho tự do:

Mặc dù bị trói chân tay

Chim ca rộn núi, hương bay ngát rừng

Vui say ai cấm ta đừng

Đường đi âu cũng bớt chừng quạnh hiu

                        (Trên đường đi)

Hoa tự do thơm, chim tự do hót hay đó là vẻ đẹp tâm hồn đã thoát thai từ một con người vĩ đại? Có lẽ, chính tâm hồn bao la ấy, đã biết tâm sự cùng với những cảnh tượng đau lòng khi Bác nhìn cánh hồng rơi rụng vào một buổi chiều hôm. Chủ nghĩa nhân văn, tấm lòng ưu ái với ngoại vật đã  khiến cho thơ Bác đằm sâu chất triết lý sâu sắc về đời sống con người:

Hoa hồng nở, hoa hồng lại rụng

Hoa tàn hoa nở cũng vô tình

Hương hoa bay thấu vào trong ngục

Kể với tù nhân nỗi bất bình.

                        (Cảnh chiều hôm)

Đến đây, ta bắt gặp sự hòa điệu giữa tâm hồn Hồ Chí Minh và đại thi hào Nguyễn Du của mấy trăm năm trước. Nguyễn Du cám cảnh cho vườn hoa bên Tây Hồ đã thành bãi hoang rồi, để từ đó mà khóc một nàng Tiểu Thanh tài hoa bạc mệnh. Bác khóc cho đóa hồng sớm nở tối tàn, Nguyễn Du khóc cho một vườn hoa đẹp giờ đây phai nhạt, hoang hóa theo thời gian. Hai con người, hai thời đại, nhưng cùng một tâm cảnh, một nghĩa cử trước cái đẹp và cuộc đời.

Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, thơ Bác cũng tràn đầy muôn ngàn hoa thắm. Cảnh chim rừng, hoa núi như một ám ảnh tuyệt đẹp trong thơ Người. Dù bận trăm công ngàn việc, nhưng chỉ cần một khoảnh khắc thanh nhàn là Người có thơ. Bài thơ Tặng cụ Bùi Bằng Đoàn là một thi phẩm đẹp, phác họa được chân dung tâm hồn yêu thiên nhiên tha thiết, đồng thời thể hiện văn hóa ứng xử đầy nho nhã giữa Hồ Chủ tịch với một bậc đức trọng tài cao trong tư cách hai người đồng chí chiến đấu cho độc lập nước nhà:

Xem sách, chim rừng vào cửa đậu

Khuê văn, hoa núi ghé nghiêng soi

Tin vui thắng trận dồn chân ngựa

Nhớ cụ, thơ xuân tặng một bài.

                        (Tặng Cụ Bùi Bằng Đoàn)

Quả thật, cảnh vật và tình người, niềm vui cá nhân đã hòa trong niềm vui chiến thắng của đất nước làm một. Bài thơ nhỏ nhắn, xinh xắn mà ẩn chứa một tâm hồn lớn lao, cao đẹp. Cả thi phẩm sáng bừng trong khung cảnh hoa núi, chim rừng rộn ràng, tươi mới. Hứng thơ đã đến với hồn người, lại thêm tin thắng trận đang dồn dập báo về càng làm cho tứ thơ vụt sáng lên bát ngát. Cảnh đã vui, lòng càng vui, bài thơ xuân dành tặng cho người tri âm cũng trào dâng mãnh liệt. Thơ Bác ra đời trong hiếm hoi chừng ấy, vậy mà vẫn bát ngát hương hoa hòa điệu với hồn người thân ái, ân tình.

Nói đến vẻ đẹp ngàn hoa trong thơ Bác Hồ, chúng ta cũng không thể quên thi phẩm Không đề nổi tiếng. Cũng chỉ với bốn câu thơ tứ tuyệt, Hồ Chí Minh đã dựng lên một bức tranh thiên nhiên rộn ràng, tươi tắn. Chính cuộc sống nơi núi rừng Việt Bắc đầy khó khăn nhưng sống động đã giúp Bác xuất thần khi viết về những loài hoa xinh đẹp của núi rừng:

Đường non khách tới hoa đầy

Rừng sâu quân đến tung bay chim ngàn

Việc quân, việc nước đã bàn

Xách bương, dắt trẻ ra vườn tưới rau.

                        (Không đề)

Cảnh và người gắn bó hài hòa, đồng điệu. Khách tới, hoa nở đầy mặt đất như hân hoan chào đón; khi bộ đội về, chim ngàn tung cánh vút cao. Cảnh đã đẹp, tâm hồn người càng đẹp, dung dị và mến khách. Ở đây, ta như bắt gặp ánh nhìn hạnh phúc, thanh cao trong niềm vui sung sướng vô cùng của Bác trong một ngày đầu xuân 1949 khi quân ta trên đà thắng lợi.

Mừng chiến thắng Mậu Thân, tháng 4 năm 1968, Bác Hồ viết bài thơ chữ Hán Mậu Thân xuân tiết, phác họa nét đẹp rạng rỡ của mùa Xuân đất trời hòa quyện với mùa xuân trong lòng người, trong đó hoa vẫn là chủ điểm của vẻ đẹp thiên nhiên rạng rỡ, tràn ngập sắc hương:

Tháng tư hoa nở một vườn đầy,

Tía tía, hồng hồng đua sắc tươi.

Chim trắng xuống hồ tìm bắt cá,

Hoàng oanh vút tận trời.

Trên trời mây đến rồi đi,

Miền Nam thắng trận báo về tin vui

                        (Mậu thân xuân tiết)

Quả là trong thơ Bác muôn ngàn loài hoa cứ bàng bạc hiện về, khi xanh biếc, lúc rực hồng, khi ngào ngạt hương thơm, lúc chiều vàng phai rụng ẩn chứa triết lý nhân sinh sâu sắc. Thơ viết về hoa của Bác còn nhiều lắm, nếu điểm xuyên suốt từ tập thơ Nhật ký trong tù đến thơ ca chống Pháp cũng như hòa bình lập lại trên miền Bắc nước ta sau 1954. Điều dễ nhận thấy là vẻ đẹp ngàn hoa trong thơ Người dù bất kỳ hoàn cảnh nào cũng biểu trưng cho cái đẹp, sự thanh cao và luôn hòa hợp với tâm trạng của con người, nó như một tín hiệu nghệ thuật để dẫn dắt người đọc khám phá hình tượng nhân vật trữ tình Hồ Chí Minh với tinh thần ung dung tự tại, "yêu nước, yêu người, yêu cỏ hoa" (Bác ơi! - Tố Hữu)

Ai đó đã nói, mỗi lần đọc thơ là ta bắt gặp một hồn người, điều ấy càng đúng hơn khi lần giở những trang thơ của Bác Hồ. Và một mùa xuân này nữa, dù Bác Hồ đã xa vắng cõi trần hơn 45 dịp Tết, ngàn hoa lấp lánh trong thơ Người vẫn như một đóa hoa tâm hồn thanh khiết, tỏa ngát hương từ tài năng và nhân cách lớn của một bậc đại nhân, đại trí dành cho nhân loại khắp mặt đất này.                     

                                                                                                L.T.V

Bài viết khác cùng số

Cô Mùi – Trần Quốc CưỡngChùm truyện nhỏ cho các em của Thanh QuếBốn Chỉnh – Vũ Đức Sao BiểnChùm thơ của Hồ Thế HàHạc phù dung – Nguyễn Thị Anh ĐàoVăn nghệ sĩ Đà Nẵng với Năm Văn hóa văn minh đô thị - Bùi Văn TiếngNghĩ về tâm, tầm lãnh đạo và lòng dân - Sương Nguyệt MinhVăn hóa người Đà Nẵng - Dân HùngTín hiệu vui trước ngưỡng cửa xuân 2015 - Phương MaiXuân không mùa - Huỳnh Viết TưNhững cánh rừng xưa sống lại – Bùi Công MinhNhững mùa xuân im lặng kéo qua đời …- Tùy bút của Văn Công HùngKhoai! – Hồ Duy LệAnh Đũi - Trần Đức TiếnDê Thần - Trần VănAi vừa gọi điện thế nhỉ ? - Bùi Công DụngTiếng mùa xuân – Vương Phạm Tâm CaSông Hàn chiều cuối năm - Trần Huy Minh PhươngChiều tháng Chạp - Nguyễn Bá HòaGiao mùa - Lê Huy HạnhThoáng xuân nghiêng - Nguyễn Thánh Ngãim lặng ngày xuân – Đinh Thị Như ThúyVề thăm quê buổi giao mùa – Trương Đình ĐàngMột mình - Hoàng Hương ViệtMùa Xuân - Nguyễn Xuân TưChiều ba mươi bên sông Hàn - Nguyễn Văn TámChờ Xuân – Trịnh Bửu HoàiSố phận của nhà thơ – Nguyễn Đông NhậtHoa cải vàng bay - Mai Hữu PhướcMùa đông về phố - Trần Ngọc MỹMùa riêng - Nguyễn Hoàng SaGiọt sương còn đọng môi mềm - Thy LanMột mình - Lê Thanh MyChùm thơ Nguyễn Ngọc HạnhVề miền ký ức riêng tư - Nguyễn Nho Thùy DươngNgôi sao số phận tôi – Nguyễn HoaTiếng nổ - Nguyễn Minh HùngNắng từ quê nội – Nguyễn Nhã TiênDặm chiều – Ngân Vịnh Nhà tôi có cây mai chưa trổ - Nguyễn GiúpNụ tình xuân - Nguyễn Miên ThượngMỹ Khê- Quê xưa gồng gánh hoa vàng – Võ BiênChạnh lòng – Nguyễn Thành LongMột quãng đường xuân với nhà thơ Trinh Đường – Nguyễn Nhã TiênVẻ đẹp ngàn hoa trong thơ Hồ Chí Minh - Lê Thành VănNét giao thoa văn hóa Việt - Mường độc đáo trong ca xuân sắc bùa ở đất Quảng - Vân TrìnhNhà văn Vũ Bằng với mùa xuân thương nhớ - Chế Diễm TrâmNỗi lòng Tô Vũ – bài kệ cho những ngày nói lãng – Trần Tâm“Khi đã chọn tiếng kêu tinh huyết..” Từ chân trời đến thiên di của Nguyễn Minh Hùng – Hoàng Sĩ NguyênHọa sĩ Vũ Dương: biển với mùa xuân – Trần Trung SángNghệ thuật bài chòi một di sản văn hóa của miền trung – Trần HồngNSƯT Hoàng Lể, Nhạc sĩ bài chòi – Trương Đình QuangBài vè Liêm Lạc – Phạm Hữu Đăng ĐạtMột câu chuyện về sáng tác múa – NSND Lê HuânCuộc chia ly giữa Trần Quý Cáp và Huỳnh Thúc Kháng tại Đà Nẵng - Châu Yến Loan