Một quãng đường xuân với nhà thơ Trinh Đường – Nguyễn Nhã Tiên

04.02.2015

Một quãng đường xuân với nhà thơ Trinh Đường – Nguyễn Nhã Tiên

Rất lâu rồi tôi mới có dịp về viếng đền Trường An trên đỉnh ngọn núi Lở. Ngày xuân, bước chân tùy hứng chứ chả phải hội hè hay hẹn hò gì. Đứng tựa vào bao lơn sân đền lơ đãng nhìn xuống dòng Vu Gia, bỗng dưng mấy hòn núi lô nhô sau những rặng tre xanh phía bên kia dòng sông nhắc cho tôi nhớ đến cái quê nhà ấu thơ của nhà thơTrinh Đường. “Ấu thơ” là chữ của nhà thơ Trinh Đường lúc còn sinh thời ông thường dùng mỗi khi kể chuyện về thời hoa niên ở làng La Vân xa lơ xa lắc đâu tận mù khơi  trí nhớ của ông.

Bên kia dòng Vu Gia cũng là quê tôi, nhưng khác với quê xứ nhà thơ Trinh Đường bởi làng La Vân của ông nằm dưới chân hòn Ngang bên bờ bắc sông Thu Bồn, còn làng Phường Đông của tôi nằm ven bờ nam sông Vu Gia. Cũng nhờ những chuyến đi về quê cùng nhà thơ mà tôi thuộc lòng thêm những tên làng tên đất từ thuở xa xưa. Dường như bao giờ cũng vậy, mỗi khi có cơ hội về thăm quê là ông lại thường rủ tôi làm bạn đường. Tôi còn nhớ có một năm, tết đang cận kề sát bên lưng, vậy mà nhà thơ Trinh Đường dường như chẳng nhớ gì tới, chiều tối rồi ông còn loanh quanh trên sân đền mặc cho tài xế giục còi xe ở dưới chân núi. Đến nỗi tôi phải nhắc ông: “- Hình như ngày mai chú về Hà Nội”. “-Ừ, ừ mai về chứ, mà cậu biết không…”, ông đưa tay chỉ về bên kia sông nói tiếp “- cả cái cánh đồng Tang Điền đó, ruộng của nhà mình có đến phân nửa đấy…”. Khổ cho nhà thơ, những câu chuyện đại loại như thế tôi đã nghe ông kể bao lần rồi. Ruộng đất của nhà ông thời xưa thôi thì cò bay thẳng cánh. Tuổi thơ ông đã biết ra đồng coi người ta gặt lúa, thấy dân đi gặt nghèo tội quá ông giấu cha mẹ lấy lúa chia hết cho người ta. Vậy đấy, cái lòng trắc ẩn, cái máu hào hiệp mẫu nghệ sĩ kiểu như nhà thơ Trinh Đường đã có sẵn từ thời hoa niên đẹp đẽ ấy. Mà nào chỉ chừng đó, ông còn đi học võ để đánh Tây. Cái lý do ông gia nhập đoàn thanh niên Phan Anh gì gì đó thời trước Cách mạng tháng Tám chẳng phải vì lý do chính trị nào, mà là máu nóng tuổi trẻ hăng hái lắm, cần phải làm cái việc gì đó cụ thể để đánh thực dân phong kiến. “-Cái thằng người mình lạ lắm cậu ạ, cứ nói là phải làm, mà làm là phải bằng được mới thôi…Còn thơ hồi ấy à, mình viết cả mấy tập rồi đấy, nhưng rồi xé hết, đốt hết vì nó… dở quá”. Ngồi trên xe với nhà thơ, chủ yếu tôi chỉ biết vâng vâng dạ dạ, thi thoảng lắm mới chen vào một đôi câu hỏi. Cái quê nhà trong địa lý bên dòng sông Thu Bồn hình như chỉ là cái cớ để nhà thơ đi tìm quê nhà thăm thẳm của thời gian. Mà như thế thì làm sao hết chuyện. Một thứ men say xây thành để có lúc ông bật lên, thốt  lên thành thơ, đọc mà nghe như có vị nước mắt mằn mặn trong câu chữ: “ Rồi tôi sẽ rời nơi đây/ Giao lại nơi đã ở/ Cả cái nhìn qua cửa/ Cả hơi ấm trên giường/ Chỉ mang theo lên đường/ Một bóng nôi trên biển/ Nơi lòng tôi lưu luyến/ Thêm nhiều lần cố hương”!

Nhà thơ Vân Long đã viết về ông đại loại như thế này: Người ta đi tập kết mấy mươi năm trở về, không tướng tá thì cũng giám đốc này, giám đốc kia…, còn Trinh Đường khi rời làng đi tập kết ra bắc, lúc đi ông là một nhà thơ, mấy chục năm sau trở về ông cũng là một nhà thơ. Đúng là như thế thật, một đời ông chẳng quan tước gì ngoài máu thi sĩ nguyên vẹn từ trong ra ngoài. Trong tác phẩm  Chiều chiều – hồi kí của Tô Hoài, đoạn viết về Trinh Đường cũng là thẩm giá chứng minh cho cái phẩm chất thi sĩ cao đẹp của ông. Người ta thì ít nhiều gì sống ở đời cũng biết lượn gió mà đi, thậm chí có kẻ cúi rạp mình xuống, còn ông thì cứ cái hình hài cao lòng nhòng thẳng băng mà bước, vậy nên bất trắc là điều khó lường.

Nhưng mà hầu như ông chẳng để ý gì đến cái sự bất trắc đâu đó trên đường đời, hồn nhiên sống và yêu, hồn nhiên luôn cả những khi  rủi may của số phận gieo xuống đời mình. Ông đón nhận tất cả những khổ đau và hạnh phúc ở đời như sự mặc định của định mệnh. Chỉ riêng cõi thơ với ông là cõi thanh khí, cõi thiêng liêng, vì thế đọc đâu đó một thứ thơ gượng gạo, đồng bóng, là ông chê không tiếc lời, ngược lại gặp một bài tâm đắc, là ông khen bốc trời, thậm chí có khi còn tìm cho ra địa chỉ của tác giả để viết thư, để kết bạn tâm tình. Tuổi đã về già rồi, nhà thơ còn gánh vác cái công trình đồ sộ Một thế kỉ thơ Việt. Có lẽ đây là quãng thời gian ông đi lại nhiều nhất. Từ Lạng Sơn đến Cà Mau, từ miền núi đến miền biển…, đến nỗi vừa trải qua một trận ốm đau chí tử, đã nghe ông rời Hà Nội vào Lâm Đồng, rồi lặn lội tới miền Tây - Nam bộ. Quả như nhà thơ nói, ông đi để “ Đón gió hỏi nhà, nhờ mây chỉ lối, tôi đã đi tìm thơ qua các tàng thư và sông núi, đã đãi cát tìm vàng dọc theo dòng sông thế kỉ…”. Đi tìm thơ kiểu như thi sĩ - một ông lão đã quá “ bát thập” rồi, hỏi trên đời này được mấy ai như thế.

Vậy mà khi về quê quán rong chơi, nhà thơ trút cái “gánh nợ” đó đi đâu ra khỏi tâm tưởng, chỉ còn nghe ông kể toàn là chuyện đời xửa đời xưa. Cũng may, những ngày cận kề tết năm đó, nhờ chiếc xe Lada cũ kỹ của một anh bạn  đang làm chủ tịch Mặt trận huyện Đại Lộc cho mượn để tôi và ông thỏa sức mà… du xuân! Rời khỏi đền Trường An lúc trời hoàng hôn, nhà thơ Trinh Đường còn cù rủ: “Mình làm một vòng Hội An ăn tết sớm rồi hãy ra Đà Nẵng”. Tất nhiên là tôi “chấp hành” triệt để. Đi với ông nhiều lần, tôi có “kinh nghiệm” về sự ngẫu hứng đột ngột xuất hiện ở ông. Cái sự “quên” và “ngẫu hứng” bất ngờ của nhà thơ là cả những giai thoại ly kỳ. Ví như có thể một sớm mai nào đó, ông  rời nhà với lý do để đi ăn sáng, vậy rồi ông đi tuốt tận Huế hay tận đâu đâu, đến khi ông điện thoại về nhà mới biết lý do thế này thế khác. Tôi ngờ rằng, nếu không vì tết rượt đuổi sau lưng, có thể ông lại không chỉ đòi đến Hội An mà còn là một nơi nào đó có trời mới biết được!

Thế đó, một quãng đường xuân với nhà thơ Trinh Đường năm ấy, để rồi từ sau cái tết đó, ông đi thẳng một mạch vào hư vô, vào thế giới “Những người muôn năm cũ”.Tôi còn nhớ cái tết sau đó, tết năm Nhâm ngọ, anh Phạm Phát và anh Nguyễn Đình An - những người bạn vong niên của nhà thơ Trinh Đường rủ tôi về làng La Vân quê ông. Nhưng lần này không phải là một chuyến du xuân mà là đi viếng mộ thi sĩ. Nhìn anh Phạm Phát và anh Nguyễn Đình An cắm hoa và rót rượu lên mộ nhà thơ Trinh Đường, tôi ngộ ra cái ý niệm “ Nhân – Quả” chẳng hư vô một chút nào. Nghĩa là anh gieo vào cuộc đời này cái Nhân đẹp đẽ nhường nào thì anh sẽ nhận về những Quả đẹp như thế ấy!

                                                                                                                  N.N.T

Bài viết khác cùng số

Cô Mùi – Trần Quốc CưỡngChùm truyện nhỏ cho các em của Thanh QuếBốn Chỉnh – Vũ Đức Sao BiểnChùm thơ của Hồ Thế HàHạc phù dung – Nguyễn Thị Anh ĐàoVăn nghệ sĩ Đà Nẵng với Năm Văn hóa văn minh đô thị - Bùi Văn TiếngNghĩ về tâm, tầm lãnh đạo và lòng dân - Sương Nguyệt MinhVăn hóa người Đà Nẵng - Dân HùngTín hiệu vui trước ngưỡng cửa xuân 2015 - Phương MaiXuân không mùa - Huỳnh Viết TưNhững cánh rừng xưa sống lại – Bùi Công MinhNhững mùa xuân im lặng kéo qua đời …- Tùy bút của Văn Công HùngKhoai! – Hồ Duy LệAnh Đũi - Trần Đức TiếnDê Thần - Trần VănAi vừa gọi điện thế nhỉ ? - Bùi Công DụngTiếng mùa xuân – Vương Phạm Tâm CaSông Hàn chiều cuối năm - Trần Huy Minh PhươngChiều tháng Chạp - Nguyễn Bá HòaGiao mùa - Lê Huy HạnhThoáng xuân nghiêng - Nguyễn Thánh Ngãim lặng ngày xuân – Đinh Thị Như ThúyVề thăm quê buổi giao mùa – Trương Đình ĐàngMột mình - Hoàng Hương ViệtMùa Xuân - Nguyễn Xuân TưChiều ba mươi bên sông Hàn - Nguyễn Văn TámChờ Xuân – Trịnh Bửu HoàiSố phận của nhà thơ – Nguyễn Đông NhậtHoa cải vàng bay - Mai Hữu PhướcMùa đông về phố - Trần Ngọc MỹMùa riêng - Nguyễn Hoàng SaGiọt sương còn đọng môi mềm - Thy LanMột mình - Lê Thanh MyChùm thơ Nguyễn Ngọc HạnhVề miền ký ức riêng tư - Nguyễn Nho Thùy DươngNgôi sao số phận tôi – Nguyễn HoaTiếng nổ - Nguyễn Minh HùngNắng từ quê nội – Nguyễn Nhã TiênDặm chiều – Ngân Vịnh Nhà tôi có cây mai chưa trổ - Nguyễn GiúpNụ tình xuân - Nguyễn Miên ThượngMỹ Khê- Quê xưa gồng gánh hoa vàng – Võ BiênChạnh lòng – Nguyễn Thành LongMột quãng đường xuân với nhà thơ Trinh Đường – Nguyễn Nhã TiênVẻ đẹp ngàn hoa trong thơ Hồ Chí Minh - Lê Thành VănNét giao thoa văn hóa Việt - Mường độc đáo trong ca xuân sắc bùa ở đất Quảng - Vân TrìnhNhà văn Vũ Bằng với mùa xuân thương nhớ - Chế Diễm TrâmNỗi lòng Tô Vũ – bài kệ cho những ngày nói lãng – Trần Tâm“Khi đã chọn tiếng kêu tinh huyết..” Từ chân trời đến thiên di của Nguyễn Minh Hùng – Hoàng Sĩ NguyênHọa sĩ Vũ Dương: biển với mùa xuân – Trần Trung SángNghệ thuật bài chòi một di sản văn hóa của miền trung – Trần HồngNSƯT Hoàng Lể, Nhạc sĩ bài chòi – Trương Đình QuangBài vè Liêm Lạc – Phạm Hữu Đăng ĐạtMột câu chuyện về sáng tác múa – NSND Lê HuânCuộc chia ly giữa Trần Quý Cáp và Huỳnh Thúc Kháng tại Đà Nẵng - Châu Yến Loan