Khoai! – Hồ Duy Lệ

04.02.2015

Khoai! – Hồ Duy Lệ

Khoai Hồ Điệp thơm ngon nổi tiếng từ bao đời của làng Trà Đỏa, bên ven sông Trường Giang, đã nghiễm nhiên thành thương hiệu khoai Trà Đỏa.

Người vùng cát quê tôi từng đưa vào tập đoàn họ khoai nhiều thứ giống: khoai Trùi Sa, khoai Dồ Hường, khoai Dồ Biển, khoai Ngỗng Hổ, khoai Nam Vang, khoai Muối. Xét tiêu chuẩn thơm, ngon miệng, đều phải xếp hàng sau Hồ Điệp. Hàng năm, lụt lội, khoai củ thối, thủm, dây cũng rụng lá, úa vàng. Thiếu giống, bà con vùng cát quảy gánh lên nguồn mua ngọn về trồng. Lại bổ sung vào tập đoàn họ khoai: Khoai Cân, khoai Lựu, khoai Muống, khoai lang Tía, khoai Giang. Khoai lang có thể trồng cả bốn mùa, ở nhiều loại đất, do vậy bà con còn gán cho chúng những tên mới, dễ nhớ, dễ hiểu: Khoai Bổi, khoai tháng Bảy, khoai tháng Mười, khoai tháng Ba, khoai Đất Rạ, khoai Nỗng, khoai Bãi, khoai Cồn, khoai Đồng.

Khoai lang tươi nấu chín bùi, thơm lừng, ăn ít thấy ngon miệng, ăn nhiều nuốt không trôi.Thuở nhỏ, tôi thường nói quê tôi là quê khoai. Mấy anh em tôi thường lùng bắt chim về nuôi. Có lần, anh On hỏi tôi:

-Mi thích con chim chi?

-Thích con nhồng.

-Vì răng?

-Vì nó ăn khoai.

-Rứa mi ghét con chi?

-Ghét sáo khoai!

-Vì răng?

-Sáo khoai ăn ớn qúa!

Cả nhà cười vang.Anh On bảo:

-Thằng Nhị ớn khoai đến đầu rồi mạ ơi!

Tôi hỏi mạ tôi:

-Ăn toàn khoai lang sao mạ nói ăn cơm?

Khách đến nhà cũng mời ăn cơm, nhưng trên chén cơm đầy tới lỗ mũi, chỉ thấy cơm cõng khoai.

Mạ tôi nói:

-Bữa mô đám giỗ thì được ăn cơm không.

-Tết cũng được ăn cơm không chớ mạ?

-Ừ.

Thường ở vùng cát, bữa ăn nào cũng có nồi canh rau, vừa nhai khoai vừa húp canh, nước canh đưa khoai qua cổ, xuống bụng. Có lẽ để tự an ủi mình, người vùng cát cho rằng “ăn khoai lâu đói, chớ ăn cơm không, cuốc mấy lát đất, đói liền tay’’. Ba tôi tâm đắc món khoai lang với canh hến. Không có hến, thì khoai lang với “câu bành’’, tức là canh bầu. Nhà quê, nhà nào cũng trồng bầu sau chuồng heo, chuồng bò, sau nhà bếp bên ảng nước, nơi có đất im, có nguồn dinh dưỡng thấm trong đất, bầu lên nhanh, nhiều trái, lớn nhanh như bầu…

 Râu tôm, nấu với ruột bầu,

Chồng chan, vợ húp, gật đầu khen ngon.

Năm nào trồng khoai lang bị hạn, kêu không ra người làm, mạ tôi phải dậy sớm quảy đôi gàu tưới khoai. Khoai đất cát phải vun vồng to, cao, mạ lại thấp, vậy mà phải na đôi gàu nước nặng trịch, trườn lên nghiêng cho được cái gàu để nước từ từ chảy trúng gốc ngọn khoai, có lần quá đuối sức, trật tay đang giữ chiếc gàu trước làm gàu đầy nước phía sau đổ nhào, mạ ngã lăn, ướt cả áo quần...Hôm nào ra trể, nước dưới ao đã cạn kiệt, vì người ta dậy sớm hơn, qua ao mình gánh...Vậy là mạ phải chờ...

Trồng khoai lang gặp hạn thì khoai tốt nhưng cực phải tưới ngày, tưới đêm. Bà con tính mỗi ngọn khoai lang, từ lúc cắm xuống cát đến khi ra củ, uống no nê cho cát im hoài phải tưới đến chín mười gánh nước. Trước khi trồng khoai gánh nước tưới cho cát khô im lại. Không tưới, cát khô thì không vun cát lên thành vồng to được, vun cái vồng to cốt giữ cho cát im lâu, không thì gió lên, cát bay tràn xuống rãnh, uổng công.Từ đó, sơm sớm, chiều chiều, và cả thâu đêm, mỗi người với chiếc đòn gánh kĩu kịt trên vai tưới, tưới cho đến khi khoai lang bén rễ, nứt nhánh, ra lá, dây bò phủ hàng, thì bà con mới yên bụng. Nhiều người thổ xa, họ thường không về nhà, mà tưới đến khuya lơ thì đặt đôi gàu trên bờ thổ, nằm lăn ra cát ngủ. Có hôm, ngủ dậy, mặt trời xỏ lỗ tai.

 Đến khi khoai lang có củ mà gặp lụt coi như mất trắng. Năm ấy khoai lang trúng chưa đào thì lụt ập đến, đào không kịp, khoai bị thủm, xắt không kịp phải gánh đi bán. Bà con thương tình mua giúp. Có ông Điện trước nhà lỡ mua phải khoai thủm nặng, bà Điện chửi toáng lên rồi bưng rổ khoai đổ xuống mương…Thằng Roa thấy họ chửi, tức, hắn nói mạ đừng thèm bán mang tiếng. Ăn không hết thì cho bò, cho heo ăn để hắn ỉa lấy phân còn có ích! Mạ cười.

Lại đến mùa trồng khoai mà trong túi không có một đồng mua ngọn. Mạ tính lấy khoai khô bán, lấy tiền mua ngọn. Ba ngăn: Khoai để dự trữ chống đói, ai lại mang bán. Mạ bảo: Hết khoai khô thì ăn rau, ăn sắn, nhưng phải có ngọn trồng thì mùa đến mới có khoai mà ăn. Nghe mạ nói có lý, ba  cười, rồi xách cặp đi họp. Cũng mùa khoai năm ấy,1953, sau nạn đói 1952, khoai được mùa trúng củ. Biết khoai còn non nhưng thấy anh em tôi mỗi đứa chỉ có một bộ đồ đã rách vá nhiều chỗ, mạ muốn may cho mỗi đứa một bộ đồ mới, ăn Tết. Mạ bảo anh em tôi xuống đám khoai sau nhà ông Hiên, ông Điện, đào vài séc đem bán lấy tiền mua vải. Thấy rổ khoai, ba nói: Khoai còn non quá, bán uổng. Sao không ráng chờ ít nữa để củ to hơn. Mạ nói: Thôi cứ cho chừ đào một séc để lớn thành hai séc, nhưng giá bán một séc hôm nay bằng giá bán hai séc khoai ngày mùa. Đàng nào rồi cũng bán, nhưng bán chừ có tiền ngay. Các con có áo quần mới bận tết.

Đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn!

Mỗi lần nhớ quê, về thăm, bà con nói giòng họ khoai Trà Đỏa tiệt nòi  vì thời gian sinh trưởng choán đất đến 6 tháng trời và không dễ giâm giống trên cát im, giữ lại mùa sau, thời buổi dân số tăng nhanh, người ta lai tạo giống năng suất cao, làm mỗi năm ba, bốn vụ vẫn chưa đủ ăn. Nhớ đến quê nhà thì hình ảnh mạ tôi ngày nào lại hiện lên và những vồng khoai lang cao to, những củ khoai lang da trắng, da đỏ. Đến mùa, nhà nào cũng xắt khoai phơi. Khoai lang tươi xắt từng lát vuông dài như ngón tay, gọi là khoai măng. Những củ khoai nhỏ, xắt lát tròn như vỏ nghêu, gọi là khoai lát. Giữa trưa hè đi trên cát như đi trên tro nóng. Phơi khoai trên cát vài nắng thì giòn rụm. Khoai phơi được nắng, đang ấm ấm, bỏ vào chum, vào ví, đậy kín, giữ lâu khoai vẫn thơm, không sợ mọt..Phơi khoai trên cát thì sợ mưa dở, loại mưa không ra mưa, mưa không ướt tờ giấy quyến. Mới xế, nghe giông ầm ầm từ núi dội về, mây đen từ biển mang nước nặng ì kéo lên, thì mấy anh em tôi í ới gọi nhau, xách rổ sảo chạy theo bà nội, theo mạ…ra bãi cát hốt khoai. Nghe những hạt mưa lưa thưa rơi độp trên đầu, mạ hối thúc mọi người: Cào nhanh. Mưa tới rồi!Ai cũng quì khom lưng trên cát, lấy hai bàn tay như hai chiếc bào cào, cào khoai. Mưa ập đến, hốt không kịp, dồn khoai lại từng đống nhỏ, lấy nong, nia che đỡ. Khoai khô bị mưa, sượng trân, nấu ăn, nhai sực sực. Đến mùa gío Nam thổi kiệt bảy ngày, thì’’khoai lang khô cũng hết, lúa vay cũng không còn’’. Mất mùa là đói liền tay! May, ngọn rau lang nấu canh nêm mắm cái ngọt như nêm thịt bò. Đói ăn rau, đau uống thuốc.

Hồi đó, bón phân chuồng, chưa có phân bón hóa học và thuốc trừ sâu nên không có cụm từ “rau sạch”. Bây giờ thì hầu như không còn người đói phải ăn rau thay cơm, thay vì có nhiều người ớn cơm thích phở, ớn thịt, thích rau. Nhiều, rất nhiều khách “xộp”, kể cả các quan chức nhà nước ở biệt thự, đi xe con đời mới, vào nhà hàng có em út, ở khách sạn có sao, món ăn gọi đầu tiên là rau. Có lẽ từ đó sinh ra cụm từ “rau cao cấp”!

 Bây giờ không dễ có “rau sạch”. Đố ai phân biệt rau sạch và rau có chất độc hại. Còn người đau, khám bác sỹ thật, trả tiền thật, lại mua nhằm thuốc làm bằng… bột khoai!

Bây giờ, lâu không ăn khoai thấy thèm khoai. Không còn khoai Trà Đỏa, lơ mơ gặp khoai Trung Quốc mà dân buôn lừa người thèm khoai là khoai lang Đà Lạt!

Bài viết khác cùng số

Cô Mùi – Trần Quốc CưỡngChùm truyện nhỏ cho các em của Thanh QuếBốn Chỉnh – Vũ Đức Sao BiểnChùm thơ của Hồ Thế HàHạc phù dung – Nguyễn Thị Anh ĐàoVăn nghệ sĩ Đà Nẵng với Năm Văn hóa văn minh đô thị - Bùi Văn TiếngNghĩ về tâm, tầm lãnh đạo và lòng dân - Sương Nguyệt MinhVăn hóa người Đà Nẵng - Dân HùngTín hiệu vui trước ngưỡng cửa xuân 2015 - Phương MaiXuân không mùa - Huỳnh Viết TưNhững cánh rừng xưa sống lại – Bùi Công MinhNhững mùa xuân im lặng kéo qua đời …- Tùy bút của Văn Công HùngKhoai! – Hồ Duy LệAnh Đũi - Trần Đức TiếnDê Thần - Trần VănAi vừa gọi điện thế nhỉ ? - Bùi Công DụngTiếng mùa xuân – Vương Phạm Tâm CaSông Hàn chiều cuối năm - Trần Huy Minh PhươngChiều tháng Chạp - Nguyễn Bá HòaGiao mùa - Lê Huy HạnhThoáng xuân nghiêng - Nguyễn Thánh Ngãim lặng ngày xuân – Đinh Thị Như ThúyVề thăm quê buổi giao mùa – Trương Đình ĐàngMột mình - Hoàng Hương ViệtMùa Xuân - Nguyễn Xuân TưChiều ba mươi bên sông Hàn - Nguyễn Văn TámChờ Xuân – Trịnh Bửu HoàiSố phận của nhà thơ – Nguyễn Đông NhậtHoa cải vàng bay - Mai Hữu PhướcMùa đông về phố - Trần Ngọc MỹMùa riêng - Nguyễn Hoàng SaGiọt sương còn đọng môi mềm - Thy LanMột mình - Lê Thanh MyChùm thơ Nguyễn Ngọc HạnhVề miền ký ức riêng tư - Nguyễn Nho Thùy DươngNgôi sao số phận tôi – Nguyễn HoaTiếng nổ - Nguyễn Minh HùngNắng từ quê nội – Nguyễn Nhã TiênDặm chiều – Ngân Vịnh Nhà tôi có cây mai chưa trổ - Nguyễn GiúpNụ tình xuân - Nguyễn Miên ThượngMỹ Khê- Quê xưa gồng gánh hoa vàng – Võ BiênChạnh lòng – Nguyễn Thành LongMột quãng đường xuân với nhà thơ Trinh Đường – Nguyễn Nhã TiênVẻ đẹp ngàn hoa trong thơ Hồ Chí Minh - Lê Thành VănNét giao thoa văn hóa Việt - Mường độc đáo trong ca xuân sắc bùa ở đất Quảng - Vân TrìnhNhà văn Vũ Bằng với mùa xuân thương nhớ - Chế Diễm TrâmNỗi lòng Tô Vũ – bài kệ cho những ngày nói lãng – Trần Tâm“Khi đã chọn tiếng kêu tinh huyết..” Từ chân trời đến thiên di của Nguyễn Minh Hùng – Hoàng Sĩ NguyênHọa sĩ Vũ Dương: biển với mùa xuân – Trần Trung SángNghệ thuật bài chòi một di sản văn hóa của miền trung – Trần HồngNSƯT Hoàng Lể, Nhạc sĩ bài chòi – Trương Đình QuangBài vè Liêm Lạc – Phạm Hữu Đăng ĐạtMột câu chuyện về sáng tác múa – NSND Lê HuânCuộc chia ly giữa Trần Quý Cáp và Huỳnh Thúc Kháng tại Đà Nẵng - Châu Yến Loan