Ai vừa gọi điện thế nhỉ ? - Bùi Công Dụng

04.02.2015

Ai vừa gọi điện thế nhỉ ? - Bùi Công Dụng

Vừa nói xong câu: Cậu có điện đấy! Thế là cánh cửa ô tô đóng sập lại. Hiên đi công tác gấp. Qua lớp cửa kính, tôi thấy Hiên ngoái nhìn và huơ tay giải thích. Tôi chẳng hiểu được là nó đã nói gì !

Ai gọi điện thế nhỉ?

Hay là Toàn lùn, nhà nông học thân thiết của tôi. Taynày cự phách. Cậu ta đã từng đi khắp nơi và đã dẫm nát tất cả các cánh đồng. Thế nhưng cuối cùng thì nó dừng lại ở đó. Toàn nói với tôi là ông bà tớ ở đây từ bao đời rồi, giờ không thể đi nơi khác được. Nó nhận xét, ở vùng đó trồng gì cũng tốt cả thôi, thế nhưng không nên thiên lắm về trồng lúa. Nó bảo lúc này chưa thể làm giàu được bằng cây lúa. Theo như nó nói thì đất này dù có cho năng suất thật cao (mà lấy đâu ra năng suất cao) thì nhìn về cơ bản cũng vẫn là chân lấm tay bùn. Tiến lên công nghiệp hoá hiện đại hoá mà còn cày sâu cuốc bẫm thì quả là một điều chưa thể chấp nhận được. Tôi đã giải thích với nó là đất nước này phần lớn dân chúng sống bằng nông nghiệp, nếu không làm nông thì làm sao thoát khỏi cảnh nghèo đói, cảnh bần hàn? Và nữa, người ta đã chẳng tung ra các mô hình mới  để tổ chức sản xuất nhằm đạt hiệu quả và năng suất cao hơn đó sao? Rồi mấy năm nay, cơ cấu kinh tế vùng này vẫn là nông- công- dịch đó thôi, đã thay đổi được gì đâu ?

Giải thích mấy cậu ta cũng bác. Toàn nói với tôi rằng về lý thuyết thì là vậy, nhưng theo nghiên cứu của nó, tại nơi này, tại vị trí cụ thể này, nếu cứ trồng lúa là không ăn.

Lạ thật, cứ cái gì tôi góp ý là cậu ta tìm mọi cách lật ngược lại sự việc. Tất nhiên, ngồi ở Viện nghiên cứu như tôi, có thể có những vấn đề còn phải được kiểm nghiệm qua thực tế, song tôi cũng đã từng có lúc ngồi với cậu ta hàng buổi để phân tích từng ...mẩu đất, các yếu tố thổ nhưỡng lân cận, rồi đặc điểm khí hậu của các  vùng, thậm chí tính đến cả chuyện đắp đê bao, né lũ...Nhưng rồi khi tan cuộc đứng dậy, nó bảo:

- Đất mà, đất còn đỏng đảnh hơn cả con gái mười tám, cậu đừng chủ quan!

Tôi không chủ quan, nhưng rõ ràng về góc độ khoa học mà nói, giống cây gì, thích hợp với loại đất nào, tôi đều nắm kỹ trên cơ sở lý luận mà tôi đã nghiên cứu nhiều năm.

Một thời gian sau, tôi nghe bạn bè nói Toàn đã xốc tới trồng ...dứa ở bốn héc ta chân đồi trong vùng khai hoang của nó. Tôi hỏi nó là cậu làm ở đai cao bao nhiêu, nó bảo hai trăm mét. Trời đất, tôi đã hét toáng trong điện thoại, rằng, nó có thể nới rộng chứ không thể nâng cao quá mức như thế, cùng lắm là trăm mét thôi, bởi vì phía trên  hiện tại đã là rừng cây có sẵn, phải giữ lấy để ngăn chặn và điều tiết mưa lũ, không được phát hoang thêm nữa. Cãi vã nhau cả tháng trời nó mới chịu xuôi. Lần đó là lần duy nhất Toàn nghe tôi.

Hay là Toàn đã gọi điện để hỏi tôi chuyện gì nó đang còn ấm ức?

Tôi nhấc máy:

- Alô! ...

- Toàn nghe máy đây!... À, Thuận hả, có chuyện gì không?

(Tôi đang định hỏi nó chuyện kia thì nó lại hỏi ngược lại như thế !). Tôi trả lời nó:

- Ê ! Không có gì.  Cậu vẫn sống đấy chứ!

Thế rồi, như được thể, Toàn liến thoắng liên hồi về cái vụ tôi đã giả thiết sẽ phải mất công tiêu diệt ngay những cây dứa quá yếu không lên nổi khi đã trồng khoảng một tháng.

- Ê, cậu đã quá lo xa, không hề có giả thiết này. Dứa mọc rất đều và mình sẽ tiếp tục chứng minh để cậu phải lé mắt xem mình hùng dũng bước vào mùa thu hoạch...

Rồi nó phét lác đủ thứ về các chương trình nào là điều hoà thời tiết bằng sự cảm nhận của nó, vừa đỡ công tưới nước trong mùa nắng, lại tránh được lũ trong mùa mưa, rồi chương trình xử lý cho cây ra hoa vài tháng tới bằng phương pháp   khí đá...

Kệ nó! Thế thì ai đã gọi điện cho tôi nhỉ ?

Tôi giở lịch công tác hai tuần qua, liếc nhanh vài mục: sáng mười lăm dự họp thuỷ lợi nhỏ, chiều mười bảy dự nghe báo cáo dự án công nghệ tin học, chiều hai mươi hai dự họp về công tác xoá đói giảm nghèo miền núi, sáng hai mươi lăm họp về đánh giá đa dạng sinh học khu bảo tồn thiên nhiên...

Chà, ai gọi nhỉ ?

Cú điện thoại này rất đáng được quan tâm, ít nhất tôi cũng có linh cảm như thế.

Hôm họp công nghệ tin học xong, cậu Hoài, chuyên gia vi tính của thành phố, gọi điện ra bảo tôi tháng tới sau khi nối xong mạng chính phủ, nó sẽ có chuyến công du sang Singapore để nghiên cứu phần mềm về nhận mặt người ở trạng thái di động, do ngành công an mời, hỏi tôi có mua gì không.

Có khi cậu này gọi cũng nên.

- Alô ! Ê, Hoài hả? Có phải...

- A! Thuận đấy à, vừa nhấc máy là tớ nhận ra tiếng cậu ngay...

(Tôi đang định hỏi nó chuyện kia thì nó đã liến thoắng như thế). Tôi ướm thử vài câu:

- Liệu mạng văn phòng chính phủ có chịu đựng được tràng giang đại hải các dữ liệu not xờ không mà cậu cứ khổ sở mãi thế?

- Không, mình đề nghị thu hẹp lại chứ. Của đâu đãi bố! Này Thuận, cậu nên nhớ cái thằng in te nét thì tốn chứ in ta nét đâu có hề hấn gì. Cậu cứ  xâu hết các  vep xai ở tất cả các đầu mối lại theo một cái i meo nào đó tuỳ cậu, cũng có thể sử dụng lot not xờ hoặc e sang  xơ vơ tích hợp cho meo, niu. Tốn kém quái gì đâu, chỉ cần hai ông xơ vơ chốt hai đầu cộng thêm hai thằng ét min nữa là xong.  Ô kê! Vừa triển khai e sang xơ vơ lại vẫn liên thông được với not xờ của trung ương, tiện lợi vô cùng...   Ô kê !...

Không ăn thua gì rồi, không phải Hoài đã gọi cho tôi.

Ai gọi điện thế nhỉ ?

...Trong tai tôi o o tiếng gọi của cả một dải rừng sinh học thần bí đang nằm trong tập tài liệu mà mới hôm qua thôi, anh bạn Chi cục phó kiểm lâm đã ra tít tận Hà Nội mang về tặng tôi. Tập tài liệu này quý giá lắm. Nó có ý nghĩa hết sức to lớn trong định hướng chiến lược phát triển kinh tế của địa phương, một vấn đề mà mọi người đang quan tâm lúc này.

- A lô! Thuỳ phải không ? À, à, hay quá...

- Thuận đấy hả? (Bỗng nhiên nghe tiếng  của cậu ta chuyển sang gấp gấp) Này, này, cậu lấy giấy bút ra sửa giúp trang hai mươi lăm nhé... (Tôi vội vàng lóng ngóng lôi giấy bút ra, hệt cái máy!) - có mấy số liệu tớ chưa điều chỉnh kịp... A lô, nghe này, từ đoạn bao gồm tất cả diện tích đất có rừng, đất không có rừng, đất không sử dụng vào kinh doanh nông nghiệp và các ngành kinh tế khác là 48,2%, chứ không phải 46,4. Còn đoạn ở phía dưới... chỗ...

- A lô này ! Có phải hồi sáng cậu...(Tôi kẹp chặt cái máy nói vào tai, tranh thủ hỏi)

- Không, không! Tớ vừa đi công tác về đây, định gọi cho cậu thì may quá, cậu lại gọi tới... Chép tiếp này... đoạn diện tích khu bảo tồn là một trăm hai mươi nghìn hec ta, trong đó có sáu mươi lăm phần trăm diện tích thuộc huyện Gia và ba mươi lăm phần trăm diện tích thuộc huyện Phú,  sau đoạn này thêm vào câu: ngoài ra còn có diện tích vành đai bảo vệ là...

Trời đất!

Tôi ngồi phịch xuống ghế. Chẳng còn hiểu ra thế nào cả.

Thế thì ai đã gọi điện cho tôi? Có việc gì?

Hai tai tôi nóng bừng. Mắt trái giật lia lịa.

...Không được đâu - tôi mơ màng nhớ lại- ... dự án phát triển không gian kinh tế theo vùng quy hoạch mà không tính đến lượng dân cư thì làm sao cho ổn. Phải có hướng quy hoạch để phát triển các thị trấn nhỏ, mục đích là biến nó thành những trung tâm địa phương, các trung tâm ấy sẽ hướng tất cả việc phát triển vùng nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp vào phục vụ cho địa phương, như thế rõ ràng phải tính đến số dân tối ưu của trung tâm. Điều này phải quá đi rồi, nhưng là bao nhiêu thì phù hợp? Ba chục, năm chục hay một trăm nghìn người?

Chính vì điều sơ suất này mà ông chủ dự án của Viện nghiên cứu không bảo vệ thành công trong cuộc họp hôm thứ sáu tuần trước, ông ấy định gặp tôi để xin đăng ký lịch bảo vệ lại nhưng tôi đã về thành phố vì có cuộc hẹn... A...a...!

Thôi chết tôi rồi!

Chính nàng! Đúng là ...nàng! Nàng. Nàng chính là người  đã gọi điện cho tôi!

Nhìn xéo qua tờ lịch đã được tôi gấp hẳn lại cho có ấn tượng, đến lúc này tôi mới nhớ ra: hôm nay là ngày sinh nhật lần thứ hai mươi hai của nàng!

Tôi cuống quýt nhìn đồng hồ. Đã quá mười lăm  phút.

Có tiếng chuông điện thoại réo vang...Tôi chạy đến vồ ngay lấy máy điện thoại:

- A lô! ...Loan phải không em?

- A! Này Thuận- Tiếng Toàn lùn- Báo cậu tin vui: dân huyện Gia cho phép tớ mở rộng diện tích dứa sang bên ấy, để họ học tập kinh nghiệm. Đất đai còn thừa nhiều quá mà! Còn nữa, hôm trước cậu có hỏi mình về kết quả trồng quế theo phương thức hộ kinh tế vườn, khả quan lắm, bốn nghìn- năm nghìn cây bình quân một hộ là trong tầm tay... Này, bọn kỹ sư hoá trong Viện cậu đã lội lên tít vùng cao cách đây cũng phải bảy mươi ki lô mét, ở đấy cả tháng theo dõi độ sinh trưởng rồi  ghi ghi chép chép, hôm gặp nhau, cứ tưởng sẽ mưu đồ kinh doanh xuất khẩu gì ghê gớm, hoá ra chúng nó nói mỗi câu khoe: cái tinh dầu an đe hit xi na mít đạt tới chín mươi sáu phần trăm rồi!

...Tôi như bị cuốn theo nó:

- Thế là hay lắm đấy, không có nơi nào cho cây quế có được thành phần tinh dầu nhiều như vậy đâu, cậu phải mừng cho chúng nó chứ! Này, còn về cái vụ dứa cậu nên nhớ rằng ở vùng đó rất khó khăn về nước, khắc phục chuyện này không đơn giản đâu, dừng lại để thử nghiệm vụ đầu cái đã...

Nó lập tức dành diễn đàn và nói tiếp về việc nó tìm ra một mạch ngầm ở đâu đó, tuy không nhiều nhưng cũng đủ xài trong mùa nắng, thậm chí mỗi tháng cũng tưới được đến vài ba lần, mà dứa thì đâu có cần gì tưới nhiều, còn kết hợp với chuyện bón phân nữa cơ mà.

- Này Thuận, cậu giúp mình chuyện này, mua giùm khoảng chục ký khí đá nhé. Mình đang tính chuyện cho nó ra hoa...

Trời ơi,  trong hoàn cảnh nước sôi lửa bỏng nó còn định nói đến bao giờ nữa đây ! 

Tôi nói vài câu:  tốt, tốt, khá, khá!

.........

Tôi vội buông máy cho rồi.

Như bao lần lỡ hẹn, tôi lao lên xe và chạy thẳng về phía ...chợ hoa!

Tất nhiên rồi, đã lỡ hẹn thì lần này, tôi sẽ hy sinh tất cả để ở bên nàng dẫu có đến tận khuya. Tôi bỗng liên tưởng đến bao điều xa xôi mà bạn bè tôi đang miệt mài thử nghiệm. Và kỳ lạ chưa, lúc đó ở quanh nhà nàng bỗng nhiên toả ra một mùi hương nồng nàn của ...quế. Ở đâu ra vậy? Tôi sẽ nói với nàng rằng bạn bè của tôi, họ ở trên vùng  tây xa lắm, đã gửi xuống cho hai đứa mình. Không có gì dịu dàng ấm cúng hơn mùi hương của quế, đó là  sự tồn tại của hơi thở, của sự sống trong mỗi gia đình. Chính từ công cuộc xoá khổ nghèo này, trong tương lai, những cánh rừng quế bạt ngàn được mọc lên trên cả một vùng rộng lớn, và em hỡi hãy hình dung, ở giữa nóc nhà của những người dân định cư, bà tiên hạnh phúc sẽ từ từ bước xuống mang đồ chơi đến cho trẻ em mỗi lần xuân về...

 

                                                                                                                                  B.C.D

Bài viết khác cùng số

Cô Mùi – Trần Quốc CưỡngChùm truyện nhỏ cho các em của Thanh QuếBốn Chỉnh – Vũ Đức Sao BiểnChùm thơ của Hồ Thế HàHạc phù dung – Nguyễn Thị Anh ĐàoVăn nghệ sĩ Đà Nẵng với Năm Văn hóa văn minh đô thị - Bùi Văn TiếngNghĩ về tâm, tầm lãnh đạo và lòng dân - Sương Nguyệt MinhVăn hóa người Đà Nẵng - Dân HùngTín hiệu vui trước ngưỡng cửa xuân 2015 - Phương MaiXuân không mùa - Huỳnh Viết TưNhững cánh rừng xưa sống lại – Bùi Công MinhNhững mùa xuân im lặng kéo qua đời …- Tùy bút của Văn Công HùngKhoai! – Hồ Duy LệAnh Đũi - Trần Đức TiếnDê Thần - Trần VănAi vừa gọi điện thế nhỉ ? - Bùi Công DụngTiếng mùa xuân – Vương Phạm Tâm CaSông Hàn chiều cuối năm - Trần Huy Minh PhươngChiều tháng Chạp - Nguyễn Bá HòaGiao mùa - Lê Huy HạnhThoáng xuân nghiêng - Nguyễn Thánh Ngãim lặng ngày xuân – Đinh Thị Như ThúyVề thăm quê buổi giao mùa – Trương Đình ĐàngMột mình - Hoàng Hương ViệtMùa Xuân - Nguyễn Xuân TưChiều ba mươi bên sông Hàn - Nguyễn Văn TámChờ Xuân – Trịnh Bửu HoàiSố phận của nhà thơ – Nguyễn Đông NhậtHoa cải vàng bay - Mai Hữu PhướcMùa đông về phố - Trần Ngọc MỹMùa riêng - Nguyễn Hoàng SaGiọt sương còn đọng môi mềm - Thy LanMột mình - Lê Thanh MyChùm thơ Nguyễn Ngọc HạnhVề miền ký ức riêng tư - Nguyễn Nho Thùy DươngNgôi sao số phận tôi – Nguyễn HoaTiếng nổ - Nguyễn Minh HùngNắng từ quê nội – Nguyễn Nhã TiênDặm chiều – Ngân Vịnh Nhà tôi có cây mai chưa trổ - Nguyễn GiúpNụ tình xuân - Nguyễn Miên ThượngMỹ Khê- Quê xưa gồng gánh hoa vàng – Võ BiênChạnh lòng – Nguyễn Thành LongMột quãng đường xuân với nhà thơ Trinh Đường – Nguyễn Nhã TiênVẻ đẹp ngàn hoa trong thơ Hồ Chí Minh - Lê Thành VănNét giao thoa văn hóa Việt - Mường độc đáo trong ca xuân sắc bùa ở đất Quảng - Vân TrìnhNhà văn Vũ Bằng với mùa xuân thương nhớ - Chế Diễm TrâmNỗi lòng Tô Vũ – bài kệ cho những ngày nói lãng – Trần Tâm“Khi đã chọn tiếng kêu tinh huyết..” Từ chân trời đến thiên di của Nguyễn Minh Hùng – Hoàng Sĩ NguyênHọa sĩ Vũ Dương: biển với mùa xuân – Trần Trung SángNghệ thuật bài chòi một di sản văn hóa của miền trung – Trần HồngNSƯT Hoàng Lể, Nhạc sĩ bài chòi – Trương Đình QuangBài vè Liêm Lạc – Phạm Hữu Đăng ĐạtMột câu chuyện về sáng tác múa – NSND Lê HuânCuộc chia ly giữa Trần Quý Cáp và Huỳnh Thúc Kháng tại Đà Nẵng - Châu Yến Loan