Bài vè Liêm Lạc – Phạm Hữu Đăng Đạt

04.02.2015

Bài vè Liêm Lạc – Phạm Hữu Đăng Đạt

Ở làng Cổ Mân xưa, nay thuộc xã Hòa Xuân, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng, có một nhân vật khá đặc biệt. Đó là ông Cáu. Tên thật là Phạm Minh Cáu. Ông người tầm thước. Không đẹp cũng không xấu. Thuở nhỏ, do gia đình không mấy khá giả, ông không được học hành gì nhiều. Chủ yếu theo cha mẹ cày ruộng, cấy lúa… kiếm miếng ăn  qua ngày. Lớn lên,như bao thanh niên khác, ông lấy vợ. Vợ ông tên Mai. Hai vợ chồng rất siêng năng làm lụng. Lại không có con, nên cuộc sống tương đối thong thả, không phải chạy vạy từng bữa “mướt mồ hôi” như bao gia đình đông con trong làng. Hơn thế nữa,vợ chồng ông còn dành dụm mua được khá nhiều đất ruộng để canh tác. Điều khác biệt của ông Phạm Minh Cáu so với những người khác là tuy ít học nhưng ông có biệt tài làm thơ. Thơ tả cảnh có, tả người có. Nhiều bài thơ sinh thời ông sáng tác được bà con thuộc làu, rồi truyền miệng từ người này sang người khác. Tất nhiên, thơ ông có độc, có lạ người ta mới truyền miệng, mới ghi nhớ. Thậm chí, trong các đám giỗ, đám tiệc, cũng lắm khi người ta nhắc một số bài thơ “đắt giá” của ông. Thế mới đáng nói.

Có câu chuyện kể khá lý thú rằng khi lấy người vợ tên Mai, vốn giỏi làm thơ, ông mới đặt một bài như sau “Cáu đậu cành Mai/ Nào ai trông thấy/ Cáu thấy mai không/ Cáu cứ đậu hoài hoài”. Dù đặt cho vợ, nhưng không biết bằng cách nào, bài thơ ấy không còn là “bí mật” giữa hai vợ chồng ông, kể cả bọn trẻ con. Như ta đã biết, người Quảng hay nói lái, thích nói lái. Đụng cái gì cũng có thể nói lái được.Có thể nói, trên  khía cạnh nào đó, nói lái là một trong những nét sinh hoạt văn hóa truyền thống của người Quảng. Ngay cả bọn trẻ con, nghe nói lái từ hồi còn để chỏm, riết rồi nhập vào lúc nào cũng không hay, không biết, nên cũng rất rành. Có nhiều cách nói lái. Trong đó, có cách nói lái gần đúng. Cho nên, cái câu kết “Cáu cứ đậu hoài hoài” thuộc dạng nói lái gần đúng. “Cáu cứ đậu” hiểu ngược lại sẽ thành những từ rất tục. Thế cho nên bọn trẻ con, khi bắt gặp ông ở đàng xa, mới đồng loạt hô to bài thơ lên, rồi cười rúc rích. Ông tức quá, ba chân bốn cẳng rượt đuổi. Nhưng, có rượt cũng chỉ để chúng sợ, chứ làm sao đuổi kịp.

Nhưng, với người dân làng Liêm Lạc, ông Cáu có một bài vè để đời, vì đây là bài vè mô tả gần hết những nhân vật trong làng, từ ông lý trưởng đến bà bán chè. Như ta biết, xưa, làng Liêm Lạc, cũng như nhiều làng xã trong vùng, dân cư còn thưa thớt, chỉ vài mươi nóc nhà. Nhà này có khi cách nhà kia khá xa. Tuy sinh trưởng ở Cổ Mân, nhưng ông Cáu thường sang Liêm Lạc chơi. Ông biết hết những ông kia, bà nọ ở Liêm Lạc. Như đã nói,vốn có biệt tài làm thơ, có đầu óc quan sát tinh tế, nhạy cảm, ông nổi hứng sáng tác một bài vè tả bà con Liêm Lạc. Đây là bài vè được nhiều người thuộc nhất, bắt đầu bằng nhân vật là ông Soạn. Liêm Lạc có ông Soạn Trong và ông Soạn Ngoài. Trong lúc ông Soạn Trong bán lúa thì ông Soạn ngoài hay bán tre. Bài vè mở đầu y như vậy “Ông Soạn Trong bán lúa/  Ông Soạn ngoài bán tre”. Câu kế tiếp“Bà Trung bán chè/ Cái bộ lanh chanh”. Quả thật, bà Trung là người chuyên bán chè ở làng. Điệu đi của bà vẻ tất bật, hay nói một cách có vẻ văn hóa khác là “lanh chanh”. Liêm Lạc còn có nhân vật hay nói tồ, nói dóc có tiếng là ông Canh. Cho nên, ông Cáu ghép vào thấy có vần có điệu với câu trước “Ông Canh nói tồ”. Rồi có một bà tên Lào “Bà Lào xa xứ”. Số là bà này hay đi xa. Vậy nên nói “Bà Lào xa xứ” cũng không ngoa. Hết bà Lào đến “Ông Tứ tan tành”. Nguyên ông Tứ hay ăn nhậu nên gia cảnh lâm vào bần hàn, nghèo rớt mồng tơi. Cứ thế, bài vè lần lượt dẫn hết người này đến người nọ một cách tài tình. Mỗi người có một đặc điểm riêng, có nét riêng, không lẫn đâu được. “Bà Oanh ở đậu/ Bảy Dậu một con/ Ba Ngôn chết chồng/ Không đồng một lũ/ Ông Vũ hai vợ/ Ông Cửu Trợ nói chữ/ Ông Thử nói hoang/ Bà Tang một thước/ Ông Tước lắc cổ/ Ông Ngộ ỷ mạnh/ Ông Thạnh nói lý/ Bốn Ký khôn ngầm/ Ba Nhung âm thầm/ Bà cá Cân xã hội/ Đi làm thợ nề/ kiếm tiền nuôi sống/ Ba Tri cả đống/ Ỷ lại có tiền/ Ông Kiền liễm nhiễm/ Một điểm ông Mười/ Ít nói ít cười/Mà lại hay phá/ Lại thêm bà Tá/ Ồn ào như ao nước chảy/ Hai Nam vừa đi vừa nhảy/ Chàng hảng chê hê giữa đường/ Sáu Hóa đi về/ Cái đầu gục gục/ Lại thêm Bà Dục/ Con mắt sáng trương/ Sao lại đeo gương/ Tám Thô con trai/ Sao mà lấy bậy/ Rồi đem che đậy/ Đồng bào thêm ghét/ Đỗ Trắc, Bảy Thế, Hai Cò/ Đến hồi lụt to/ Mới lòi cái mặt/ Đồng bào đáng kiếp/ Đó là Tám Thô”. Ở Liêm Lạc, ông Ba Tri được xem là người giàu có nhờ hành nghề thầy thuốc, mới có câu “Ba Tri một đống/ Ý lại có tiền”. “Ông Kiền liễm nhiễm” ý chỉ ông Kiền đi cứ đi nhưng miệng cứ lẩm nhẩm như một thói quen khó bỏ. Rồi có bà Tang chỉ cao có một thước. Riêng ông Hai Nam có điệu đi rất đặc biệt, đi như nhảy. Ông Sáu Hóa lại gục gục cái đầu. Lại thêm ông Tước có tật lắc lắc cổ… Bài vè kết thúc qua nhân vật Tám Thô, người có nhiều mối quan hệ “ngoài luồng”.

Có thể nói, bằng sự quan sát tinh tế, có chủ đich, ông Cáu đã khắc họa khá cô đọng từng nhân vật xưa ở làng Liêm Lạc. Cái tài, cái giỏi của ông, như đã nói, là chỉ qua vài nét miêu tả đơn giản mà chính xác, thông qua những chi tiết đắt giá, người ta nhớ ngay đến người ấy, nhân vật ấy. Chỉ có người ấy, nhân vật ấy mới có cái nét rất đặc trưng và không lẫn vào đâu được. Bài vè, tạm gọi là bài vè Liêm Lạc, được nhiều người nhớ lâu, thuộc nhiều, và được lưu truyền từ người này sang người khác là nhờ ông không những có tài quan sát mà còn xuất sắc trong lúc dùng từ ngữ cực giỏi để mô tả, gây ấn tượng mạnh với người đọc. Quả thật, xét về mặt nào đó, có thể nói ông là một nhà thơ dân gian có biệt tài.

P.H.Đ.Đ

 

Bài viết khác cùng số

Cô Mùi – Trần Quốc CưỡngChùm truyện nhỏ cho các em của Thanh QuếBốn Chỉnh – Vũ Đức Sao BiểnChùm thơ của Hồ Thế HàHạc phù dung – Nguyễn Thị Anh ĐàoVăn nghệ sĩ Đà Nẵng với Năm Văn hóa văn minh đô thị - Bùi Văn TiếngNghĩ về tâm, tầm lãnh đạo và lòng dân - Sương Nguyệt MinhVăn hóa người Đà Nẵng - Dân HùngTín hiệu vui trước ngưỡng cửa xuân 2015 - Phương MaiXuân không mùa - Huỳnh Viết TưNhững cánh rừng xưa sống lại – Bùi Công MinhNhững mùa xuân im lặng kéo qua đời …- Tùy bút của Văn Công HùngKhoai! – Hồ Duy LệAnh Đũi - Trần Đức TiếnDê Thần - Trần VănAi vừa gọi điện thế nhỉ ? - Bùi Công DụngTiếng mùa xuân – Vương Phạm Tâm CaSông Hàn chiều cuối năm - Trần Huy Minh PhươngChiều tháng Chạp - Nguyễn Bá HòaGiao mùa - Lê Huy HạnhThoáng xuân nghiêng - Nguyễn Thánh Ngãim lặng ngày xuân – Đinh Thị Như ThúyVề thăm quê buổi giao mùa – Trương Đình ĐàngMột mình - Hoàng Hương ViệtMùa Xuân - Nguyễn Xuân TưChiều ba mươi bên sông Hàn - Nguyễn Văn TámChờ Xuân – Trịnh Bửu HoàiSố phận của nhà thơ – Nguyễn Đông NhậtHoa cải vàng bay - Mai Hữu PhướcMùa đông về phố - Trần Ngọc MỹMùa riêng - Nguyễn Hoàng SaGiọt sương còn đọng môi mềm - Thy LanMột mình - Lê Thanh MyChùm thơ Nguyễn Ngọc HạnhVề miền ký ức riêng tư - Nguyễn Nho Thùy DươngNgôi sao số phận tôi – Nguyễn HoaTiếng nổ - Nguyễn Minh HùngNắng từ quê nội – Nguyễn Nhã TiênDặm chiều – Ngân Vịnh Nhà tôi có cây mai chưa trổ - Nguyễn GiúpNụ tình xuân - Nguyễn Miên ThượngMỹ Khê- Quê xưa gồng gánh hoa vàng – Võ BiênChạnh lòng – Nguyễn Thành LongMột quãng đường xuân với nhà thơ Trinh Đường – Nguyễn Nhã TiênVẻ đẹp ngàn hoa trong thơ Hồ Chí Minh - Lê Thành VănNét giao thoa văn hóa Việt - Mường độc đáo trong ca xuân sắc bùa ở đất Quảng - Vân TrìnhNhà văn Vũ Bằng với mùa xuân thương nhớ - Chế Diễm TrâmNỗi lòng Tô Vũ – bài kệ cho những ngày nói lãng – Trần Tâm“Khi đã chọn tiếng kêu tinh huyết..” Từ chân trời đến thiên di của Nguyễn Minh Hùng – Hoàng Sĩ NguyênHọa sĩ Vũ Dương: biển với mùa xuân – Trần Trung SángNghệ thuật bài chòi một di sản văn hóa của miền trung – Trần HồngNSƯT Hoàng Lể, Nhạc sĩ bài chòi – Trương Đình QuangBài vè Liêm Lạc – Phạm Hữu Đăng ĐạtMột câu chuyện về sáng tác múa – NSND Lê HuânCuộc chia ly giữa Trần Quý Cáp và Huỳnh Thúc Kháng tại Đà Nẵng - Châu Yến Loan