Tuần đường Đệ nhất hùng quan

18.12.2020
Minh Sơn

Tuần đường Đệ nhất hùng quan

Quê ở Huế, sống ở Đà Nẵng, năm nào tôi cũng có mấy chuyến qua Hải Vân nhưng cảm giác vẫn như của lần đầu, choáng ngợp trước “Đệ nhất hùng quan”. Núi chất ngất, con người quá bé nhỏ, và lòng rưng rưng khi nghĩ về tiền nhân, chân trần vượt núi hiểm trong công cuộc mở cõi. Rồi cuộc chiến chống Pháp, Mỹ,... Bao thế hệ đã nằm xuống để đất nước được trải dài về phương Nam, trải dài theo bản nhạc du dương của sóng bờ tây Thái Bình Dương. Và riêng Hải Vân, đã có một bản tình ca đi cùng năm tháng, Tàu anh qua núi.

Những lần đi tàu, tôi thấy người mặc đồng phục đường sắt, tay cầm lá cờ vàng ngang vai, đứng bên đường ray. Tàu lướt qua, bóng họ nhỏ mờ giữa trập trùng núi. Ban đêm, ngọn đèn thay cho lá cờ, cũng mờ tan nhanh trong núi rừng đen đặc. Loa tàu thì du dương... qua đèo Hải Vân mây bay đỉnh núi... Sau này tôi mới biết giai điệu tươi vui, tràn đầy hy vọng của bài hát ấy lại bắt đầu từ một chuyện tình buồn. Người trưởng tàu kể với nhạc sỹ Phan Lạc Hoa tình yêu của anh với một cô gái xây dựng đường tàu trên đèo Hải Vân trong những năm đầu thống nhất đất nước. Lúc ấy Hải Vân vẫn heo hút, thú dữ rình rập... Công nhân rất vất vả vì mọi việc hoàn toàn bằng sức người lại bị sốt rét, thiếu đói. Anh chỉ được gặp cô trong thời gian ít ỏi khi tàu dừng chờ đường. Sau đó cô gái bị mất vì tai nạn. Rất đau buồn nên mỗi lần qua Hải Vân, anh cho kéo một hồi còi dài. Nếu tàu dừng, bao giờ anh cũng xuống thắp hương cho người yêu.

Chuyện tình người trưởng tàu khiến tôi nhớ đến ngọn đèn nhỏ mờ như những ngọn đèn thời chiến soi đường cho xe ra chiến trường đánh giặc, giữa Hải Vân trập trùng. Họ đi thế nào giữa màn đêm trên “Đệ nhất hùng quan”?

Tôi quyết làm một chuyến lên Hải Vân. Không có vé đi ga Hải Vân, tôi đành mua vé đi Lăng Cô, lên tàu rồi mới trình bày với nhân viên toa. Anh nhân viên giúp tôi gặp trưởng tàu. Trưởng tàu có vẻ thích thú khi nghe công việc của tôi rồi hạ một câu chắc nịch: Chúng tôi thực hiện đúng lịch trình của tàu, sẽ cho cô xuống ở trạm ký hãm! Trạm ký hãm ở đâu? Tôi lo lắng. Anh nói: Phía bắc ga Hải Vân Nam. Trước khi đổ đèo, tàu phải thử phanh và được trạm ký hãm xác nhận. Tôi hoảng hốt: Làm sao tôi có thể trở lại ga? Anh cười:

- Đừng lo, đường sắt Việt Nam luôn được kiểm tra 24/24. Chị chuẩn bị đi, thời gian tàu dừng chỉ đủ ký một chữ thôi!

- Thế từ trạm thử hãm về lại ga Hải Vân Nam bao xa? Tôi sốt ruột.

Anh trưởng tàu lại cười: Chắc chị sẽ không phải ngủ giữa rừng!

Nghề viết cho tôi đến nhiều miền đất, nhiều câu chuyện mới. Nhưng để rõ việc, nhiều lần tôi đã đặt mình vào thử thách. Lần viết về nghề lấy vỏ hàu, một mình qua cửa sông Bù Lu rồi vượt qua rừng trong mưa gió, sợ quá, tôi vừa đi vừa khóc. Lần chúi đầu với công binh xem tháo gỡ bom mìn ở sân bay Tà Bạt, chờn chợn đấy nhưng tôi phải biết bom mìn - bộ mặt thần chết nó như thế nào? Nỗi sợ rồi cũng qua. Nhiều khi đọc lại bài viết rồi mới nhớ ra, à, chi tiết nó như thế đấy. Nhưng tôi không bao giờ quên phút anh trưởng tàu nắm tay đẩy xuống Trạm ký hãm Bắc Hải Vân. Với tôi, đó là cuộc đổ bộ xuống mặt trăng, định thần thì tàu đã mất hút.

Một màu xanh ngút ngàn. Và gió. Gió ràn rạt khiến tôi sau phút chông chênh đã thấy rõ mình đang đứng giữa Đệ nhất hùng quan. Phía nam, nơi tàu vừa đi qua một cửa hang là núi. Phía bắc cũng núi trập trùng. Rồi tôi nhận ra nơi ấy, cách hơn chục mét có ngôi nhà nhỏ và hai thanh niên đồng phục đường sắt chỉnh tề. Họ nhìn tôi đầy ngạc nhiên. Tôi bỗng buồn cười bởi cảm giác mình như tội đồ, trốn vé cũng không đến mức bị đẩy xuống giữa rừng.

Một cậu bước đến: Sao chị xuống đây?

- Tôi có chút việc ở ga Hải Vân Nam.

- Chị là nhà báo? Rồi chẳng chờ tôi trả lời, cậu ta nói luôn: Chị cũng gan, lần đầu em thấy phụ nữ lên đây.

Tôi nhìn ngôi nhà sạch sẽ. Cạnh nhà, cây mít lủng lẳng quả, xoài đang ra lộc. Thành, chàng thanh niên nhanh nhẹn chỉ cây đu đủ ba nhánh trước nhà: Bão làm gãy lại nẩy chồi, hai mươi năm rồi chị. Mưa bão ở đây thì khỏi chê.

Tôi bảo: Trời trong mà gió lộng thế này...

- Chị uống nước, lát nữa vào với tuần đường.

Rồi Thành giục Sơn viết bản cam kết để tối họp. Cậu ta nhấn mạnh: Không nhậu nhẹt, cờ bạc, cá độ.

Sơn cười: Thanh niên Thái trước khi lấy vợ phải đi tu ba năm. Mình chỉ cần lên đây là đủ.

Từ cửa hầm, một người nhỏ thó đi ra, áo phản quang lóe lên dưới nắng, cái túi lòi ra mấy cây cờ vàng, đỏ. Anh ta bước đều trên đường ghi rộng hơn nửa tấc, tiếng gậy thọc vào đá dăm đường ray lọc xọc. Thành hỏi:

- Ông Khải! Sao trưa nay nhà bếp chỉ gửi cơm không thôi?

Người đàn ông tên Khải cười híc híc: Biểu đem hai suất cơm thì đem hai suất cơm. Sao không nói đem cơm với thức ăn?

Râu tóc Khải lởm chởm. Tôi mời trái cây nhưng anh ta ký vào sổ trạm rồi bảo phải đi để kịp giao thẻ cho cung đường Lăng Cô. Thành tủm tỉm:

- Đi bộ liên tỉnh ăn tiền nên chăm chỉ lắm chị.

Khải quay lại: Đi bộ liên tỉnh ngon hơn “coi chùa một cột” là cái chắc.

Thành bảo tôi: Lát nữa chị vào ga với ổng nghe.

Tôi nhìn núi rừng chất ngất. Từ thế kỷ XVIII, Ngô Thì Chí đã viết “Ngọn núi này khí át sông Ngân, thế nuốt bờ biển, tảng đá trập trùng khó vịn, cây cối sum suê rợp bóng, sóng vỗ ầm ầm như tiếng sấm vang trời, suối chảy rào rào như tuôn nước từ lưng chừng trời đổ xuống”. Thật sự, chỉ đứng giữa Hải Vân với mây trời và gió ngút ngàn mới thấy hết sự hùng vĩ của dãy núi này.

Chừng một giờ sau Khải quay lại. Lấy cuốn sổ dính đầy bụi gỉ sắt đưa Thành ký xong anh ta cầm gậy đứng dậy. Tôi tạm biệt Thành và Sơn.

Khải đi trên ghi ngược lại lúc đi. Tôi bước theo tà vẹt. Đường ghi bắt nắng lóa mắt, nóng hầm hập. Gió lồng lộng nhưng không cắt được cái nóng từ tà vẹt, đá, đường ghi, những thứ hấp nhiệt rồi phản lại nóng hực. Đôi chỗ mùi xú uế thải từ tàu nồng nặc đến buồn nôn. Mồ hôi đẫm cả mi mắt, người tôi như bốc lửa. Vậy mà Khải cứ bước đều, mắt rọi đường ray, hầu như không đổi góc nhìn. Thỉnh thoảng lại quay nhìn phía sau rồi bước tiếp.

Đến cửa hầm, chưa hết cảm giác mừng rơn vì thoát được cái nóng rát thì tôi rợn người vì âm u của hầm tối. Tôi theo sát Khải để có thể thấy thanh tà vẹt từ ánh đèn trên tay anh ta và cũng vì cảm giác chờn chợn. Gió hun hút. Nước từ nóc hầm nhỏ lách tách, đôi giọt rơi vào người lạnh như nước đá. Thỉnh thoảng vách hầm lại lõm hàm ếch. Khải bảo hầm để tuần đường tránh khi có tàu. Phía cửa hầm trước mặt có ánh đèn rọi từ mặt đất nhưng đi mãi vẫn thấy hun hút, ngọn đèn xa như vẫy gọi. Khải bảo, ngó vậy chớ gần nửa cây số đó.

Rất may là không có tàu khi chúng tôi qua hầm. Ngoài cửa hầm có một trạm gác nhỏ. Người gác hầm cũng tròn mắt khi thấy tôi. Anh ta ký nhanh vào quyển sổ Khải đưa rồi nhìn theo chúng tôi mãi. Qua một cây cầu, Khải lại đưa sổ cho người gác cầu ký. Tôi cười: Chữ ký có phần trăm thì anh giàu nhất. Khải dừng lại lấy cờ lê, nghiến răng vặn chặt ốc tà vẹt rồi mới nói: Trừ ngày phép còn thứ bảy, chủ nhật cho đến tết, lễ đều ký tuốt tuột. Mỗi ngày hai ca, hạ bút vài chục lần, hơn Bộ trưởng là cái chắc. Tí nữa gặp Quốc lủi, tổ trưởng của tôi, chị sẽ biết nhiều chuyện thuộc loại “ngạc nhiên chưa”!

Tôi phì cười vì câu quảng cáo từ con người dường như chẳng có gì tác động được. Tại sao lại gọi Quốc lủi? Cái đó thì tối chị sẽ biết!

Chưa biết “Quốc lủi” ra sao nhưng khi tôi vừa bước đến ga thì gặp những cái nhìn “ngạc nhiên chưa”. Sau khi trình thẻ, tôi được mời vào gặp anh Thắng, trưởng ga Hải Vân Nam.

Anh Thắng cho biết đường sắt qua Hải Vân được xây dựng năm 1902. Nếu đường bộ qua Hải Vân là nguy hiểm nhất trên Quốc lộ 1A thì phân đoạn đường sắt Bắc - Nam qua đèo Hải Vân cũng vậy. Độ dốc cao, có nơi 170/00, nên tàu phải đi chậm và thêm một đầu máy diesel đẩy lên đèo. Phần lớn được xây dựng một bên là núi cao, một bên là vực sâu. Có vị trí, mép ngoài đường ray cách vực thẳm không quá một mét. Chỉ 28 km nhưng có đến 6 hầm, trong đó hầm số 14, tính từ đầu tuyến phía Bắc, dài 945m, là hầm dài thứ 2 Việt Nam (chỉ sau hầm số 18, dài 1.197m, qua đèo Cả). Ngoài ra còn có 18 cầu bắc qua suối. Hải Vân cũng là đoạn đường có nhiều đường cong, bán kính nhỏ, có đường cong bán kính chỉ 100m, lại trái chiều liên tục, rất dễ trật bánh tàu. Năm 1980, ông Võ Thái Minh, Giám đốc Công ty Quản lý đường sắt Quảng Nam - Đà Nẵng đã nghiên cứu và đặt thử một đường ray ở đường ray bụng tại vài khúc cua. Đường ray này có tác dụng giữ chặt bánh tàu. Sau một thời gian, thấy đường ray phụ loại trừ được nguy cơ trật bánh tàu. Sáng kiến được áp dụng. Đến năm 1990, 123 đường cong được đặt xong ray phụ.

Anh Thắng nói thêm: Tuy một nửa trong số 28km của phân đoạn thuộc địa phận tỉnh Thừa Thiên Huế nhưng lại thuộc sự quản lý của Công ty TNHH MTV Quản lý đường sắt Quảng Nam - Đà Nẵng. Việc duy tu, bảo dưỡng, tuần tra trên toàn phân đoạn Hải Vân do công nhân viên của công ty đảm nhiệm.

Sao vậy nhỉ? Ranh giới địa phận theo đường phân thủy nhưng tuần đường thì không, lại là nơi được xướng danh “đi bộ sợ nhất Hải Vân”! Phải chăng vì Đà Nẵng nằm sát chân đèo? Vì Thành phố trực thuộc Trung ương?

Chếch sau nhà ga là vạt thanh sắt tựa như ghi lại đóng dày tua tủa như chông được cắm trên sườn núi lổn nhổn đá. Anh Thắng nói: Chống xói lở nên phải đóng cọc nhồi, sườn núi được xây kè, bắt nước chảy vòng để giảm xói lở.

Anh Quốc, tổ trưởng tuần đường cho biết: Tuần đường là đi bộ theo lý trình cung đường quản lý, quan sát từng ốc vít để siết lại, phát hiện sạt lở, chướng ngại vật vi phạm giới hạn, ảnh hưởng an toàn chạy tàu thì xử lí. Mỗi ngày tuần đường đi 24km. Mỗi km đường sắt có 1.140 thanh tà vẹt, có nghĩa mỗi ca, người tuần đường phải quan sát hơn chục nghìn thanh tà vẹt, không bỏ sót thanh nào. Tuần đường phải đi đúng giờ, không đi trễ, về sớm hơn quy định và tuân thủ quy trình quy phạm. Mưa, lũ suối rất dễ làm lở núi cho nên càng mưa gió càng phải kiểm tra. Vào mùa mưa phải tăng ban phụ, tức là hầu như luôn có mặt người tuần đường trên đường. Quy định khi có mưa phải đi bên lề đường ray và không được trùm áo mưa kín tai để còn nghe tiếng tàu. Quy định vậy nhưng nhiều khi không thể chấp hành. Gió mùa, áp thấp, bão... thì gió lúc quật bên này, lúc quật bên kia, như hú như hét, sóng đập ầm ầm, chẳng nghe được gì. Bên thì vách núi, bên thì vực sâu, đành phải đi giữa đường ray chứ làm sao đi bên lề được. Qua cầu nhiều khi phải bám thanh ray mà bò qua, ướt như chuột lột. Bởi vậy, thời bình nhưng chúng tôi vẫn làm theo khẩu hiệu “sống bám cầu đường, chết kiên cường dũng cảm”. Tuần đường Hải Vân không chỉ đối diện với núi cao, đá rơi, đá lăn bất cứ lúc mà còn rắn rết, vực sâu...

Cô nhà bếp dọn bàn ăn rồi lên tàu hàng về Kim Liên. Sáng mai đi chợ xong cô lại theo tàu lên. Mặt trời đã hắt nắng lên mây, chim líu ríu gọi nhau về tổ. Tiếng suối như vang hơn trong rừng chiều thẫm màu. Ngay bên bể nước cạnh nhà vang lên tiếng chim cuốc “cuốc, cuốc...”, trầm buồn, đơn độc. Sau bữa cơm, chúng tôi ngồi uống nước trước hiên nhà. Quốc kể:

- Có lần giao ban xong, tôi theo tàu VQ về nhà làm lễ thôi nôi con trai. Đang xuống dốc ngon trớn bỗng tàu phanh kít khiến mọi người ngã chúi. Tôi nhào ra cửa thì thấy Khải, tay cầm cờ run bần bật, nói không ra hơi. Khối đá hơn 3m3 đổ ầm xuống trước mặt Khải, sau lưng 200m thì đoàn tàu VQ đang đổ dốc... Khải chạy trở lại, không kịp đặt pháo, chỉ phất cao cờ. Rất may là tàu hãm phanh kịp trước khối đá.

Một cậu nói: Nếu đi nhanh vài giây thôi thì tên anh Khải đã được khắc kèm Liệt sỹ.

Quốc nói: Ngoài những vấn đề kỹ thuật, tuần đường sắt Hải Vân hay gặp người tâm thần. Họ cứ theo đường sắt mà đi. Tụi tôi đưa về, cho ăn rồi gửi tàu đưa về xuôi. Có lần lại gặp thi thể người bị cắt đôi, máu me đầm đìa, phải khấn xin đưa sang vệ đường, tiếp tục tuần tra, ký nhận với cung đường bạn xong mới cùng nhau đưa về chôn cất. Hai ngày sau người nhà mới đến nhận. Ba năm sau, họ vào bốc mộ đưa về quê, anh em lại xúm giúp một tay.

Trời tím dần. Tiếng kêu tầm canh của chim cuốc làm hoàng hôn như lắng lại. Chiều chiều mây phủ Ải Vân/ Chim kêu gành đá, gẫm thân lại buồn. Tôi nhớ câu ca dao buồn rồi bật cười khi hiểu ra biệt danh Quốc lủi mà Khải nói lúc chiều. Là chim nhưng cuốc bay kém mà lủi rất nhanh. Và cũng là chim nhưng vì cái giọng trầm buồn nên cuốc bị gắn là kêu chứ không phải hót. Nói chung, cuốc tượng trưng cho đời sống vất vả.

Bảy giờ tối, Thành, Sơn sang. Đồng phục đoàn viên, đèn pin cầm tay như thanh niên xung phong thời chống Mỹ, bài truyền thống Đoàn vang cả sân ga.

Tôi theo Khải và Chung, đi ca 22 giờ. Lộ trình là từ ga Hải Vân Nam đến cung Kim Liên. Trái với Khải, Chung có dáng vẻ khá thanh nhã. Mở túi “bảo bối”, Chung cho tôi xem hộp pháo. Có 6 viên, màu đỏ, tròn cỡ bằng miệng tách trà nhưng dẹt chừng nửa phân, hai bên có hai thanh thép. Chung giải thích: Khi gặp đá lăn, nếu đá to, không xử lí kịp thì phải chạy lại hướng tàu sắp đến, cách điểm có sự cố 800m cắm lá cờ đỏ và đặt 3 quả. Mỗi quả cách nhau 20m, 2 thanh thép này sẽ ôm đường ghi. Sau đó chạy ngược về phía bên kia vị trí có sự cố 800m, đặt 3 quả pháo và cắm cờ. Rồi chạy lại hướng tàu sắp đến, đứng cách quả pháo 200m, phất cờ đỏ. Vì vậy, ngoài 24km thường nhật, khi có sự cố, tụi em phải chạy hộc tốc lên đèo, xuống dốc hơn 4km nữa! 

Thay cho ba lá cờ đỏ, một lá cờ vàng là chiếc đèn dầu bốn mặt kính sơn màu vàng và đỏ xen kẽ. Cầm gậy, Chung bảo: Tuần đường được chống gậy khi còn trẻ chứ không phải chờ lên lão! Gậy giúp đi trên đường ghi thuận lợi đồng thời là vũ khí khi gặp rắn rết. Còn già rồi vẫn làm xiếc, đi trên đường ghi rộng chỉ nửa tấc, mỗi ngày vài chục cây số!

Khải nói: Tuần đường cũng như cuốc, lủi thủi, ngày cũng như đêm.

Chung nói: Để đảm bảo an toàn, quy định ca từ 22 giờ phải đi 2 người nhưng không được nói chuyện. Mỗi người một đường ghi mà soi ghi lệch hay gãy, lập là (mối nối giữa hai đường ghi) lỏng thì siết lại, soi từng ốc vít tà vẹt, đá lăn... Những thứ nằm trong diện uy hiếp đến an toàn chạy tàu là phải loại bỏ. Và cứ 50m, ngang vạch sơn trắng, phải ngoái lại phía sau đề phòng có tàu.

Hóa ra là vậy, tôi nhớ lại lúc đi với Khải từ trạm ký hãm về ga.

Khuất ánh đèn sân ga, đường ghi như hai thỏi bạc dài vút. Chiếc đèn bốn mặt đỏ vàng xen kẽ đủ rọi một quầng sáng nhỏ. Chung và Quốc, mỗi người một đường ghi, tiếng gậy xọc đá dăm lọc xọc, lọc xọc. Tôi đi sau, lúc bước trên tà vẹt, lúc xuống vệ đường. Gió lồng lộng, đôi lúc tôi phải hỏi lại mới rõ.

Đường tàu quanh co ven sườn núi nhưng nhiều nơi, bên phải núi cao, bên trái là vực thẳm, đèn thuyền đánh cá ngay dưới chân chúng tôi chỉ như một sao xa. Xen trong tiếng suối róc rách là cuốc kêu hoang hoải, tiếng loạt xoạt của thú ăn đêm. Có khi một cánh chim giật mình vụt lên lao vào lùm cây. Trăng vằng vặc. Một đêm trăng rất đẹp nhưng rừng cây, núi đá tạo thành những hình thù kỳ dị khiến tôi chờn chợn. Trăng thanh còn thế này huống mưa gió, bão dông, huống gì ngày xưa... Tiền nhân!...

Bỗng Chung hỏi tôi: Chị có cần nắm tay không? Tôi ngớ ra rồi lắc đầu. Chung cười rồi nói Khải: Đổi món.

Khải nắm tay Chung, hai người bước đều trên ghi mà không cần gậy.

Một cái đinh cóc trên lập lắc nhô lên, Khải lấy cờ lê xiết lại và xiết thêm mấy cái kế đó. Tôi nhìn Khải. Anh ta là người duy nhất không ngạc nhiên khi gặp tôi. Vẻ gân guốc, lạnh lùng ấy dường như chỉ là bề ngoài. Trong bữa cơm chiều, tôi hỏi việc “hai suất cơm không” của Thành và Sơn. Khải cười “Thành nó bảo cơm không thôi”. Quốc bảo “ai mà không tin khi mặt ổng tỉnh bơ vậy. Trên núi chỉ có đàn ông nên tụi nó cứ kiếm cách chơi nhau hoài”.

Te!... Một hồi còi vang dài và ánh sáng rọi tới. Chung, Khải bước xuống lề đường, cầm cây đèn ngang vai đứng nghiêm ngắn. Tiếng xình xịch lớn dần, đèn đầu máy pha tới sáng lóa mắt. Te... Hồi còi vang dài trong tiếng xình xịch rung chuyển cả đất. Đoàn tàu lướt qua, gió nóng quật ra từ guồng máy như muốn hút cả tôi. Tàu xa dần, đất lặng dần, núi non tối sẫm.

Khải nói: Tui chỉ sợ mưa dông. Dông nổ đỏ lòe trước mặt, nhức xé tai! Rồi mưa ào đến. Nước mưa bắn đến đâu, hơi đất bốc lên đến đó, trắng đục như sương mù, nồng nặc. Mỗi khi mưa, con cuốn chiếu bò lên tà vẹt rất nhiều. Rắn lục ra ăn cuốn chiếu, thấy đèn chúng nhỏng cổ lên, xanh lè.

Chung tiếp lời: Mùa mưa bão là mùa nhọc nhằn nhất của anh em tuần đường Hải Vân. Càng mưa càng phải đi, kiểm tra 24/24, thấy đá lăn, sụt đất thì kịp thời đặt pháo, cờ, đèn theo đúng quy trình quy phạm. Quy định tuần đường không được trùm áo mưa kín tai, để nghe tiếng tàu. Vì cái an toàn lao động này mà gió mưa thả sức quất vào mặt mũi, chảy tong tong vào cổ, rát cả tai, buốt cả bàn tay cầm gậy. Tối về chân tay nhức nhối. Tuần đường sắt, mười người thì chín bị thấp khớp, thanh niên mà mỗi lần đứng dậy phải chống gối. Chung cười, nói tiếp: Mưa to gió lớn thì ôm đường ray mà bò qua, để đúng giờ đổi thẻ. Cứ nhăm nhắm vậy thành bệnh nghề nghiệp. Có khi đang ngủ giật mình tưởng đến ca, bật dậy lây quây trong mùng đụng con mới nhớ ra mình đang được nghỉ!

Khải bảo: Dốc đèo còn ăn bớt thời gian nghỉ của anh em. Ngày nghỉ nhưng đi về mất 3 tiếng rồi. Nhận ca phải dự phòng, đi trước 4 tiếng. Gặp tàu thì khỏe, không thì cuốc bộ, coi như tăng ca phụ kiểm tra thêm lần nữa.

Tiếng sóng biển vọng lại. Tôi cảm giác độ cao đang hạ dần. Có nơi thấy bán đảo Sơn Trà rất gần. Ngọn hải đăng trên đỉnh nhấp nháy nối liền với thành phố rực rỡ đèn điện trông như mắt chiếc thuyền rồng nạm kim cương.

Mãi rồi cũng thấy hai đốm sáng phía trước. Hai người tuần đường Kim Liên ồ lên khi Chung giới thiệu tôi. Họ cười: Đường sắt có nhiều bộ phận. Duy tu thì vác xà beng, cuốc, xẻng sửa chữa những đoạn hư hỏng. Gác chắn, gác hầm, gác cầu thì bám gác cho chặt. Tuần đường là đi bộ, có chi đâu mà viết chị!

Không như tưởng tượng của tôi, thẻ chứng nhận tuần đường không phải được in ấn, ép platic mà chính là chiếc cờ-lê to đùng khắc chữ QNĐN dùng để xiết ốc vít tà vẹt. Chung cho biết, cung đường sắt Quảng Nam - Đà Nẵng có 15 tổ tuần đường thì có 15 chiếc cờ-lê, đánh số từ

1 - 15. Hai tổ gặp nhau ký sổ, giao thẻ. Đi trọn 15 cung thì 5 ngày sau chiếc cờ lê trở về nơi cũ.

Trên đường về, Chung nói: Không heo hút gió như trên đỉnh đèo nhưng tuần đường Kim Liên cũng cực lắm. Hầm số 14 dài gần cây số, ngay ở cửa phía nam đã cong nên vào hầm là tối om. Vì vậy mới có danh tuần đêm giữa ban ngày. Hầm dài, độ ẩm cao nên đường ray nhanh xuống cấp, sửa chữa miết. Đang sửa mà có tàu là phải vào ô tránh, tàu qua mới làm tiếp. Khói tàu và bụi sắt phát sinh do ma sát giữa đường ray và bánh tàu quẩn trong hầm. Tuần đường hít trọn, mặt mũi đen nhẻm.

Tôi nhớ có lần không biết vì sự cố gì, tàu phải dừng giữa hầm chỉ mươi phút mà ngột ngạt không chịu nổi.

Khải nói: Hầm thẳng thì ban ngày có thể thấy ánh sáng tự nhiên, ban đêm thấy ánh đèn cuối đường hầm, nhưng hầm số 1 là đường cong lại dài nên không có cây đèn tín hiệu thì bước đi cũng khó chưa nói đến kiểm tra đường ghi nên tuần đường Kim Liên phải chăm bẵm cây đèn.

Chung nói: Gần khu dân cư thì đỡ hơn nhưng lại có cái cực khác. Vừa rồi chị trực gác chắn Liên Chiểu bị một ông tấn công. May mà chỉ chống trả được.

Khải nói: Với cây gậy trên tay, mắt căng ra soi từng bu-lông vậy mà có khi vẫn chờn chợn. Trước hầm số 3 (phía bắc Hải Vân) chừng 500m là khe núi đón gió. Gió đập vào vách núi rồi dội ra nghe âm âm rợn cả người. Những ngày gió lớn, phải đi giật lùi mới vượt qua được. Đã vậy còn hay bị tắt đèn. Mò mẫm trong màn đêm mưa gió hay trong hầm tối như mực là việc không hiếm. Rất may là hiện nay đã được trang bị đèn có bóng che gió phía trong.

Chân mỏi rũ, căng chật giày, mồ hôi đẫm người, nóng sực như xông hơi, tôi lẩm nhẩm: 24km nhân 365 ngày, lên xuống cung đường Đệ nhất hùng quan!

Khải bảo: Từ ngày thành phố lên đô thị loại I, tụi tôi bị cắt phụ cấp khu vực chỉ còn lương trọc. Ăn theo đô thị loại I nên tụi tôi không gọi là đèo Hải Vân nữa mà gọi là dốc Hải Vân!

Tôi nhìn đỉnh núi chất ngất. Với tiền nhân vượt Hải Vân mở cõi thì gian khổ của tuần đường là bé nhỏ nhưng giá như có một ghi chú riêng, một điều khoản riêng dành cho họ - trong rất nhiều chế độ ưu đãi của các ngành. Đường có rộng hơn nhưng núi vẫn thế, vực vẫn thế. Muôn thuở con người vẫn nhỏ bé trước thiên nhiên, vẫn yếm thế trước dông bão.

Chung nói: Tết lễ là hành khách tăng vọt, các bộ phận hệ an toàn đường sắt càng phải tăng cường làm việc, vợ con ở nhà tự lo liệu cúng bái gia tiên, giao thừa. Động viên vợ con nhưng nhiều khi nhìn về Đà Nẵng, thấy đèn điện sáng choang cũng không khỏi chạnh lòng. Mệt mỏi nhưng sáng Mồng Một Tết, chuyến tàu đầu tiên trong năm chạy qua chầm chậm, tài xế luôn kéo một hồi còi dài chào năm mới. Lúc ấy thấy vui, ấm áp bởi biết đồng nghiệp hiểu mình.

Te... Một hồi còi vang lên. Chung và Khải lại đứng ngay ngắn. 

Tôi không đi nghỉ ngay như dự tính mà đứng trước sân ga nhìn về Đà Nẵng. Thành phố lúc rực rỡ ánh đèn, lúc mờ mịt bởi mây giăng tỏa. Quốc, Khải, Chung... đã có bao lần đứng đây trong thời khắc Giao thừa?

Bên khe núi rồi ngay bể nước cạnh nhà vang tiếng cuốc, không còn nhịp một nữa mà ra rả, khàn đục. Cuốc là loại chim cực kỳ chung tình, khi mất bạn đời, chúng sẽ gọi cho đến chết.

Một hồi còi vang lên. Đoàn tàu lướt qua làm rung chuyển sân ga rồi lặng dần, lặng dần... Thay vào đó là tiếng cuốc, loài chim vất vả nhưng nghĩa tình.

Lại vang tiếng còi tàu, sân ga lại rung chuyển. Trong những tiếng còi ấy có tiếng còi của trưởng tàu nọ? Sao vang xa đến thế?

Ơi người trưởng tàu! Người yêu anh đã nằm xuống trên dải đất hùng vĩ, nằm xuống khi còn xuân xanh, trong những tháng ngày đất nước vừa thống nhất, những tháng ngày đầy gian khó. Người nằm xuống đã góp phần đem lại cho Hải Vân một tình ca sống mãi cùng năm tháng.

Bạn ơi! Đường sắt đã có nhiều đổi thay. Từ 80 giờ cho hành trình Bắc - Nam ngày thông xe kỹ thuật 31.12.1976 được rút xuống 36 giờ rồi 32 giờ... Thời gian rút xuống nhưng bước chân người tuần đường vẫn vậy, giờ phút tại các gác chắn, điểm giao thẻ vẫn vậy. Những người tuần đường từ Đà Nẵng, với từng bước chân, vượt Hải Vân trong nắng nung, mưa bão, âm thầm đem lại bốn mùa vui cho đoàn tàu.

M.S