Cái bóng; Thơ tặng; Người nhặt Sách

22.12.2020
Nguyễn Đông Nhật

Cái bóng; Thơ tặng; Người nhặt Sách

Cái bóng

Mới hơn sáu giờ sáng, chưa ra khỏi nhà mà đã rịn rịn mồ hôi lưng áo. Đến mười giờ thì hầu như dầm dề. Tới khoảng trưa, có thể nói là hết chịu nổi, nhất là khi phải chạy xe máy chậm rì giữa dòng người hối hả. Đường phố thì lúc nào cũng... đông cứng. Nắng như tạt lửa. Khói xe đen kịt. Mùi xăng ngạt mũi.

Khổ ơi, thời tiết sao mà... bó tay!

Rồi xe dừng, đợi đèn xanh đèn đỏ. Có nhiều người cố gắng “lết” xe đến bên dưới cái bóng mát nhỏ nhoi phía trước, chỉ cách có nửa mét. Cái khoảng mát của một chòm lá ít ỏi từ hàng cây bên lề đường nghiêng ra, quẹt thoáng trên đường nhựa. Tội nghiệp hơn, có khi chỉ là cái bóng của một dải băng-rôn mỏng mảnh kéo qua đường, rung rinh theo gió... Mà có lâu lắc gì đâu; chỉ trong khoảnh khắc tích tắc của vài mươi giây đồng hồ trong khi chờ tín hiệu đèn xanh bật sáng.

Những khi ấy, đã có bao nhiêu người biết “ôn cố” để thấy sự bạc lòng của chính con người, về những điều thân quí nhỏ nhoi của cuộc sống bình thường chung quanh? Và có chăng một thoáng qua suy nghĩ, khi được tạm thời che mát bên dưới cái bóng phía trên? Mà, rung rinh nhỏ nhoi cái bóng ấy có ý nghĩa là chi? Có thể đó là cái giả hay cái thật? Hay là cái có đó rồi mất đó?

Vậy mà thật quí giá, run run nhỏ nhoi cái bóng ấy?

 

Nếu ai đó có thời gian mà lần giở lại sách cũ, thì sẽ đọc được biết bao lời kêu gọi và những giảng giải những biện pháp... Vậy mà tại sao màu xanh thì mỗi ngày vẫn lần lượt thưa vắng dần đi? Từ những tranh luận về rừng giữa hai nhà khoa học lâm sinh người Pháp Re’aumur và Buffon mấy trăm năm trước. Từ điều lệnh của Piere đại đế trừng trị những kẻ đốt lửa cách gốc cây sồi khoảng ba arsin để bảo vệ giống cây quí này. Từ cái am miếu nhỏ được xây ở bên ngoài khu rừng cần bảo vệ nhằm “hù dọa” những kẻ trộm chặt cây, về sự trừng phạt sẽ xảy đến từ những thế lực siêu nhiên.

Mà, sao trên cả cái hành tinh gọi-là-xanh này, cây xanh vẫn cứ lao nhanh về phía trơ trụi?

 

Và cho đến bao giờ, con người mới có thể nhìn thấy tường tận và đạt được sự  hiểu biết về những cái bóng?

Không biết.

Bóng ơi!

 

Thơ tặng

Thơ tặng nhiều quá!

Đã nhiều người nói như vậy.

Đấy là câu than... phiền, hay là câu tán thán? Dường như thế, cả hai.

Thơ không bán được, thì phải đem tặng, chứ sao? Nhưng có ai đó không đồng tình: Chẳng nên làm như thế, vì sẽ càng “góp phần” cho thơ bị xuống giá. Nói vậy, cũng không sai.

Giờ đây, có nhiều người làm thơ, so với 50 - 70 năm trước. Tốt thôi: Có nghĩa, số người cầm bút tăng lên nhiều, số người mù chữ bị xóa... gần hết? Vậy là vui, vì dân trí có khá hơn. Duy có một điều không nên bị “vướng” vào: Sự lạm phát của hai tiếng “nhà thơ”, do cái tính... háo danh. Chẳng phải sao?

 

Trong đời sống tinh thần của lịch sử loài người, cái gì là quí nhất, nếu không là triết học và thơ ca. Xã hội nào thiếu hai cái “nền” ấy, tất nhiên... yếu ớt (dẫu có rất nhiều cái “nền vật chất” khác). Hơn 2000 năm trước, khi đến một xứ sở nào, để biết thực trạng xã hội nơi ấy, triết gia Tuân Tử đều muốn nghe nhạc. (Thời ấy, thơ và nhạc gần như là... một, nên mới gọi là thi ca). Và ông đã phán định: Đời suy thì lễ phiền mà âm nhạc dâm. Đúng quá chứ còn gì nữa!

Chợt nhớ một mẩu tin đã đọc từ nhiều năm trước: Chính phủ Pháp bao cấp “trọn gói” cho 15 ấn phẩm về thơ; trong đó, có tạp chí thơ xuất bản hằng tháng với số lượng 547.000 bản/lần. Hẳn rằng, nhà cầm quyền Pháp không “dại gì” mà quẳng rất nhiều tiền vào một lĩnh vực có vẻ... vô bổ như thơ? Ở ta, thơ được đối xử như thế nào?

Một anh bạn cung cấp thêm thông tin khác: Ở Mỹ, có khoảng 12.000 nhà thơ, tất nhiên đều là nhà thơ chuyên nghiệp. Và anh làm bài toán: Dân số Mỹ nhiều hơn dân số Việt Nam khoảng 3,5 lần; nếu tạm căn cứ vào cái “chuẩn” là hội viên Hội nhà văn Việt Nam để có thể tạm được gọi là nhà thơ (chứ chưa “phân tích phân loại” thật-giả thế nào), thì số lượng nhà thơ ở cái quốc gia “kỹ thuật máy móc” ấy nhiều gấp năm lần xứ sở Việt Nam “yêu mến văn học” (ấy là chưa nói đến thực chất của cái-gọi-là nhà thơ, cũng ở xứ ta).

 

Chợt nhớ tập thơ dịch của anh bạn Bùi Xuân gửi tặng. Thơ Tagore, tập Mùa hái quả. Thi hào Ấn Độ đã để lại hơn 50 tập thơ, là những chuỗi ngọc quí trong kho tàng thơ ca nhân loại. Ở Việt Nam, dường như mới có khoảng năm-sáu tập thơ của Tagore được dịch. Người dịch-người tặng sách là một cán bộ cần mẫn. Anh làm việc ở ban tuyên giáo, làm thơ, lại dành thời gian cho việc dịch thuật. Quí quá! Quí hơn, là con người anh: anh yêu tinh thần-tư tưởng của Tagore, và làm việc gì cũng vì muốn đem đến sự tốt đẹp cho xã hội. Tập thơ có 86 bài, thấm đượm tính tượng trưng với nhiều ẩn dụ sâu sắc. Bài thơ cuối (Lễ tạ ơn) có những câu thơ mãi mãi thời-sự-và-chân-lý: Những người đi trên lối mòn của niềm kiêu hãnh đã chà đạp những cuộc đời hèn mọn dưới chân mình và phủ lên màu xanh dịu dàng của trái đất bằng những vết chân đẫm máu... /... Những người hèn mọn đã chịu nhiều khổ đau và gánh nặng cường quyền đã phải giấu mặt và bóp nghẹt những tiếng nức nở của mình trong đêm tối... Để rồi cuối cùng, đối với những con người bị chà đạp ấy: Từng nhịp đập đớn đau của họ đã đập trong đêm sâu bí ẩn, và mỗi lời sỉ nhục đều được thu vào sự im lặng lớn lao của người. Ngày mai là của họ...

Đọc xong, thầm nói: Cảm ơn thơ tặng...

 

Người nhặt sách

Tặng chị Duyên ở Nha Trang

Những cuốn sách mà chị có được trong tủ sách gia đình là kết quả của cả một... quá trình tích lũy dài đến mấy mươi năm.

Mới nghe qua như thế, những tưởng chị là người làm việc trong lĩnh vực sáng tác hoặc nghiên cứu. Thực ra, chị cũng đã từng mơ ước như thế, vì từ hồi đang còn là một học sinh cấp II, chị đã có thiên hướng văn chương: các bài văn chị viết thường đạt điểm số cao. Có lần, vì một bài văn của chị mà thầy giáo chấm không đúng (cho điểm thấp hơn số điểm lẽ ra phải có), chị đã... khiếu kiện đến tận ban giám hiệu. Đó cũng là một nét tính cách của chị: không chịu được cái gì không đúng. Nghe thêm như thế, lại dễ ngỡ rằng chị là người... bướng bỉnh. Không phải. Mà ngược lại: Nét dịu dàng là điều ai cũng có thể nhận ra nơi chị, nếu có dịp tiếp xúc. Cũng có nghĩa rằng, bên dưới sự lặng lẽ nơi người phụ nữ này là vẻ đẹp của một cành hoa cứng cỏi...

Chồng chị kể: Duyên cất giữ đầy đủ tất cả những giấy tờ và thư từ liên quan đến anh, từ những lá thư tình thời đi học đến các mẩu giấy dặn dò về một việc rất bình thường trong sinh hoạt gia đình. Điều có vẻ nhỏ nhặt này, thực ra rất khó thực hiện. Vì con người thường dễ... quên. Mà nếu có quên, thì cũng... thông cảm được: biết bao nhiêu chuyện-thường-ngày cứ dần dần bào mòn đi những mơ mộng trong sáng mà nhiều người đã từng có, thời trẻ tuổi...

 

Nghe kể chuyện, tôi gọi chị là người-mê-sách. Chị không chịu nhận cái... biệt danh này. Mà tự cho rằng mình chỉ là người nhặt sách thôi. Thì... thôi vậy, cứ gọi là nhặt: làm sao trái ý được một người có đức khiêm tốn? Kỷ niệm về chuyện sách, qua mấy mươi năm, làm sao mà kể cho hết. Tôi cười, hỏi... xa xa: hẳn chị nhớ câu thơ cũ: Thập tải độc thư bần đáo cốt?. Chị cũng nhẹ cười: không đến nổi nghèo tận xương như các hàn sĩ ngày xưa đâu; chỉ là mức chi dùng hằng ngày dần dần “lấn” sang cái khoản dành cho việc nhặt sách thôi!

Thời gian gần về hưu, có bằng hữu ở xa gửi chị vài quyển sách có nội dung Phật học. Chị đọc, suy nghĩ, đối chiếu những gì trong sách đề cập với con người-cuộc sống chung quanh và nhận ra nhiều điều có ích. Chị tâm đắc nhất là sự “bớt dần” và “buông xuống” mà chị cho rằng đó là chìa khóa của hạnh phúc...

 

Chồng chị rất biết ơn chị; anh ghi lại trong đôi dòng chân thực: em vắt kiệt em... / từng giọt vào anh / từ ngọn gió về / từ giọt mưa em / anh bước lại dấu chân mình/ bốn mươi năm trước (Viết trên giường bệnh). Chị sắp có cháu nội. Một người thân ở xa “tiên đoán” rằng cháu sẽ là một con người hiếu để và sáng trí. Vui thầm, chị mơ hồ cảm nhận rằng, đó là “quả” của nhiều đời đã gieo “nhân” tốt. Dẫu chị biết rằng, trong khoảng mươi-mười lăm năm trở lại đây, mỗi bà mẹ khi sinh con ra, thì điều mà họ và cả ông bà nội ngoại mong ngóng không phải là sau này đứa trẻ sơ sinh kia sẽ trở thành người học giỏi hoặc có tài năng gì đặc biệt, mà chỉ có một ước ao bình thường nhất là cháu bé được lành lặn và khỏe mạnh. Dẫu chị vẫn biết rằng, có những bà mẹ, ông bố và ông bà nội ngoại đã sống rất tốt, đã gieo “nhân” tốt nhưng con cháu vẫn không tránh được những dị tật ngày mỗi nhiều (gần 10% trẻ sinh ra trên quê hương này đã bị dị tật như vậy). Ở cơ quan chị, có lần một nhân viên trẻ tuổi mới sinh con, vui mừng bày tỏ với đồng nghiệp rằng, nhờ cha mẹ cô ăn ở có phước nên con của cô được khỏe mạnh. Một nhân viên trẻ tuổi khác đang ngồi bên cạnh tỏ ra rất chạnh lòng. Bởi vì trong ba mươi cán bộ-nhân viên nữ công tác cùng cơ quan, cô ấy là một trong số ba cô sinh con bị dị tật... Tất cả đồng nghiệp đều biết, cha mẹ của cô nhân viên gặp hoàn cảnh bất hạnh ấy vốn là những nông dân lương thiện, chơn chất... Dẫu chị hiểu rằng, mọi hiện tượng dù có những biểu hiện giống nhau nhưng đều mang ý nghĩa khác nhau, bởi chúng tùy thuộc vào tâm thái tiếp nhận không giống nhau của mỗi người. Điều cảm nhận của chị và những “sự thật” vừa kể là hai chuyện “có vẻ” không ăn nhập gì với nhau, càng không “dính líu” gì với lời “tiên đoán” trên kia, chị vẫn luôn ôm ấp niềm tin ấy. Niềm tin bắt nguồn từ kiến thức chị “nhặt” được trong sách, rằng, nhân-quả không phải là sản phẩm tôn giáo hay những điều huyễn hoặc mà là những định luật chi phối-điều hành cả vũ trụ, theo kết luận của những phát kiến mới nhất của khoa học hiện đại. Và không hiểu sao, chị trực cảm được rằng, một trong số những cái “nhân” tốt, ấy là cái việc... nhặt sách. Không phải chỉ là các loại vật liệu bằng giấy bằng mực đã làm nên quyển sách mà là những điều ẩn chứa đằng sau lời dạy của bao lớp người đi trước.

N.Đ.N